Bí quyết nuôi dạy con:

Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay

Hồn Nhiên,
Chia sẻ

Ai gặp bé Thiên Bảo cũng phải thán phục mẹ Vân Anh (26 tuổi, làm việc cho một công ty nước ngoài) rằng: "Chị chăm con mát tay thật!".

Bí kíp "cho con ăn trong tâm trạng thoải mái"

- Trong lớp, bé Bảo luôn nổi trội bởi đứng gần hay ngồi cạnh với các bạn đồng trang lứa, bé cao hơn, lớn hơn. Vân Anh có cách gì để bé thích ăn? Chế độ ăn của bé có gì đặc biệt không?

Mình thường tham khảo các tài liệu, báo chí để luôn đảm bảo bé luôn có đủ số lượng và chất lượng cho bữa ăn hàng ngày. Với mình, việc bé ăn uống điều độ, giờ giấc ngủ đúng giờ và tập cho bé mọi sinh hoạt theo khung thời gian tiêu chuẩn là rất quan trọng. 

Để bé có nền tảng về "ăn" thì kinh nghiệm của mình là "nhồi ăn trong tâm trạng thoải mái". Cũng có giai đoạn Bảo biếng ăn lắm, nhất là khi mọc răng và cai sữa, hoặc lúc ốm. Khi đó gia đình phải thay đổi khẩu vị cho bé liên tục để đảm bảo đủ chất và thực sự phải rất kiên nhẫn! 

Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay 1

Nhưng mình có 1 tính là nếu con ăn không đủ là mình không chịu được, nên vẫn luôn cố gắng cho Bảo ăn. Trong khẩu phần từ trước đến nay, mình luôn duy trì thêm mỗi ngày 4 cốc sữa, 1 hộp váng sữa, 1 hộp sữa chua và 1 cốc nước cam.

- Khi Bảo 18 tháng, Vân Anh đã cho bé đi học liệu có quá sớm không?

Hiện giờ, Thiên Bảo đã gần được 3 tuổi rồi. Mình nghĩ 18 tháng cho bé đi học không hẳn là sớm. Theo quan điểm của mình, khi thấy bé đủ tự tin để giao tiếp với bên ngoài thì lúc đó nên cho bé “xông pha”. 

Bảo là 1 cậu bé rất năng động và "sống động". Lúc nào bé cũng cười, hát và đặc biệt có khiếu âm nhạc (nhưng chủ yếu là nhạc cụ, chứ hát chưa được tốt). Ngoài ra Bảo rất hòa đồng và tình cảm. Ví dụ khi đi học, thấy 1 bạn mới đến khóc nhè, Bảo liền ra dắt tay và nói với bạn "Không khóc nữa, mẹ mắng bây giờ. Đi vào lớp với Bảo đi". 

Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay 2

- Thiên Bảo tự tin quá, Vân Anh đã dạy bé như thế nào vậy?

Về mặt giao tiếp với mọi người, vợ chồng mình đặc biệt coi trọng và dạy bé từ rất sớm. 3 tháng, Bảo đã được bố mẹ cho ra ngoài, giao tiếp với môi trường xung quanh. Khi gặp mọi người, mình đều khuyến khích con cười, bắt tay, chào hỏi... 

Bước đầu bố mẹ làm trước, rồi nói Bảo cùng làm. Được cái con cũng thích. Đặc biệt đến khoảng 2 tuổi trở ra, con bắt đầu học hát. Mình dạy bé hát những bài trẻ con có tính giáo dục như Lời chào của em, Chim vành khuyên...  Nên mỗi khi gặp ai bên ngoài, con đều chào.  Mà nếu con quên, mình nói thầm "Mẹ con mình chào bác, chào cô nhé !".

Coi con như một người bạn lớn

- Được biết, vợ chồng bạn dạy bé rất khoa học. Những phương pháp đó bạn biết được qua đâu?

