TPHCM: Báo động các chứng bệnh chuyển mùa nguy hiểm

,
Chia sẻ

Chỉ trong sáng ngày 1/12 vừa qua, khoa Tai Mũi Họng và Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM tiếp nhận trên 300 lượt bệnh nhân, hơn 60% số ca mắc các chứng bệnh do chuyển mùa.

Tại Bệnh viện Nhiệt Đới, TP HCM, mỗi ngày khoa nhiễm D có khoảng 40 bệnh nhân nằm viện vì nhiễm sốt siêu vi, trong đó nhiều nhất là sốt Denge.

Nhiều trẻ phải nhập viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM vì bệnh chuyển mùa. Ảnh: Thiên Chương.
 
Riêng khoa Nhi C, lượng trẻ viêm phế quản dạng suyễn, viêm phổi, cũng bắt đầu tăng. Mỗi ngày có khoảng 30 trẻ nhập viện, nhiều cháu nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho khò khè, thậm chí suy hô hấp.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại hai phòng khám Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2. Chỉ riêng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, lượng trẻ nằm viện do các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen suyễn lên đến hàng trăm em. Riêng số trẻ đến phòng khám do các bệnh chuyển mùa, mỗi ngày có đến vài trăm cháu.

Theo tiến sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, trời trở lạnh khiến khả năng đề kháng của cơ thể giảm là nguyên gây nên các bệnh hô hấp.

"Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh hen suyễn trời chuyển lạnh là lúc họ dễ bị vi trùng tấn công, gây lên cơn kịch phát cực kỳ nguy hiểm".

Bác sĩ Lý Xuân Quang, khoa Tai Mũi Họng cho biết, bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng chiếm số lượng cao nhất, sau đó là các chứng viêm xoang, viêm họng. Số bệnh nhân mắc chứng cúm, hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính của viện này cũng đang gia tăng.
Theo bà Lan, ngoài việc tiêm phòng thuốc ngừa cúm và viêm phổi, biện pháp tốt nhất để đề phòng các căn bệnh chuyển mùa là giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, che khẩu trang bị đi ngoài trời lạnh, dùng thức ăn có vị nóng ấm như gừng, tỏi, các loại trái cây có dạng múi như chanh, quýt, bưởi...

Còn theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, phụ huynh có con em bị suyễn khi thấy trẻ có các biểu hiện như ho (có thể không sốt), sổ mũi, khò khè, co lõm ngực, nặng hơn nữa bỏ bú kèm khó thở, cần đưa ngay đến khám để được chẩn đoán điều trị.
Dấu hiệu cho biết trẻ bị bệnh hô hấp sớm nhất là kiểm tra nhịp thở. Cách kiểm tra nhịp thở theo bác sĩ Tuấn rất đơn giản. Phụ huynh đặt trẻ nằm yên, quan sát nhịp thở ở bụng của trẻ và dùng đồng hồ để đếm. Cứ một lần bụng nhấp nhô là một nhịp. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở trung bình là 60 lần một phút; trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi là 50 lần; 1-5 tuổi là 40 lần mỗi phút. 
 
Theo Thiên Chương
Vnexpress
Chia sẻ