"Vỡ chum" đúng đêm giao thừa

,
Chia sẻ

Ai cũng mong Tết sớm đến và lâu qua đi nhưng một số người lại mong điều ngược lại. Tuy nhiên, rất nhiều bà bầu “đen đủi” vỡ chum vào dịp Tết.

Có lẽ chẳng bao giờ chị Lệ quên được quãng thời gian khổ sở đi sinh nở của mình. Sinh hai đứa đầu vào những ngày giữa năm, chị chẳng gặp vấn đề gì nhưng đến đứa thứ 3, bao khó khăn đổ dồn lên đầu chị. Đơn giản, chị sinh bé vào đúng đêm giao thừa.

Theo dự đoán của các bác sĩ, chị sinh sau Tết khoảng 2 tuần nên đêm giao thừa, đinh ninh vợ chưa thể vỡ chum nên anh chồng thoải mái đi bù khù với bạn bè. Ở nhà chỉ còn lại mẹ già và cô vợ nặng nề nhưng chồng chị Lệ rất yên tâm. Bản thân chị Lệ cũng chẳng có ly do gì để lo lắng.

Thế nhưng, trong lúc chị đi lại sắm sửa đồ cúng, chị trượt chân và ngã nhoài xuống đất, bụng đau dữ dội. Vội vàng gọi chồng, chị chỉ nhận được những tiếng tít dài từ bên kia đầu dây. Cuồng cuống mẹ chồng chị gọi cho vài hãng taxi mà không được, không biết do bà luống cuống bấm nhầm số hay các hãng taxi đều “cháy xe”.

Cực chẳng đã, bà phải chạy sang nhờ vả hàng xóm. Gõ cửa 3,4 nhà mà không có ai tiếp lời vì họ đều về quê ăn Tết. Mãi hơn nửa tiếng sau bà mới nhờ được đứa cháu họ đến chở đi.

Trải qua bao gian nan mới vào được bệnh viện nhưng vào được viện rồi chưa hẳn đã xong chuyện. Là ngày Tết nên các bác sĩ có mặt ở bệnh viện không nhiều. Mẹ chồng chị xuôi ngược mãi mới tìm được cô y tá. Một lúc sau, bác sĩ mới mắt nhắm mắt mở bước ra. May mà chị được ưu tiên mổ trước nên mới mẹ tròn con vuông.

Vừa hoảng sợ vì phải đối mặt với tử thần, vừa giận chồng vô trách nhiệm, cả tháng sau đó, chị chẳng buồn nói chuyện với chồng. Thế nên niềm vui làm mẹ của chị thực sự không được trọn vẹn. Và chị chỉ biết kết luận, không cố được thì thôi, nếu cố gắng được thì đừng dại gì sinh con vào ngày Tết.


Theo dự đoán của các bác sĩ, chị sinh sau Tết khoảng 2 tuần nên đêm giao thừa, đinh ninh vợ chưa thể vỡ chum... (Ảnh minh họa)

Chị Nguyệt, người nằm giường bên cạnh chị Lệ, người cũng sinh con vào đúng đêm giao thừa góp chuyện, nói rằng nếu lần sau, ngày sinh dự báo qua Tết thì chắc chắn chị sẽ mổ đẻ. Không gặp nhiều trắc trở như chị Lệ nhưng chị Nguyện rất ngậm ngùi với “thân phận” sinh con ngày Tết. Theo chị, Tết nhất ông bà cả 2 bên đều rất bận rộn nên không qua lại thường xuyên được, chỉ có 2 vợ chồng lăn với nhau, mệt bơ phờ. Hơn nữa, chẳng họ hàng bạn bè nào vào thăm, phần vì họ bận chơi Tết, phần vì chẳng ai dám đi thăm gái đẻ trong ngày đầu năm. Thế là lúc nào vợ chồng và đứa con cũng lủi thủi với nhau.

“Trai mồng 1, gái hôm rằm. Nuôi thì nuôi được nhưng căm trong lòng”. Câu này có nghĩa bé trai chào đời đúng mồng 1, bé gái chào đời đúng đêm rằm rất khó nuôi. Bù lại, lũ trẻ sẽ rất thông minh. Nếu được dạy dỗ cẩn thận, đứa trẻ có thể làm nên kỳ tích. Ngược lại, sẽ rất ngỗ ngược.

Sinh con gái đầu lòng vào đúng rằm, mà lại rằm tháng riêng, chị Linh đã thực sự thấm thía câu nói của các cụ. Bé Xu Xu nhà chị rất thông minh. Mới 3 tuổi, bé đã thông thạo các chữ cái và con số. Bé nhớ số điện thoại của bố mẹ, ông bà ngoại. Thậm chí bé còn tự tay bấm số để gọi cho những ai bé thích nói chuyện.

