Người đàn ông khô khan trong đời lai láng Quỳnh Dao

,
Chia sẻ

Ít ai biết được đi bên cạnh những thành công của tiểu thuyết gia diễm tình này là một người đàn ông kỳ lạ và một cuộc tình giông bão song cũng quá đỗi dịu dàng.

Được “đóng đinh” với những trang tiểu thuyết ngập tình yêu lai láng và sầu muộn, Quỳnh Dao đã làm rung động biết bao thế hệ độc giả ở nhiều nước trên thế giới.
 

"Xóm vắng", một trong những tác phẩm đỉnh cao của nữ sĩ Quỳnh Dao.

Lần gặp đầu tiên và cú sét tưởng tượng có thật

Năm đó Quỳnh Dao 25 tuổi. Cả một năm trời, cô viết như điên.

Trong cuộc sống chẳng còn gì vui thú hơn nữa, cô và Khánh Quân chồng mình vẫn mắc kẹt trong cái vòng tra tấn lẫn nhau bằng nỗi bất mãn. Ý nghĩa cuộc sống của cô chỉ còn hai thứ: cậu con trai và những trang viết.

Giữa tháng 5, Quỳnh Dao bắt đầu viết “6 giấc mộng”. Viết 3 xong giấc mộng trước, Quỳnh Dao vội viết “Dòng sông ly biệt”. Vừa viết xong “Dòng sông ly biệt”, cô lại tiếp tục hoàn thành “6 giấc mộng”.

Cô vẫn viết bạt mạng như thế khi hoàn thành những ý tưởng của tiểu thuyết “Song ngoại”. Cô phải chứng minh rằng ngoài câu chuyện của bản thân, cô còn có thể viết được những điều khác. “6 giấc mộng” được đăng lần đầu trên tờ “Hoàng Quán”, “Yên vũ mông mông” đăng trên phụ san của báo Liên hợp, đều là do Bình Hâm Đào sắp xếp, khi đó, anh là TBT Tạp chí Hoàng Quán đồng thời là Chủ biên của phụ san báo Liên hợp.

Nữ văn sỹ nổi tiếng Quỳnh Dao. 
 
Mùa đông năm đó, Quỳnh Dao lần đầu tiên gặp người đàn ông đặc biệt của đời mình: Bình Hâm Đào.

Duyên do là nữ sĩ của những áng văn diễm lệ này tới Đài Bắc để nhận lời ghi hình phỏng vấn của Đài truyền hình. Khi đó, truyền hình còn là một thứ rất thời thượng và vô cùng mới mẻ, được truyền hình phỏng vấn thực sự là một việc cực kỳ khó có và cực kỳ vinh quang. Quỳnh Dao ở Cao Hùng nên phải xa con 3 ngày để đi đến Đài Bắc trả lời phỏng vấn, trong lòng cô áy náy lắm. Nhưng thu xếp được việc này rồi, Hâm Đào vừa viết thư vừa điện báo, vô cùng gấp gáp.

Quỳnh Dao đến Đài Bắc, Hâm Đào thân chinh ra ga xe lửa đón cô. Hai người chưa từng gặp nhau trước đó nhưng đã thư từ rất nhiều. Hôm đó Quỳnh Dao mặc một chiếc áo đen, dáng người nhỏ bé mảnh khảnh, đứng lẫn vào đám đông. Vậy mà trong đám đông hỗn loạn ấy, cô nhìn thấy Hâm Đào đang đứng đó, nhìn thẳng vào cô, miệng nói: “Em nhất định là Quỳnh Dao!”.

