Hời hợt phim lịch sử cách mạng Việt Nam

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Những bộ phim đề tài lịch sử cách mạng thời gian gần đây khi lên sóng truyền hình đã không làm được những điều như mong đợi của người xem.

Có được câu chuyện chặt chẽ từ 2 tác phẩm Người của biểnSóng chìm (từng nhận giải thưởng Hội Nhà Văn 2008) của nhà văn Đình Kính, kinh phí đầu tư hơn 16 tỉ đồng, lại được sự hỗ trợ phương tiện kỹ thuật khí tài quân sự của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân để dàn dựng những đại cảnh nhưng cuối cùng bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển (đạo diễn Đinh Thái Thụy, Công ty TNHH một thành viên Phim Giải Phóng sản xuất, đang phát sóng trên kênh HTV9) đã ra mắt trong sự ngỡ ngàng của khán giả. Những gì thể hiện trên phim không được như mong đợi của mọi người.

Dễ dãi?

Ngỡ ngàng từ khung hình đầu tiên về một trong những nhân vật chính của phim: Thuyền trưởng Lê (do người mẫu Hoàng Phi đóng) với khuôn mặt “cứng đơ” trong một cuộc đối thoại không sức hút. Nối dài theo đó là những mảnh diễn xuất gượng gạo, Hoàng Phi không đủ sức lột tả nổi hình ảnh một thuyền trưởng của tàu không số ngoài khuôn mặt “ăn hình”. Không bị chê là “thiếu hồn vía” như Hoàng Phi, diễn viên Châu Thế Tâm có thể đảm đương tốt hơn được vai thuyền trưởng Tòng, nhưng thất bại là nhân vật này lại được xây dựng trong tình trạng “nói nhiều hơn làm”, vô tình tạo dấu ấn kiểu “nhân vật hô khẩu hiệu”.

Châu Thế Tâm (trái) và Đinh Y Nhung trong phim Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh do đoàn phim cung cấp

Ngỡ ngàng thứ hai là những cuộc không kích của địch chỉ được thể hiện qua loa, tổn thất của người dân làng Cát (không gian chính của phim) chủ yếu được… minh họa bằng lời nói. Hình ảnh máy bay trực thăng được tận dụng “rải đều” suốt các tập phim nhưng thiếu ấn tượng. Có khi chỉ là cảnh máy bay “vèo qua” như góp phần “trang điểm” cho khung hình; nhiều cảnh không ăn nhập gì với diễn tiến phim. Xem cảnh quân địch đổ bộ vào vùng đất của du kích cứ ngỡ đó là cuộc … khám phá rừng rậm của một nhóm người, bình thản và nhẹ tênh. Cảnh vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam với những khó khăn, nguy hiểm trên biển được thể hiện bằng cuộc đối thoại giữa 2 chiến sĩ trong bối cảnh không khác ước lệ tượng trưng kiểu sân khấu...

Đã gần nửa chặng đường phim, chưa thấy được tình huống gay cấn, hồi hộp đến mức khiến khán giả không thể rời màn hình. Cuộc chiến cứ như những tiết tấu rời rạc, mạch phim nhàn tản đi qua trong… thanh bình.

Đáng tiếc lớn nhất của phim là khai thác đề tài về đường Hồ Chí Minh trên biển nhưng phim không tạo dựng được những hành trình khốc liệt cho đoàn tàu không số cùng sự kiên trung, bất khuất, quật cường của các chiến sĩ trên tàu mà nổi bật lên lại là mối tình của nữ chiến sĩ hoạt động bí mật Tư Nhâm (diễn viên Đinh Y Nhung) và thiếu tá quân đội Sài Gòn Hai Rạng (diễn viên Lý Hùng). Đó cũng là điểm nhấn giúp phim thu hút hơn. Diễn xuất của Lý Hùng và Lâm Minh Thắng (vai đại úy Hoàng) ở “phe địch” khá thành công, ấn tượng hơn hẳn các nhân vật thuyền trưởng của “phe ta”. Và điều gây khó chịu nhất là thoại luôn không khớp với khẩu hình diễn viên. Dù có ưu ái cho phim đến thế nào thì đây cũng là một sơ suất bắt nguồn từ sự dễ dãi không thể chấp nhận.

Chưa khá lên được

Không riêng Đường Hồ Chí Minh trên biển, phim đề tài lịch sử cách mạng được thực hiện trong những năm gần đây cứ mắc nhiều khuyết điểm, ai cũng có thể nhận ra những sai sót sơ đẳng nhất. Nguyên nhân do đâu? Thiếu nhiệt tâm, khả năng, vốn sống hay vì sự cẩu thả và dễ dãi của những người thực hiện?

Cảnh trong phim

Bộ phim Cuộc vượt ngục thần kỳ phát sóng trước đó cũng gây không ít ngạc nhiên từ bối cảnh không thật đến việc các nhân vật tù Côn Đảo ai cũng… mập mạp, trắng trẻo và trang phục tinh tươm. Cuộc đấu tranh trong xà lim cũng vì thế mà trở thành giả tạo dù rằng phim đã có được những cảnh quay đẹp mắt, tổ chức được những phân cảnh đấu tranh “có quy mô”. Thêm lỗ hổng lời thoại, thiếu hẳn một tầm vóc minh triết và hào khí tranh đấu của các nhân vật tù chính trị.

Một nhà chuyên môn nhận định: “Sẽ thất bại nếu chỉ kể một câu chuyện lịch sử dàn trải như những gì sử sách đã ghi mà không đủ sức tạo dựng hình tượng đúng nghĩa cho nhân vật”.

Trong thời buổi phim truyền hình đã nhạt vì kiểu làm phim “đi ra, đi vô, đối thoại câu giờ” thì khán giả không cần và cũng sẽ không thẩm thấu nổi nếu phim lịch sử cũng theo cái đà tẻ nhạt đó. “Lịch sử không thể là đề tài làm để dễ chiếu hay dễ thu hồi vốn, càng không thể bình thản, hời hợt khi thực tế của cuộc đấu tranh vốn dĩ đã đầy kịch tính và khốc liệt”- một nhà làm phim chia sẻ.

Sẽ còn các phim đề tài lịch sử cách mạng đang trên trường quay hoặc chuẩn bị lên sóng trong thời gian tới: Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Huyền thoại 1C… Không phủ nhận nỗ lực và tâm huyết của các nhà làm phim khi dấn thân vào đề tài lịch sử nhưng khán giả có quyền đòi hỏi nhiều hơn những gì đã được thể hiện trên màn ảnh khi vẫn còn đó những kiểu làm mang tính qua loa, hời hợt.

Thiếu giá trị lắng đọng

Phim Đường Hồ Chí Minh trên biển đã không tránh khỏi những phân cảnh đối thoại đơn điệu, lạc lõng giữa thời chiến; không tạo được tiết tấu dồn dập thu hút sự chú ý của khán giả trong mỗi tập phim. Đạo diễn cũng không khai thác được những chi tiết đắt giá cần có. Mất mát, hy sinh phần lớn được thể hiện toàn cảnh, nhanh chóng và rất chung chung. Không có được những khung hình chắt lọc về những tiểu tiết lắng đọng cần thiết tạo nên giá trị lan tỏa. Những thông số kỹ thuật, tư liệu lịch sử về đoàn tàu không số là cần nhưng đó không phải là điều làm nên linh hồn cho một bộ phim. Cái thiếu lớn nhất của Đường Hồ Chí Minh trên biển chính là giá trị lắng đọng.


Chia sẻ