Toilet công sở và những chuyện cười ra nước mắt

Nguyễn Nguyệt – TTVN,
Chia sẻ

Đối với dân công sở, toilet không chỉ là chỗ để “giải quyết nỗi buồn” mà còn là nơi dặm phấn tô son, buôn chuyện và để… trốn sếp.

Những rắc rối xung quanh "William Cường"

Chị Vân là nhân viên marketing của một công ty có trụ sở tại một tòa nhà 5 tầng ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông. Chị cho biết, mỗi lần bước chân vào nhà vệ sinh chung ở tầng chị làm việc là mỗi lần chị thấy hãi hùng. Cả tầng có 4 văn phòng đều là những công ty lớn, ấy vậy mà nhà vệ sinh lúc nào cũng bừa bộn, giấy vệ sinh vứt khắp nơi, mùi hôi nồng nặc đến nhức đầu.


Nhân viên vệ sinh khốn khổ khi người dùng toilet thiếu ý thức.

Chị em phụ nữ cứ từ buồng vệ sinh ra là cầm theo một túm giấy, vừa đứng soi gương vừa lau tay, lau xong, tiện tay vứt luôn xuống sàn. Ai cũng nghĩ rằng đằng nào chốc nữa cũng có người dọn, lo gì, thoải mái thể hiện cái sự thiếu ý thức của mình.

Chị Vân kể, tòa nhà nơi công ty Vân thuê có đến vài trăm người vừa sống, vừa làm việc. Vì thế, để tránh bị tắc đường ống thoát nước thải, ban quản lý tòa nhà đã phải dán giấy thông báo vào từng buồng vệ sinh, yêu cầu sử dụng giấy xong thì vứt vào thùng rác. Cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy. Thay vì vứt vào thùng rác, người sử dụng vẫn “thoải mái” vứt vào bồn cầu, bất chấp việc tắc đường ống thoát khiến nhân viên vệ sinh khổ sở đến mức nào.

Nhưng có lẽ điều khiến nhiều người “hãi” nhất là những dấu giày trên bệ bồn cầu. Đã qua rồi cái thời người ta phải “chồm hỗm” để giải quyết chuyện ấy. Giờ đây, gần như tòa nhà văn phòng nào cũng đầu tư bồn cầu có bệ ngồi. Nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn thích mang cả giày dép dẫm đạp lên bồn cầu.

Chị Vân bức xúc chia sẻ: “Nhiều người có suy nghĩ toilet công cộng không phải toilet nhà mình, bày bừa thì sẽ có người dọn dẹp, từ đó ỷ lại vào các chị lao công. Họ không hiểu rằng, nếu người sử dụng không có ý thức thì lau dọn bao nhiêu cũng không xuể. Mọi người cần phải thay đổi thói quen để nhà vệ sinh công cộng không còn là nỗi ‘ám ảnh’ kinh hoàng nữa.”




Toilet sạch sẽ thành nơi “trốn” sếp

Trái ngược với tình trạng ở cơ quan chị Vân, cơ quan chị Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì lại gặp những trường hợp oái oăm chỉ vì… nhà vệ sinh sạch quá. Chị kể: “Công ty mình thuê hẳn một tòa nhà văn phòng riêng, nhân viên được quán triệt về quy tắc sử dụng toilet ngay từ những ngày đầu vào làm việc. Thêm vào đó, lao công lại dọn dẹp thường xuyên nên toilet lúc nào cũng sạch sẽ, thông thoáng. Kết quả là nhiều người thích “bám rễ” trong đó đến 15, 20 phút. Có người thì có nhu cầu thật, nhưng cũng không ít người vào đó để trốn việc, nghe điện thoại hay nhắn tin. Thậm chí, có lần anh nhân viên lập trình bên mình còn ôm theo cả laptop vào làm nốt việc trong toilet cho... tiện".

Giống chị Hằng, ở công ty phần mềm của Hoài Thu (nhân viên marketing), WC là khu vực rất sạch sẽ, sáng choang đèn vàng ấm áp do cùng hệ thống toà cao ốc. Rất nhiều nhân viên coi đây là nơi "xả hơi", thay vì một nhà vệ sinh đúng nghĩa. Nhiều người đem điện thoại vào tâm sự cả tiếng đồng hồ, có chị còn mang... tạp chí vào đọc hết cả quyển mới chịu ra. Có lần, Thu vào đi "giải quyết nỗi buồn" thì hết chỗ, đứng ở ngoài đợi một lúc không thành vấn đề, nhưng cô "lú" luôn khi nghe một chị đang... hàn huyên tâm sự qua điện thoại trong phòng vệ sinh, hết chuyện bồ bịch đến chuyện làm ăn, rồi nói xấu mẹ chồng... Không gian yên tĩnh của WC khiến dù chị ta nói nhỏ, câu chuyện cũng vang ra khắp phòng. Đúng là bó tay với những cách "sử dụng" nhà vệ sinh của chị em nơi công sở!

