Thuốc giả đắt tiền tung hoành trên thị trường

,
Chia sẻ

Kháng sinh thế hệ 3, thuốc kích dục, thuốc tránh thai đang bị làm giả rất nhiều đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dùng cả xe biên phòng để chở thuốc giả

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vu ̣- Công an Hà Nội cho biết, vừa phá một đường dây buôn bán tân dược giả xuyên quốc gia với quy mô lớn. Đối tượng vận chuyển thuốc giả vốn là một lái xe của đồn biên phòng đã lợi dụng tính chất công việc và phương tiện của đơn vị, câu kết với một tiểu thương người Trung Quốc chuyên cung cấp biệt dược giả chữa trị những bệnh nặng như: suy thận, thuốc trợ tim, thuốc chống suy nhược thần kinh…đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Trong một thời gian dài, đối tượng này đã dùng ô tô công vận chuyển trót lọt qua các trạm kiểm soát ở biên giới Lạng Sơn số lượng lớn biệt dược với trị giá hàng trăm triệu đồng, đưa về Hà Nội tiêu thụ qua các đầu mối trung gian.

Trước đó không lâu, CA Hà Nội cũng đã phá một đường dây sản xuất, tiêu thiụ thuốc giả với quy mô lớn ngay trên địa bàn thành phố.

Đối tượng cầm đầu đường dây này là Phạm Thị Thanh Tú, trú tại phường Hào Nam. Đối tượng đã tổ chức sản xuất tại nhà hàng loạt loại thuốc, chủ yếu là  những loại kháng sinh thế hệ 3 (mới nhất) với giá thành lên tới gần 200 nghìn đồng /vỉ ; thuốc kích dục (viagra, Cialis, Levitara…) và  thuốc tránh thai. Điều đáng sợ là những loại thuốc kháng sinh thế hệ 3 (giả) mới xuất hiện tại Việt Nam thường để chữa trị những loại bệnh nan y.

Ông Hà Thế Hùng, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Hà Nội khẳng định: đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ án liên quan đến thuốc giả  mà cơ quan Công an đã xử lý trong năm 2008 và những tháng đầu năm nay.

Còn theo báo cáo của Interpol (Cảnh sát quốc tế), số lượng mẫu thuốc giả phát hiện tại Việt Nam rất cao (406 mẫu), đứng thứ hai - so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Lào là nước có mẫu thuốc giả cao nhất với 447 mẫu. Campuchia có 271 mẫu còn Thái Lan là 173 mẫu.

Điều tra cho thấy, thuốc giả được sản xuất bằng công nghệ cao, bao bì sản phẩm rất giống thuốc thật hoặc do hàng kém chất lượng từ nước ngoài đưa về Việt Nam sửa lại hạn dùng. Thành phần chủ yếu của thuốc giả thường là bột mì, chất có tính kết dính, dễ hoàn tan trong nước và không có hại (cũng không có tác dụng chữa bệnh) để người dùng không thể phát hiện mình đã bị lừa.

Đã từ lâu những tác hại do thuốc giả gây ra đã được chuyên gia y tế khuyến cáo mạnh mẽ. Đáng lo ngại nhất là tình trạng nhờn kháng sinh. Những người mắc bệnh nặng cần được điều trị không may dùng phải thuốc giả thậm chí đã mất tính mạng. Những hậu khôn lường là vậy nhưng tệ nạn thuốc giả vẫn không ngừng gia tăng. Người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Còn công tác phòng chống tệ nạn này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Doanh nghiệp vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt

Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng Phòng Điều tra chống buôn lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng Cục hải quan thừa nhận để ngăn chặn triệt để nạn hàng giả là vô cùng khó, đặc biệt  là trong lĩnh vực phòng chống nạn thuốc giả. Bởi đối tượng làm giả hoạt động ngày càng tinh vi, với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Trong thời gian gần đây đối tượng làm thuốc giả tại Việt Nam thường nhập nguyên liệu từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) rồi tự sản xuất, đóng gói bán ra thị trường.

Có loại thuốc bị làm giả giống đến mức ngay cả đơn vị sản xuất cũng bó tay không thể phân biệt bằng cách so sánh mẫu mã bên ngoài.

Ngoài thuốc ngoại đắt tiền bị làm giả, hiện một số sản phẩm của những doanh nghiệp trong nước có uy tín cũng đã bị làm giả. Thế nhưng có đơn vị khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả đã âm thầm tự giải quyết hoặc đành chịu chứ không dám công khai lên tiếng hoặc báo cáo nhờ tới cơ quan công án, bởi ngại…điều tiếng hoặc người tiêu dùng hiểu lầm, quay lưng với sản phẩm. Và thế là thuốc giả ung dung tung hoành có mặt khắp nơi, thậm chí len lỏi vào tận trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, theo ông Thuỷ, thuốc giả lộng hành còn do sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan giám sát, thực thi và các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm. Họ mới chỉ dừng lại ở khâu đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng ở Cục Sở hữu trí tuệ nhưng lại không trao đổi với các cơ quan kiểm soát, thực thi. Nên khi sản phẩm bị làm giả cũng không biết nhờ giúp đỡ từ đâu. 

Đối với thuốc nhập khẩu cũng  vậy. Vì thiếu cơ sở để phân biệt được hàng thật - hàng giả nên có khi cơ quan giám sát cũng “bó tay”, bởi trên nhãn thuốc giả nhập khẩu chẳng hạn, có đủ số visa, tem nhập khẩu, hình thức giống y hệt, chỉ phân biệt được khi có mẫu đối chứng hoặc phân tích chất lượng.

Theo P. Thanh
Dân trí
Chia sẻ