Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn

Nhi Lee,
Chia sẻ

Có một loại hạnh phúc, được gọi tên khi gửi trao niềm vui tới người khác. Và có một cô gái trẻ, giữa nhịp sống công nghệ hiện đại, quyết định quay ngược thời gian, gửi tặng yêu thương đến mọi người bằng những chiếc thiệp giấy truyền thống.

Người cháu lặng lẽ ngồi nhìn ông trên giường bệnh, tay nắm chặt hộp quà mang gam màu nâu ký ức, được đóng gói tỉ mẩn và vượt qua chặng đường dài 18 tiếng bay từ Việt Nam tới nước Ý. Chiếc hộp ký ức khi mở ra, là ngôi nhà lợp rêu phong đã gắn bó cùng hai ông cháu qua nhiều năm tháng, với những bức ảnh đong đầy tình cảm của ông cùng gia đình từ nhỏ tới giờ.

Lật từng kỷ niệm xưa, người ông mỉm cười: "Món quà này còn hơn cả tuyệt vời, cháu à!"

Và đó là lần cuối người cháu được nhìn thấy ông mình. Ông ra đi thanh thản, mang theo những cảm xúc đẹp đẽ và ngọt ngào nhất. Hộp quà đã hoàn thành trọn vẹn giá trị của mình – lưu giữ hạnh phúc, đóng băng thời gian và những kỷ niệm mà chẳng công nghệ nào có thể làm được.

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 2.

"Ông sẽ mãi ở trong tim cháu, và trong hộp quà này, ông nhé!"

Hộp quà trên, cũng như rất nhiều câu chuyện khác mang tên "hạnh phúc", đều được thêu dệt bởi cô gái trẻ với hơn 3 năm gắn bó cùng nghề thủ công handmade. Cô gái mạnh mẽ mang tên một đóa hoa - Nguyễn Cẩm Ly.

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 3.

Khi đam mê là hoa tiêu dẫn lối sự nghiệp  

Buổi trò chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện về niềm đam mê với nghệ thuật của Cilly. Em kể rằng, nó đến rất tự nhiên, bắt đầu chỉ đơn giản là những tấm thiệp lưu trữ kỷ niệm với bạn bè mình, rồi cho tới những sản phẩm thủ công đòi hỏi độ tinh tế và tay nghề chuyên môn cao.

Cô gái trẻ miệt mài làm cho đến một ngày khi đủ nhìn nhận đây là con đường dài của mình, Cilly quyết định mở cửa hàng, và gặp sự phản đối gay gắt từ gia đình. Một cô gái chưa bao giờ đi làm, còn dở dang đại học, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, dẫu tình yêu và đam mê thì có thừa – liệu có thể thành công?

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 4.

"Nhỡ gặp khó khăn, lại bỏ cuộc thì sao?". "Nhỡ mình làm không đẹp được như người khác thì sao?"

"Nhỡ" – từ khóa sống còn trong từ điển của bậc phụ huynh, hay thường gặp nhất trong hoàn cảnh con mình làm điều gì đó trái với bình thường, nay được bố mẹ Cilly vận dụng tối đa, để khuyên nhủ con gái mình.

Vậy mà từ đó đến nay, đã hơn hai năm cửa hàng handmade của Cilly được thành lập rồi đó! Hai năm của rất nhiều khó khăn thử thách, hai năm của cô gái 22 tuổi chập chững vào nghề với một tâm niệm "Tôi không bán đồ handmade. Tôi bán hạnh phúc".

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 5.

"Việc tự kinh doanh, tự chiến đấu và kiên cường theo đuổi ước mơ đem lại cho em rất nhiều trải nghiệm quý giá. Sau tháng đầu tiên mở cửa hàng được bạn bè ủng hộ, em như trật bước, rơi vào trạng thái "hụt hẫng" vì không có khách hàng. Em thậm chí không dám về nhà, không dám gặp mẹ, bởi trước đó đã nói chắc nịnh rằng con sẽ làm được. Nhưng chính lúc em tuyệt vọng nhất, ngồi khóc nhìn cửa hàng – nhìn những gì mình bỏ công sức thiết kế và tạo ra, thì em không thể bỏ cuộc được!"

Cilly của ngày ấy, đơn giản chỉ là đam mê với Scrapbook, với những điều nhỏ xinh được đính kèm trong một tấm thiệp được tỉ mẩn trang trí từng hoa văn, chi tiết, mang đậm dấu ấn của người sáng tạo. Giờ đây nhìn lại chặng đường, Cilly cũng dần có thêm niềm tin hơn vào sự nghiệp, khi sản phẩm được tín nhiệm bởi không ít người nổi tiếng: Phở Đặc Biệt, Á hậu Dương Tú Anh, MC Mai Ngọc, hay Ngọc Hân đều đã sử dụng sản phẩm của em trong những dịp đặc biệt bên gia đình và bạn bè, như một dịp để lưu giữ kỷ niệm và hạnh phúc. Thậm chí, mọi người còn gọi vui em, là "người tô màu cuộc sống".

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 6.

Không dừng lại ở đó, Cilly tiếp tục lấn sang mảng đào tạo nghệ thuật cho mẹ và bé. Cô tin mình đã và đang làm được công việc "mang lại hạnh phúc cho người lớn", nhưng còn trẻ nhỏ, đa phần ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo bài bản để cho trẻ học cách sống với đam mê của mình. Cilly mong muốn truyền cảm hứng tới lớp trẻ hơn, để mang đến hạnh phúc cho cả gia đình.

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 7.

