"Đầm Cá Mập 3D": sợ hãi và thích thú

Bulu,
Chia sẻ

Sợ hãi vì cảm giác kinh hoàng mà kỹ xảo 3D mang lại. Còn thích thú" vì lần đầu tiên xem phim kinh dị ở rạp tại Việt Nam mà không bị cảm giác khó chịu bởi việc..."cắt cúp".

Đầu tháng 9 vừa qua, khán giả yêu màn ảnh rộng và phim kinh dị Việt Nam đã có dịp trải nghiệm những cảm giác rùng rợn và sợ hãi khá lý thú khi bộ phim Shark Night 3D được chính thức công chiếu chỉ 1 tuần sau ngày phát hành ở thị trường Mỹ.

Mang đúng nghĩa là 1 phim thương mại, giải trí đơn thuần nên Shark Night 3D không đặt nặng vào nội dung và diễn biến của phim, cũng như xây dựng tính cách nhân vật trong phim. Và tương tự như phần đông những phim kinh dị khác, ấn tượng của phim nằm ở phần kỹ xảo và hiệu ứng hình ảnh.


Kịch bản đơn giản đến độ...dễ dãi

Chuyện phim kể về chuyến nghỉ hè đẫm máu của một nhóm bạn học cùng trường Đại học gồm có Sara (Sara Paxton), Nick (Dustin Milligan), Beth (Katharine McPhee), Malik (Sinqua Walls), Maya (Alyssa Diaz), Blake (Chris Zylka) và Gordon (Joel David Moore) tại một khu hồ nghỉ dưỡng khá tách biệt ở Louisiana. Và tại đây, họ đã gặp phải một thảm họa chết người mang tên "cá mập" khi lần lượt từng thành viên của nhóm đều trở thành mồi cho lũ cá khát máu.

Không khó để nhận ra nguyên nhân của thảm họa này đến từ đâu khi mà tất cả các chi tiết quan trọng của phim đều được...bật mí hết mức có thể. Thậm chí, khi bí mật động trời được tiết lộ gần cuối phim cũng không khiến khán giả bất ngờ nhiều. Chính những trải nghiệm kinh hoàng với phần kỹ xảo mà phim mang lại đã khiến khán giả gần như không còn đủ tỉnh tảo để có thể "nhớ" ra là kịch bản phim có thực sự hấp dẫn hay không.


Như đã nói ở trên, kết cấu phim có phần bị xem nhẹ nên những diễn biến gần như “nằm trong dự đoán” của khán giả. Bối cảnh phim cũng chỉ quanh quẩn ở một cái hồ với không quá 10 nhân vật và hầu như những tình tiết đưa đến thảm họa của họ… dễ đoán đến mức tưởng chừng như bạn đang chơi một trò chơi của trẻ nhỏ.

Xét về nội dung thì đơn giản là thế, nhưng như đã nói ở trên, điểm nhấn của Shark Night 3D lại nằm ở phần kỹ xảo và khai thác triệt để lợi thế hình ảnh mà kỹ thuật làm phim 3D mang lại.

Ấn tượng hãi hùng với kỹ xảo 3D

Minh chứng đầu tiên cho việc tận dụng tối đa lợi thế của phim 3D nằm ở điểm khai thác góc nhìn của khán giả ở việc di chuyển bằng xe. Việc chọn những góc quay và cách thiết lập khiến cho khán giả có cảm giác như mình đang thật sự ngồi cùng nhóm bạn ấy, cùng trên một chiếc xe và cùng trải qua những con đường dài với những cảnh quan vô cùng xinh đẹp của vùng quê nước Mỹ.

Những con đường trải dài, những ngã 4 tấp nập xe cộ, những đoạn đường vắng chỉ có nắng, gió và bụi… như muốn giúp khán giả rũ bỏ mọi thứ tất bật xung quanh mà chuẩn bị tập trung tinh thần để bước vào trải nghiệm của một chuyến đi hứa hẹn sẽ đầy bất ngờ và… sợ hãi.


