Đừng diễn vai "làm mẹ" một cách khôi hài và vô lý!

Hồng Hạnh,
Chia sẻ

Dù có bị dúi vào tay kịch bản mang tên “làm mẹ”, chúng ta cũng không bắt buộc phải đóng một vai vừa khôi hài vứa vô lý đến thế.

Dưới đây là một bài viết chia sẻ của một người mẹ, tác giả Heather Havrilesky trên tờ The New York Times hôm cuối tuần trước. Ngay sau khi bài viết được đăng tải, những điều mà tác giả Heather chia sẻ đã ngay lập tức trở thành chủ đề tranh luận nóng hổi trên nhiều diễn đàn làm cha mẹ. 

"Khi ai nói rằng một người sẽ hoàn toàn thay đổi khi làm mẹ, tôi liên tưởng tới sự thay đổi mà một cơn bão gây ra. Người ta gọi bạn bằng một danh từ khác: “bà mẹ”, “một trong các mẹ” và bạn cảm thấy như một con người mới nhưng thật sự, con người ấy bạn không nhất thiết phải biết hay nhận ra.

Không đơn thuần chỉ là quan hệ mẹ con nữa, không chỉ là vai trò được thể hiện ở nhà hay trường học của lũ trẻ nữa, làm mẹ đã mở rộng thành một phong cách sống toàn diện khi mọi nhu cầu và kỳ vọng được đặt vào đứa con che phủ hết những khía cạnh khác của cuộc sống của người phụ nữ.

Đừng diễn vai
(Ảnh minh họa: Amazonaws.com)

Có lần tôi và bạn bè đi uống nước, một người đàn ông ngó chúng tôi và nói: “Hội các mẹ đang xả hơi đấy”. Anh ta tỏ thái độ như thể mấy bà mẹ tranh thủ trước giờ đón con đi uống vài ngụm bia như “những người bình thường” khác. “Các mẹ” trong câu nói ấy là những người chỉ biết lo chuyện sữa bỉm, các công thức nấu nướng hay kem dưỡng da. 

Thời điểm này, sự cộng hưởng của trào lưu chăm con quá mức, chiêu trò quảng cáo tinh vi và sự ca ngợi dành cho những người chỉ biết sống vì gia đình đã khiến mọi người nhìn các bà mẹ như một giống người xa lạ. 

Tuy thế, rất khó để trách những người ngoài cuộc khi mà chúng ta có một nền văn hóa mị dân với toàn những từ như “các mẹ”, “mẹ và bé”, “bà mẹ”, … xuất hiện đầy trên đủ loại phương tiện. Nếu bạn viết điều gì đó về việc có con trên mạng xã hội, bạn trở thành một “bà mẹ blogger”. Nếu bạn cắt tóc ngắn hay chỉ buộc túm đằng sau, bạn có “kiểu tóc của các mẹ”. Nếu bạn nói về việc cân bằng giữa việc nhà và xã hội bạn đang ở trong “cuộc chiến của mẹ”. Nếu bạn cần uống một cốc nước cùng bạn bè, bạn đang có vụ “tụ tập các mẹ”…

Khi tôi đến buổi tập bóng của con gái, huấn luyện viên của bọn trẻ muốn trao đổi vài điều với phụ huynh nên ông ấy gọi: “Nào các mẹ, hãy nghe này!”. “Các mẹ” ư? Tôi nhìn xung quanh mình thấy có cả bà, bố, và anh chị của lũ trẻ. Tôi thấy bực mình khi nghe thấy bị gọi như vậy. Con tôi gọi tôi là “mẹ yêu” điều ấy khiến tôi hạnh phúc và tự hào và tôi cũng gọi mẹ tôi như thế. Nhưng chuyện đó hoàn toàn khác. Đây là một từ rất riêng tư, rất thân mật, hơn cả từ “người yêu”. Nó nói lên mối quan hệ giữa tôi và mẹ tôi, giữa con tôi với tôi. Được nói ra từ miệng của một ông thầy hay một người lạ, nó nghe rất khó chịu. 

Đừng diễn vai
Khi trở thành mẹ, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ phải khoác lên mình một chiếc áo mới không vừa vặn và chẳng hợp gì với tính cách con người bạn. (Ảnh: The New York Times)

Bạn thích giao du với những phụ huynh khác, chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên trong việc chăm sóc con cái, nhưng điều ấy không có nghĩa là muốn mọi thứ đều bị gắn mác “các mẹ”.

