Gặp "kỳ nhân" âm thầm giữ nghề “hot” thời bao cấp

Trang Trần,
Chia sẻ

Giữa nhộn nhịp phố thị, một người phụ nữ gốc Hà thành vẫn miệt mài với que đan để tạo ra những chiếc áo ấm lòng người. Bà là một trong những người hiếm hoi còn bám trụ với nghề đan len tay.

Âm thầm giữ nghề “hot” thời bao cấp

Trong căn phòng nhỏ ở số 9 Hàng Trống, người phụ nữ ấy - bà Bùi Thị Dung - vẫn đan áo len bằng tay. Bà bảo, hồi xưa con gái Hà Nội ai cũng biết đan len, đan cho mình, cho gia đình và đem bán nữa. Phố Đinh Liệt khi ấy là “thủ phủ” của các sản phẩm đan len thủ công. Ngày trẻ bà đã biết đan và đan rất khéo, nhưng chưa kiếm tiền bằng nghề này.

Có một dạo, bà công tác ở Hợp tác xã thảm len Tân Phong, và những tấm thảm bà làm luôn được giải A. Từ hồi lấy chồng, rồi có con, bà không làm ở hợp tác xã nữa mà về nhà làm may, thêu tay và thành lập tổ thêu, nhận gia công cho một số doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.

Gặp
Bà Bùi Thị Dung - "kỳ nhân" đan len

Rồi đến năm 1995, bỗng dưng nghề thêu không thịnh nữa. “Nghĩ đến tuổi già, tôi lại xoay ra làm nghề đan len tay. Hồi ấy rất thịnh các sản phẩm đan len tay, nên tôi làm ăn rất khá, còn gom mấy chị em có tay nghề cao để thành lập tổ đan nữa, mỗi người làm một công đoạn, tôi lo tạo dáng và ráp thành phẩm.” - bà Dung chia sẻ.

Gặp
Hơn hai mươi năm miệt mài...

Bà tiếp: “Nghề đan tay này lạ lắm, dù kỹ thuật làm giống y hệt nhau, vậy mà ra sản phẩm mỗi người mỗi khác, mấy người cùng đan, khi ráp vào vẫn hơi lệch một chút, khách chú ý kỹ là biết ngay. Cũng có khi tôi bị khách khiển trách, phải gỡ ra đan lại. Khách dạy cho mình nhiều điều lắm. Sau này, tôi tự làm một mình hết tất cả công đoạn để đảm bảo chất lượng, chỉnh sửa cũng dễ hơn.”

Gặp
... đôi tay này đã mang lại hơi ấm cho biết bao người

Không giấu niềm tự hào, bà Dung cho hay: “Bây giờ ở Hà Nội còn mấy ai làm nghề này nữa đâu! Tôi là một trong số hiếm vẫn còn bám nghề đấy! Tôi chỉ làm hàng đặt theo yêu cầu của khách thôi, không bán ra ngoài.

Gặp
Nụ cười bên thành quả lao động

Để trụ được với nghề, ngoài sự đam mê, khéo léo và kiên trì, bà cũng phải “nạp” một lượng kiến thức lớn về thời trang, từ tài liệu hướng dẫn đan len thủ công cổ điển và hiện đại đến các tạp chí thời trang trong nước và quốc tế, có vậy mới tạo ra được những sản phẩm độc đáo, vừa không đụng hàng, phù hợp với dáng người của khách mà còn hợp mốt nữa.

Gặp
Qua bàn tay điêu luyện của nghệ nhân, chú cá Nemo nổi tiếng...

Gặp
... sống động như thật

Mỗi lần “vớ” được một kiểu mẫu mới lạ là tôi rất sướng, vì nó kích thích sự sáng tạo trong mình, đòi hỏi mình phải nghĩ, phải mày mò. Hình như điều đó cũng làm cho mình không bị già đi thì phải!” – bà dí dỏm nói. Không chỉ đan áo, đan váy, gần đây bà còn mày mò đan các con giống bằng len, nhồi bông bên trong, trông rất ngộ nghĩnh. Không chỉ trẻ con mà khách người lớn đến với bà, được xem những mẫu này cũng rất “mết”, có điều, như bà chia sẻ, bận việc quá nên bà chưa làm được nhiều.

“Kiêu” mà vẫn đắt khách

Với mỗi sản phẩm, bà Dung nhận được khoảng 500 – 800.000 đồng tiền công. Ngay cả người làm cũng thừa nhận, số tiền ấy nghe có vẻ “chát” với nhiều khách hàng. “Với tiền công ấy, họ có thể ra mua được 3, 4 cái áo len công nghiệp. Đương nhiên áo đan công nghiệp không thể có được những mẫu mã và kiểu đan độc đáo được làm ra bởi bàn tay khéo léo và công phu của con người!”.

