Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không

Min,
Chia sẻ

Các câu hỏi xoay quanh về loài động vật có ngoại hình "chẳng mấy xinh đẹp" này vẫn còn bỏ ngỏ và lạ lẫm với không ít người. Bao gồm: Rươi là con gì? Mùa rươi khi nào? Giá trị dinh dưỡng của rươi ra sao và nó có độc không...

Từ lâu, các món ăn từ rươi đã được xem là cực phẩm trong thời điểm cuối thu hàng năm tại Việt Nam, chẳng hạn như chả rươi vỏ quýt, rươi kho nồi đất, rươi nướng lá lốt... Nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành món ăn, con rươi thực chất là con gì.

Đặc biệt, ở khu vực miền Nam, các món ăn về rươi hầu như không được biết đến nhiều, vì thế các câu hỏi xoay quanh về loài động vật có ngoại hình "chẳng mấy xinh đẹp" này vẫn còn bỏ ngỏ và lạ lẫm với không ít người dân nơi đây.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 1.

Rươi là con gì?

Thực chất, các thông tin về rươi từ lâu đã được khoa học nghiên cứu và công bố. Rươi thuộc họ giun nhiều tơ, có khoảng 500 loài chia thành 42 chi. Môi trường sinh sống của rươi thường là ở các khu vực nước lợ, hoặc các khu vực tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt. Một số loài nhỏ khác thuộc họ rươi có thể sinh sống trong cả môi trường biển.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 2.

Ở Việt Nam rươi có nhiều ở một số tỉnh địa phương đồng bằng vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợ như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Đặc biệt là vùng Kinh Môn, Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương, rươi xuất hiện khá dày đặc khi vào mùa.

Nhắc đến giun thì chắc chắn mọi người đã có thể mường tượng được hình thù của nó. Rươi không khác như vậy mà mấy, thậm chí còn gây sợ hãi mạnh hơn với những người yếu tim bởi hình thù ngoằn ngoèo uốn lượn và màu sắc khá "sinh động" đặc trưng của chúng. Chưa kể, một con thì đã đành, đằng này khi đến mùa, rươi xuất hiện thành từng đàn nhung nhúc. Chỉ trông thấy thôi là đủ khiến bao cô nàng nổi da gà, bỏ chạy mất dép.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 3.

Mùa rươi bắt đầu vào khi nào?

Dân gian có một số câu ca dao để nói về thời điểm rươi xuất hiện trong năm. Ví dụ như "tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm", ý chỉ rươi nổi nhiều, tập trung nhiều nhất trong ngày 20 tháng chín đến ngày 5 tháng mười âm lịch mỗi năm. Hoặc câu "tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng", "bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy", đều ngấm ngầm nhắc nhở mọi người về thời gian chín mùi để thu hoạch và chế biến các món ăn từ rươi.

Tuy nhiên, những thời điểm trong ca dao tục ngữ chỉ mang tính chất tương đối. Thực chất, theo kinh nghiệm của người dân địa phương ở khu vực Tứ Kỳ (Hải Dương), rươi xuất hiện nhiều trong cả ba tháng 9, 10 và 11 âm lịch mỗi năm. Và chúng nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30 (1-2 giờ sáng); mồng 1, mồng 2 (1-2 giờ sáng) và ngày rằm 14, 15 (19-20 giờ đêm). Các ngày khác chỉ nổi rải rác, ít, khi có, khi không.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 4.

Giá trị dinh dưỡng của rươi nhiều đến mức nào?

Từ rươi, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc và thơm ngon khó tả. Và tất nhiên, ngoài hương vị đơn thuần, món nào làm từ rươi cũng mang giá trị dinh trị dinh dưỡng cao. Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non, với mỗi 100g rươi thì có đến 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo. Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 5.

Rươi có độc không?

Có giá trị dinh dưỡng cao là thế, nhưng khi tiêu thụ các món ăn từ rươi đều phải ghi nhớ kỹ, rươi dù sao cũng là một loài thuộc họ giun, sống trong môi trường bùn cát, đáy nước nên khó có thể kiểm soát được những mầm mống gây hại có trong rươi trước khi mang đi chế biến.

Rươi dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống và hoàn toàn có thể là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây ra các bệnh đường ruột nguy hiểm nếu không sơ chế cẩn thận và chế biến đúng cách.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 6.

Nhưng hay ở chỗ, việc kết hợp rươi và vỏ quýt để làm ra món chả "cực phẩm" mùa thu, không chỉ khiến món rươi càng thêm thơm ngon về hương vị mà còn có thể phòng chóng được những hệ lụy không may khi cơ thể tiêu thụ rươi. 

Theo Đông y, trong vỏ quýt có chứa 3.8% tinh dầu, 9% hectozan, ngoài ra còn có các chất khác như carotene, vitamin B1, B2, rất tốt trong việc phòng và chữa những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 7.

Những ai không nên ăn rươi?

Về cơ bản, đạm từ rươi khác với đạm trong các loại thịt như bò, gà, lợn nên việc ăn uống các loại thực phẩm được chế biến từ rươi cũng cần phải cẩn thận.

Theo đó, những ai có tiền sử bị dị ứng với hải sản được khuyên là không nên ăn rươi để tránh những tác hại không đáng có. Riêng bà bầu và trẻ em cũng không nên ăn rươi nhiều. Với bà bầu, rươi dễ gây khó tiêu, đầy bụng ảnh hưởng không tốt đến em bé. Còn với trẻ em, hệ tiêu hóa đang trong quá trình hoàn thiện, việc ăn rươi nhiều cùng một lúc cũng có thể gây ra những tác hại không đáng có.

Giải đáp về con rươi - đặc sản mùa thu tại miền Bắc: Giá trị dinh dưỡng thế nào và có độc không - Ảnh 8.

Tốt nhất, vì các món ăn từ rươi quá hấp dẫn nên khó tránh khỏi việc "lầm lỡ", không thèm màn đến những hiểm họa đến từ rươi, nên trước khi ăn hoặc cho trẻ em ăn, hãy thử trước một ít thôi để xem phản ứng của cơ thể. 

Đặc biệt, nếu chẳng may cơ thể không thể tiếp thu đạm rươi, thậm chí nặng hơn là gây ra ngộ độc, sốc phản vệ, người ăn phải lập tức đến bệnh viện hay các cơ sở y tế để theo dõi và khám chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được phỏng đoán và tự chữa theo kinh nghiệm tại nhà.

(Nguồn: Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, chia sẻ của Ths. BS Trần Thuấn, Khoa Đông y, Bệnh viện Xanh Pôn và TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai)

Chia sẻ