4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể

Lanxiang,
Chia sẻ

Cuộc đời của những người phụ nữ Việt Nam trong các bộ phim chuyển thể từ văn học khiến người xem day dứt không nguôi.

Chị Dậu trong phim Chị Dậu

Chị Dậu được xây dựng dựa trên tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Bộ phim được liệt vào hàng kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Chị Dậu là hình tượng điển hình cho người phụ nữ nông thôn trong ách thống trị của thực dân Pháp. Chị chịu thương chịu khó, yêu thương chồng con. Chị luôn bảo vệ phẩm hạnh trong sạch của mình. Tuy nhiên, cuộc đời chị lại là một chuỗi những tháng ngày bất hạnh. Để có tiền nộp siu, chị đã bán hết mọi thứ có thể bán trong nhà. Đau xót nhất là khi chị Dậu đưa con gái đến ở đợ nhà cụ Nghị, chứng kiến cảnh con phải nhặt những hạt cơm thừa của chó lên ăn.

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 1

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 2
Những hình ảnh rơi nước mắt trong phim "Chị Dậu"

Có thể nói, nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố đã được "tái sinh" qua diễn xuất đầy cảm xúc của NSƯT Lê Vân. Từ một cô gái Hà Nội quý phái, Lê Vân đã hóa thân thành một phụ nữ quê mùa hết sức thuyết phục. Cô lột tả một cách chân thật tính cách của người phụ nữ nông dân nghèo: cần cù, nhẫn nhịn song cũng tiềm tàng sức mạnh phản kháng. Đặc biệt, ánh mắt của nghệ sĩ Lê Vân trong nhân vật chị Dậu luôn là nỗi "ám ảnh" day dứt trong lòng người xem - ánh mắt nghèo khổ đến tuyệt vọng, đau đáu và thảng thốt giữa những nghịch cảnh dồn dập của xã hội thối nát.

Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Làng Vũ Đại ngày ấy được sản xuất năm 1982. Bộ phim kể về những mảnh đời bất hạnh của những con người "cùng khổ" trong xã hội cũ: một Chí Phèo hung hãn, một Thị Nở dở hơi, một Lão Hạc nghèo đói đến mức phải tìm đến cái chết bằng một liều thuốc bả chó... Trong đó, nhân vật Thị Nở do NSƯT Đức Lưu đảm nhận được người xem đánh giá rất cao.

Thị Nở vừa xấu lại vừa... dở hơi. Tuy nhiên, dở hơi lại có cái hay vì nếu không dở hơi Thị Nở hẳn sẽ đau khổ lắm khi nhìn thấy bộ dạng của mình. Song chính Thị Nở, kẻ bị người đời chế giễu là "xấu ma chê quỷ hờn" đó lại có thể cảm phục được gã côn đồ, chuyên rạch mặt ăn vạ Chí Phèo. Hai con người nghèo khổ ở đáy cùng của xã hội ấy đã gặp nhau, khỏa lấp những khoảng trống tâm hồn cho nhau. 

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 3

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 4
Cảnh trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Thị Nở có lẽ là vai diễn đắt giá nhất trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Đức Lưu. Cho đến hiện tại, chưa ai đủ sức, cũng như đủ can đảm để thể hiện vai diễn này ngoài bà. NSƯT Đức Lưu đã diễn bằng tất cả tấm lòng và tâm huyết của mình. Bà cảm thông sâu sắc trước cuộc đời của một phụ nữ nông thôn đang gánh trên mình sự trừng phạt khắc nghiệt của số phận. Chính vì thế mà khi xem Đức Lưu diễn, người ta thấy xót thương hơn là khinh ghét Thị Nở. Để rồi khi bộ phim khép lại, hình ảnh đọng lại trong lòng người xem là một Thị Nở cao thượng và rất người trong gương mặt xấu xí. 

