Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau

Huê,
Chia sẻ

Cho con đi nhà trẻ sẽ không còn là nỗi lo nếu bố mẹ sẵn sàng làm theo 7 bước này. Nó sẽ giúp bạn gạt bỏ những vấn đề rắc rối về tài chính và tâm lý khi để bé rời tổ ấm, đặt chân khám phá thế giới ngoài kia.

Hẳn ai cũng biết rằng: nhà trẻ (hay mầm non) là cấp đầu tiên đánh dấu quãng thời gian con bước vào môi trường học đường. Chính vì vậy, có biết bao âu lo, trăn trở đã tìm đến bố mẹ khi cùng bé chuẩn bị đón cột mốc quan trọng này. Những kiến thức dưới đây nhất định sẽ giúp phụ huynh yên tâm hơn vượt qua trở ngại “lần đầu cho con đến trường”!

    1. Cả nhà đồng lòng, tâm lý vững: cho con đi nhà trẻ thật suôn sẻ!

Có rất nhiều gia đình khi lần đầu cho bé bước chân ra thế giới gặp phải nhiều mâu thuẫn trong quan điểm. Do đó, bước đầu tiên chính là thống nhất về phương pháp học, kế hoạch, tài chính và cả việc phân chia trách nhiệm cùng nhau. Ngay từ đầu, ông bà và bố mẹ cùng nhau bàn bạc kỹ sẽ tránh được những rắc rối sau này, nhờ đó mà việc học tập của bé cũng tiến triển như mong muốn.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 1.

Cả nhà đồng lòng, tâm lý vững, cho con đi nhà trẻ sẽ không còn là nỗi khủng hoảng nữa đâu

Bên cạnh đó, cả nhà cũng cố gắng chuẩn bị cho mình một tâm lý tốt nhất. Để bé rời vòng tay chở che của ông bà cha mẹ, đến một môi trường mới lạ lẫm nhiều bỡ ngỡ, đâu ai tránh được cái cảm giác “xót con”. Thế nhưng các bố các mẹ à, chim non nào rồi cũng phải rời tổ mà, có gia đình cùng sát cánh, bé sẽ vượt qua được những ngày đầu và sớm hòa đồng thôi. Chỉ cần chúng ta luôn dõi theo con từng bước, xem xét và chuẩn bị kĩ cho “ngôi nhà thứ hai” thì chẳng điều gì ngăn bé tìm tòi bao điều mới lạ, bổ ích đang chờ đón ngoài kia.

Đừng quá lo lắng, cũng đừng quá thờ ơ, bố mẹ phải vững vàng lên để sẵn sàng cùng bé đón nhận những điều kì diệu sắp tới chứ!

    2. Học cách ước lượng tài chính dài hạn: tối thiểu hóa rắc rối cho con đi nhà trẻ

Học phí là một vấn đề khiến nhiều mẹ đau đầu mỗi khi quyết định cho con đến trường mẫu giáo. Trung bình các trường công lập sẽ thu từ 2-2.5 triệu/ tháng nhưng chỉ nhận bé từ 3 tuổi trở lên. Những cha mẹ muốn con đi học sớm thường sẽ phải tìm đến các cơ sở tư nhân, tùy theo khu vực sinh sống, quy mô lớn nhỏ và các dịch vụ cũng như phương pháp giảng dạy, một tháng các gia đình có thể tiêu một khoản dao động vào 2.5 - 6 triệu, chưa kể chi phí phát sinh khác.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 2.

Chỉ cần cân nhắc và chuẩn bị chu đáo cho dài hạn, nỗi lo chi phí cho con đi nhà trẻ sẽ biến tan ngay

Như vậy, để đảm bảo bé không bị gián đoạn việc đi học, cần tham khảo giá của nhiều trường khác nhau xung quanh nơi ở hoặc khu vực tiện di chuyển. Sau đó, bố mẹ ước lượng tổng chi phí của con ít nhất trong vòng 12 tháng để có thể chuẩn bị hoặc tính toán cân đối với thu nhập của mình trong khoảng thời gian đó.

