Gặp người đứng sau những bức tranh sắc màu trong ngõ hẻm Sài Gòn: nữ giáo viên dạy vẽ cho trẻ tự kỷ

,
Chia sẻ

Chung tay cùng các đoàn phường trên địa bàn quận 1, cô giáo trẻ Lê Bảo và các học trò nhí của mình đã tạo nên những bức tranh đầy màu sắc, góp phần thay áo mới cho những con hẻm cũ ở Sài Gòn.

Trong cuộc sống, đôi lúc bạn sẽ có những quyết định tưởng chừng là điên rồ, không được số đông tán dương nhưng lại khiến cuộc đời bạn thay đổi theo những hướng hoàn toàn mới. Quan trọng là khi đứng trước những sự lựa chọn nhàm chán, chúng ta có dám mạnh dạn chọn một con đường mới cho riêng mình hay không?

Với Lê Bảo - cô giáo trẻ vừa được nhận danh hiệu "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" năm 2016 (danh hiệu dành tôn vinh những đóng góp hữu ích cho cộng đồng của UBND TP.HCM) thì hành trình mà cô đã bước qua là cả một câu chuyện dài của những sự lựa chọn phá cách.

"Tôi tìm thấy niềm vui từ nụ cười của những đứa trẻ tự kỷ"

Lê Bảo (1987) sinh ra tại Cần Thơ, hiện tại cô là người sáng lập và là chủ nhiệm CLB mỹ thuật 
Ếch Con - một mô hình giáo dục tâm lý, tính cách, lối sống cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mắc chứng tự kỷ bằng hội họa, giúp các em hòa nhập, phát triển một cách bình thường.

 - Ảnh 1.
Lê Bảo hiện là chủ nhiệm của CLB mỹ thuật Ếch Con.

Trong cuốn tự truyện của mình, Lê Bảo tâm sự: "Tôi là một học sinh thất bại trong mắt bạn bè và rất nhiều giáo viên của mình. Tôi thất bại trong cuộc chạy đua thành tích và điểm số, kể cả thời phổ thông cũng như đại học. Năm thứ nhất đại học tôi mạnh mẽ thể hiện mình, nhưng không phải mọi sự thể hiện đều được chấp nhận. Năm thứ hai tôi rơi vào khủng hoảng. Năm thứ ba tôi khủng hoảng trầm trọng. Năm thứ tư, tôi bị kéo lê với cuộc đua thành tích làm mình kiệt sức...".

Với mong muốn làm đẹp cho cuộc sống, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Bảo đăng ký thi vào khoa thiết kế thời trang của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai. Vừa hoàn thành đồ án tốt nghiệp, cô gái trẻ lại tiếp tục thi và trúng tuyển vào trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.

 - Ảnh 2.
Bảo từng lao mình vào những cuộc đua về thành tích.

Tuy nhiên ngay trong lúc cô gái trẻ cuống cuồng chạy đua với thành tích học tập cho bằng bạn bè và sự kỳ vọng của gia đình thì cô chợt nhận ra bản thân đang dần biến thành một cỗ máy không cảm xúc.

"Chúng tôi như bị thôi miên bởi mục tiêu điểm số và điều đó khiến tôi chán nản muốn dừng lại. Tôi giật mình trước những điều mình đã chọn. Liệu đây có thật sự là điều đem lại cho mình hạnh phúc?" - cô giáo trẻ tâm sự.

 - Ảnh 3.
Cô đã từng đánh mất chính bản thân mình.

Thế là cô sinh viên trẻ quyết định không chạy đua theo thành tích nữa, mà dành phần lớn thời gian của mình sau giờ học đến công viên, gầm cầu dạy vẽ miễn phí cho trẻ em nghèo. Bảo nói rằng cô đã tìm thấy bản thân mình và niềm hạnh phúc của cuộc sống từ nụ cười hồn nhiên cùa các em nhỏ.

Từ một cô học trò cá biệt đến một cô giáo tận tụy với trẻ nhỏ

Công việc đi dạy vẽ của Bảo không nhận được đồng tình của bạn bè trong lớp, nhiều người bảo cô là sống không thực tế. Cô kể: "Số kinh phí tôi tiết kiệm từ tiền bố gởi hàng tháng cho ăn học cũng cạn dần. Đến hạn kết thúc năm học. Bố muốn tôi về Cần Thơ làm việc nên mới cắt "viện trợ" khiến việc duy trì lớp vẽ càng lúc càng khó khăn".

 - Ảnh 4.
Bảo phải tự mình chiến đấu với đam mê của bản thân.

Thế nhưng chẳng phải vì khó khăn mà cô gái ấy bỏ cuộc. "Tôi thuyết phục gia đình để được thử thách bản thân. Nếu sau 2 năm mà tôi vẫn không thành công với con đường của mình thì tôi sẽ nghe theo bố mẹ" - cô tâm sự.

