Toát mồ hôi "chạy" trường cho "dê vàng"

,
Chia sẻ

Các bệnh viện phụ sản năm 2003 luôn trong tình trạng quá tải bởi nhà nhà sinh con năm “dê vàng”. 6 năm sau, các phụ huynh "méo mặt" tìm chỗ học cho con trong tình trạng trường... quá tải.

Theo lịch tuyển sinh, từ ngày 1/7 đến 15/7, các trường tiểu học mới bắt đầu xét hồ sơ đúng tuyến. Sau thời điểm này, trường nào còn chỉ tiêu mới được phép tuyển học sinh trái tuyến. Chậm nhất đến 30/7, các trường tiểu học phải hoàn thành công tác tuyển sinh. Nhưng thực tế, việc “chạy” trường đã “nóng” từ tháng 5, tháng 6.

Trường “căng” mình gánh

Chị Quỳnh nhà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), ngớ người khi nhận lại hồ sơ cùng với 500 USD đã gửi gắm nhờ xin cho cậu “quý tử” vào Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) với lời giải thích: “Năm nay đông lắm, hồ sơ trả lại cả chồng cao, nếu quyết tâm cho con theo học tại đây thì thêm 500 USD nữa…”.

Đã sắp hết tháng 6, không cố thêm 500 USD nữa thì con không có chỗ học. Dù phải cắn răng chi thêm tiền, nhưng như chị Quỳnh còn may, bởi… vẫn có chỗ để “chạy”. Trên forum (diễn đàn) của các ông bố, bà mẹ có con vào học lớp 1, có người phàn nàn, họ mất tới 3.000 USD chạy trường cho con vẫn không xong.


Lớp học dự bị vào lớp 1 tại
trường tiểu học Văn Chương (Hà Nội). (Ảnh: Đức Long)

Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội, thừa nhận,  số lượng các cháu tuổi “dê vàng” là vấn đề nan giải. Dù chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp năm nay đã lên tới gần 100.000 (gấp 2,5 lần so với năm 2008 do Hà Nội mở rộng), đảm bảo 100% HS đến tuổi đi học được đến trường nhưng ở trường tiểu học nào hồ sơ xin học cũng xếp thành chồng cao. Không kể gì trường điểm, trường chuẩn mà ngay các trường bình thường cũng đều quá tải.

Ông Vũ Quang A., Hiệu trường một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội thực sự đau đầu trong những ngày này. Trường của ông chỉ được phép tuyển khoảng 130 học sinh lớp 1 nhưng số đơn xin dự tuyển năm nào cũng lên đến gần 1.000. “Không kể những bậc phụ huynh tìm đến tận nơi, làm mọi cách tác động đến hội đồng tuyển sinh, năm nào chúng tôi cũng “đau đầu” trước tình trạng con cháu “gửi gắm”, ông A nói.
 
Thậm chí, những trường điểm còn hợp pháp hóa và "quy đổi" rõ ràng, bao nhiêu suất của ngành dọc, của UBND quận, của hiệu trưởng, giáo viên...  Hằng năm, Hà Nội có khoảng trên 10 trường tiểu học luôn bị “áp lực” chạy trường bủa vây (Tiểu học Kim Liên, Nam Thành Công, Trung Tự, Trưng Vương, Lê Ngọc Hân…).

Do chênh lệch chất lượng đào tạo nên phải... chạy

Chuyện đổ xô về các trường điểm, nơi có nhiều giáo viên giảng dạy tốt là điều đương nhiên. Nhưng điều này lại dẫn đến việc nhồi nhét. Học sinh trong một lớp đông, rõ ràng không thể mang lại hiệu quả tốt.

Đồng thời, tại những trường điểm, số giáo viên dạy giỏi cũng "so bó đũa chọn cột cờ" như các trường khác. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), nơi luôn là điểm nóng trong tuyển sinh cho rằng, trường nào cũng có giáo viên giỏi và trung bình.

Hơn nữa, trường điểm có nghĩa là chất lượng giáo dục tốt, có thành tích tốt. Nhưng, để chạy theo thành tích, theo chất lượng thì HS trường điểm sẽ phải gánh áp lực học hành nặng hơn, thời gian chơi ít hơn. Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến khẳng định, ở những trường có áp lực tuyển sinh, sĩ số đông, cô giáo khó quan tâm đến trẻ như các trường khác.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho rằng, chạy trường là một hiện tượng xã hội. Nhiều người cùng chạy trường nhưng chỉ một số ít trong đó được ưu tiên. Những người khác không đạt được mong muốn sẽ hậm hực, khó chịu, khiến trẻ đi học trường khác sẽ gặp trở ngại tâm lý. “Muốn chấm dứt chạy trường, phải nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người”, ông Bình nói.

Theo Đất Việt

Chia sẻ