Nhà vệ sinh thành nơi “họp chợ”

Chị em phụ nữ, đặc biệt là dân công sở, có một thói quen là đi vệ sinh phải “rủ nhau” đi cùng. Tất nhiên rủ nhau vào toilet chẳng có gì sai. Vấn đề ở chỗ, mỗi lần chị em dắt nhau vào WC, lại đứng buôn chuyện rôm rả đến cả chục phút.

Chuyện trên trời dưới bể, chuyện mua giày dép, quần áo, mỹ phẩm và cả vấn đề… ẩm thực đều được lôi tuốt vào cái nơi “giải quyết nỗi buồn” ấy. Nhưng cũng từ những chuyện buôn dưa lê, bán dưa chuột trong toilet mà nảy sinh bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười.

Chị Minh, nhân viên tiếp tân (Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội), chia sẻ một kinh nghiệm đau thương: “Trước kia mình cũng hay đứng buôn dưa lê trong toilet lắm. Nhưng một lần, mình đang mải mê cùng mấy chị em ‘đá đểu’ bà sếp khó tính thì phát hiện sếp đứng sau lưng từ lúc nào không biết. Cả lũ sợ mất mật, vội vàng quay trở lại làm việc. Cũng may sếp là người không có tính thù vặt nên bỏ qua cho vụ đó. Từ sau lần ấy thì chừa hẳn cái thói ‘buôn dưa’ trong toilet.”


Toilet công sở là nơi “buôn chuyện” lý tưởng của chị em phụ nữ (Ảnh minh hoạ)

Còn chị Hoa, nhân viên hành chính của một công ty truyền thông, thì suýt nữa mất việc cũng vì cái tính hay hóng chuyện trong nhà vệ sinh. Số là hôm ấy, chị đang kiểm tra bản kế hoạch sắp gửi cho khách hàng thì có nhu cầu "giải quyết". Chị tạm xếp mấy tờ tài liệu sang một bên, định bụng quay lại sẽ kiểm tra nốt. Nhưng lúc vừa bước ra khỏi buồng vệ sinh thì chị gặp ngay mấy cô đang đứng tán phét ở chỗ rửa tay. Theo thói quen, chị sà vào “góp vui”. 15 phút sau chị mới quay trở lại làm việc. Tài liệu cần kiểm tra lại thì chị quên phéng, cứ thế gửi luôn cho khách hàng. Không ngờ bản kế hoạch có một sai sót lớn, khi triển khai thì gặp trục trặc, làm cả công ty được một phen nháo nhào. Rất may là sự kiện lần đó không bị hủy, chỉ phải lui lại ít ngày. Không mất việc, nhưng chị cũng bị sếp mắng cho một trận te tua. Giờ nhớ lại chị chỉ chặc lưỡi: "Tất cả chỉ tại cái tính hay hóng chuyện trong nhà vệ sinh mà ra."

Thật ra, việc các quý cô văn phòng thích vào toilet để “tám” cũng rất dễ hiểu. Ở công sở, làm gì cũng phải ngó trước ngó sau, sợ bị soi. Lơ là một chút là bị quản lý lườm nguýt. Chính vì thế, thời gian đi toilet được xem như phút “xả hơi” ngắn ngủi, thỏa cho hàng giờ đồng hồ ngồi cứng trên ghế, dán mắt vào màn hình máy tính. Lâu dần hóa quen, nhà vệ sinh thành nơi “họp chợ” từ lúc nào không biết.

Văn hoá dùng nhà vệ sinh, cứ tưởng "chuyện trên trời" nhưng thật ra lại là việc thực tế nhất, sát sườn nhất đối với chị em nơi công sở. Chỉ vì sử dụng "sai" mục đích, hoặc quá coi thường, thiếu tự giác mà WC công sở lắm lúc trở nên bức bối và khó chịu với các nhân viên có nhu cầu sử dụng. Chuyện nhỏ, mà chẳng phải nhỏ tí nào, chung quy cũng do hai từ "ý thức" ra mà, phải không chị em?
Chia sẻ