Cái mác ấy dễ gây ác cảm vì nó có vị ngọt ngào giả tạo, rất mâu thuẫn nhưng lại được ưa chuộng. Trong các phim điện ảnh hay truyền hình, người mẹ luôn được thể hiện là một người vừa bình thường vừa đầy sức mạnh, vừa thông minh vừa nhạy cảm, vừa gợi cảm vừa không gợi cảm, vừa cực kỳ quan trọng nhưng cũng ngốc nghếch vô cùng.

Phần nhiều trong chúng ta sẽ có cảm giác mình không phải là một bà mẹ chuẩn mực. Chúng ta lại thường xuyên thấy những bức ảnh con cái của người khác hớn hở thu hoạch hoa trái nhà trồng được hay dựng tháp Eiffel bằng tăm, thấy con cái người khác được hưởng nền giáo dục trong sạch tại một nông trại nuôi bò trên thảo nguyên… Chúng ta đang thấy quá nhiều về cuộc sống của  người khác, càng thấy nhiều ta càng có cảm giác của kẻ thua cuộc.

Tất nhiên là những hình ảnh long lanh hay những tấm gương đáng ngưỡng mộ của các bậc cha mẹ nào khác cũng có thể mang lại cho ta cảm hứng. Dẫu vậy, cá nhân tôi không muốn đọc hay nghe nói về những chuyện tuyệt vời một cách hoang đường và xa xỉ. Có quá nhiều áp lực, với các bậc phụ huynh nói chung và người làm mẹ nói riêng, để làm sao giữ con cái tránh xa đồ ăn không tốt, không bị trêu chọc, không bị biến thành gà công nghiệp trong khi vẫn có thể cho con đọc sách có tranh minh họa, vẽ bằng bút chì và chơi dù lượn.

Tôi thích chơi đàn violin, đan lát và tổ chức tiệc sinh nhật, nhưng trước khi làm những việc ấy, tôi phải rửa chồng bát, lau dọn nhà cửa. Tôi do dự khi quyết định có nên tham gia nhiệt tình vào mấy hoạt động liên quan tới trẻ con, sợ rằng mình sẽ trở thành chuyên gia trong những lĩnh vực không được trả tiền và rồi chẳng còn thời gian để làm những việc khác như kiếm tiền, chăm sóc cơ thể hay gặp gỡ bạn bè.

Nền văn hóa của chúng ta ngày nay yêu cầu mọi người mẹ phải dành toàn tâm, toàn lực, toàn thời gian vào việc “làm mẹ”. Những người mẹ đang gánh vác rất nhiều việc. Đã có thời trách nhiệm duy nhất của chúng ta là giữ cho nhà cửa sạch sẽ và dạ dày của chồng con được đầy căng. Nhưng giờ đã không còn đơn giản như vậy nữa.

40 năm trước, mẹ tôi và hai bạn của bà uống cà phê, ăn bánh ngọt và hút thuốc, tán gẫu về mấy chuyện trên trời trong khi lũ con được thả chơi yên ổn ngoài vườn và chẳng mấy khi vào quấy phá họ. Ngày nay, ba người mẹ mà ở với nhau, việc duy nhất họ chỉ có thể cùng làm mấy việc thủ công cho con.

Theo cách nào đó, chúng ta đã học được cách đối xử với lũ trẻ như những người có khao khát và quyền lợi riêng nhưng lại không đối xử với chính mình như thế. Nền văn hóa hiện nay nói với ta rằng chúng ta không còn là những phụ nữ sinh động, đầy cảm hứng, đầy ý tưởng và cảm xúc, thứ duy nhất cần có là lối xã giao điềm tĩnh và hữu dụng. Chẳng trách nhiều người trong chúng ta bỏ ngoài tai những lời can ngăn mà kiên quyết tôn thờ bản năng nội trợ trong mình, cố gắng làm mọi việc. 

Khái niệm về vai trò làm mẹ hiện nay còn mâu thuẫn và nực cười hơn cả phim hài. Dù có bị dúi vào tay kịch bản mang tên “làm mẹ”, chúng ta cũng không bắt buộc phải đóng một vai vừa khôi hài vứa vô lý đến thế. 

Suy cho cùng, chúng ta vẫn nên là chính mình".

(Nguồn: The New York Times)
Chia sẻ