Trò chuyện cùng các "anh hùng lửa" sau vụ cháy cây xăng

Trang Linh - Lê Bảo,
Chia sẻ

Các chàng lính cứu hỏa ngoan cường trong vụ cháy tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo hầu hết đã an toàn về đơn vị, trừ 9 người bị bỏng đang nằm điều trị. Tại phòng bệnh, trên môi các anh vẫn nở nụ cười hồn nhiên của tuổi trẻ.

Khoa Bỏng, Bệnh viện Sant Paul (Hà Nội) từ đêm qua có vẻ tất bật hơn vì đón tiếp các bệnh nhân đặc biệt: các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong vụ cháy cây xăng hôm qua (3/6).
Bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul xác nhận, có 10 nạn nhân trong vụ cháy cây xăng (9 chiến sỹ và 1 người dân), sau khi được Bệnh viện 108 sơ cứu đã được chuyển đến điều trị tại đây.

Trò chuyện cùng các
Bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul.

Đầu tiên có 6 người vào trước, sau đó rải rác vào vài đợt nữa, tổng cộng có 10 người đang được chúng tôi điều trị. Đa phần các chiến sĩ bị bỏng ở phần mặt, bàn tay, chủ yếu bỏng ngoài da. Số lượng bỏng diện rộng và bỏng sâu không nhiều, nhưng một số chiến sĩ hít phải khói nóng, bị ngạt thở, ngất”.
Lo ngại nhất là vết bỏng bên ngoài có vẻ nhẹ nhưng không loại trừ nguy cơ bỏng trong (bỏng đường hô hấp) nên chúng tôi phải theo dõi rất sát sao. Ví dụ như trường hợp chiến sĩ Hoàng Anh, ở ngoài cơ thể không có dấu hiệu bỏng nhưng do hít phải quá nhiều khói nóng, dẫn đến mệt mỏi, nhức đầu, đau ngực khó thở và bị ngất” – bác sĩ Thống nói thêm.

Khi tham gia chữa cháy, chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm) đã bị ngất tại chỗ, dẫn tới hôn mê. Chị gái của chiến sĩ này cho biết: “Hoàng Anh bị ngạt khí, được các đồng nghiệp cõng ra. Em ngất cho đến 8 giờ tối hôm qua (3/6) mới tỉnh tỉnh một chút, nhưng chưa nhận ra được mọi người, nhà tôi rất lo lắng. Bố mẹ tôi ở trong quê (Mỹ Đức) cũng chỉ ra một chốc một lát chăm em thôi, vì còn bà đã già yếu nữa. May mà các bác sĩ nói có thể yên tâm rồi, chỉ truyền nước liên tục để đào thải khí độc ra thôi. Sáng nay em cũng tỉnh táo hơn”. Mới 23 tuổi, vậy mà chiến sĩ Hoàng Anh đã gắn bó với công việc gian nan của một cảnh sát PCCC đã gần hai năm.

Trò chuyện cùng các
Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh.

Nằm gần giường Hoàng Anh là chiến sĩ Phạm Văn Phúc, cũng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm. Phúc bị bỏng nặng ở vùng mặt và tay do lửa táp trong lúc múc xăng vào thùng phi (khi ngọn lửa bùng cháy đợt hai). Đồng đội của Phúc, chiến sĩ Nguyễn Viết Quân đang trông cho bạn ngủ. Quân tâm sự, cả đêm qua Phúc cứ ngủ chập chờn, có dậy ăn một chút rồi lại mê man. Chiến sĩ Quân hôm qua cũng tham gia chữa cháy, bị rộp nhẹ hai bàn tay nhưng vẫn trông bạn cả đêm.

Trò chuyện cùng các
Chiến sĩ Phạm Văn Phúc bị bỏng nặng ở phần mặt và đang thiếp ngủ với sự chăm sóc của người đồng chí.

