"Lửa Phật": Đẹp thì có đẹp nhưng duyên chẳng còn!

Hải Anh,
Chia sẻ

"Lửa Phật" giống như một cô gái đẹp, khoác lên mình đủ thứ phục trang lộng lẫy, nhưng tính tình lại ngớ ngẩn, vô duyên... Cô gái như vậy, người ta thương thì nhiều, chứ yêu thì không mấy người đủ can đảm!

Lửa Phật có lẽ là cái tên phim hot nhất thời điểm này, khi mùa phim hè với hàng loạt những bom tấn lớn đã đi qua, một bộ phim Việt được quảng bá là phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam, với thời gian "thai nghén" lên đến 5 năm của đạo diễn Dustin Nguyễn, cộng với dàn diễn viên tên tuổi và thực lực, chưa kể cả những tranh cãi về chất lượng thời gian gần đây, có lẽ khán giả nào cũng muốn được ra rạp một lần để "xem cho biết". 



Bên cạnh đó, có thể thấy thị trường phim Việt năm 2013 đang trên đà trầm lắng, không tạo được nhiều dấu ấn nổi bật. Ngoài Mỹ Nhân Kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khuynh đảo rạp chiếu Việt mùa phim Tết, những bộ phim đi sau đều rơi vào tình trạng nổi lên trong chốc lát rồi chỉm nghỉm. 

Bụi đời Chợ Lớn được người yêu điện ảnh chờ đợi trong hy vọng cuối cùng không thể ra rạp, Đường đua được báo chí khen ngợi hết lời thì chịu số phận ế ẩm có lẽ vì kém chiêu trò quảng bá. Lửa Phật lựa chọn thời điểm ra mắt vừa ít cạnh tranh lại vừa đáp ứng cơn khát phim Việt của khán giả được tích tụ lâu ngày, không gây xôn xao có lẽ mới là chuyện lạ đời!

"Lửa Phật" trailer

Nhưng thực hư thì Lửa Phật thế nào, mà tại sao người khen hay, kẻ chê dở? Với mức kinh phí được cho là trên 1 triệu USD, đầu tư lớn về mặt kỹ xảo, phục trang, thậm chí còn cất công mời ngôi sao Hollywood tham gia, các diễn viên cũng phải "ăn dầm nằm dề" suốt nhiều tháng quay phim, trầy da tróc vảy vì những cảnh quay hành động khó nhằn, nếu xem phim xong mà nói toạc một câu "phim dở tệ!" thì cũng hơi quá bất công cho Lửa Phật, chẳng khác nào công sức nhiều năm của cả một ê kíp chỉ như bát nước đổ đi. 

Đó là chưa kể nguyên sự dũng cảm của Dustin Nguyễn đã là một điều đáng khích lệ khi lần đầu tiên thử sức với thể loại hành động giả tưởng này với tham vọng đem đến cho khán giả Việt một món ăn mới lạ trong thực đơn đã no nê các thể loại hài nhảm nhiều năm trở lại đây.



Để ví von, có lẽ nên ví Lửa Phật với hình ảnh một cô gái đẹp, ra sức khoác lên người những bộ trang phục lộng lẫy. Lửa Phật có nhiều khuôn hình đẹp, đậm chất điện ảnh. Đặc biệt hình ảnh của Ngô Thanh Vân sẽ khiến nhiều khán giả phải nao lòng. "Đả nữ" trong phim khi thì dũng mãnh trong hình tượng nữ chiến binh gợi cảm, khi lại dịu dàng, đằm thắm với hình ảnh người mẹ, người vợ, và mang nét đẹp phiêu diêu, thoát tục trong những hình ảnh hồi ức gợi nhắc quá khứ. 

Thứ hai là hành động đẹp, kỹ xảo đẹp so với mặt bằng phim Việt nói chung. Lửa Phật có khoảng 600 cảnh quay sử dụng kỹ xảo, thuộc loại nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Những cảnh đánh đấm cũng rất đáng "đồng tiền bát gạo".


Thứ ba, cũng là một điểm đang gây tranh cãi của bộ phim - là trang phục. Nhiều người thắc mắc trang phục trong phim lộn xộn và pha tạp, không rõ thuộc thời đại nào, nhưng cũng nên nhớ đây là một bộ phim giả tưởng nên mọi sự sáng tạo đều được phát huy đến mức cao nhất. Người ta có thể tìm thấy một sự kết hợp giữa trang phục của chiến binh phương Tây thế kỷ XVI, võ sĩ Samurai Nhật và cả cao bồi Mỹ trong phục trang của Lửa Phật. Cũng không thể phủ nhận những trang phục của Ngô Thanh Vân trong phim rất đẹp và tinh tế.



Về phần nhìn, cái cô gái mang tên Lửa Phật đã ổn, bây giờ người ta cần biết cô ấy có nội dung gì. Thế nhưng tiếc thay, cô gái này lại tham đầu tư cho vẻ ngoài quá mà lơ là chăm sóc chính tâm hồn mình. Người xem như kẻ chiêm ngưỡng cởi bỏ hết lớp quần áo lộng lẫy này đến lớp quần áo lộng lẫy khác mà vẫn không tìm thấy cái "tâm hồn" mà họ cần tìm. Ai đó thiếu kiên nhẫn thì bỏ cuộc, ai chịu khó thì sẽ cóp nhặt được cái "tâm hồn" đó ở mỗi nơi một chút, cũng gọi là có, nhưng đem chắp vá lại thì khập khiễng, nham nhở, hụt hẫng...