Điều nên lưu ý nhất là bạn phải chắc chắn rằng trong tương lai mình có thể lo liệu được số tiền nhiều hơn 7-10% so với ước lượng ban đầu. Bởi ngoài học phí, tiền mua đồ dùng cá nhân, học ngôn ngữ hay đóng góp cơ sở cho trường,...cũng là điều khiến nhiều mẹ trăn trở đúng không?

    3. Xây dựng một kế hoạch học tập hợp lý dành riêng cho con

Vì nhiều lý do, có phụ huynh cho con đi nhà trẻ sớm và ngược lại. Tuy nhiên, 1 hay 5 tuổi không quan trọng, quan trọng là bố mẹ cần xây dựng một kế hoạch học tập thật hợp lý chỉ dành cho bé nhà bạn. Một kế hoạch hoàn hảo nhất phải cân bằng được cả thời gian của bố mẹ và tính cách, năng khiếu của con.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 3.

Các mẹ đừng chủ quan, đi nhà trẻ cũng cần có kế hoạch thật "xịn" như đấy nha! - HLV Fitness Hana Giang Anh chia sẻ

Để dễ hiểu hơn, có thể xem xét ví dụ của HLV Fitness Hana Giang Anh. Vì tính chất công việc của cả hai vợ chồng, bà mẹ trẻ quyết định gửi Bắp (tên con trai của Hana) vào nhà trẻ từ lúc 11 tháng tuổi. “Nhiều người bảo mình không thấy xót con hay sao mà cho đi sớm thế? Nhưng Hana nghĩ kĩ mới lựa chọn như vậy. Thứ nhất, nó giúp mình và chồng vẫn đảm bảo thời gian duy trì công việc; thứ hai, nó tạo cơ hội để con phát triển về thể chất và tinh thần, khỏe khoắn và mạnh dạn hơn vì bây giờ ở lớp mầm có nhiều bài học về thể dục, trí tuệ và giao tiếp rất bổ ích”. - cô khẳng định - “Cho Bắp đi học mình có hẳn cả một kế hoạch mà, hiện tại bây giờ học nhận thức cơ bản, ngôn ngữ và rèn luyện thân thể trước, sau khi tính cách và năng khiếu con chớm bộc lộ, mình sẽ đăng kí cho Bắp các lớp phù hợp hơn như đàn hát chẳng hạn, có vậy khi vào tiểu học con mới bớt bỡ ngỡ và gặp ít khó khăn. Mặt khác, thời gian học ở nhà trẻ mình chọn cũng linh hoạt giúp Hana và chồng có thể luân phiên đón và chơi cùng con ngay sau khi đi làm về nữa”.

    4. Chắc chắn nhà trẻ con sắp gắn bó có chất lượng đảm bảo về mọi mặt

Thời gian gần đây, do nhu cầu của lối sống thành thị, các nhà trẻ tư nhân mở ra với số lượng lớn và đi kèm chất lượng cũng rất đa dạng. Bên cạnh đó, những vụ “cô trông trẻ đánh đập, ép ăn” hay “vệ sinh an toàn thực phẩm thấp” thậm chí là “suất ăn bị cắt giảm” cũng khiến những ông bố, bà mẹ chúng ta không khỏi phân vân, lo sợ. Vì thế, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu kĩ về trường mầm non mà bé nhà mình sẽ tới nhé.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 4.

Cùng đóng vai kiểm định viên nhà trẻ của con một thời gian để mẹ yên tâm hơn nào!

Rất đơn giản thôi, bạn hãy đến trường quan sát cơ sở vật chất, trò chuyện và trao đổi trực tiếp với đội ngũ giáo viên, tiếp xúc với các phụ huynh cùng đến đăng kí để xem xét yêu cầu đầu vào của nhà trẻ có được thực hiện chuẩn hay không. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn những nhà trẻ có gắn camera và nếu có điều kiện thì các dữ liệu ghi hình được cần liên kết với thiết bị của bạn để bất cứ lúc nào cũng có thể quan sát, yên tâm hơn về bé và biết đâu những giây phút đáng yêu của con mẹ cũng không bị bỏ lỡ.