Có vẻ tỉnh táo hơn các đồng đội, chiến sĩ Phạm Văn Thiện (Phòng cảnh sát PCCC quận Đống Đa) bị bỏng phần cổ và tay chia sẻ, giờ anh đã đỡ nhiều, chỉ còn hơi rát. Anh cùng các cán bộ, chiến sĩ khác nằm trong tổ chi viện, lực lượng bổ sung. “Phòng chúng tôi có 5 chiến sĩ bị bỏng. Trận cháy này là một trong những trận cháy phức tạp nhất mà chúng tôi đã từng tham gia. Sự phức tạp không chỉ bởi khối lượng xăng cháy rất lớn, mà còn bởi khoảng cách từ điểm phát lửa tới kho xăng là rất gần. Cháy xăng không thể lường trước được, vì lửa tắt rồi nhưng hơi nóng vẫn còn, bắt vào hơi xăng. Sau gần 4 tiếng chữa lửa, nhiều người trong chúng tôi bị kiệt sức. Đến 6 giờ tối, tôi đã thấy mình nằm trong viện 108 rồi”. Chiến sĩ Thiện kể lại.

Trò chuyện cùng các
Chiến sĩ Phạm Văn Thiện kể lại sự việc.

Mẹ chiến sĩ Phạm Văn Phong vừa nhìn khuôn mặt cuốn đầy băng trắng của con vừa bồi hồi kể lại: “Hôm qua, một đồng đội của Phong gọi điện, nhưng tôi ra đồng, để quên điện thoại ở nhà, mãi đến tối mới biết tin con. Cả người tôi bủn rủn, rụng rời tay chân. Sáng nay tôi mới chạy lên thăm Phong. Tôi xót con, nhưng cũng phần nào yên tâm và tự hào vì con trai mình đã tham gia chữa cháy hôm qua”. Chiến sỹ trẻ thì nhỏ nhẻ kể lại: “Khi đơn vị nhận được tin báo, chúng tôi lập tức đi tới địa điểm xảy ra cháy. Lúc chúng tôi đến nơi, lửa đã lan ra dữ dội tạo thành vòng tròn bao quanh khu vực cây xăng, khói đen mù mịt, không khí nóng rát, ngột ngạt. Nhiều anh em khi phun bọt khí đã bị ngọn lửa bùng lên liếm vào người gây bỏng”.

Trò chuyện cùng các
Chiến sĩ Phạm Văn Phong và mẹ.

9 chiến sĩ bị bỏng đều rất trẻ, người lớn nhất mới 25 và người trẻ tuổi nhất là 20 tuổi, nhưng đều đã gắn bó vài năm với nghề. Các anh chia sẻ, ngay sau khi có tin triệu tập, họ đã sẵn sàng lên xe làm nhiệm vụ. Vụ cháy diễn biến vô cùng phức tạp, nhưng trong khoảnh khắc ấy, các anh không nghĩ gì hơn là bằng mọi giá phải chặn dòng lửa; thậm chí, đến khi bị lửa bén vào người, một vài chiến sĩ vẫn không hay biết mà chỉ chú tâm chữa cháy. Để xử lý vụ cháy cây xăng này, lực lượng chức năng đã huy động khoảng 1.000 cán bộ chiến sĩ và phải mất hơn 5 giờ đồng hồ, từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ mới có thể khống chế hoàn toàn ngọn lửa.

Trò chuyện cùng các
Người nhà và các đồng đội đến thăm các chiến sĩ.

Trò chuyện cùng các
Dù bị nạn, các chiến sĩ vẫn thấy vui vì ngọn lửa cuối cùng đã bị dập tắt.

Hiện tại, bác sĩ điều trị cho biết, 8 đồng chí bỏng bên ngoài đã qua khỏi nguy hiểm và hồi phục tốt. Riêng đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, do bị bỏng hô hấp nên phải theo dõi kỹ hơn, nhưng có thể nói đã qua cơn nguy kịch.

Danh sách 9 chiến sĩ đang điều trị tại viện Sant Paul:
1. Nguyễn Như Hùng (SN 1988)
2. Nguyễn Trung Thủy (1991)
3. Bùi Văn Trọng (1991)
4. Phạm Văn Phong (1991)
5. Phạm Văn Phúc (1991)
6. Nguyễn Văn Vượng (1993)
7.  Phạm Quang Vinh (1990)
8. Nguyễn Hoàng Anh (1990)
9. Phạm Văn Thiện (1993)

Chia sẻ