Về trí tuệ, tất cả những ai biết bé đều công nhận bé vượt trội hơn bạn bè cùng trang lứa. Chị Linh thực sự tự hào về cô công chúa bé nhỏ của mình. Nhưng có lẽ chẳng bao giờ chị quên tháng ngày vất vả chăm lo cho bé.

Bé Xu Xu nghịch và ngỗ ngược từ khi mới lọt lòng. Bé hay khóc. Mà mỗi khi bé khóc, cả căn nhà 90m rộng lớn của chị chỉ như chiếc bình nhỏ không chứa nổi âm thanh đinh tai nhức óc kia. Bé khóc không thôi, khóc đến mức người lớn cũng phải khóc theo vì xót ruột. Không chỉ có vậy, bé còn có “thú vui” ngủ ngày cày đêm.

Ban ngày, ngoài những lúc khóc, ăn và “giải quyết”, bé ngủ ngon như một con mèo con. Nhưng đêm về, bé như được giao nhiệm vụ thức… canh trộm. Mà cứ thức là bé khóc. Thành ra, cả bà nội, bà ngoại, bố, mẹ bé và một cô Osin ai cũng mệt lả vì chăm sóc bé. Đó còn chưa kể đến cứ khoảng hơn 1 tháng bé lại có "nhu cầu" đi viện. Cả nhà liên tục được nhiều phen phát hoảng với bé. Một mình bé khiến cả 5 người giảm ít nhất 3 kg.

Bây giờ bé đã hơn 3 tuổi xinh xắn. Bé không quấy khóc nữa nhưng cả nhà vẫn phát sốt vì bé thường xuyên nghĩ ra các trò nghịch ngợm. Lúc thì bé lấy bông ngoáy tai chọc súyt thủng màng nhĩ, lúc thì cầm dao cứa tay, lúc thì nhét lạc vào mũi,… Nhà chị Linh đành phải “cắt cử” một người theo sát bé từng bước.

Trước khi sinh, chị luôn cho câu nói “trai mồng 1, gái hôm rằm” là nhảm nhí nhưng từ khi bé Xu ra đời, chị bỗng nhiên trở thành thần tượng của “các cụ” vì “các cụ” phát biểu quá đúng. Và tự nhủ, lần sau sinh con phải cố gắng tránh mồng 1 và ngày rằm ra.

Để làm được điều đó, vợ chồng chị lên kế hoạch rất cẩn thận. Đầu tiên, chị căn ngày sinh để suy ra ngày mang bầu. Chị thậm chí còn đi soi trứng, lên thực đơn ăn uống để mong có được thằng cu và thằng cu nhất định không chào đời vào mồng 1. Kế hoạch sinh thằng cu của chị có vẻ thật dễ dàng. Tới tháng thứ 4, ông bác sĩ hỉ hả thông báo tin mừng làm chị sung sướng. Và theo dự báo khi đi siêu âm, phải gần tháng hai âm chị mới sinh em bé. Chị vui mừng lắm. Chị tính, dù có sinh sớm thì chắc chắn chị cũng thoát được ngày mồng 1 đáng sợ kia.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Chiều 30, chị vẫn nhẹ nhàng ăn tất niên với gia đình bên ngoại, chẳng có biểu hiện bất thường nào. Thế mà đùng một cái, gần 9h đêm 30 chị đau bụng dữ dội. Vào đến bệnh viện, chị hoảng hồn khi bác sĩ tuyên bố phải mổ. Nếu không, không chỉ tính mạng em bé bị đe dọa mà chị Linh cũng sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

Cực chẳng đã, chị cắn răng chấp nhận mổ. Chị nói đúng là cái số tránh cũng chẳng được. Đúng 0h30 ngày 1/1 âm, cậu con trai của chị oe oe cất tiếng khóc chào đời. Mừng vui thật nhưng trong lòng chị vẫn không khỏi lo lắng.

Dường như chị lo lắng không thừa. Bé Bim là bản sao của chị gái. Bé lanh lợi, thông minh nhưng rất quấy và biếng ăn. Bé không ngủ ngày cày đêm nhưng bé lại có chiêu quái không kém. Một đêm, bé tỉnh giấc 5,6 lần. Lúc thì đòi ăn, lúc thì đòi vệ sinh khiến cả nhà có khoảng thời gian dài mất ngủ.

Theo Eva
Chia sẻ