TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát

Trương Tuấn - Lê Phong,
Chia sẻ

Một đặc trưng của nhà trọ tại TP.HCM là càng ở khu trung tâm, người lao động thu nhập thấp càng phải chịu cảnh nhà trọ chật hẹp và bất an về an toàn PCCC. Đặc biệt vào mùa lễ hội, Tết đang đến gần.

Nhà trọ chật + vật liệu dễ cháy

Vì tiết kiệm tiền trọ, nhiều người ở tự nguyện "nhét mình" vào những chiếc hộp nhỏ, đồng thời chủ nhà cũng muốn “tấc đất tấc vàng” nên sẵn sàng ngăn phòng bằng ván ép tạm bợ và nhồi nhét người ở. Đường Trần Nhân Tôn Q.5 (địa bàn có trường CĐ, xí nghiệp, chợ) là nơi tập trung nhiều nhà trọ dành cho sinh viên, công nhân, người buôn bán tứ xứ.

Trong con hẻm đường Trần Nhân Tôn, chúng tôi được ghé thăm căn phòng trọ diện tích chưa đầy 14m vuông, của của 5 bạn sinh viên trên gác lửng tầng 3. Căn phòng đầy sách vở, quần áo, đồ dùng sinh hoạt. Để lên phòng người trọ phải bước lên cầu thang gỗ, chui qua một lỗ rộng chừng nửa mét vuông. Bạn Trương Nguyễn Duy cho biết: “Hiện nay tìm một phòng trọ giá rẻ rất khó. Tụi em là sinh viên đâu có tiền để thuê được phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi”.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 1
Lối ra vào như một cái lỗ đúng nghĩa.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 2
Toàn những chất liệu dễ cháy: ván ép hoặc thùng giấy.

Tại một nhà trọ nằm trên đường Tôn Thất Hiệp (Quận 11), ngôi nhà trọ này xây dựng để kinh doanh khách sạn, nhưng do ế ẩm đã đổi sang cho công nhân, sinh viên thuê. Ngôi nhà có 4 tầng, mỗi tầng có 3 phòng, mỗi phòng có từ 4-5 người ở. Xung quanh ngôi nhà trọ không có một lối thoát hiểm nào.

Chị Hoàng Thị Ly (sinh năm 1991, nhân viên hành chánh thuê trọ hơn 2 tháng) tự châm biếm về hoàn cảnh của mình: “Nếu có cháy xảy ra tụi em chỉ biết cách thoát thân bằng việc “nhảy lầu” mới có nguy cơ sống được”.

Một số khu trọ gần trường ĐH Mỹ Thuật (Q. Bình Thạnh), đường Phan Huy Ích (Q. Gò Vấp) cùng chung cảnh ngộ khi vách tường giữa các phòng trọ không phải xây dựng  bằng xi-măng mà được ngăn bởi ván gỗ ép. Diện tích mỗi phòng khá nhỏ hẹp nhưng số lượng người ở rất nhiều. Mọi người tận dụng không gian nhỏ hẹp ấy để: nấu ăn, ngủ, nghỉ, tắm rửa…  Điều đáng lưu ý là, những phòng trọ đều nằm trong các hẻm sâu, nếu có cháy nổ xe chữa cháy rất khó tiếp cận, nguy cơ lan rộng đám cháy rất cao.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 3
Những lối đi tạm bợ...

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 4
...chỉ vừa một người đi, sẽ rất khó cho việc thoát hiểm.

Mới đây, một vụ cháy đã xảy ra vào 1h sáng ngày 1/12  tại căn nhà 4 tầng trong hẻm 143 Đoàn Văn Bơ (P.13, Q.4, TP.HCM). Hàng chục người dân cư ngụ gần đó đem theo bình chữa cháy cầm tay đến hỗ trợ dập lửa nhưng không thể vào kịp bên trong vì lối đi quá hẹp và cửa tầng trệt khóa chặt. Kết quả có 3 người thuê trọ bỏng nặng.

Những nguy cơ cháy nổ từ chính chủ phòng trọ

Chị Hồng Loan (công nhân cơ sở sản xuất thiệp, bao bì Q.10) chia sẻ về nếp sống hằng ngày: “Để tiết kiệm, chúng tôi tự nấu ăn trong căn phòng này luôn”. Chị cho biết thêm, nhà trọ mình còn có cả những anh chị buôn bán dạo, nấu thức ăn luôn trong tầng trệt. Tất cả các thiết bị nấu nướng này chủ yếu là nồi cơm điện, bếp gas mini, bếp than tổ ong (đối với người buôn bán dạo).

