Già & khốn khó nhưng mối tình 47 năm này vẫn khiến ngôn tình phải chào thua

T.H (Tổng hợp),
Chia sẻ

Không dài dòng, không hoa mỹ, không có những câu nói lãng mạn tựa tiểu thuyết ngôn tình, nhưng những lời tự sự yêu thương dành cho nhau của cặp vợ chồng già làm nghề nhặt rác ở bãi giữa sông Hồng vẫn khiến hàng triệu người rơi lệ.

Ông tên Nguyễn Văn Thành, bà là Nguyễn Thị Thủy. Ở bài giữa sông Hồng, căn nhà lán của ông bà không có ai là không biết tới. Không tài sản đáng giá, không con cái quây quần, ông Thành bà Thủy vẫn gắn bó bên nhau suốt 47 năm trời đằng đẵng, tự mình viết nên câu chuyện tình vĩnh cữu nhiều người mơ ước.

Trở thành nhân vật của chương trình “Hôm nay ai đến” của VTV6, lần đầu tiên ông Thành được xuất hiện trên truyền hình và bộc bạch những tâm sự giấu kín bấy lâu nay về chính người bạn đời thân yêu của mình.

tình già
Đôi vợ chồng già nổi tiếng với chuyện tình vĩnh cửu ở bãi giữa sông Hồng. (ảnh: internet)

Đoạn clip đáng yêu của ông Thành bà Thủy.

Mồ côi mẹ từ bé, ông Thành sống kiếp nay đây mai đó. 15 tuổi đã dạt lên Hà Nội, sống nhờ ở đợ. Đi biệt từ bé nên trong ký ức của ông Thành không còn nhớ mình sinh ra ở đâu. Ông chỉ mường tượng, là ở cuối vùng đất Thanh Hóa. Nhà neo người, chẳng có anh em thân thích. Ông Thành và bà Thủy gặp nhau lần đầu tiên trong một hoàn cảnh hết sức éo le khi ông đang đi nhặt rác ở ga Hàng Cỏ. Nhìn thấy bà Thủy khi đó, mà theo lời ông thì “thân tàn ma dại”, hết sức đáng thương, ông đã đánh bạo tiến tới chào và hỏi thăm. 

Hỏi ra mới biết bà quê ở Thái Bình, cuộc đời bà buồn giống hệt gương mặt bà vậy: Mẹ mất sớm, cha lấy dì ghẻ, bà ở với dì, bị đánh đập không chịu nổi mới bỏ nhà lang thang. Lòng trắc ẩn của con người đã trở thành động lực giúp ông ngỏ lời với bà: hay là về cùng một nhà, no đói có nhau? Khi nhận được sự đồng ý của bà Thủy, ông Thành bỗng nhiên “nhặt được vợ”.

1

Con số 26/9/1969 mà ông xăm vào cổ tay chính là để ghi nhớ ngày tháng vừa tủi nhục vừa hạnh phúc đó, “ngày cưới” của hai con người khổ sở hay nói cách khác là ngày ông chính thức “nhặt” được bà về. Hơn 47 năm trôi qua, ông bà vẫn chung sống bên nhau một cách bình lặng trong căn chòi nhỏ heo hắt ở bài giữa sông Hồng. Ban ngày, ông đi khắp nơi nhặt rác, thu gom phế liệu để đổi lấy vài chục ngàn đồng về xoay xỏa bữa ăn sống qua ngày. Sống ở ven bãi sông, ông còn đảm đương thêm nhiệm vụ vớt xác trôi sông, cứu người, giúp cho những người có số phận kém may mắn. Nhưng có lẽ sự ác nghiệt nhất trong cuộc đời hai ông bà chính là sự cô đơn, không có con cái bên cạnh chăm bẵm. 

Ông Thành kể, những lúc buồn, bà thường hút thuốc lào, có khi còn uống rượu. Ông biết, bà cố nén nỗi buồn vào trong. Nên cũng chẳng vì những tính nết trái trời của bà mà ông giận dỗi, trách móc. "Đôi lúc, có vài đồng, mọi người cho, tôi còn đi mua bia về cho bà uống. Phụ nữ, không có con cái, buồn lắm. Tôi sống đơn giản hơn, sáng nhảy ùm xuống sông, bơi mấy vòng với mọi người. chiều đi làm. Chả có thời gian mà nghĩ. Chỉ thương bà, càng ngày càng héo hon vì buồn. ". Ông Thành thở dài, xót thương vợ.

