"Đừng mơ lương 45 triệu đồng/tháng nếu..."

Theo Dân Việt,
Chia sẻ

Chính các nhà tuyển dụng cũng có ý kiến trái chiều về câu hỏi "gây bão" của nữ sinh trẻ.

Phạm Thanh (nữ sinh trường Học viện Kỹ thuật mật mã, Hà Nội)- người đưa ra câu hỏi làm nóng dư luận

“Em phải học thế nào để có mức lương khởi điểm 2000 đô/tháng ”, Phạm Thanh (nữ sinh trường Học viện Kỹ thuật mật mã, Hà Nội) - chủ nhân của câu hỏi đã phải chịu không ít búa rìu dư luận suốt những ngày qua. Hầu hết mọi người đều cho rằng, mức lương 2000 đô/tháng đối với sinh viên mới ra trường non là phi thực tế.

Cùng xem góc nhìn của các nhà tuyển dụng xung quanh vấn đề nóng hổi này.

“Học ở Việt Nam, non kinh nghiệm và không phải lĩnh vực đầu tư thì… không có đâu”

Đó là chia sẻ thẳng thắn của một cựu thành viên Hội đồng quản trị FPT về chủ đề này. Anh cho rằng, muốn có được mức lương khởi điểm 2000 đô/tháng thì ít nhất phải tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá của thế giới. Nếu không, đó chỉ là một con số ảo tưởng, xa vời.

“Ở Việt Nam, một nhân viên giỏi, có bằng đại học sẽ đạt mức lương 2000 đô/tháng sau 5 đến 10 năm làm việc cật lực ở một công ty lớn. Chúng ta nên nhìn vào thực tế”, nhà tuyển dụng này cho hay.

Tuy nhiên, anh nhấn mạnh câu hỏi của nữ sinh năm ba trường Học viện Kỹ thuật mật mã không phải là một câu hỏi phi thực tế. Ngược lại, nó đã thể hiện được sự cầu tiến, ham học hỏi và muốn có định hướng học tập rõ ràng của một sinh viên. Thay vì chỉ trích “ném đá” nên đưa ra câu trả lời cụ thể cho họ về lộ trình học tập để có được mức lương khởi điểm tốt.

"Nếu không tốt nghiệp tại một trường danh giá trên thế giới, ở lĩnh vực được đầu tư thì con số 2000 đô/tháng là viển vông" - một nhà tuyển dụng nói (ảnh minh họa)

Đặt mình là diễn giả trực tiếp nghe câu hỏi đó từ phía nữ sinh, anh đưa ra lời khuyên, sinh viên cần học thật tốt các môn chuyên ngành và một ngoại ngữ (Anh, Nhật hoặc Trung). Khi ra trường, nếu có điều kiện nên chọn một công việc phù hợp nhất, không quá quan tâm đến mức lương khởi điểm, có thể là 4, 5 hoặc 10 triệu đồng/tháng.

"Nếu bạn có năng lực và cố gắng, sau vài năm người ta sẽ trả bạn mức lương 2000 đô/tháng. Nếu không được như vậy hãy chuyển sang công ty khác hoặc lập doanh nghiệp của chính mình”.

Nhà tuyển dụng là những người thực tế. Họ không đầu tư gì cả mà chỉ trả lương cho nhân viên để hoàn thành công việc theo yêu cầu. Chỉ với những nhân viên cao cấp thì mới nói đến chuyện đầu tư hay tin cậy.

“Đó là ước mơ lớn, không phải ước mơ viển vông”

Chia sẻ với chúng tôi về câu hỏi "gây bão" của nữ sinh Phạm Thanh, anh Lê Đình Hiếu (Giám đốc Điều hành Học Viện G.A.P) lại có những suy nghĩ hoàn toàn khác.

“Trong 100 người mơ mộng, ít nhất cũng có một người thành công. Vậy nếu ngay cả một người mơ mộng cũng không có thì thành công ở đâu ra? Người trẻ, họ có quá nhiều nỗi sợ níu chân lại”, giám đốc trẻ của Học viện G.A.P nhấn mạnh.

Khi biết có một sinh viên manh dạn “chất vấn” các diễn giả rằng phải học thế nào để có lương khởi điểm 45 triệu đồng, anh Hiếu không giấu nổi sự phấn khích. Anh thừa nhận, bản thân rất thích sự thẳng thắn của nữ sinh này- điều anh ít thấy trong số rất nhiều ứng viên từng phỏng vấn.

