Vị giáo sư già, cô hoa hậu trẻ

Theo Lao động,
Chia sẻ

Hồi cuối 2014, tờ Huffington Post tổng hợp lại các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong lĩnh vực chính trị của nước Mỹ. Và đứng đầu trong những khoảnh khắc đó là bức hình Tổng thống Mỹ Obama ôm nữ y tá gốc Việt Nina Phạm sau khi cô dũng cảm chiến đấu và chiến thắng căn bệnh Ebola.

Vị giáo sư già, cô hoa hậu trẻ 1

Một cái ôm thật chặt. Thân tình. Và điều mà người ta nhìn thấy trong bức ảnh ấy một nụ cười chiến thắng, một tinh thần lạc quan, không phải chỉ của Nina mà còn là của nước Mỹ.

Nhiếp ảnh là nghệ thuật của những khoảnh khắc. Khoảnh khắc của nhiếp ảnh là sự lột tả tinh thần của nhân vật sự kiện. Sự danh giá của tay máy, tính chuyên nghiệp của nhiếp ảnh gia là anh ta biết đưa lên bức ảnh nào trong seri có hàng trăm khoảnh khắc mà anh “nhìn thấy”.

Rất nhiều người đã nhắc tới cái ôm Obama khi nhìn bức hình vị giáo sư già lẫy lừng và đáng kính hôn cô hoa hậu trẻ.

Khỏi phải nói về sự đanh đá, ghê gớm và đồng bóng mang tính “bầy đàn” của dư luận. Thậm chí họ nhìn thấy trong đó vấn đề đạo đức xã hội. Thậm chí họ nói về phúc họa dân tộc. Những thứ mặc nhiên chẳng chút liên quan khi toàn bộ nội dung bài báo đi kèm cho thấy chuyến thăm của hoa hậu là một chuyến thăm thân mật mang tính chất gia đình.

Hình như chẳng ai đọc bài báo đó cả. Hình như tất cả bị che lấp trong một hình ảnh thật đến trần trụi.

Allen Ginsberg - tác giả lừng danh của “Tiếng tru” - từng nhìn nhận rằng “Tôi không nghĩ có cái gì gọi là sự thật. Chỉ có các góc nhìn”.

Vị giáo sư già không có lỗi. Cô hoa hậu lại càng không. Cái lỗi trần trụi tạo ra bởi sự tương phản giữa một bên là một cụ già trăm tuổi, một bên là cô hoa hậu đôi mươi (trẻ đẹp - đương nhiên) là do cái nhìn, tay máy của người chụp. Và sự trần trụi đã biến điều bình thường thành ra bất bình thường, biến một hành vi trao gửi tình cảm thân tình thành ra quá lố và biến cái đẹp trở thành sự kích động.

Những gì nhìn thấy trước mắt chưa chắc đã phải là sự thật. Điều đáng sợ là những sự thật mà chúng ta không nhìn thấy. Các cụ nói cấm có sai câu nào.

Thôi đừng nói chuyện đạo đức chỉ từ việc xem một bức ảnh. Bởi “sự thật”, nếu có, đằng sau bức ảnh được truyền thông “có môn bài” đưa lên và truyền thông xã hội thổi lửa ấy chỉ là sự mù truyền thông một cách thảm hại của không ít người.

Chia sẻ