2

Đoạn clip phỏng vấn nhanh về tình yêu giữa hai ông bà, với sự giản dị, mộc mạc mà vẫn chan chứa cảm xúc, đã lập tức tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội. Nhiều người đã nhận ra trong câu chuyện đó có bóng dáng của những mối tình vĩnh cửu của chính ông bà, bố mẹ mình. Đặc biệt, cách bày tỏ tình cảm hết sức đặc biệt của ông Thành bà Thủy cũng mang tới những nụ cười hài hước cho mọi người.

Đúng như cuộc sống nghèo túng của mình, ông Thành thích nhất là mặc bộ quần áo xanh công nhân, bà thì giản dị “cốt sao cho nó lành là được”. Nói về kỷ niệm ngày cưới, ông vẫn nhớ như in ngày mà hai ông bà về sống với nhau, đó là ngày 26/9/1969. Còn bà Thủy chỉ thật thà cười pha trò: “Gặp nhau ở bãi rác thôi, hôn hít gì!”

Trong khi cách mà bà nói về những bữa ăn đạm bạc hàng ngày là: “Ăn chẳng được bao nhiêu, có cái gì cũng ăn” thì ngược lại, với ông Thành, mỗi bữa ăn của hai ông bà đều là điều khiến ông nhớ mãi không quên: “Hai vợ chồng tôi ăn rau luộc, âu yếm thuận hòa, cơm mắm với cà cũng ngon”.

Khi được hỏi về điều bà cảm thấy thích nhất ở người chồng của mình, bà Thủy quả quyết: “Chả thích điều gì, cốt phải thật với tôi, đừng nên dối trá là được rồi”. Rồi bà tiếp, như để giải thích cho quyết định nhận ông làm chồng: “Nghĩ đi mình cũng phải nghĩ lại, cứ đến đâu thì đến, còn nhiều người khổ gấp mấy lần mình, người ta vẫn ổn”. Trong thâm tâm ông Thành, việc lấy một người vợ như bà đã khiến ông cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Hiểu hoàn cảnh mình nghèo túng, cô đơn, ông luôn thầm cảm tạ tâm đức của vợ khi chấp nhận tất cả để về chung sống bên ông suốt 47 năm qua. Ông cười bảo: “Lấy được người chồng để mà cậy nhờ nhưng không may lại lấy phải người chồng cũng cô đơn khổ sở, thế nên bà ấy rất thông cảm, rất thương bà, thương cái tâm đức của bà ấy như thế”.

Người phụ nữ lớn tuổi với gương mặt khắc khổ, làn da nhăn nheo chỉ cười ngượng rồi quay sang hướng khác ống kính, trả lời “không” với câu hỏi “bà có yêu ông không”. Vẻ bối rối đáng yêu của bà khiến bất cứ ai đều có thể nhận ra rằng đây là một lời nói dối. Về phía ông Thành, người đàn ông có nụ cười trẻ thơ thật thà thú nhận: “bây giờ tôi vẫn yêu bà như hồi còn trẻ. Thế mới giữ được cái tình cái nghĩa với nhau chứ”

Nửa cuộc đời gắn bó bên nhau, giữa ông Thành bà Thủy ngoài tình yêu ra còn có một loại tình cảm đặc biệt mà người ta hay gọi là “nghĩa vợ chồng”. Chính điều đó đã khiến ông bà dù có nhiều khác biệt về tính cách, về sở thích nhưng vẫn không khi nào buông tay trong mọi thử thách gian nan của cuộc đời. Đúng như bà Thủy tâm sự: giữa vợ chồng với nhau, “hồi còn trẻ mới yêu, bây giờ còn tình thương”.

Hơn 47 năm cuộc đời gắn bó, chẳng thể tránh được những khi “cơm không lành, canh không ngọt”, mỗi lúc như vậy, ông Thành lại nhớ như in biểu hiện đáng yêu của bà: “Nhiều lúc giận dỗi, bà bảo: tôi dọn dẹp ông lại bày biện ra thế này thế nọ. Con cái không có, chỉ có hai vợ chồng già, tôi cứ một câu nhịn chín câu lành. Cho đến khi khuây khỏa, ổn định ngồi mâm cơm, hai ông bà lại tâm sự, nói chuyện với nhau”.

Đến tầm này tuổi, ông bà vẫn gọi nhau bằng cái tên thân mật “ông hâm, bà hâm”, vẫn san sẻ cho nhau từng miếng ăn ngon, từng góc chăn ấm cho mùa lạnh. Nhưng có lẽ, điều mà ai cũng phải cảm phục ông bà đó chính là sự trong sáng của mối “tình già” – may mắn ai cũng cầu mong sẽ tìm thấy trong đời!

tình già
Câu pha trò của bà Thủy khi nói về đám cưới.

tình già
Cuộc sống bình yên của đôi vợ chồng già.
Chia sẻ