Tìm ôsin bệnh viện chuyên nghiệp ở đâu?

,
Chia sẻ

Nhu cầu chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện cao, nhưng tại địa bàn Hà Nội vẫn chưa có một đơn vị nào cung cấp người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, đa số là ôsin tự phát.

Cuộc sống bận rộn, nhiều người tiêu dùng (NTD) bỏ ra một số tiền tương đối lớn (4,5 triệu đồng/tháng) để thuê ôsin chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được người ưng ý.

Thực tế, xung quanh chuyện “nghề ôsin” cũng lắm bi hài, từ việc người nhà ôsin ghen bóng, ghen gió với người “sống dở, chết dở” cho tới việc ôsin dẫn cả một “tập đoàn” những người “vô gia cư” vào ăn nằm ngang nhiên trong bệnh viện. Tất cả tạo nên một thị trường bát nháo, ô hợp, một thế giới “độc quyền” dường như chỉ của riêng họ.

Bi hài xung quanh chuyện thuê ôsin bệnh viện

Tất tả khăn gói từ quê lên, sau 2 ngày “cắm chốt” ở bệnh viện Hữu Nghị (số 1 Trần Khánh Dư, HN), chị Nguyễn Thu Hương (quê ở Thái Bình) mới may mắn nhận được một lời mời chăm sóc một bệnh nhân bị liệt. Ban đầu, chị cũng e dè không dám nhận lời vì bệnh nhân là một người đàn ông 37 tuổi, trong tình trạng đời sống thực vật, việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, lau chùi, chị sẽ đều phải đảm đương hết.

Nhưng vì người nhà bệnh nhân hứa sẽ bù đắp chị thỏa đáng với khoản tiền công cao hơn bình thường, lên tới 250.000 đồng/ngày, “vả lại, người đàn ông đó đang liệt giường, liệt chiếu, chắc sẽ không xảy ra “chuyện gì” đáng tiếc” - Chị Hương nghĩ vậy rồi gật đầu đồng ý.

Ngót nghét chưa đầy một tuần, chồng chị Hương nghe tin vợ mình ở trên Hà Nội làm cái nghề “thay quần, thay áo” cho người đàn ông khác thì nổi máu ghen tuông. Anh chồng hằm hằm giận dữ tìm đến phòng bệnh nhân nằm, quát tháo, chửi bới ầm ĩ, thậm chí còn định lăn xả vào… đánh bệnh nhân. Cũng may mọi người xung quanh can ngăn kịp thời nên không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
Theo BS. Phạm Ngọc Tạo, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Hữu Nghị, việc bùng phát dịch vụ ôsin tự do đang là vấn nạn cho bệnh viện.

Theo ý kiến của nhiều bác sĩ tại bệnh viện Hữu Nghị, đội ngũ ôsin người tốt có mà người xấu thì không phải ít. Có trường hợp, buổi tối, người nhà bệnh nhân không có mặt ở đó, ôsin tranh thủ uống sữa, vắt cam, ăn thức ăn ngon để tự “bồi dưỡng” cho mình. Có khi màn của bệnh nhân, ôsin lấy trải xuống dưới đất nằm. Và cũng không hiếm cảnh ôsin táy mắt, ăn cắp đồ gây xôn xao, nhốn nháo trong phòng bệnh viện.

Chú Vũ Tiến Bình, một bệnh nhân nằm tại bệnh viện Bạch Mai (78 Giải Phóng, Đống Đa, HN) tâm sự: “Điều làm tôi cảm thấy không hài lòng ở các ôsin bệnh viện đó là tính kỷ luật không cao. Nhiều ôsin vào bệnh viện mà cứ “tự nhiên” như ở nhà mình, tranh phòng tắm, nhà vệ sinh với cả người bệnh. Họ tay xách nách mang cả một ba lô quần áo, để lộn xộn khắp nơi, ăn uống xong vứt rác bừa bãi. Bệnh nhân thì chỉ 1 – 2 bộ trong khi họ lỉnh kỉnh đủ mọi thứ trên đời”.

Chú Bình còn bức xúc kể lại: Có hôm, buổi tối, họ còn dẫn cả bạn bè (những người cũng cùng cảnh ngộ làm ôsin nhưng chưa tìm được việc) vào nằm la liệt trong phòng bệnh, rồi tranh thủ tắm giặt, vệ sinh, ra ra vào vào, gây ồn ào khiến những bệnh nhân khác rất khó chịu.

Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu của người bệnh ngày càng cao, các ôsin mặc sức “hét” giá, thi thoảng lại có những đợt tăng giá đồng đều ở “chợ người” do một người đứng ra khởi xướng. Thậm chí, trong quá trình trông nom bệnh nhân, nhiều người nhà bệnh nhân thừa nhận: Các ôsin rất hay tìm mọi lý do để vòi vĩnh, có khi là chiếc di động để “thuận tiện liên lạc”, có khi là vài ba trăm nghìn vì “chi tiêu ở đây quá đắt đỏ”…

Ngoài việc vô phép tắc, khuôn khổ trong kỷ luật, nhiều ôsin còn thiếu hiểu biết trong việc chăm sóc bệnh nhân, gây ra những hậu quả không đáng có.

Theo BS. Phạm Ngọc Tạo, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Hữu Nghị thì việc bùng phát dịch vụ ôsin đang là vấn nạn cho bệnh viện vì phần lớn đội ngũ “người nhà” này có kĩ năng chăm sóc bệnh nhân không đảm bảo.

Để tìm được một ôsin chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp không phải là điều dễ dàng.

Là người trong cuộc, cô Phùng Thu Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiểu được cái cảm giác khó chịu như thế nào khi phải 5 lần, 7 lượt liên tục đổi ôsin. Bố côThủy bị bệnh nặng, không thể ăn bằng miệng như những người bình thường khác mà phải ăn xông qua đường mũi hoặc tĩnh mạch. Cô lại bận công tác nên phải “cắn răng” thuê ôsin chăm nom ông cụ trong bệnh viện.

Tuy nhiên, đã hơn 2 lần, những người ôsin mà cô Thủy thuê về đều không biết cách chăm sóc bệnh nhân. Theo nguyên tắc, khi đổ nước cháo qua phễu, cháo chưa chảy hết là phải bít ống để không khí không lọt vào. Nhưng do luống cuống thế nào đó, ôsin đã để không khí lọt vào nhiều khiến bệnh nhân no hơi, ọc hết thức ăn ra ngoài.

Cứ sau mỗi lần cô Thủy đổi người như vậy, các nhân viên y tế lại phải thêm một lần dặn dò, nhắc nhở, chỉ dẫn những điều cần biết cho ôsin mới. Mất thêm thời gian giải thích lại từ đầu nên y tá nào cũng tỏ ra không hài lòng.

Mô hình cung cấp ôsin chuyên nghiệp: Cần nhưng khó thực hiện

Bệnh viện Hữu Nghị có đặc thù chuyên chăm sóc và điều trị cho người cao tuổi nên nhu cầu thuê người thường xuyên túc trực rất cao. Nhiều cụ mắc nhiều bệnh mãn tính, tháng nào cũng vào viện, coi bệnh viện chẳng khác gì ngôi nhà của mình.

Nhận thấy được nhu cầu cần thiết như vậy, từ cách đây 5 - 6 năm, ban lãnh đạo bệnh viện đã có ý định đào tạo, cấp chứng chỉ để mở ra một đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai và đi vào hoạt động quá phức tạp. Cho tới thời điểm hiện tại, bệnh viện Hữu Nghị khẳng định không cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.

Theo BS. Dương Thị Bình Minh (Trưởng phòng điều dưỡng bệnh viện Hữu Nghị) có 3 nguyên nhân dẫn tới “cái khó” của việc thực hiện: Thứ nhất: Đây là vấn đề quá nhạy cảm nhất là đối tượng phục vụ phần lớn là các cụ già. Bệnh viện Hữu Nghị hoàn toàn có thể quản lý, giới thiệu dịch vụ chăm sóc bệnh nhân “trọn gói” nhưng các cụ lại không tin, nghĩ bệnh viện là “cò mồi”, môi giới. “Khi người nhà bệnh nhận hoặc bản thân người bệnh tự tìm người thì họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm và tự hài lòng với việc lựa chọn của mình” – BS. Minh nói.

Nguyên nhân thứ hai là: Do tâm lý của người Việt Nam, khi nằm viện, ai cũng mong muốn phải luôn có người bên cạnh, chăm sóc 24/24. Trong khi đó, đội ngũ “chân rết” ôsin bệnh viện lại cắm chốt quá sâu, tạo thành một hệ thống, móc nối từ người này sang người khác.  Chỉ cần vừa nhác trông thấy bóng dáng các cụ, ôsin đã vây quanh mời chào, tự “lăng xê” bản thân và thuyết phục “sử dụng dịch vụ” cho bằng được. Và lần sau cứ thế, mỗi lần các cụ vào viện sẽ tự liên lạc với ôsin, không cần qua đầu mối trung gian.

