Gia đình nạn nhân tử vong vì Ebola tại Mỹ khiếu kiện bệnh viện

,
Chia sẻ

Gia đình của Thomas Eric Duncan đã khiếu nại bệnh viện Texas Health Presbyterian thuộc thành phố Dallas vì đã không tuân thủ đúng quy chuẩn điều trị bệnh Ebola cho Duncan.

Duncan - bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola tại Mỹ (qua đời vào ngày 8/10)  tới khám ở phòng cấp cứu ở viện Presbytorian vào cuối tháng 9, nhưng được bác sĩ cho kháng sinh và về nhà, dù anh này đã nói với bác sĩ rằng anh ta từ Tây Phi tới. 2 ngày sau Duncan ốm nặng hơn và phải cấp cứu trở lại, lần này được xác định là Ebola. Nhưng tình trạng của anh bắt đầu xấu đi từ hôm 5/10 và tử vong vào ngày 8/10.

Gia đình Duncan cáo buộc bệnh viện Texas Presbyterian đã không thực hiện đúng các quy chuẩn trong việc điều trị cũng như không nỗ lực trong việc cứu sống ông. Đưa ra lý do cho cáo buộc này, thân nhân của Duncan cho biết, không giống như một số bệnh nhân mắc Ebola, Ducan không được cung cấp các phương pháp điều trị thử nghiệm, ứng dụng các thiết bị y tế tiên tiến, chỉ bởi vì ông là người nghèo, ông không có bảo hiểm. 

Gia đình nạn nhân tử vong vì Ebola tại Mỹ khiếu kiện bệnh viện 1
Thomas Eric Duncan, bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ.

"Chúng tôi đã hỏi. Chúng tôi đã cầu xin. Chúng tôi nài nỉ. Tôi thậm chí còn tình nguyện hiến máu để cứu ông ấy, mặc dù tôi biết máu của mình cũng chẳng làm được gì. Chúng tôi đã làm mọi điều có thể nghĩ đến để cứu Eric. Nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ của bệnh viện" – Josephus  Weeks,m ột người cháu của Ducan, chia sẻ với Associated Press.

Thomas Geisbert, một giáo sư về vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Texas ở Galveston cũng đã đặt ra câu hỏi về sự chậm trễ trong việc phân phát thuốc ZMapp thử nghiệm cho Duncan của bệnh viện này và cảm thấy điều này "thật khó hiểu".

Phát biểu về vấn đề này, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia thuộc NIH cho biết: "Rõ ràng đã có một sai lầm nghiêm trọng khi Ducan không được chẩn đoán ngay lập tức  nhưng tôi không thể tin vào việc ông bị phân biệt đối xử so với những trường hợp khác".

Để giải thích cho bức xúc của gia đình Duncan, bệnh viện Texas Presbyterian cho biết Ducan được điều trị "với sự chú ý và chăm sóc ở mức độ cao giống như bất kỳ bệnh nhân nào khác, không kể quốc tịch hay khả năng chi trả cho việc chăm sóc". Tuy nhiên, bệnh viện cũng thừa nhận rằng họ đã không thể chẩn đoán đúng ngay lần đầu tiên Duncan vào viện cũng như đã xem nhẹ thông tin ông trở về Mỹ từ Liberia.

"Thật không may, chúng tôi đã sai lầm trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân Thomas Duncan. Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc", ông Daniel Varga, giám đốc điều trị lâm sàng của bệnh viện ở Texas, nói. Ông cho biết, bệnh viện đã không chẩn đoán chính xác các triệu chứng của Duncan chính là triệu chứng bệnh Ebola.

Theo Washingtonpost
Chia sẻ