Quả vậy, có nhìn người phụ nữ này ngồi đan mới hiểu, để nhận được số tiền như thế, bà phải miệt mài với những que trúc, sợi len cả tuần, có khi mười ngày. Tính ra, mỗi tháng bà chỉ đan được khoảng 4 – 5 chiếc là nhiều.

Gặp
"Nghề cũ, nhưng mẫu mã phải thời thượng"

Người phụ nữ gần lục tuần có thâm niên hơn 20 năm với nghề đan len tay cho biết, khách của bà rất đặc thù, hầu hết là người khó chiều, kỹ tính và tinh tế. Bà kể, dạo mới làm nghề, bà gặp một người khách đan rất giỏi, mê mẩn áo đan tay, nhưng bà ấy đã già rồi, không đan được nữa. Khi nhìn bà Dung đan, bà khách kia khen khá, và bất ngờ truyền một bí quyết rất quý giá. Từ đó, bà Dung càng lúc càng lên tay, đan càng đẹp hơn.

Gặp
Bà nghiên cứu các catalogue mới nhất để tìm cảm hứng

Cũng có nhiều khách là du học sinh, Việt kiều, tranh thủ thời gian về nước đến nhờ bà đan; thậm chí còn có vài chính khách mà bà không nhớ tên, chỉ thấy mặt quen quen.

Gặp
8m2, 20 năm và một trái tim trọn vẹn với nghề

Nhiều khách chê tôi kiêu, vì nếu họ giục tôi làm nhanh hoặc chê đắt, tôi từ chối luôn. Các con tôi cũng bảo, mẹ kiêu quá. Không phải tôi cố tình kiêu đâu, người làm nghề gì cũng vậy, sống nhờ khách hàng; nhưng tôi làm một mình, lại làm rất kỹ, tỉ mỉ, cố lắm cũng chẳng nhanh hơn được. Có một dạo đông khách quá, tôi cũng thuê ngoài, nhưng khách nhìn là biết ngay đường đan có hai ngấn, tôi lại phải tháo ra đan lại. Thà chậm một chút, ít tiền một chút mà giữ uy tín còn hơn.

Gặp
Mấy ngày nữa thôi, chiếc áo này sẽ theo khách hàng của bà sang bên kia đại dương

Khách của bà Dung hầu hết phải tự mua sẵn len xách tay ở Châu Âu, Mỹ, Úc và mang tới nhờ bà đan. Họa hoằn lắm bà mới mua len hộ khách. Tính ra, cả tiền công và tiền len lên đến 3 - 5 triệu một cái áo, cái váy.

Bà khoe, một chiếc áo len đan tay, nếu biết cách giữ, có thể mặc được hai mươi năm. “Áo len đan tay không phù hợp với những người vội vã và xuề xòa. Phải biết nâng niu nó, không được giặt máy mà phải giặt tay, giặt bằng dầu gội đầu, mà cũng không được vò, không vặn xoắn, chỉ bóp nhẹ nhàng cho kiệt nước thôi. Khi phơi cũng không được phơi bằng mắc áo mà phải gập theo chiều dọc rồi phơi trên dây, chờ nước chảy xuống rồi vắt liên tục mới không bị bai, không “chảy” hay xô lệch, hỏng dáng áo.” – bà chia sẻ. 

Gặp
Những cuộn len nhỏ bé, qua bàn tay tài hoa và say mê của nghệ nhân, trở thành sản phẩm "không đụng hàng"

Tâm sự về truyền nhân, bà nói, “mấy cô con gái toàn học Đại học ra, chẳng đứa nào theo nghề. Chúng nó bảo, theo nghề mẹ thì chết đói à. Con tôi thương mẹ, toàn bắt mẹ nghỉ đan thôi, nhưng tôi “trót” đam mê rồi, không làm nghề cũng nhớ. Cậu con rể lớn xung phong đầu tư cho tôi làm lớn hẳn ra, nhưng tôi chẳng dám nhận, vì nói thực, chẳng kiếm đâu được đôi tay thứ hai như thế này.

Rời căn phòng 8m2 của người phụ nữ hai mươi năm ngồi đan, ngoài kia, con phố Hàng Trống rộn rã ấy, có bao người biết rằng, có một người vẫn miệt mài giữ nghề xưa cũ? Như những tia nắng hiếm hoi của mùa đông, chẳng biết bà còn giữ nghề được đến bao giờ, khi mắt bà đã mờ, tay bà đã mỏi, mà truyền nhân thì vẫn chẳng tìm ra?

Chia sẻ