Những ngày chật vật chạy ăn từng bữa tưởng chừng sẽ vắt kiệt sức lực của Bảo. Nhưng ngược lại, bằng chính tình yêu thương mà cô dành cho những đứa trẻ cùng sự tận tụy trong công việc đã giúp các phụ huynh tin tưởng và ủng hộ cô giáo.

 - Ảnh 5.
Cô luôn tận tụy với học trò của mình.

 - Ảnh 6.
Chăm lo từng chút một.

Bảo kể rằng: "Hôm nọ đang dạy trong công viên thì tôi nhìn thấy một số em bé có dấu hiệu tâm lý không bình thường. Hỏi ra thì biết các bé bị mắc chứng tự kỷ. Tối hôm đó tôi về nhà tìm kiếm thông tin trên mạng, thì vô tình biết rằng chứng tâm lý tự kỷ của trẻ nhỏ nếu được can thiệp sớm bằng màu sắc thì sẽ có cơ hội chữa khỏi".

 - Ảnh 7.
Thường xuyên cập nhật các kiến thức để truyền đạt cho học trò.

Từ đó Lê Bảo quyết định nhận các trẻ bị tự kỷ để giúp điều trị tâm lý cho các bé. Mặc dù không được học chuyên ngành về tâm lý, nhưng chính khát khao được giúp các bé đã giúp cô tìm ra phương pháp cân bằng tâm lý bằng màu sắc cho trẻ.

 - Ảnh 8.
Cô yêu thương học trò như những người thân của mình.

Tiền thù lao dạy học Bảo lấy rất thấp chỉ vừa đủ để duy trì lớp học, đôi khi cô còn miễn phí cho những em khó khăn. Đối với Bảo, chỉ cần được vẽ, được dạy các em đã là niềm hạnh phúc, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ làm giàu bằng việc đi dạy.

 - Ảnh 9.
Chỉ cần còn được dạy những đứa trẻ đã là niềm hạnh phúc của cô.

Tác giả những bức tranh đầy màu sắc trong con hẻm cũ ở Sài Gòn

"Việc vẽ tường xuất phát từ một lần tôi và cô bạn Đoàn Thanh (bí thư Đoàn phường Bến Thành) trò chuyện với nhau về những bức tranh mà cô trò chúng tôi đã từng vẽ trên những bức tường cũ. Sau đó Thanh nhận được công văn chỉ đạo thanh niên làm tuyến hẻm theo phong trào tuyến hẻm xanh sạch đẹp, và từ đó chúng tôi đã phối hợp với nhau để cùng thực hiện" - Bảo kể.

 - Ảnh 10.
Những bức tranh đầy màu sắc trong các con hẻm cũ.

Những bức tranh xinh xắn, những mảng xanh giúp các con hẻm cũ trở nên vô cùng đáng yêu. Tiếng lành đồn xa, các Đoàn phường lân cận cũng hưởng ứng và nhờ cô trò Lê Bảo sang vẽ.

 - Ảnh 11.
Cô trò cùng nhau tô vẽ.

Mỗi lần học sinh tham gia vẽ ngoài tường đều được cô Bảo khuyến khích và gởi thù lao. Cô chia sẻ: "Tôi muốn các em nhận được tiền dù chỉ rất ít, nhưng các em cũng sẽ hiểu rằng việc lao động để kiếm tiền là không đơn giản, vì thế phải luôn trân trọng và chi tiêu hợp lý. Thứ hai, khi các em đi vẽ sẽ nhận được những lời khen, điều này sẽ giúp các em cảm thấy vui hơn yêu đời hơn. Điều thứ ba là khi thực hiện vẽ những bức tranh trên tường học trò của tôi sẽ hiểu được rằng bức tường nào được vẽ và bức tường nào không được vẽ".

 - Ảnh 12.
Cô luôn lồng ghép những bài học làm người trong mỗi buổi học của mình.

Thấm thoắt đã 2 năm trôi qua kể từ ngày Bảo quyết định đi theo con đường riêng của bản thân. Có thể hiện tại cô chưa đạt được thành công rực rỡ, nhưng giờ đây đã có thể tự tin bước về phía trước vì luôn có gia đình hết lòng ủng hộ.

Bảo vẫn nhớ mãi một kỷ niệm vào năm cấp 3: "Lớp mà tôi học là một lớp có nhiều học sinh yếu kém, cá biệt, hay đánh nhau nhất trường. Ngày đầu tiên đến lớp, thầy dạy toán đã nói với chúng tôi rằng: Tất cả các em đến với ngôi trường này vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tôi tin các em là người thông minh. Chỉ đơn giản các em chưa được hướng dẫn tốt hay chỉ do trước kia các em lơ là việc học. Quá khứ không nên nói tới, nhưng bắt đầu từ hôm nay, các em phải khác".

Chia sẻ