Vụ “hàng hiệu Ý”: Vừa giả, vừa trốn thuế?

Theo SGTT,
Chia sẻ

Thêm góc nhìn từ những người có kinh nghiệm đi mua hàng hiệu để hiểu về câu chuyện lô hàng áo quần, túi xách, dây nịt, giày dép mang các nhãn hiệu Gucci, D&G mới đây đã bị công an TP.HCM niêm phong tại tầng hầm của khách sạn Sheraton Sài Gòn vừa qua.

Vụ “hàng hiệu Ý”: Vừa giả, vừa trốn thuế? 1

Cửa hàng Milano bị niêm phong

Trên trang web chính thức của Gucci đúng là có ghi hai địa điểm bán hàng Gucci tại Việt Nam là ở Sheraton Saigon Hotel (88 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) và Hongkong land building (63 Lý Thái Tổ, Hà Nội).

Nếu vậy, hai địa điểm này đã được Gucci cho phép franchise (nhượng quyền thương hiệu) tại Việt Nam. Thế thì tại sao lô hàng hiệu nhập về cửa hàng Gucci và Milano bị công an TP.HCM phát hiện khai báo xuất xứ từ Hong Kong với giá rất thấp, chỉ ghi giá 3-5,5 USD mỗi cái trong tờ khai hải quan?

Chị H., một người có kinh nghiệm mua hàng hiệu ở nước ngoài nói: Chỉ có thể giải thích là bên cạnh việc các cửa hàng này bán hàng hiệu thật (xuất xứ Ý), họ phải trộn “đồ giả” vào bán. Để trở thành đơn vị được nhượng quyền thương hiệu thì điều khoản của các công ty mẹ “áp” doanh số khá lớn, trong khi đó tại Việt Nam, trong điều kiện kinh doanh hiện nay thì đạt được doanh số họ đề ra không dễ dàng. Do vậy, họ phải trộn hàng giả, giảm giá để đạt doanh thu. Nếu trộn hàng giả để bán thì đương nhiên người bán không muốn cung cấp giấy hoàn thuế VAT.

Chúng tôi đã nhận được thư phản ánh và bằng chứng do bạn đọc gửi đến về việc mua hàng ở Gucci và Milano ở Hà Nội và TP.HCM. Lá thư viết:

“Vừa qua, chúng tôi có cử cán bộ đưa một số đối tác nước ngoài đi khảo sát thị trường và mua sắm tại các cửa hàng thời trang và đồng hồ cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi có nhận xét như sau:

Tại một số cả hàng thời trang cao cấp, chúng tôi được cung cấp hóa đơn bán hàng theo quy định, có ghi rõ số thuế VAT trên hóa đơn, các cửa hàng cung cấp giấy hoàn thuế VAT tại sân bay khi xuất cảnh.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến mua tại cửa hàng Gucci tại Hà Nội thì cũng được xuất hóa đơn VAT nhưng tên của đơn vị bán hàng trong hóa đơn ghi là: Cửa hàng thời trang “Lâm Phước”- Lâm Phước Hải, số 63 Phố Lý Thái Tổ, P.Tràng Tiền, Q.HK, HN, không trùng khớp với tên đơn vị trên receipt của thẻ visa là “Gucci shop, lô A-C, số 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội - VN”.

Tại TP.HCM, ở cửa hàng Milano, chúng tôi yêu cầu nhân viên cửa hàng cung cấp hóa đơn có VAT thì nhân viên thông báo phải đợi đến 10 ngày sau mới cung cấp được hóa đơn và tên đơn vị trên receipt của thẻ visa ghi là “Hộ KD Mi-la-no-vi-na”.

Ngoài ra, khi chúng tôi yêu cầu 4 cửa hàng Gucci và Milano tại Hà Nội và TP.HCM cung cấp giấy hoàn thuế VAT khi khách nước ngoài xuất cảnh tại sân bay Việt Nam thì được trả lời là cửa hàng không đăng ký với cơ quan thuế về dịch vụ này.

Khách nước ngoài của chúng tôi rất bức xúc vì mất đi quyền lợi lẽ ra phải được hoàn thuế VAT khi xuất cảnh khỏi VN, như Tổng cục du lịch Việt Nam đã quảng bá và được cung cấp hóa đơn có VAT theo quy định của bộ Tài chính. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét tính pháp lý của 4 cửa hàng của Gucci và Milano để nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam có ấn tượng đẹp về cách làm ăn đúng quy cách của pháp luật Việt Nam”.

Chị H. cho biết thêm một người bạn của chị từng gặp rắc rối lớn khi mua nhầm túi xách LV giả ở Việt Nam, khi đến sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã bị phạt 25.000 euro và bị giam giữ 3 ngày vì luật ở Pháp quy định rất rõ nếu mang hàng giả vào nước Pháp khi bị phát hiện thì bị xử rất nặng. Như vậy, mua hàng hiệu giả cho dù bị mắc lừa hay vô tình cũng đem lại hậu quả rất lớn.

Để chắc chắn mua được hàng hiệu thật tại Việt Nam, khách hàng nên đòi hỏi người bán cung cấp giấy chứng nhận (certificate) từ hãng, có mã số trên giấy chứng nhận trùng với mã số ghi ở mặt hàng mình mua, chị H. cho biết.

Chia sẻ