Thị Mịch trong phim Giông tố

Bộ phim Giông tố được đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nhà văn Vũ Trọng Phụng. Bộ phim là câu chuyện kể về cuộc đời Thị Mịch, một cô gái quê mùa, sắp lấy chồng nhưng lại bị Nghị Hách hiếp dâm mà có thai. Khi vụ án này được đưa ra tòa, Nghị Hách đã giành phần thắng. Sau đó, gã ta đã cưới Thị Mịch về làm lẽ để tránh điều tiếng không hay. Tuy nhiên, Thị Mịch vẫn còn yêu người chồng chưa cưới tên Long. Trong khi đó, Long dù đã lấy vợ khác nhưng vẫn còn vương vấn người yêu cũ. Vàì thế, hai bên đã hẹn hò tình tứ với nhau...

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 5
Yến Chi và vai Thị Mịch trong "Giông tố"

Từ khi gặp biến cố của cuộc đời, Thị Mịch đã biến thành một người đàn bà rắc rối, phức tạp và dâm đãng. Cô ta cư xử vô duyên, đáng ghét vì bỗng chốc được đổi sang sống trong cảnh giàu có, phong lưu. Tuy nhiên, Thị Mịch bị người ta ghét, nhưng cũng không thể không thương. Vì suy cho cùng, cô ta cũng chị là một nạn nhân trong xã hội đầy rẫy những nghịch lý và trớ trêu.

Ngay sau khi ra đời, Giông tố đã lập tức chiếm được cảm tình của khán giả. Cũng nhờ bộ phim này, Yến Chi - người thủ vai Thị Mịch đã trở thành một trong những diễn viên đắt giá thời bấy giờ. Với vẻ đẹp trong sáng phảng phất nét lạnh lùng, kiêu sa cùng lối diễn "xuất thần", Yến Chi đã thể hiện thành công Thị Mịch từ lúc còn là một cô gái chân quê, mộc mạc… cho đến khi trở thành một kẻ bất chấp mọi sự trên đời, thậm chí đến độ lì lợm, ngang ngạnh và trâng tráo.

Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ

Vợ chồng A Phủ được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nhà văn Tô Hoài. Nhân vật Mỵ trong phim do NSƯT Đức Hoàn thủ vai. Cũng giống như truyện, bộ phim Vợ chồng A Phủ là câu chuyện xung quanh nhân vật Mỵ, một cô gái dân tộc Mèo xinh đẹp, đầy mơ mộng nhưng lại bị bắt về làm vợ lẽ của A Sử, con trai của Thống lý Pá Tra. Kể từ đó, cuộc sống của Mỵ không khác gì nô lệ trong gia đình chồng. Cô như “con rùa nuôi trong xó cửa” cứ sống lầm lũi, cam chịu không biết đến ngày mai. 

Thế rồi một ngày kia, Mỵ đã gặp A Phủ, một người cùng chung giai cấp, chung cảnh ngộ với cô. A Phủ bị thống lý Pá Tra bắt phạt nợ, phải đi ở cho nhà hắn vì đã đánh A Sử. Trong một lần đánh mất trâu, A Phủ bị trói và bỏ đói trong bếp. Bộ phim được đẩy lên cao trào khi Mỵ quyết định cởi trói cho A Phủ. Tình yêu và niềm khao khát một ngày mai tươi sáng đã giúp cho đôi trẻ vượt qua nỗi sợ hãi để chạy trốn khỏi "địa ngục" của trần gian. Cuối cùng, cả hai cùng đi theo tiếng gọi của Cách mạng.

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 6

4 nhân vật phụ nữ Việt ấn tượng trong các phim chuyển thể 7
Nhân vật Mỵ trong phim "Vợ chồng A Phủ"

Dù một số chi tiết trong truyện đã bị lược bỏ, song bộ phim Vợ chồng A Phủ vẫn đủ sức lay động trái tim của người xem. Đặc biệt, nhân vật Mỵ do NSƯT Đức Hoàn thủ vai đã khiến khán giả không khỏi ám ảnh. Những chuyển biến tâm lý đa dạng, phức tạp ấy của nhân vật Mỵ đã được bà hóa thân thành công. Ở Mỵ của Đức Hoàn, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp khắc khoải, đau buồn, nhưng ẩn bên trong đôi mắt to tròn, là khát vọng sống cháy bỏng và mãnh liệt của một cô gái Mèo khát khao được yêu. Vai diễn này đã giúp bà đã nhận được giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973.
Chia sẻ