Đừng sợ con không tiếp thu được xác suất thống kê, mẹ Nhật Nam gợi ý các trò chơi vừa thư giãn, vừa giúp con hiểu ngon ơ môn học này

Phan Hồ Điệp,
Chia sẻ

"Xác suất xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, chỉ là từ trước đến nay bạn chưa để ý nên cảm thấy xa lạ thôi".

Từ hôm qua, nhiều phụ huynh xôn xao khi có thông tin “Sẽ dạy toán xác suất thống kê cho học sinh từ lớp 2”.

Nhiều người chép miệng: "Kiểu này dạy để con mình tính… lô đề cho dễ đây mà".

Rồi hoang mang: "Khiếp quá, muốn trẻ con thành thiên tài hết hay sao mà dạy những cái cao siêu thế, dần dần rồi khéo dạy cả toán cao cấp cho lớp 1".

Không đâu bạn ơi, đừng căng thẳng!

Vì trong thực tế, các bố mẹ còn có thể dạy con về xác suất thống kê từ khi còn… chưa đi học cơ.

Ví dụ: Bạn để 3 hạt đậu màu đỏ và 5 hạt đậu màu đen vào trong một cái bát.

Mẹ Nhật Nam gợi ý vài trò chơi vừa giúp con thư giãn vừa giải xác suất, thống kê ngon ơ - Ảnh 1.

Trò chơi bốc hạt đậu cũng là học xác suất.

Bạn sẽ hỏi con những câu hỏi sau:

1. Nếu nhắm mắt bốc hạt đậu, con nghĩ là khả năng cao ta sẽ bốc vào hạt đậu màu nào? (màu đen)

2. Liệu có khi nào mà ta bốc hạt đậu màu vàng không?

3. Cần phải bỏ ra bao nhiêu hạt đậu màu đỏ để khi bốc chắc chắn chỉ bốc hạt màu đen thôi? (bỏ ra cả 3 hạt)

4. Cần phải làm thế nào để khi bốc hết số hạt đậu trong bát thì số hạt màu đỏ và màu đen bốc được là bằng nhau? (bỏ bớt ra để có 3 hạt màu đen và 3 hạt màu đỏ hoặc thêm vào để có 5 hạt màu đỏ và 5 hạt màu đen)

Đấy chính là xác suất rồi đó bạn.

Xác suất có thể áp dụng khi bạn chơi xúc xắc, bạn có thể hỏi:

Mẹ Nhật Nam gợi ý vài trò chơi vừa giúp con thư giãn vừa giải xác suất, thống kê ngon ơ - Ảnh 2.

Xác suất có thể áp dụng khi con chơi xúc xắc.

1. Khi tung, mặt ít chấm nhất là mặt nào?

2. Mặt nhiều chấm nhất là mặt nào?

3. Liệu con sẽ tung nhiều nhất vào mặt nào? 

Câu hỏi này thì bạn nên làm cho con một tờ giấy với một bảng biểu, cứ mỗi lần con tung lại đánh dấu vào và sau đó xem lần tung mặt nào nhiều nhất. Trò này vừa dạy con khả năng tập trung mà chính là dạy “thống kê” bằng bảng biểu rất đơn giản.

Xác suất còn có thể dạy con khi để con đoán xem liệu khả năng mình sẽ gặp đèn xanh, đỏ hay vàng; liệu khi ta trồng 5 hạt đậu có mấy hạt nảy mầm và nếu tăng số lượng hạt đậu lên thì số hạt nảy mầm sẽ tăng lên thế nào?

Bạn cũng có thể dạy con “thống kê” xem trong nhà ai sinh vào tháng nào, thích màu gì, xem ai có tháng sinh giống nhau, sở thích giống nhau…

Bạn cũng có thể dạy con những bài toán đơn giản về việc có ba đôi tất khác màu trong cái hộp, cần ít nhất mấy lần lấy để được đôi cùng màu nhau?

Phan Hồ Điệp

Xác suất xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, chỉ là từ trước đến nay bạn chưa để ý nên cảm thấy xa lạ thôi.

Bạn cũng nên dạy con những khái niệm như: Ít nhất/Nhiều nhất/Có khả năng nhất/Ít khả năng/Không thể xảy ra… dạy ngôn ngữ liên quan đến toán là thế.

Đây là một ví dụ mà mình rất hay lấy ra để chơi trò “hack não” với các bạn lớp 1, 2. Các bạn thử xem “Ai thông minh hơn học sinh lớp 1, 2 nhé”.

Bình và An rất thích trò chơi luyện sút bóng vào khung thành.

Tuần trước: Bình sút 10 quả và vào lưới 2 quả. An sút 10 quả và vào lưới 3 quả. Như thế, ai đá giỏi hơn? Chắc chắn là An rồi.

Tuần này: Bình sút 100 quả và vào lưới 53 quả. An sút 10 quả và vào lưới 6 quả. Như thế, ai đá giỏi hơn? Vẫn là An.

Nhưng bây giờ sẽ cộng lại cả hai tuần: Bình sút 110 quả và vào lưới 55 quả (50%). An sút 20 quả và vào lưới 9 quả (45%). Ồ, bây giờ thì thấy Bình lại đá giỏi hơn An?

Tại sao? Và mình chưa thấy lớp nào mình dạy mà các bạn lại không trả lời được cả.

Mẹ Nhật Nam gợi ý vài trò chơi vừa giúp con thư giãn vừa giải xác suất, thống kê ngon ơ - Ảnh 5.

Cứ nghĩ đến việc học sinh phải đứng giữa các cuộc tranh cãi về quan điểm giáo dục là mình lại cảm thấy băn khoăn. Nhà trường không còn sự yên tĩnh vốn có và những cuộc tranh luận dội vào đời sống tinh thần của học sinh những phân vân.

Điều mình mong muốn nhất là không biến các công cuộc cải cách giáo dục thành một cuộc khua chiêng gõ mõ rồi đâu lại vào đấy. Người nói cứ nói người làm cứ làm, chỉ có học sinh là khổ.

Ngày hôm qua không biết có em nhỏ nào đã kịp gieo vào đầu suy nghĩ: "Chết rồi, sắp tới lên lớp 2 thấy mẹ bảo là phải học cái gì kinh khủng lắm" chưa.

Hy vọng là “xác suất” những điều tiêu cực đến với các con là rất nhỏ!

Vài nét về tác giả

Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...

Cùng xem thêm những bài viết của chị Phan Hồ Điệp Tại đây.

Chia sẻ