Dù là MUỐI hay ĐƯỜNG, thì cũng KHÔNG BAO GIỜ nên nêm nếm vào đồ ăn của trẻ nhỏ

An Nhi,
Chia sẻ

Nếu phải “điểm danh” hai kẻ thù giấu mặt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ, thì đó chính là muối và đường. Thế nhưng, hầu hết trẻ nhỏ hiện nay đều ăn quá nhiều muối và đường mỗi ngày, do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh từ chính bố mẹ.

Trong các buổi nói chuyện với cha mẹ về chủ đề "Nuôi con khỏe mạnh không cần can thiệp y tế", Ths Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn, Giảng viên bộ môn sinh lý học, ĐH Y Hà Nội luôn nhấn mạnh đến một trong những thủ phạm "quen mặt"tấn công mạnh mẽ sức đề kháng của trẻ nhỏ, đó là "thức ăn rác", bao gồm các đồ ăn được gần như mọi trẻ nhỏ yêu thích như bánh kẹo, kem, sữa, đồ ăn nhanh, bim bim, nước ngọt… Có một điểm chung của tất cả các loại thức ăn này, khiến cho chúng bị liệt kê vào danh sách thực phẩm "rác", không bao giờ nên cho trẻ ăn, đó là chúng có chứa quá nhiều muối và đường.

Dù là MUỐI hay ĐƯỜNG, thì cũng KHÔNG BAO GIỜ nên nêm nếm vào đồ ăn của trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Lượng đường "ẩn" trong các món ăn hàng ngày của trẻ có thể khiến cho trẻ nạp quá nhiều đường vào cơ thể mà cha mẹ không kiểm soát được. (Ảnh minh họa)

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, bác sĩ nhi khoa Jonathan Halevy (bác sĩ tại một phòng khám gia đình uy tín), người được rất nhiều các cha mẹ đang nuôi con nhỏ theo dõi và tin cậy cũng chia sẻ: "Các vị phụ huynh thường hay thắc mắc rằng khi nào thì chúng ta có thể bắt đầu nêm nếm gia vị muối và đường vào đồ ăn của con trẻ. Câu trả lời là: KHÔNG BAO GIỜ. Việc nêm nếm muối, đường vào thức ăn thực chất không mang lại thêm lợi ích hoặc giá trị dinh dưỡng nào cho sức khỏe."

Thực tế cho thấy, hầu hết trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các đô thị, thành phố lớn đều đang nạp vào cơ thể một lượng muối và đường vượt quá rất nhiều ngưỡng cho phép, điều này thể hiện một phần khá rõ ở tỉ lệ trẻ em mắc các bệnh mãn tính từ khi còn rất nhỏ như tiểu đường, bệnh tim, suy thận, các bệnh về máu hay thậm chí là ung thư ngày càng tăng lên và tình trạng các bệnh viện, khoa nhi luôn quá tải bệnh nhân không chỉ vào thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Mỹ), hệ miễn dịch non yếu của trẻ có thể dễ dàng bị suy giảm trong khoảng thời gian lên tới 5 tiếng đồng hồ sau khi ăn đường. Sau khi tiêu hóa 100g đường (tương đương lượng đường trong chai đồ uống có ga 1l), tế bào bạch cầu bị giảm hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn tới 40%. Trong khi đó, hàng loạt các nghiên cứu và thống kê khoa học khác đã chỉ ra rằng, ăn quá nhiều đường sẽ tàn phá hàm răng của trẻ; tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì; gây ra tình trạng tăng cân ở trẻ nhỏ, nhưng lại có thể đồng thời khiến trẻ bị suy dinh dưỡng vì đường chứa calo rỗng; và tác động mạnh mẽ tới tuyến tụy của trẻ.

Dù là MUỐI hay ĐƯỜNG, thì cũng KHÔNG BAO GIỜ nên nêm nếm vào đồ ăn của trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Trẻ ăn quá nhiều đường và muối sẽ kéo theo vô số bệnh tật nguy hiểm khi lớn lên. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn cho rằng: "Gốc rễ của vấn đề chính là do cách nuôi con hiện nay của phần lớn cha mẹ. Những lầm lạc của bố mẹ khi nuôi dạy con chính là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ hay bị ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tiêu hóa". Các chuyên gia sức khỏe và nghiên cứu khoa học khuyên rằng, một ngày trẻ chỉ nên nạp vào cơ thể ít hơn 25gram đường (tương đương khoảng 5 thìa trà (teaspoon). Nhưng hãy thử tưởng tượng, hàng ngày bố mẹ cho ăn sáng, ăn vặt từ các cửa hàng ăn bên ngoài, bữa ăn của trẻ ở trường cũng không được đảm bảo chặt chẽ về lượng đường và muối cần thiết, thêm vào đó là các bữa tiệc sinh nhật, các bữa ăn xế đầy bánh ngọt, sữa có đường, gà rán, bim bim, khoai tây chiên và nước ngọt…

Vòng nạp muối và đường vào cơ thể của nhiều em bé hiện nay cứ diễn ra như thế hàng ngày và âm thầm hủy hoại sức khỏe của trẻ, bởi vì, lượng đường và muối mà trẻ đã nạp vào người có thể đã nhiều hơn gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép. Một vài ví dụ để bố mẹ dễ hình dung là một lon nước ngọt có lượng đường tương đương 8-10 thìa trà, một miếng bánh ngọt là 8-10 thìa trà đường, chưa kể hầu hết các loại thực phẩm khác chúng ta ăn hàng ngày đều có một lượng đường nhất định.

Dù là MUỐI hay ĐƯỜNG, thì cũng KHÔNG BAO GIỜ nên nêm nếm vào đồ ăn của trẻ nhỏ - Ảnh 3.

Ngoài đường thì muối cũng là một loại gia vị trẻ em ở Việt Nam đang nạp vào cơ thể quá nhiều, vượt nhiều lần so với ngưỡng khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh thói quen "hảo ngọt" thì trẻ nhỏ còn được bố mẹ "ướp muối" từ nhỏ do thói quen ăn mặn của các gia đình, điều này có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị thấp còi do hấp thu canxi kém, thiếu canxi đặc biệt là các căn bệnh như tăng huyết áp, suy thận (theo PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia). Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, một người chỉ nên ăn một lượng muối dưới 5gram/ngày và thực ra trong các thực phẩm tươi sống có trong bữa ăn hàng ngày như thịt, trứng, nước hầm xương, rau… cũng đã có hàm lượng muối chiếm khoảng 20-40% nhu cầu. Vì thế, việc nêm nếm thêm mắm, muối vào món ăn cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới một tuổi là điều không cần thiết, không những thế còn gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Theo chia sẻ của bác sĩ Jonathan Halevy, thay vì đường và muối, các bố mẹ có thể giới thiệu và giúp con làm quen với nhiều loại gia vị khác từ thiên nhiên vừa giúp các món ăn của con thêm ngon lành, hấp dẫn, lành mạnh vừa tốt cho sức khỏe như gừng, tỏi, các loại rau gia vị, nghệ, hạt tiêu…

Còn theo BS Ngô Dũng Tuấn tư vấn, để giúp trẻ tăng sức đề kháng và có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bố mẹ cần giữ cho cơ thể con "sạch" bằng cách tuyệt đối không cho con ăn "rác" hàng ngày. Xây dựng cho con chế độ ăn lành mạnh và cân đối, nên ưu tiên các loại rau xanh, củ quả tươi ngon sạch.

Chia sẻ