Gia đình khỏe mạnh nhờ bàn tay nội trợ

,
Chia sẻ

Bàn tay khéo léo của người nội trợ sẽ mang lại những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng giúp cả nhà khỏe mạnh.

Tuy nhiên, bạn khó có thể tổ chức được bữa ăn gia đình hợp lý nếu thiểu hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, giá trị dinh dưỡng của các thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Bố trí bữa ăn

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, khi lên thực đơn bữa ăn trong gia đình cần đa dạng, nhiều loại thực phẩm, thay đổi món thường xuyên bao gồm:

-Món cung cấp năng lượng chính trong cơ thể: cơm, xôi, bánh mì…, nên chọn các loại ngũ cốc thô (chưa qua xay xát kỹ và chế biến theo dây truyền công nghiệp).

- Món chính giàu đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu hũ… cung cấp acid amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp, là vật liệu giúp xây dựng cơ thể.

- Các món rau giúp cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Rau xanh đậm hoặc củ màu vàng cam sẽ cung cấp nhiều beta-caroten và cũng là chất oxy hóa có tác dụng chống lão hóa.

Món ăn trong các bữa ăn cần hài hòa như: Món ăn giàu đạm như cá, nhiều béo thì nên kèm nhiều rau để chất xơ giúp giải phóng bớt sản phẩm dư thừa trong quá trình chuyển hóa chất đạm, giúp giảm hấp thụ chất béo, cholesterol. Món chính nấu mặn nên kèm món rau lạt hơn hay món có vị chua.

Trái cây tráng miệng sau bữa ăn cung cấp vitamin hỗ trợ chuyển hóa các chất trong cơ thể, vitamin C giúp hấp thụ các chất sắt, kẽm có trong các món chính và còn là chất chống oxy hóa quan trọng đối với cơ thể.

Nước uống có thể dùng nước chín hoặc nước ép trái cây, nước trà loãng (không nên uống trà đặc sau bữa ăn). Lưu ý chỉ uống vừa phải, uống quá nhiều ngay trước hoặc sau ăn sẽ làm loãng dịch vị và làm căng dạ dày dẫn đến tiêu hóa kém.

Phân chia khoa học

Tùy thuộc tình trạng sức khỏe và mức độ lao động mà phân chia bữa ăn hợp lý. Người trưởng thành khỏe mạnh cần ăn 3 bữa/ngày, người lao động nặng nhọc, người ốm, trẻ em cần ăn 5 bữa/ngày. Bữa sáng và trưa cần cung cấp mức năng lượng nhiều hơn so với bữa tối.

Bác sĩ Hạnh cũng cho biết, bữa ăn đủ dinh dưỡng và vệ sinh vẫn chưa đủ mà cần có sự hấp dẫn từ màu sắc vui mắt và hương vị thơm ngon từ các món ăn. Không khí ấm cúng trong bữa ăn gia đình cũng rất quan trọng giúp các thành viên gắn bó nhau hơn. Cho dù cuộc sống hiện tại có bận rộn, mỗi thành viên hãy dành ra khoảng thời gian thích hợp để cùng nhau sum họp thưởng thức món ngon, chia sẻ những phút giây hạnh phúc quý giá.

Cách chế biến

Có nhiều cách chế biến món ăn nhưng chế biến thế nào để gìn giữ được nguồn dinh dưỡng tối ưu, dễ tiêu hóa và tốt cho sức khỏe?

Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ Hạnh:

- Luộc, hấp, xào sơ thường là cách chế biến giữ được nhiều dưỡng chất hơn cả.

- Thịt, cá, trứng nên chế biến chín hẳn.

- Trứng gà an toàn có thể ốp-la, luộc lòng đào vừa dễ ăn lại bổ dưỡng.

- Hạn chế món kho mặn vì ăn mặn không tốt cho sức khỏe và dễ bị nguy cơ tăng huyết áp.

- Thực phẩm chiên chứa nhiều chất béo, người muốn giảm cân nên hạn chế món này.

- Món nướng khó tiêu hóa và chứa các hóa chất độc hại sản sinh trong quá trình nướng ở nhiệt độ cao. Khắc phục bằng cách dùng giấy bạc bao quanh để hạn chế thực phẩm bị cháy, nướng lửa nhỏ để thức ăn chín đều.
 
(Theo Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM)
 
Theo Tiến Lê
Thanh niên
Chia sẻ