"Hãy coi chứ đừng soi chương trình Đồ Rê Mí"

Thùy Dương,
Chia sẻ

Trấn Thành - một trong những giám khảo của chương trình đã bức xúc khi được hỏi Nhật Tiến có "diễn" quá không khi khóc nức nở trong tiết mục của mình.

Trong suốt 6 năm của Đồ Rê Mí, chưa bao giờ những tranh cãi hay ý kiến trái chiều về chương trình lại nhiều đến vậy.

Từ góc nhìn của những người có chuyên môn

Ca sỹ Mỹ Linh là nghệ sỹ đầu tiên “đặt vấn đề” khi đăng tải những suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân rằng: “Lần đầu tiên xem Đồ Rê Mí. Tội nghiệp các bé quá. Mong sao các con sẽ không trở thành các thảm họa nhạc Việt tương lai”.


“Thẩm mỹ âm nhạc và trang phục, bài trí, màu sắc sân khấu… Chết các con tôi rồi… Chưa kể bé tí đã ganh đua thế này…”

Từ góc nhìn của khán giả

Khán giả Dung Thùy chia sẻ trên một trang báo mạng: “Đã theo dõi chương trình này nhiều năm qua, thực sự chương trình hấp dẫn tôi không phải bởi sự biểu diễn chuyên nghiệp của những em bé mà bởi nét hồn nhiên của các em. Nhưng năm nay xem, dường như thấy ban tổ chức dàn dựng quá nhiều... điều này làm mất đi sự trong sáng vốn có của trẻ thơ. Thiết nghĩ, đã làm chương trình cho trẻ em, thì nên lấy tư duy trẻ em ra để làm, đừng áp đặt những gì người lớn cho là hay, là đúng để bắt các em phải theo. Hai năm nay xem nó, tôi dần mất đi sự hào hứng vì thực sự đã khác với lúc ban đầu!”

Những bất bình lên tới “đỉnh điểm” khi màn trình diễn “Gặp mẹ trong mơ” của cậu bé 9 tuổi đến từ Hà Tĩnh – Lê Trần Nhật Tiến được phát sóng và nhận được sự chú ý khổng lồ từ khán giả. 


"Gặp mẹ trong mơ" qua giọng hát của Nhật Tiến

Khán giả có nickname Loantse có nhận xét: “Nghe đến lúc bé vừa hát vừa khóc, mình tò mò xem bé này còn mẹ không. Vì nguyên bản là Uudam bị mất cả bố và mẹ nên em hát bằng cảm xúc, bằng niềm khát khao có mẹ, nhưng cũng phải chú ý là Uudam không hề khóc khi hát, em hát bằng tình cảm và trái tim. Và thật bất ngờ khi bé Nhật Tiến còn mẹ, mình không khắt khe hay là ném đá nhưng 1 đứa trẻ tình cảm yêu quý mẹ cứ hát về mẹ là khóc hay sao? Khi mà em vẫn có mẹ bên cạnh hằng ngày, vẫn chăm sóc cho em, không đến nỗi hát tặng mẹ, hát về mẹ lại cứ phải nức nở giữa sân khấu cuộc thi vậy à? Nếu đây chỉ là hát ở nhà hay văn nghệ trường liệu có khóc nức nở ngon lành thế không? Thật khó hiểu và cho mình 1 cái cảm giác khó tả về cái cách chương trình làm, vô hình trung làm mình không thích Nhật Tiến, thấy màn biểu diễn giả tạo và diễn quá đà.” 

Vẫn có sự ủng hộ, hài lòng từ phía khán giả


Nhà báo Ngô Bá Lục có những chia sẻ về màn biểu diễn của Nhật Tiến trên trang Facebook cá nhân như sau: “Giọng hát của bé Nhật Tiến không phải quá xuất sắc, nhưng bé hát rất xúc động. Có lẽ lâu rồi mới lại có một "ca sỹ" hát live mà xúc động đến thế. Bé hát không hay bằng cậu bé Trung Quốc, và tất nhiên không so sánh được với Thùy Chi, nhưng rõ ràng, bé làm mình xúc động thật sự. So với cậu bé Trung Quốc, Nhật Tiến chinh phục khán giả bởi em hát bằng tiếng mẹ đẻ nên nhận được sự đồng cảm sâu sắc. Có lẽ chính Nhật Tiến cũng sẽ cảm thấy yêu thương cha mẹ, gia đình mình hơn sau đêm hát này, dù có thể, em đã là người rất tình cảm, rất yêu mẹ nên mới nhập tâm như thế được. Like mạnh bé này!”.



“Thực ra trẻ con lanh lợi thông minh đôi khi nó già trước tuổi, vì thế có thể tạo cho ai đó cảm xúc "diễn". Nhưng mình tin vào cảm nhận của trái tim mình. Mình xúc động khi nghe bé hát, đó là tình mẫu tử thiêng liêng mà chính bé cũng đã cảm nhận được. Hãy vô tư với con trẻ vì trẻ con là vô tư trong sáng nhất.”