Chị Loan chia sẻ thêm một thói quen tưởng như không nguy hiểm: “Nhiều khi vì bận đi học, đi làm, nên trước khi ra khỏi nhà sẽ cắm sẵn nồi cơm điện để đó, khi về sẽ có cơm ăn”. Tuy nhiên, với mạng lưới dây điện ở các khu nhà trọ không an toàn thì đây lại lại nguy cơ gây cháy nổ rất lớn.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 5
Những bình gas quá cũ

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 6
Ổ cắm tạm bợ, không còn mới

Vào mùa Noel, Tết đang cận kề, nhiều khu nhà trọ, công nhân, sinh viên, viên chức hay tổ chức tiệc liên hoan sum họp bạn bè. Chính vì vậy các bếp lẩu điện, lẩu gas, bếp nướng được đem ra để nấu nướng liên hoan trong căn phòng chật hẹp, dây điện quá tải cũng tạo mối nguy hiểm lớn về việc chập, cháy điện.

Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở nhà trọ đều “trưng” bình chữa cháy và bảng nội quy, tuy nhiên thường là để cho có chứ không hề biết sử dụng. Thêm nữa, không phải chỉ "trưng" bình chữa cháy là đã an toàn vì theo anh Vũ Hào (Đội phó đội huấn luyện của một công ty bảo vệ) cho biết: “Bình chữa cháy phải được kiểm tra định kì. Việc để yên bình chữa cháy đó từ năm này qua năm khác hoặc khóa lại thật kĩ vì sợ bị trộm là hoàn toàn không đúng qui định và không an toàn cho việc PCCC”.

Lưu ý an toàn

Với kinh nghiệm làm bảo vệ và huấn luyện bảo vệ, anh Vũ Hào đã tư vấn một số quy tắc, biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy ở các khu nhà trọ:

- Dây đèn màu và các loại thiết bị chiếu sáng dùng cho lễ hội cần được kiểm tra kĩ trước khi tái sử dụng, đề phòng trường hợp dây điện bị chuột, gián cắn tróc.

- Liên hoan trong phòng trọ chật hẹp tốt nhất nên mua đồ ăn làm sẵn mang về; không nên thấp nến trong phòng trọ.

- Không nên mắc dây đèn quá lâu, không nên treo mắc dây điện ngoài trời dễ bị chập điện do mưa hoặc sương ẩm ướt; tắt các thiết bị dây đèn trước khi ngủ.

- Nên tự đăng ký tham gia các lớp phòng chống cháy nổ, chứ không nên đợi bắt buộc rồi tham gia cho có, biết thêm một kĩ năng vẫn tốt hơn.

- Cách sử dụng bình chữa cháy.

+ Rút khóa bình để sử dụng: Luồn ngón tay khỏe nhất vào khoen, kéo mạnh ra.
 
TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 7

+ Đây là tư thế cầm đúng. Tay phải cầm cổ bình, tay trái cầm vòi phun ở ngay vị trí tay cầm. Bạn chỉ cần bóp mạnh tay cầm nơi cổ bình, khí hoặc bột sẽ được phun ra.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 8

- Khi tiếp cận đám cháy:

+ Lưu ý hướng cháy, nếu lửa cháy từ A→B, bạn bắt đầu “xịt” từ B→A cho lửa gom nhỏ lại. Lửa nhỏ lại dần, bạn cũng áp sát dần cho đến khi lửa tắt hoàn toàn.

+ Bạn phải “xịt” vào “chân” ngọn lửa, nếu “xịt” trên đỉnh đầu của ngọn lửa, lửa sẽ không tắt.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 9
Xịt vào gốc lửa

- “Đu dây” để thoát hiểm:

Khi có hỏa hoạn và bị kẹt trên tầng cao, bạn sẽ được giải cứu bằng thang nâng, thang gỗ, thang dây hoặc “đu dây”. Với trường hợp phải “đu dây” để thoát thân, các bạn cần biết những điều sau để quá trình cứu hộ được nhanh chóng hơn:

+ Dây đai có dạng như dây thắt lưng, hoàn toàn rất dễ thao tác, bạn đừng cuống lên. Trên dây đai có một móc khóa lớn bằng kim loại, các bạn chú ý vị trí khoanh tròn.

+ Khi bóp vào vị trí khoanh tròn, móc khóa sẽ dễ dàng mở ra để bạn gắn vào dây cáp/thừng.

TP. HCM: Nhiều khu nhà trọ nếu cháy chỉ còn biết... nhảy lầu để thoát 10
Phải bình tĩnh để không mất thời gian với việc thắt dây an toàn mà móc khóa vào cáp.

Sau khi gắn móc khóa vào dây và đã mang găng tay (hoặc dùng vải quấn quanh dây/tay để tay không bị tổn thương khi trượt), bạn bình tĩnh trượt xuống. Bạn có thể để trọng lực cơ thể kéo mình xuống từ từ hoặc dùng tay kéo dây để di chuyển nhanh hơn. Bên dưới sẽ có người đỡ bạn.
Chia sẻ