Với những bé có đăng kí ăn tại trường, bạn nên đến tham quan nhà bếp, xem kĩ lịch ăn và hỏi nhà trường về lợi ích chế độ dinh dưỡng đó. Tốt nhất, bạn hãy dành một buổi đến xem bữa ăn chính thức để chắc chắn nhà trường thực hiện đúng những gì cam kết. Điều này cũng tương tư với những điều kiện học tập khác như khu vui chơi, khu sinh hoạt chung, nội dung và chương trình giảng dạy,...

    5. Hoàn thiện các loại giấy tờ và thủ tục cần thiết

Cũng như những bậc học khác, cho con đi nhà trẻ chẳng tránh được các thủ tục và yêu cầu từ phía khu dân cư cũng như nhà trường. Bố mẹ có thể cần khai báo về tình hình của con với phòng dân số của địa phương hoặc các chi hội. Ngoài ra, tuỳ vào nhà trẻ bé theo học, một số loại giấy tờ cũng nên được chuẩn bị trước như giấy khai sinh, đơn xin học hay bản sao giấy tờ của bố mẹ.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 5.

Các mẹ nhớ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để cho con nhập học thuận lợi nha!

Nếu như ở các cơ sở tư nhân nhỏ và vừa, bộ hồ sơ nhập học không quá phức tạp thì ở các trường lớn thuộc hệ thống giáo dục tiên tiến lại yêu cầu khá nhiều thứ. Đơn cử như việc cho con học mẫu giáo ở các trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay, các mẹ cần một bộ gồm: CMND của bố mẹ, giấy khám sức khoẻ, bản sao khai sinh, bảo hiểm y tế, bản sao công chứng sổ hộ khẩu và có thể là bản đăng kí xe buýt đưa đón.

    6. Trang bị cho con tinh thần, sức khỏe và kiến thức cơ bản

Hoàn thiện xong những bước trên cũng là lúc bố mẹ đối diện với thử thách lớn: “hành trang cho bé đến trường”. Những năm đầu tiên, bé quen với việc sống cùng gia đình, có  mọi người yêu thương chăm sóc, vì vậy phải đến một nơi mới, nhất định bé sẽ gặp nhiều khó khăn. Có không ít trẻ sau khi đi học đã trở nên sợ hãi, nhất quyết xem đến trường như một hình phạt. Để khắc phục vấn đề này, phụ huynh cần trang bị cho con cả tinh thần, sức khỏe và kiến thức để bé luôn đến trường với nụ cười tươi cùng khuôn mặt háo hức nhất nhé.

Thứ nhất, về mặt tinh thần, các mẹ hãy cùng con trò chuyện thật nhiều về trường học. Hãy dựa vào những sở thích của con để kể con nghe những câu chuyện vui chỉ đi học mới có. Ví dụ nếu bé thích xem ca nhạc, mẹ có thể nói rằng: “Con có muốn múa hát giống các bạn trên TV không? Hôm nào được đi học rồi, các cô sẽ dạy con múa dẻo hát hay hơn cả thế nữa đấy”. Mẹ cũng có thể lấy dẫn chứng về các bé khác mà con quen đã đi nhà trẻ và biết rất nhiều thứ hay ho như: “Bi nhà cô Hoa đi học về đã tự tập thể dục mỗi sáng và tự xúc ăn giỏi lắm. Con có muốn như anh không nào?”. Có rất nhiều cách để khơi gợi niềm hứng khởi cho con, điều quan trong là mẹ phải luôn lắng nghe và hiểu rõ bé, từ đó mới có thể đưa ra những lời động viên phù hợp nhất.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 6.

Mẹ ơi, trang bị cả tinh thần, sức khỏe và kiến thức để con đi nhà trẻ nha?

