Vụ kiện chấn động giới y học

,
Chia sẻ

Lần đầu tiên ở Singapore, một đứa bé ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm mang màu da, nhóm máu và vật chất di truyền lạ hoắc, gây chấn động y khoa và bối rối nền tư pháp nước này.

Cưới nhau đã 10 năm mà không thể có con, cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi đã tìm đến sự trợ giúp của Trung tâm Thụ tinh nhân tạo Thomson, nổi tiếng nhất trong số 10 cơ sở thực hiện thủ thuật này ở Singapore. Cô vợ là người Singapore gốc Hoa, còn chồng là một người da trắng gốc Âu có quy chế thường trú vĩnh viễn ở Singapore. Báo Straits Times cho hay, việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) rồi chuyển phôi vào tử cung người vợ đã thành công hồi đầu năm nay.

Ảnh minh họa
Nửa còn lại… không biết từ ai

Hôm 1/10, người vợ sinh mổ trước hạn 15 ngày. Chưa kịp mừng thì đôi vợ chồng nhận ra màu da của đứa bé, được giấu giới tính, rất lạ. Bác sĩ cũng cho hay đứa bé mang nhóm máu B, trong khi cặp vợ chồng mang nhóm máu A và O, một điều không thể xảy ra về mặt di truyền. 

Nghi ngờ có sự nhầm lẫn, đôi vợ chồng gửi mẫu ADN của cả 3 người sang Hồng Kông và Cục Khoa học y tế Singapore xét nghiệm. Kết quả từ Hồng Kông cho hay đứa bé có một nửa ADN từ mẹ, nửa còn lại… không biết từ ai. Trong khi yêu cầu Trung tâm Thomson có câu trả lời xác đáng, cặp vợ chồng này cũng tìm đến luật sư để tính toán chuyện kiện tụng, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế vào cuộc điều tra.

Thông tin vụ nhầm lẫn xuất hiện ngày 3/11 gây chấn động giới y khoa nước này. Một bác sĩ có 30 năm kinh nghiệm thực hiện thủ thuật này ở Singapore và Úc nói rằng ông hết sức ngạc nhiên không chỉ bởi đây là trường hợp đầu tiên ở Singapore, mà còn vì quy trình thực hiện IVF ở đây rất chặt chẽ. Một số người từng sinh con bằng phương pháp IVF nay bỗng dưng cũng trở nên hoang mang. Bộ Y tế đã ra chỉ thị tạm thời đóng cửa ngay lập tức Trung tâm Thomson, chuyển toàn bộ những trường hợp hiếm muộn đang chữa trị ở đây sang những cơ sở khác, đồng thời chuẩn bị kiểm soát chặt hơn quy trình này.
 

Luật pháp đã lạc hậu…

Nhưng vấn đề pháp lý đối với cặp vợ chồng và đứa bé còn phức tạp hơn nhiều. Luật gia Niru Pillai nhận định “tòa án sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá thiệt hại gây ra cho đôi vợ chồng”, bởi Singapore chưa hề có luật cho trường hợp như thế này. “Vụ việc cho thấy luật pháp đã lạc hậu so với khoa học kỹ thuật”, một luật sư khác nói.

Theo ông Pillai: “Giả sử có sự sơ suất ở khâu thủ thuật, người ta phải bồi thường vì gây chấn động tinh thần và hủy hoại niềm mong đợi của đôi vợ chồng”. Nhưng rồi, “sẽ lại nảy sinh một vấn đề đạo đức khác: Điều gì sẽ xảy ra khi đứa bé lớn lên và biết được rằng mẹ nó từng được bồi thường bởi vì mang nặng đứa con của một người đàn ông xa lạ là nó?”, luật sư này lập luận.

Một số người cho rằng, trong khi luật ở Singapore chưa có, người ta có thể áp dụng “tiền lệ” ở Bắc Ireland. Hồi tháng trước, một tòa án ở thủ đô Belfast đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của một đôi vợ chồng sau khi người vợ 2 lần nhận được tinh trùng của một người Âu gốc Nam Phi thay vì người Âu thuần gốc như họ mong muốn. Thẩm phán phiên tòa này cũng đề nghị nghị viện quyết định liệu cơ sở y tế, vốn đã thừa nhận sai sót, có nghĩa vụ đồng chăm sóc 2 đứa trẻ hay không.

Chưa rõ tòa án Singapore sẽ xử trường hợp chưa có tiền lệ này ra sao.

Một vấn đề pháp lý gai góc hơn nữa là, biết đâu một ngày nào đó, người đàn ông có tinh trùng bị sử dụng nhầm bỗng dưng xuất hiện và đòi quyền làm cha đối với đứa bé.

Trường hợp này từng xảy ra năm 2003 tại Anh. Khi đó tòa thượng thẩm đã phán quyết một người da đen có tinh trùng bị sử dụng nhầm là cha đẻ hai đứa trẻ sinh đôi của một cặp vợ chồng da trắng.

Mặc dù tòa cho phép cặp vợ chồng này quyền nuôi hai đứa bé, và người chồng có thể nhận con nuôi để có quyền bảo hộ hợp pháp, nhưng người “cha đẻ” vẫn có tiếng nói trong việc nuôi dạy hai đứa trẻ.


Theo  TNO

Chia sẻ