Dùng thuốc kích trứng: Đẻ non, con dị tật

Theo VTC,
Chia sẻ

Sau khi hạnh phúc vì có bầu nhờ thần dược thuốc kích trứng, sau đó nhiều bà mẹ đang phải đối diện với một đoạn trường nuôi con khổ ải vì những đứa con được tượng hình vì chín ép.

Đa thai, dễ sẩy và sinh non vì dùng thuốc kích trứng

Con đã được 6 tháng, ham ăn ngoan ngoãn nhưng chị Nguyễn Thu M. (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chẳng cầm được nước mắt, thảng thốt lo sợ khi thấy con ngạt mũi. Chị suốt ngày ôm con, xem xét từng ly, từng tý, xem con có nhận biết được ánh sáng, nghe được âm thanh mẹ ru hay không. Bên cạnh niềm yêu thương con vô bờ, chị còn phải chịu đựng nỗi đau, nỗi lo sợ mà không biết đến bao giờ mới xua tan đi được.

Sự thể bắt đầu khi chị phải dùng thuốc kích trứng sau 5 năm thả mà không có đứa thứ 2. Chị thật may mắn, đến tháng thứ 2 đã toại nguyện khi bác sĩ thông báo chị mang song thai. Chị cố ăn uống, tẩm bổ, giữ gìn mong hai cô công chúa được sinh ra khỏe mạnh.

Nhưng đến tháng thứ 4, chị đã bị phù chân, huyết áp tăng cao, nguy cơ cho thai nhi rất lớn. Được hẳn một bác sĩ uy tín theo dõi, chăm sóc, nhưng sang đến tuần thứ 26, chân chị phù nặng, protein niệu cao trong nước tiểu, chị được đề nghị sang bệnh viện Bạch Mai để theo dõi, điều trị, tiết niệu.

Chưa kịp kiểm tra, chị đã đau bụng, huyết áp tăng cao nhập viện cấp cứu và sinh con có 0,8 và 1 kg, cả hai đều phải nằm lồng kính vì tình trạng của các bé đều rất yếu. Sau hơn 1 tháng, một bé đã không qua khỏi.

Chưa hết, nỗi đau, nỗi khổ, nỗi mong chờ của người mẹ đối với đứa con còn lại đeo đẳng chị dài như hàng thế kỷ. Vì sinh non, bé sống chung với bệnh viêm phổi với những cơn khó thở, tím tái phải cấp cứu thường xuyên. Hàng tháng trời chị ăn ở bệnh viện lo cho con viêm phổi…

Nỗi đau con bị dị tật

Đến giờ chị Nguyễn Thị H. (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng sau ba lần kích trứng sinh non của mình.

Vợ chồng chị lấy nhau 2 năm không có thai nên đi điều trị vô sinh. Lần đầu tiên dùng thuốc chị có thai nhưng sau 3 tháng chị bị sẩy. Lần thứ 2, chị mang song thai nhưng đến tháng thứ 4 cũng hỏng. Lần thứ 3, sinh ba, chị vui mừng vì thai đã sắp đến tháng thứ 7 nhưng cuối cùng chị vẫn sinh non. Hai bé bỏ chị ra đi, niềm hạnh phúc duy nhất còn lại của chị là cậu con trai bé nhỏ 900g.

Nhưng cùng với niềm vui đi kèm là nỗi đau, day dứt khôn nguôn cho cả vợ chồng chị khi đứa bé bị mù do sinh non. Chị kể, biết nguy cơ rất nhiều đối với con, nên ngay từ khi sinh ra, gia đình đã làm mọi cách, đưa cháu sang cả Singapo điều trị ngay khi ra khỏi lồng ấp. Vậy mà số phận trớ trêu vẫn gieo vào con chị. Nỗi buồn, nỗi ám ảnh đeo đẳng chị sợ đến mức không dám nghĩ đến sinh con nữa.

Nhưng lúc chị buông xuôi thì cuối cùng chị lại có thai tự nhiên và sinh liên tiếp 2 con bình thường, khỏe mạnh.

Những nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc kích trứng

Các chuyên gia sản khoa cho biết, loại thuốc kích thích rụng trứng: trong những chu kỳ dùng thuốc, tỷ lệ đa thai đến 30%, so với tỷ lệ đa thai 1- 2% ở những thai nghén không dùng thuốc.