Về mặt thể chất ăn uống, vợ chồng mình học những kinh nghiệm của bà nội và bà ngoại rồi cả sách báo. Còn về kiến thức dành cho con, chủ yếu mình chỉ dạy ngôn ngữ (có thêm 1 vài từ tiếng Anh cơ bản), nghệ thuật, âm nhạc và những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.  

Mình thường để con học bằng hình ảnh rồi thực hành luôn. Ví dụ khi học về các con vật, hoặc loại quả, đồ vật, mình hay sử dụng animation card (bán rất nhiều ở hiệu sách).  

Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay 3
Hai bố con cùng "đọ" độ đẹp trai.

Về mặt tâm lý, vợ chồng mình coi Bảo như một người bạn và bắt đầu nói chuyện với con như người lớn (con có quyền lựa chọn và đưa ra suy nghĩ bản thân về 1 vấn đề của gia đình). 

Còn với kỹ năng sống, mình cho bé thực hành luôn như rửa rau, pha sữa, lấy gạo, lau chén, vắt cam, gấp quần áo, chuẩn bị cặp, đi WC, đi dép...

- Oa, 3 tuổi bé biết làm từng này thứ rồi ư? 

Mình rất coi trọng "kỷ luật" và luôn tạo thói quen để bé làm theo. Ví dụ khi về nhà là phải cởi dép, cất dép trong tủ, cất cặp vào phòng.  Thỉnh thoảng đi về Bảo cũng "lười và nổi loạn", vứt mỗi thứ 1 nơi, bố mẹ sẽ phải nhắc liên tục cho đến khi Bảo làm mới thôi.  

Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay 4

- Có bao giờ Vân Anh dạy dỗ con bằng roi không?

Thực ra cũng tùy hoàn cảnh và độ tuổi của trẻ. Khi Bảo khoảng 2 tuổi, con bắt đầu nhận biết xung quanh, biết sợ, biết "kiềng", nên cũng có lúc mình phải ra roi 1 lần thật mạnh, để con biết là đã vượt giới hạn. Sau đó thì mình chỉ "dọa" thôi. Chẳng hạn như “đếm từ 1-3, con mà còn hư thì mẹ sẽ…”.

Bây giờ con lớn rồi, đã biết suy nghĩ. Vợ chồng mình dành ra một góc nhà đặt 1 ghế gọi là "Ghế hư". Cứ mỗi lần Bảo không nghe lời, là bị ngồi ghế hư, đồng nghĩa sẽ không được cái này, không được cái kia... Thỉnh thoảng mình cũng tạo tâm lý như "Bảo làm mẹ buồn, mẹ không chơi với Bảo nữa...". Thế là con lại ngoan trở lại. 

Mình không phản đối vấn đề kỷ luật, quan trọng là cách kỷ luật và mức độ kỷ luật sao cho phù hợp với trẻ. Mỗi độ tuổi 1 khác và mỗi trẻ cũng có 1 cá tính khác nhau. Bố mẹ sẽ là người hiểu nên chọn cách dạy thế nào tốt nhất cho con mình.

Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay 5

- Bé theo bố hay theo mẹ nhiều hơn? 

Bảo là một cậu bé hòa đồng và tình cảm nên ai trong nhà bé cũng theo. Nhà mình hay nói vui là "Con biết phân công lao động". Khi ăn, ngủ thì hay theo mẹ, theo 2 bà. Khi chơi thì theo bố, theo ông, theo bác, theo chú.  Nói chung nhà cháu không bao giờ thất nghiệp. 

Cảm ơn Vân Anh vì cuộc nói chuyện rất thú vị này nhé!



Các bạn hàng xóm đều phải “ghen tị” vì Chip đã biết tự ăn rất ngoan. Từ khi hơn một tuổi, con đã một mình ngồi vào ghế ăn bột, tự xúc nhoay nhoáy. Cùng đến nhà Chíp để xem mẹ đã chăm bé như nào nhé!
Gặp một bà mẹ nuôi con mát tay 6
Chia sẻ