“Năm vừa rồi, tôi phỏng vấn khoảng 50 đến 100 sinh viên, rất ít người trong số đó mạnh dạn nói mức lương mong muốn. Họ vào làm việc theo mức lương nhà tuyển dụng đề xuất, nếu không hài lòng họ sẽ không làm việc hết mình”, anh Hiếu nói.

Anh Lê Đình Hiếu - một trong 30 gương mặt nổi bật dưới tuổi 30 được vinh danh

Giám đốc trẻ khẳng định, con số 2000 đô/tháng với một sinh viên mới ra trường không hề viển vông, hoặc chăng nếu có thì nên cổ vũ thay vì “ném đá”.

Cách đây 6 năm, khi cùng ba người bạn khác khởi nghiệp công ty giáo dục với mong muốn xây dựng một doanh nghiệp trị giá triệu đô, anh cũng bị không ít người nói đó là ảo tưởng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dự án đó đã được định giá gần chục triệu đô vì đã kêu gọi thành công vốn đầu tư nước ngoài nên anh cho rằng “đừng sợ mơ lớn, hãy sợ không dám ước mơ”.

“Huống chi, mọi người chỉ chăm chăm nhìn vào con số 2000 đô mà không nhìn thấy, bạn ấy đang hỏi là PHẢI HỌC THẾ NÀO. Ấy không phải ham trèo cao mà là sự cầu tiến và mong muốn được định hướng”, anh Hiếu nói.

Giám đốc trẻ khẳng định, 2000 đô là mức lương rất cao đối với một sinh viên mới ra trường đòi hỏi họ phải có lộ trình học tập cẩn thận để kiến thức, kinh nghiệm đang có bán được với mức giá ấy.

Theo anh, người trẻ phải xác định rõ thế mạnh của bản thân rồi tập trung phát huy nó. Họ định làm gì trong tương lai thì nên học thật giỏi các kiến thức phục vụ cho ngành đó kèm thêm ít nhất một ngoại ngữ, trau dồi thật nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, thái độ chuyên nghiệp, cầu thị cũng là yếu tố quan trọng.

“Đừng để những nỗi sợ níu chân mình lại. Hãy bơi ra thế giới, đến với thị trường Singapore, Hồng Kong, Mỹ… tìm đến những công ty đa quốc gia mà trải nghiệm. Dám mơ ước mức lương cao thì phải đủ dám phát triển bản thân”, giám đốc trẻ chia sẻ.

"Với vai trò chủ doanh nghiệp, tôi hoàn toàn hoan nghênh những câu hỏi thẳng thắn thế này. Đây là điều chúng ta mong mỏi ở thế hệ trẻ - nói thẳng và dám nói những điều họ mong muốn.

Tại sao chúng ta cứ áp đặt, sinh viên mới ra trường là phải làm việc với mức lương thấp? Một cá nhân có tố chất, được đào tạo bài bản, đầy đủ những kỹ năng cần thiết, có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì hoàn toàn xứng đáng với mức lương hấp dẫn và con số 2.000 $ cũng không phải là không thể.

Đỗ Mỹ Dung, em gái ca sỹ Mỹ Linh - chủ một chuỗi khách sạn mini tại Hà Nội

Đây là một câu hỏi khiến người lớn phải suy ngẫm. Liệu nhà đào tạo đã biết dạy cho sinh viên những kiến thức cần thiết chưa? hay chỉ giảng dạy máy móc, thiếu thực tế, kém cập nhật? Liệu họ có tìm hiểu doanh nghiệp (nhà tuyển dụng) cần gì ở sinh viên để có hướng đào phù hợp, tránh lãng phí chưa?

Theo tôi, hàng năm Việt Nam nên công bố tỷ lệ xếp hạng các trường đào tạo hiệu quả (tỷ lệ cử nhân xin được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ làm đúng ngành nghề đào tạo, mức lương trung bình khi ra trường...) một cách công khai để làm tiền đề cho việc hướng nghiệp của thế hệ trẻ. Đây là những số liệu hoàn toàn có thể điều tra được và là những con số biết nói. Rất nhiều nước trên thế giới đã và đang làm như vậy".

Chia sẻ