Hâm Đào năm ấy 36 tuổi. Dáng người không cao nhưng mặt vuông tai to, anh đứng đó với một thần thái nghiêm nghị đầy uy quyền. Anh còn trẻ tuổi mà tóc đã lốm đốm bạc, nhưng đôi mắt thì rất sáng. Nom anh đầy sức sống và dễ mến. Lần đầu gặp nhau ấy, không ai trong số hai người có thể ngờ rằng sau này họ lại nặng tình nặng nghĩa với nhau đến suốt đời như vậy. Khi đó, Quỳnh Dao chỉ lấy làm lạ là vì sao anh ấy có thể nhận ra cô giữa đám đông xa lạ như vậy, cô hỏi: “Làm sao anh nhận ra tôi?” “Tôi nhận ra từ “Song ngoại”, từ “6 giấc mộng”, từ “Dòng sông ly biệt” đấy!”. Anh cười, và giúp cô xách chút hành lý nhỏ. “Không chỉ nhận ra đâu! Mà là vô cùng thân thuộc nữa!”.
 

Nữ sĩ của những tác phẩm diễm tình, lai láng.

Sau này Quỳnh Dao mới biết, Hâm Đào là người khá trầm mặc, ít lời. Nhưng lần đầu gặp nhau ấy anh lại nói rất nhiều. Mãi cho tới hôm nay, ông Hâm Đào tóc trắng đã bồng bềnh như mây vẫn thường hỏi bà Quỳnh Dao: “Khi chúng ta gặp nhau lần đầu ở ga xe lửa Đài Bắc, em có nhìn thấy tia lửa nào không? Anh nghe có tiếng sét mà! Tiếng sấm ầm ầm, cơn bão rất lớn khiến đất trời điên đảo”.

Thực ra, chẳng có tia lửa, cũng chẳng có tiếng sấm sét. Quỳnh Dao khi đó 25 tuổi, đã lấy chồng sinh con, lại viết khá nhiều tiểu thuyết, vậy mà vẫn nhiều ngây thơ. Hâm Đào khi ấy với cô là một “nhân vật lớn”. Anh “thống trị” số phận các tiểu thuyết của cô, anh là tổng biên tập của một tạp chí lớn, lại là chủ biên phụ san của một tờ báo lớn khác! Trong làng phát thanh truyền hình, anh cũng là người nổi tiếng (Hâm Đào chính là người đầu tiên giới thiệu dòng nhạc Rock & Roll với Đài Loan).
 
Người đàn ông “thập toàn” khô khan

Hâm Đào là người đa năng. Vừa có thể làm tạp chí, viết văn viết báo, biên dịch, làm phát thanh truyền hình, lại am hiểu âm nhạc thế giới. Đứng trước người đàn ông ấy, Quỳnh Dao chợt thấy mình chỉ còn là hạt cát nhỏ nhoi. Cô tự ti ghê gớm, liên tục gọi anh là “ngài Bình”. Việc anh tự ra đón ở nhà ga khiến cô vô cùng cảm động. Trong tình cảnh ấy, làm sao cô còn cảm thấy tia lửa hay sấm sét gì nữa? Nhưng khi anh cười và nói về “Song ngoại”, “6 giấc mộng”, “Yên vũ mông mông”, cô lại cảm thấy anh thật gần gũi và ấm áp.

Họ đã tay trong tay đồng cam cộng khổ suốt gần nửa thế kỷ qua và hôm nay, nụ cười mãn nguyện vẫn nở trên môi họ.  
 
Mặc dù mới là lần đầu gặp gỡ nhưng cả hai người đều không thấy lạ lẫm chút nào. Hôm đó, vì có rất nhiều việc cần thảo luận, anh ấy mời cô đi uống cà phê. Trong những lần ngồi trò chuyện, Quỳnh Dao nói về nội dung mình sẽ trả lời phỏng vấn, những vấn đề cần quan tâm, về tình hình phát hành cuốn “Song ngoại”, về phản ứng của độc giả… Còn Hâm Đào dường như cũng có cơ hội để trải lòng mình.
 