Chia sẻ này của nhà báo Ngô Bá Lục nhận được sự đồng tình của nhiều nghệ sỹ như Văn Mai Hương, Ngọc Khuê, Thanh Duy…

Ca sỹ Thảo Trang “thú nhận”: “Tối qua Trang coi mà khóc nghẹn luôn ấy. Cậu bé ấy giỏi hơn bao nhiêu ca sỹ người lớn. Thương không chịu được!” và dành lời khen ngợi: “dù có diễn đi nữa mà lấy nước mắt được nhiều người thì cũng là thiên tài rồi!”.

Ca sỹ Khánh Linh - Cô giáo của Nhật Tiến trong vòng 2 Đồ Rê Mí cũng “làm chứng”: “Tiến hát cảm xúc thật đấy! Mình đã dạy bé 1 vòng thi mà!”.

Một khán giả có đăng bình luận như sau: “Trước khi nhận xét 1 đứa trẻ xin các bạn hãy cố gắng làm 1 người lớn thực thụ đi, đừng cố chấp, soi mói như vậy. Thử hỏi chương trình ĐRM này nếu có được giải cao nhất thì các bé sẽ được hưởng cái lợi gì về vật chất? Đây chỉ là 1 sân chơi văn nghệ cho các bé, giúp các bé phát triển cân bằng hơn trước những áp lực học hành ở Việt Nam ngày nay mà thôi. Tụi trẻ quá hồn nhiên, trong sáng, chúng hát tuy chưa đạt được những yêu cầu kỹ thuật như các cuộc thi dành cho người lớn nhưng có 1 điều chắc chắn rằng các cháu thật vô tư, giản dị và đáng yêu.

Tôi may mắn là đã ngồi xem chương trình hôm vừa rồi, cháu Nhật Tiến hát thật biểu cảm và xúc động, lúc đầu cháu đâu có khóc ngay nhưng đến đoạn điệp khúc tôi nhìn thấy đôi mắt to sáng của cháu cứ giàn giụa cảm xúc, giọng hát của cháu lạc hẳn đi. Thú thật năm nay tôi đã 50 tuổi nhưng chưa bao giờ bị xúc động như khi xem cháu Nhật Tiến hát vừa rồi và tôi cũng đã rơi lệ. Tôi không quan tâm đến bài hát này của quốc gia nào, âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung không phải là của riêng ai hết. Quan trọng là văn hóa của người đang thưởng thức!”.

Nói về những tranh cãi quanh tiết mục hát ru của thí sinh Nhật Tiến, giám khảo Châu Anh cho biết: “Tôi là nhân chứng sống trong khoảnh khắc thăng hoa ấy của Nhật Tiến. Không có một sự sắp đặt nào từ trước, kể cả trước lúc ra sân khấu, Nhật Tiến cũng không có ý định khóc. Nhưng lúc âm nhạc cất lên, dường như Nhật Tiến khác hẳn. Em nhập tâm vào bài hát. Lúc đó, như em chia sẻ, em nhớ đến những lúc bị ốm, phải vào bệnh viện cấp cứu. Chứng kiến sự lo lắng của mẹ, cậu bé đã hối hận về những giây phút mình mải chơi, không chịu học bài hay không vâng lời khiến mẹ phiền lòng. Tình mẹ luôn là thứ cảm xúc tồn tại trong sâu thẳm con người. Nó không thể giả dối và không thể làm người khác rung động nếu giả dối.”

Trấn Thành, một trong ba giám khảo của Đồ Rê Mí cũng không giấu vẻ “bức xúc” khi được phỏng vấn về hiện tượng Nhật Tiến: “Nhân đây tôi cũng xin khẩn thiết kêu gọi mọi người, hãy coi chương trình chứ đừng soi chương trình. Bởi vì sao, bởi vì cái hay trong nghệ thuật cần được nhân rộng, cần được tiếp nối. Bài hát kia không viết để dành riêng cho em bé Mông Cổ. Nó được viết ra để tất cả mọi người cùng hát, và không phải em bé nào mồ côi mới có lí do để thể hiện ca khúc ấy. Nếu như Nhật Tiến không biểu diễn thành công thì người ta có xem xét kĩ càng như thế về tiết mục của em ấy?. Cover hay không không quan trọng. Điều quan trọng, Nhật Tiến đã chạm được đến trái tim của khán giả bằng chính cảm xúc chân thành của mình.”


Nếu bỏ qua nội dung của những tranh luận trái chiều trên đây thì Đồ Rê Mí 2012 là chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi đầu tiên tạo được làn sóng quan tâm của dư luận lớn đến vậy.

Thiết nghĩ, những thể nghiệm mới của Ban tổ chức Đồ Rê Mí 2012 cũng đã nhận được nhiều phản hồi để chuẩn bị cho một cú chuyển mình tích cực hơn trong mùa Đồ Rê Mí 2013, cũng như nuôi dạy con trẻ luôn là việc quan trọng nhất trong một gia đình nên không bao giờ tránh khỏi tranh cãi từ ông bà, cha mẹ và cả bản thân con trẻ.
Chia sẻ