Điểm lý thú thứ 2 khi trải nghiệm Shark Night 3D chính là những trải nghiệm "mặt đối mặt" với cảm giác "sợ". Những pha cháy nổ, những mảnh vỡ văng tung tóe, những mảng máu và cả những chiếc hàm sắc nhọn của cá mập được tái hiện khá trung thực và luôn xuất hiện một cách bất ngờ nhất, trực diện vào mắt người xem, tạo cho họ cảm giác bất ngờ, sợ hãi đến nỗi có thể hét lên, để rồi sau khi những hình ảnh ấy qua đi thì tự khắc mỗi người sẽ thở phào và mỉm cười với chính mình vì đã quá nhập tâm vào phim.

Và..."sạn"

Phần điểm trừ duy nhất có lẽ nằm ở khâu hóa trang và vài điểm vô lý như khi bạn có thể nhìn rõ mồn một cánh tay bị giấu đi bên trong chiếc áo khoác trắng của nhân vật Malik (Sinqua Walls) sau khi nhân vật này bị cá mập tấn công.

Cánh tay "cụt" của Malik được hóa trang khá "ẩu" khi để khán giả dễ dàng nhìn ra ngay cánh tay bị giấu bên trong

Một chi tiết vô lý nữa là trước khi chiếc canô chở Malik bị nổ, 2 người còn lại quyết định nhảy xuống khỏi ca nô để tránh không bị chết cháy thì Malik lại khiến khán giả..."bật ngửa" vì khả năng "sinh tồn" kỳ lạ của anh chàng. Một giây trước đó anh chàng vẫn nằm mê man trên sàn ca nô (mê đến nỗi cô bạn gái bị té xuống nước mà không biết), nhưng đến khi nhảy thì rất hùng hổ phóng từ thành canô xuống nước và… không biết bằng cách nào lại vào được tới bờ, để rồi sau đó nằm mê man như chết trên giường ngủ cho mọi người chăm sóc.

Có lẽ cũng vì bối cảnh phim chỉ quanh quẩn ở hồ và nước nên trang phục diễn viên không cầu kỳ và cũng chẳng tốn kém là mấy, đặc biệt là trang phục của các cô gái thì để lộ quá nhiều… da thịt. Có lẽ, đây là một trong số những bộ phim "hiếm hoi" mà các cô gái có thể mặc bikini chạy nhảy "tung tăn" từ đầu phim cho đến cuối phim mà chẳng phải ngại ngùng gì nhiều.

Kết

Dù không được đánh giá là có đột phá về mặt kịch bản, nhưng với những gì mà hiệu ứng 3D mang lại, Shark Night 3D vẫn đủ để khán giả có thể nhớ đến và ấn tượng về những trải nghiệm khá gần với những nỗi sợ hãi chết người mang tên cá mập bởi tài năng của đạo diễn David R. Ellis, đã từng khá thành công với nhiều phim kinh dị nổi tiếng như: Final Destination 2, Snake on a Plane (Rắn độc trên không)... kết hợp với phần kỹ xảo 3D khá chân thực về từng loài cá mập và cách thức “săn mồi” của chúng, được thực hiện bởi Walt Conti - người đã từng rất thành công cho phần hiệu ứng của phim The Perfect Storm.


Trên trang web imdb.com (trang web đánh giá phim uy tín của thế giới), Shark Night 3D chỉ được đánh giá là 4.4/10 (theo thống kê đến ngày 21/9/2011). Cũng phải thôi khi phần nội dung của phim đã bị các nhà làm phim "bỏ rơi" thực sự để tập trung vào phần hiệu ứng hình ảnh. Nhưng đừng vì những đánh giá về nội dung này mà bỏ lỡ đi một cơ hội được "sợ" thật sự với những cảm giác mà phim mang lại. Đặc biệt hơn nữa là khi trình chiếu tại Việt Nam, phim vẫn được giữ lại nguyên vẹn - không bị cắt bỏ bất cứ một cảnh "kinh dị" nào. Ít ra thì sau khi tháo kính 3D ra khỏi mắt thì bạn sẽ có 1 cảm nhận rất riêng của mình về bộ phim. Và trên hết, đó là những gì còn đọng lại như một điều đáng nhớ chứ không phải chỉ có tựa phim mà thôi.
Chia sẻ