Về nội dung như ban đầu được giới thiệu, Lửa Phật là câu chuyện kể về Đạo (Dustin Nguyễn) một vị thầy tu võ nghệ cao cường sau khi lập công đuổi giặc ra khỏi bờ cõi đã lang thang tìm cách gột rửa bụi trần vì thấy tay mình nhuốm máu. Ông lên đường truy bắt người con gái đào ngũ chín năm về trước (nhân vật Ánh của Ngô Thanh Vân). Đến một ngôi làng nọ, vòng xoáy ái tình và hận thù đột ngột làm thay đổi sứ mệnh của vị thầy tu. Tại đây, những mâu thuẫn và ân oán năm nào đưa đẩy các nhân vật tới một kết cục bất ngờ…

Dustin Nguyễn vai Thầy Đạo

Nhân vật chính trong phim là thầy Đạo, nhưng khi xem hết cả bộ phim, có lẽ rất ít người trong số khán giả có thể nắm bắt được nhân vật này. Một mặt, vị thầy tu này luôn cất lời rao giảng về nghĩa lớn, về trách nhiệm của những chiến binh bảo vệ Tổ quốc, nhưng cuối cùng người ta chẳng tìm thấy "nghĩa lớn" của thầy Đạo đâu, mà chỉ thấy một người đàn ông bí ẩn, chiến đấu với đồng đội cũ để bảo vệ cho người đàn bà mình đã từng yêu trong quá khứ. Đó là chưa kể còn có thêm nhiều tình tiết đan xen rất "vô duyên" làm mất đi hoàn toàn tính logic của nhân vật này.

Nhân vật cô gái điên biết yêu của Đinh Ngọc Diệp xuất hiện khá mơ hồ trong phim

Ôm đồm một nội dung quá nặng nề, nhưng cái mà Lửa Phật gửi tới khán giả dường như chỉ có một "nhúm con con" nội dung cần tìm kiếm. Người ta có thể thấy ở đâu đó tình yêu, tình thương giữa người với người, tình mẫu tử, phụ tử... nhưng nó lại bị phân tán trong một câu chuyện dài dòng, nặng kể lể, cốt truyện lỏng lẻo, thiếu chiều sâu và chắp vá. 

Có lẽ do thấy nội dung nặng nề quá mà khi xem Lửa Phật, có đôi khi khán giả cũng được bật cười trước những tình tiết hài mà những người thực hiện cố tình tạo ra, chỉ tiếc là cái cố tình này hơi vụng về, khiên cưỡng, kém duyên. Đạo diễn phim như vị đầu bếp đang làm một món xào thập cẩm mà không nhớ phải cho những nguyên liệu nào. Tình tiết hài cũng giống như gia vị, lúc cao hứng nhớ ra thì anh đầu bếp cho vào một ít, còn không nhớ... thì thôi, anh ta chẳng cần biết phải cho vào lúc nào, miễn có là đủ!

Ngô Thanh Vân, Thái Hòa diễn xuất ấn tượng nhưng cũng không cứu được "Lửa Phật"

Còn nhớ trước khi Lửa Phật ra rạp, nhà sản xuất đã mạnh miệng tuyên bố rằng Dustin Nguyễn làm Lửa Phật với khát vọng biến tác phẩm này thành một bản anh hùng ca đầy mộng mơ trên màn ảnh rộng. Khát vọng rất đẹp, nhưng hiện thực hóa thì quả thật gian nan. Anh hùng ca đâu chưa thấy, mộng mơ thì lại có thừa đến hơi sến súa, cuối cùng cũng chỉ có thể ví Lửa Phật là cô gái đẹp mà vô duyên, ngớ ngẩn, bảo người ta thương thì được, chứ yêu thì mấy người có đủ can đảm?

Lửa Phật được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 22/8.

"Lửa Phật" quảng cáo rượu trá hình?

Sau khi Lửa Phật được công chiếu, rất nhiều ý kiến của cư dân mạng cho rằng bộ phim đang... quảng cáo rượu trá hình khi rất nhiều hình ảnh những chai rượu kèm nhãn mác rõ ràng được đan cài trong phim.

Trả lời về vấn đề này, bà Hồng Ngát, thành viên Hội đồng Thẩm định phim truyện của Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Hội đồng duyệt phim chủ yếu chú ý đến nội dung tư tưởng và vấn đề tôn giáo trong phim xem có điều gì vi phạm hay không; còn không để ý lắm đến những đạo cụ trong phim, mà ở đây, những chai rượu được xem là đạo cụ trong Lửa Phật. Chúng tôi nhìn nhận là đã có thiếu sót và đây là bài học kinh nghiệm trong những lần duyệt phim sau này”. 

Cục Điện ảnh sau đó cũng đã yêu cầu hãng sản xuất có văn bản giải trình về sự việc này. Đến chiều ngày 26/8, Cục Điện ảnh đã nhận văn bản giải trình của nhà sản xuất Lửa Phật và nêu rõ hãng phim không hề có ý định quảng cáo trá hình sản phẩm rượu trong phim.

Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan cho biết Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục Điện ảnh sẽ xem xét kỹ vấn đề này. Bà Lan cũng cho ý kiến về việc nếu việc uống rượu phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật cũng như diễn biến phim thì điều đó là hoàn toàn bình thường.
Chia sẻ