Nguyên nhân thứ ba là: Để có được một đội ngũ chăm sóc bệnh nhân đặc biệt thì các bệnh viện phải có một bộ máy điều hành. “Mà để có bộ máy điều hành thì phải có kinh phí, mới hoạt động được. Kinh phí đó phải tự sinh, tự phát” – BS. Minh coi đây là một trở ngại không nhỏ đối với các bệnh viện.

 Hà Nội chưa có đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình bệnh nhân (Ảnh: Bảo Châu)

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều công ty tư nhân như Công ty Cổ phần dịch vụ nhà sạch; Công ty cổ phần đầu tư y tế Hoàng Minh,… đã từng mở ra dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện nhưng sau một thời gian hoạt động đành “đóng cửa” không cung cấp dịch vụ này nữa. Thử tìm kiếm google về trung tâm cung cấp đội ngũ nhân viên chăm sóc người bệnh chuyên nghiệp, VTC News cũng chỉ tìm được 1, 2 địa chỉ rõ ràng.

Bà Phan Phương Nga, Quản lý Công ty Minh Khanh (số 9, ngõ 840 Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, HN), nơi chuyên đào tạo người giúp việc gia đình, vệ sinh công cộng cho biết: “Chăm sóc trẻ em, ôsin tại nhà thì nhiều nhưng dịch vụ trăm nom bệnh nhân thì lại rất ít”.

Đội ngũ chăm sóc bệnh nhân công ty Minh Khanh có trong tay lúc này cũng chỉ được khoảng 10 người, trong đó có 7 nữ và 3 nam, không thể cung cấp được đầy đủ dịch vụ cho tất cả các bệnh viện và các gia đình có nhu cầu. Trung bình mỗi tháng, công ty này nhận 5 hợp đồng đăng kí sử dụng dịch vụ, nhiều nhất có tháng 14 – 15 hợp đồng.
 
“Thông thường, những bệnh nhân nằm viện bao giờ cũng mang bệnh nặng hơn những người cần chăm nom tại nhà, thế nên đòi hỏi kĩ năng khó hơn”, bà Nga giải thích thêm về việc hiếm hoi để tìm kiếm được thợ ôsin chuyên nghiệp.

Hội Điều Dưỡng Việt Nam (138A Giảng Võ, Ba Đình, HN) kết hợp với Công ty cổ phần dịch vụ chăm sóc điều dưỡng đang từng bước xây dựng các cơ sở, đào tạo nguồn nhận lực để tạo ra đội ngũ chuyên chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Nơi duy nhất người dân và các bệnh viện Hà Nội trông mong, hi vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người bệnh cũng chỉ đang loay hoay “tìm đường”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ chăm sóc điều dưỡng cho biết: Đây là 1 trong trong 6 mục tiêu, kế chiến lược (từ năm 2010 – 2015) của hội. Hội sẽ ưu tiên tuyển người đã có trình độ, có chuyên môn, sau đó sẽ đào tạo, rèn rũa, thử thách từ 1 – 3 tháng “cầm tay chỉ bệnh”, với kỳ vọng dịch vụ chăm sóc người bệnh “trọn gói” trong tương lai không xa sẽ trở thành hiện thực, để những người bệnh có thể hoàn toàn tin tưởng khi ốm đau phải đi nằm viện.

 Một số bệnh viện cung cấp người trông nom bệnh nhân tại HN

Tại Hà Nội, bệnh viện Xanh Pôn là một trong những nơi xây dựng mô hình ôsin bệnh viện được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, với đội ngũ ít ỏi, không cố định được tận dụng từ lực lượng các bạn sinh viên năm thứ 3 khoa điều dưỡng các trường Đại học, trung cấp y tế, dịch vụ này cũng chỉ một phần nào giải quyết nhu cầu của số ít các gia đình trong phạm vi bệnh viện Xanh Pôn.

Mức lệ phí người nhà phải trả theo qui định của bệnh viện Xanh Pôn là 50.000 đồng/ ca (10 giờ đồng hồ).

Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân theo nhu cầu của người bệnh. Tuy nhiên, với đội ngũ 5 người hộ lý thay nhau túc trực, bệnh viện cũng phải nhiều lần từ chối nhu cầu của nhiều gia đình bệnh nhân.

Giá dịch vụ là: 60.000 đồng/ 1 ngày (nếu làm theo giờ hành chính) và 100.000 đồng/ 24 giờ (3 hộ lý thay nhau chăm sóc).

Chia sẻ