Một trong những lớp học "mẹ và bé cùng tập làm thiệp thủ công" do Cilly tổ chức

"Để em kể chị ý tưởng sắp được thực hiện nhé! Trẻ con hay tò mò: "Mẹ đẻ con ra như thế nào vậy?". Một chiếc hộp vô cùng xinh xắn, mở ra sẽ tựa như nhật ký bí bầu vô cùng chi tiết của mẹ, từ những lúc em bé còn xíu xiu trong bụng, đến lúc mẹ nhắm mắt thiếp đi mệt mỏi ở bệnh viện ngày gần sanh. Hai mẹ con sẽ cùng nhau trải nghiệm lại cảm xúc đó qua chiếc hộp này, và khi mở đến cuối cùng, sẽ là một thiên thần xinh xắn xuất hiện ..." – Cilly kể say sưa đến nỗi tôi quên bẵng việc phải ghi chép, thay vào đó là trong đầu đầy ắp những hình ảnh ngọt ngào của hai mẹ con hạnh phúc nào đó sắp được cầm trên tay sản phẩm tâm huyết của em.

Gia đình – Bến tựa bình yên, điểm bắt đầu của hạnh phúc

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 8.

Không chỉ là người bạn đồng hành trong mọi chuyến đi, mẹ còn là người luôn kề bên Cilly những giai đoạn khó khăn nhất

Sau tất cả, chính là gia đình – những người đồng hành cùng Cilly trong suốt chặng đường gian khó 3 năm vừa qua. Câu chuyện càng đặc biệt hơn, khi thấp thoáng sau mỗi tấm hình của Cilly tại cửa hàng, đều có bóng dáng của mẹ – người hy sinh nhiều cho cô nhất.

"Ngày đầu kinh doanh, tụi em mang sản phẩm ra hội chợ để bán, sáng nắng oi ả, đột nhiên trưa lại tối sầm, mưa tầm tã. Cả đám tán loạn, ướt gì thì ướt chứ tuyệt đối không để thiệp dính nước. Trong lúc tất tả dọn dẹp, bỗng em thấy mẹ chạy hối hả đến - người ướt như chuột, trên tay còn cầm một túi gà chiên khổng lồ. Mẹ bảo mẹ mang đi làm cho mấy đứa ăn trưa mà, có đói không con – mau chạy vô ăn đi, để mẹ dọn ngoài này cùng cho. Mưa to lắm, mà lòng em nhẹ nhõm vô cùng!"

Có những đêm, mẹ hì hụi pha café, thức đêm để mày mò cắt, ghép cùng Cilly. Hai mẹ con như đôi bạn đồng hành, bên nhau từ những ngày đầu dự án khởi lập, hay cả trong những chuyến đi khám phá thế giới.

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 9.

"Trong tương lai, em có nghĩ đến chuyện yên bề gia thất?" – Tôi tò mò muốn biết, liệu cô gái này liệu đã đủ trưởng thành để sẵn sàng cho những dự định tiếp theo ngoài gia đình và công việc, và em đã mang cho tôi một câu trả lời thật mãn nguyện.

"Cái gì đến, sẽ đến thôi chị. Ở thời điểm hiện tại, em muốn học cách cân bằng cuộc sống trước. Khi cán cân thăng bằng, mình sẽ dần đặt thêm những viên đá tình yêu, để đong đầy thêm hạnh phúc và yêu thương."

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 10.

Cuộc sống - là những gam màu rực rỡ!

"Nếu được chọn ba gam màu cho cuốn sách cuộc đời của mình, Ly sẽ chọn màu gì?" - Đối với một cô gái nghệ thuật và thú vị như Cilly, những "thử thách" của tôi dường như không làm khó em chút nào.

"Màu đỏ sẽ là màu đầu tiên của em, bởi sự nóng bỏng, rạo rực, nhiệt huyết mà gam màu mang lại. Làm khởi nghiệp, nếu mình không có lửa, thì dễ mất tinh thần lắm.

Màu đen sẽ kế tiếp bởi rằng, ví như con người lướt qua sóng gió, họ lại càng mạnh mẽ hơn, thì màu đen cũng vậy, càng tô thật nhiều, nó lại càng đậm nét.

Xanh dương là lựa chọn cuối – đây là gam màu lột tả chính em – một cô gái thích vi vu và luôn tìm kiếm cảm hứng, sự tươi mới để thổi hồn vào tác phẩm sáng tạo của mình."

Gặp gỡ cô gái trẻ thêu dệt hạnh phúc vào những chiếc hộp ký ức – Cilly Nguyễn - Ảnh 11.

Trước khi chia tay Cilly để cô bắt đầu vào công việc truyền cảm hứng của mình – tôi luyến tiếc, hỏi cô một câu cuối: "Đối với em, câu nói "Phụ nữ là phải thế" có ý nghĩa gì?"

Không chút do dự, Cilly nhoẻn miệng cười:

"Là phụ nữ, phải yêu thương mình như thế chị à. Trước giờ, phụ nữ chịu nhiều áp lực, chẳng hề có thời gian cho bản thân. Nếu không sống cho mình, không xả những năng lượng tiêu cực đi, thì mãi chẳng thể "như thế" được. Phải làm những gì khiến mình hạnh phúc trước, thì mới có thể mang lại hạnh phúc cho mọi người".

Em bước đi, tôi vẫn còn ngẩn ngơ mãi. Em có cách sống hạnh phúc, và tạo nên những tác phẩm nghệ thuật kỳ công khiến người nhận cảm nhận được tình yêu chân thành trong đó. Vì hạnh phúc, vốn là để lưu giữ mà, phải không em?

Chia sẻ