BS Đào Xuân Dũng, BV Phụ sản TƯ cho biết, đa thai chứa đựng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho thai và đe dọa sức khỏe người mẹ. Nguy cơ lớn nhất đi kèm với đa thai là chuyển dạ sớm, dẫn đến hậu quả là sinh non. Những phụ nữ mang đa thai có tỷ lệ chuyển dạ sớm cao gấp đôi so với những bà mẹ mang một thai.

Nhiều trường hợp thai đôi, thai ba dễ tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và dễ xảy ra các biến chứng nhưng gần như tất cả các trường hợp thai bốn trở lên đều sinh non. Ảnh hưởng của sinh non đến trẻ sơ sinh rất đa dạng và khó lường.

Đối với người mẹ, ngoài sự căng thẳng về thể chất và cảm xúc vì phải mang thai đôi, thai ba… còn tăng nguy cơ bị các biến chứng thường gặp của thai nghén như: tình trạng thai phụ bị tiểu đường khi mang đa thai cao gấp đôi; nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp bốn lần, tim dễ bị suy; chưa kể tiền sản giật, cao huyết áp, rau bong non... Đây đều là những nguy cơ cực kỳ khủng khiếp cho cả mẹ và con, tiên lượng con thường rất xấu, khi xử trí chậm mẹ có khi mất cả tử cung, không còn khả năng sinh tiếp.

Đặc biệt, theo BS Đào Xuân Dũng, đa thai dễ mắc hội chứng nguy hiểm là thai truyền máu cho nhau. Trong đó, khoảng 90% trường hợp này không được phát hiện sớm đã dẫn đến tử vong cho một thai. 25% số thai đôi sống sót sau khi bị hội chứng thai truyền máu cho nhau nhưng không được điều trị sẽ có thương tổn về thần kinh.

Với những đứa con dị tật do người mẹ sử dụng thuốc kích trứng, đây là gánh nặng cho gia đình và xã hội về sau.
 

Một tâm sự buồn trên diễn đàn

Trên diễn đàn webtretho đăng một bài tự sự về nỗi khổ của người kích trứng sinh con dị tật, khiến người đọc khó cầm lòng: “Cuộc đời ơi, sao lắm trớ trêu. Tôi cũng lấy chồng như bao nhiêu người con gái khác. Vợ chồng tôi sống bình thuờng như bao người. Chỉ cho đến khi, tôi muốn sinh con.

Đến bấy giờ tôi mới biết mình không bình thường. Tôi phải kích trứng để thụ thai. Tôi đậu thai ngay lần đầu. Mọi người bảo tôi may mắn. Tôi cũng thấy vậy. Gia đình và tôi chờ đón bé. Hân hoan. Hạnh phúc. Tôi tự hào vì mình sắp làm mẹ. Tôi thương những người cùng chữa với tôi mà chưa đậu thai...

Tôi sinh mổ. Tôi yếu lắm, bé cũng yếu (mọi nguời nói vậy). Bé phải nằm lồng ấp... 9 ngày sau, tôi mới được gặp bé. Bé được quấn trong chiếc tã trắng tinh, gọn gàng. Bé bé lắm, da nhăn nheo. Nhưng với tôi, bé đẹp lắm. Bé ham ăn. Tôi vụng về cho bé bú. Hạnh phúc tràn ngập. Tôi đợi bé lâu quá rồi.

Rồi chuyện gì đến sẽ đến.

Tim tôi vẫn nhói đau mỗi khi nhớ lại cảm giác lần đầu nhìn thấy đôi bàn tay con. Ôi, trời ơi, con tôi. Ông trời ơi, con có tội gì đâu. Sao ông nỡ... Mẹ xin lỗi con vì đã không cho con được hình hài đầy đủ. Mẹ mang tội với con.

Hai bàn tay con tôi chỉ còn 5 ngón (không phải do dị dạng quái thai mà do bệnh nước ối - bác sĩ trả lời tôi vậy. Mọi thứ bé đều bình thường, duy chỉ có đôi bàn tay. Quả thực tôi đến giờ vẫn không hiểu tôi mang bệnh gì mà con bị như vậy. Bác sĩ giải thích - là do những sợi tơ trong nước ối quấn vào tay bé, lâu dần cắt đứt ngón. Ôi...).

Không biết rồi con có vượt qua được tiếng đời không, vượt qua được sự trêu ghẹo của mọi người, vượt qua những lời thì thầm sau lưng không, con ơi. Thương con quá, con ơi…”
Chia sẻ