Một vấn đề nữa các mẹ lo khi cho con đi nhà trẻ chính là sức khỏe. Tiếp xúc với nhiều người, sinh hoạt trong môi trường tập thể là điều kiện khiến bé dễ mắc những bệnh lây nhiễm hoặc thậm chí là trầm cảm,...Vì vậy, khi cho con đến nhà trẻ mẹ cần lưu ý hơn nữa về việc tăng cường miễn dịch cho bé (qua chế độ ăn, vận động sinh hoạt), các phương pháp phòng chống bệnh trẻ em mới nhất và luôn luôn tâm sự cùng con để bé không mắc phải những vấn đề tâm lý thường gặp hiện nay. Dù không phải là một bác sĩ, mẹ cũng hãy trang bị cho mình những kiến thức về nhi khoa cần thiết nhé!

Và điều cần lưu ý khác là kiến thức cơ bản. Mẹ hãy tham khảo ý kiến các cô và dạy trước cho bé một số thứ gần với chương trình học. Ngoài ra, các biện pháp tự vệ, cách đối xử với mọi người cũng cần mẹ khéo léo dạy cho bé. Có rất nhiều cách hay được chia sẻ trên mạng để các mẹ tham khảo đấy!

    7. Đừng quên bộ vật dụng “cùng đi nhà trẻ” mà con yêu thích

Cuối cùng và cũng không thể thiếu là những món đồ dùng đáng yêu sẽ gắn bó cùng con trên hành trình đi học đầu đời. Đó là chiếc ba lô hay túi chéo nhỏ xinh hay  những bộ quần áo mới để con thêm tự tin và háo hức.

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 7.

Một bộ vật dụng lí tưởng cần đáp ứng cả sở thích của con lẫn yêu cầu nhà trẻ

Tùy theo điều kiện gia đình và sở thích của con, mẹ có thể sắm cho bé rất nhiều thứ. Tuy nhiên, đừng quên những vật dụng “đinh” này nhé: 1-2 túi đựng, giày dép, mũ nón, quần áo, các loại khăn và bộ dụng cụ học tập phụ thuộc yêu cầu phía nhà trường (thường sẽ bao gồm chì, màu vẽ và sách vở). Các mẹ hãy dành thời gian mua sắm cùng bé để có được bộ vật dụng cần thiết mà bé ưng ý nhất vì có như vậy con mới thấy việc đến trường là một điều tuyệt vời!

Vậy là, cho con đi nhà trẻ sẽ không còn là nỗi lo nếu bố mẹ sẵn sàng làm theo 7 bước này. Nó sẽ giúp bạn gạt bỏ những vấn đề rắc rối về tài chính và tâm lý khi để bé rời tổ ấm, đặt chân khám phá thế giới ngoài kia.

Nào, giờ thì những ông bố và bà mẹ thông thái đã sẵn sàng rồi chứ? Đừng quên đồng hành cùng Afamily trong chiến dịch Ngày mai con đi học để cập nhật thông tin thú vị và bổ ích nhất về mùa tựu trường sắp tới nhé!

Một mùa tựu trường nữa lại gõ cửa. Con sắp bước vào năm học mới, thay vì đong đầy háo hức, mẹ lại cảm thấy lo lắng nhiều hơn cả. Lo vì không biết nên trang bị hành trang cho bé ra sao, chọn trường như thế nào và còn muôn vàn vấn đề khác xoay quanh chuyện giáo dục con cái.

Cùng san sẻ nỗi lo đó, chiến dịch "Ngày mai con đi học" được Afamily mang tới, hứa hẹn sẽ mang đến cho mẹ vô vàn thông tin hữu ích. Từ chuyện giúp mẹ hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa ngày tựu trường đến chuyện biết cách chia sẻ và đầu tư đúng mức cho cột mốc đáng nhớ của con. Đồng thời, chiến dịch còn hỗ trợ, đồng hành và giúp mẹ trang bị sẵn sàng cùng con đón ngày tựu trường. Mẹ nhớ đón đọc nhé!

Gạt phăng khủng hoảng “cho con đi nhà trẻ” với 7 bước chuẩn bị đơn giản sau - Ảnh 9.


Chia sẻ