Tốt nghiệp đại học, anh rời xa cha mẹ, một mình đến Đài Loan, trên người chỉ có vài đồng bạc lẻ, là tất cả tài sản của người thanh niên mới bước chân vào đời này. Khi đó anh chưa quen với cuộc sống Đài Loan, không một người thân, đêm đến chỉ biết ở nhờ nhà bạn bè. Về sau, được bạn bè giới thiệu, anh vào làm tại một công xưởng và được ở trong khu tập thể cho người độc thân. Khi đó, có 3 người bạn đồng chí hướng với anh cùng quyết định lập ra một tờ tạp chí mang tính tổng hợp. Vậy là 4 người góp vốn, kề vai sát cánh gắng sức ra được kỳ đầu tiên. Những bài dịch và sáng tác in trong đó phần lớn do họ  tự làm, đến nhà in rồi đóng ghim… họ cũng đều tự đi. Số đầu tiên in 3.000 bản, chất đầy căn phòng độc thân của Hâm Đào. Bốn người bạn tề tựu trong căn phòng nhỏ, tay cầm tờ tạp chí thưởng thức lại từng bài báo của mình.
 
"Hoàn châu cách cách" - bộ phim thay đổi phong cách của Quỳnh Dao.

Sau đó, cả nhóm mới nghĩ cách mang tờ “Hoàng Quán” đi bán. Hâm Đào đạp xe đạp, chở “Hoàng Quán” đến từng hiệu sách sạp báo, ký gửi bán, nhưng đến ký gửi họ cũng chẳng màng! Có vài nơi miễn cưỡng nhận, song vứt luôn tờ tạp chí ra đất, rồi chất lên đó hàng lô tờ khác. Người ta coi thường “Hoàng Quán” như thế, Hâm Đào ức, bèn moi lên, xin ông chủ hiệu sách cho đặt lên trên. Ông chủ trợn mắt nhìn anh, tức giận nói: “Cái loại tạp chí rách này chả có ai mua đâu!”. Hâm Đào nghe mà đau lòng. Một tháng sau quyết toán, chỉ bán được 57 cuốn! 4 người bạn chỉ hợp tác được có 3 tháng mà lỗ chổng vó, 3 người kia rút lui, chỉ còn lại lòng kiên trì kỳ lạ của Hâm Đào. Tháng nào cũng đạp xe đi ký gửi, sách nặng quá, anh phải đạp vất vả tới mức về sau hai cẳng chân sưng vù!”.

Tạp chí uy tín và ăn khách này đã từng ra đời trong gian khổ như thế. Nếu không có một nhiệt tình và nỗ lực hơn người thì có lẽ mọi chuyện đã kết thúc từ trong trứng nước rồi! Có lẽ vì nỗi vất vả triền miên đã khiến chàng trai 36 tuổi khi ấy hãy còn trẻ mà tóc đã pha sương.

Thời điểm hai người gặp mặt nhau, tạp chí này đã phát hành được 10 năm nhưng vẫn rất gian khổ, vì lợi nhuận ít, tình hình kinh doanh thê thảm. Trong tay Hâm Đào chỉ có một nhân viên, một tạp chí dày dặn như vậy mà từ đọc bản thảo, biên tập, trình bày, ấn loát, đọc bông anh đều phải làm. Câu chuyện rông dài, anh lại cười: “Thật không dễ dàng, bây giờ đã lặn lội được những 9 năm như thế, chúng tôi đã gặp được Quỳnh Dao! Nói cách khác, “Hoàng Quán” đã thực sự cất cánh rồi!”.
 
Rất nhiều mỹ nhân nổi danh từ phim của Quỳnh Dao. 
Và tình yêu cũng cất cánh

Đêm hôm đó đến thăm nhà Hâm Đào, được trò chuyện, được hiểu nhau, Quỳnh Dao thấy lòng mình ấm áp. Ngày hôm sau, cô lại lên xe lửa trở về Cao Hùng, Hâm Đào vẫn ra ga tiễn cô. Khi cô đã lên tàu, anh đưa cho cô một hộp giấy da bò lớn và dặn: “Một chút quà nhỏ, về nhà hãy mở nhé!”.

Cô đón lấy, lặng người đi, giống như trước một cuốn sách đang rộng mở. Suốt dọc đường cô chẳng dám mở. Về tới nhà, Khánh Quân đón cô, mặt mũi nhăn nhó nói: “Có một việc rất lạ, ai đó gửi đến nhà một chiếc máy hát! Chẳng biết có phải là nhầm địa chỉ không!” Cô chạy lại xem, một cái máy hát thật lộng lẫy, âm thanh thật đẹp, quá xa xỉ! Trên chiếc máy không có danh thiếp, không có bưu thiếp, không có gì để lại. Cô đột nhiên nghĩ tới gói quà mà Hâm Đào đã trao cho bèn vội vã mở ra, quả đúng là một xấp đĩa hát, nào Tchaicovsky, Beethoven, Mozart,… Quỳnh Dao lật đi lật lại đống đĩa, một tờ giấy nhỏ rơi ra, những dòng chữ thảo nghiêng nghiêng: “Biết rằng em viết rất mệt nhọc, mà nhuận bút lại thấp, vì “Hoàng Quán” cũng còn tương đối vất vả. Một cái máy hát có lẽ là thứ mà gia đình em cần, coi như tấm lòng với người bạn ở Cao Hùng, hãy vui vẻ nhận nhé!”.

Cô cảm động vô cùng, không chỉ vì chiếc máy hát mà còn vì những đĩa nhạc trong tay, sắp xếp chu đáo như vậy chỉ có thể là một người rất sâu sắc.

Sau này, có lần Quỳnh Dao hỏi Hâm Đào: Lần đầu tiên gặp mà đã tốn tiền mua đĩa hát, gửi máy hát, có phải trong lòng anh có âm mưu gì không?” Hâm Đào mới nghiêm nghị trả lời: “Đừng có nghĩ oan cho người tốt! Biết em viết rất gian khổ nên thấy có lỗi, muốn bù đắp một chút nhuận bút thôi, lại còn lo đụng tới lòng tự tôn của em nữa. Về sau nghe em nói không thích nhạc rock mà ưa nhạc cổ điển hơn, anh nghĩ mãi mới ra món quà này đấy!”.
 

"Dòng sông li biệt", một tác phẩm khác của Quỳnh Dao đã được dựng phim 2 lần.

Trong nhà Quỳnh Dao đã có máy hát, cô có thể vừa viết vừa nghe nhạc, khi viết đã không còn thấy cô đơn nữa. Cô cũng đã mua được tủ lạnh, có thể trữ rau cho cả tuần, tiết kiệm được không ít thời gian. Nhuận bút từ “Hoàng Quán” và phụ san Liên hợp cộng lại cũng là con số không nhỏ. Cuộc sống khốn khó dường như đã ở lại phía sau. Nhưng sự lạnh lùng và bất mãn của Khánh Quân lại như ngày càng tăng lên. Cô càng bận viết, anh ấy lại càng xa cách, khi bản thảo cô được in, anh ấy không còn mừng vui. Một ngày nọ, anh ấy nhìn cô chằm chằm và khổ sở nói: chính Quỳnh Dao và những thành công của cô đã cướp mất cơ hội của anh ta, rồi đùng đùng bỏ đi.

Đêm đó, Quỳnh Dao bế theo con trai, băng qua màn đêm, thực hiện quyết định cuối cùng: từ bỏ Khánh Quân.

Mùa xuân năm 1964, li dị chồng xong, Quỳnh Dao mang con trai rời khỏi Cao Hùng, trở về Đài Bắc, nơi bà từng sinh sống thời niên thiếu. Cũng trong thời gian này, Bình Hâm Đào luôn sát cánh bên bà, động viên và chủ động giúp bà xuất bản sách, khiến bà vô cùng cảm kích. Tình yêu đến với họ tự nhiên. Nhưng khi đó Bình Hâm Đào đang có một gia đình êm ấm, vì thế chuyện tình của họ không nhận được sự ủng hộ. Hai người đã phải đấu tranh đến cùng trước sự phản đối từ phía gia đình và dư luận xã hội. Và kết quả là họ đã tay trong tay đồng cam cộng khổ suốt gần nửa thế kỷ qua và hôm nay, nụ cười mãn nguyện vẫn nở trên môi họ. Người ta nói rằng, không thể có Quỳnh Dao nếu không có Hâm Đào!

Theo Đang yêu 

Chia sẻ