Thực hư gạo chống HIV, chữa đồng tính?

Theo Pháp luật TP.HCM,
Chia sẻ

Cùng với sự hỗn loạn của thị trường gạo, nhiều người bán đã quảng cáo các công dụng chữa bệnh “trên trời” của gạo hữu cơ, gạo dược liệu…nhằm đẩy giá gạo lên cao bẫy người tiêu dùng ‘nhẹ dạ cả tin”.

“Loạn” thị trường gạo siêu sạch, gạo hữu cơ

Trên khắp các tuyến phố, cửa hàng, kho gạo thậm chí trên các diễn đàn, mạng xã hội,… người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp các biển quảng cáo gạo siêu sạch, gạo hữu cơ chữa bệnh thần kì.

Theo ghi nhận trên thị trường có hàng trăm các thương hiệu gạo sạch: gạo Hoa Sữa, gạo Hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng, gạo Quế Lâm… Trong môi trường thực phẩm bát nháo như hiện nay, các loại gạo này đã và đang tạo được niềm tin lớn cho người tiêu dùng khi đánh vào yếu tố sạch, chữa bệnh.

Thực hư gạo chống HIV, chữa đồng tính? 1
Thị trường đang hỗn độn với nhiều các loại gạo tự nhận là gạo siêu sạch, gạo hữu cơ nhằm đẩy giá gạo lên cao.

Theo đó, các loại gạo sạch được đóng thành các túi nhỏ loại 1kg, 2kg, 5kg... trên bao bì có ghi rõ nguồn gốc, nơi trồng, trồng trong thời gian bao lâu cùng nhiều các chứng nhận về độ an toàn khi sử dụng. Giá các loại gạo siêu sạch dao động ở mức: 25.000 – 40.000 đồng/kg, gạo dược liệu 40.000 đồng – 70.000 đồng/kg.

Loại gạo này rất được lòng các bà nội trợ đặc biệt là những người mắc bệnh. Họ sẵn sàng chi tiền cao để mua các loại gạo sạch chất lượng. Cuối tuần nào chị Lưu Thị Hải Hà (phố Thái Thịnh, Q.Đống Đa) cũng ghé một cửa hàng bán gạo sạch tại phố Đường Láng vì chị thấy an tâm khi sử dụng các sản phẩm đóng túi có nguồn gốc rõ ràng hơn là các sản phẩm gạo trôi nổi trên thị trường mặc dù giá đắt 35.000 đồng/kg. “Gia đình tôi ăn loại gạo sạch này được hơn một năm nay, ăn mãi quen vị rồi thành ra cứ đi chỗ khác ăn không phải gạo nhà mình là không nuốt nổi”, chị Hà tâm sự.

Gạo siêu sạch, gạo hữu cơ đang tạo ra một cơn sốt tiêu dùng trên thị trường và là lựa chọn thường xuyên của nhiều bà nội trợ Việt. Đây là một tín hiệu tốt khi người dân ngày càng tin dùng vào các thực phẩm sạch kể cả gạo. Tuy nhiên, đây cũng chính là lí do khiến các hàng nghìn loại gạo được gắn mác gạo hữu cơ… ăn theo thương hiệu bán với giá cao.

Trên thị trường hiện đang bày bán hàng trăm loại gạo hữu cơ “tự nhận”, chúng được quảng cáo thơm ngon, an toàn nhưng không hề có một chứng nhận an hữu cơ của một tổ chức uy tín nào cấp.

Nói về việc bùng nổ các loại gạo hữu cơ “tự nhận” trong thời gian gần đây chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho hay, gạo hữu cơ chuẩn là loại gạo được chứng nhận về mức độ an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Gạo được sản xuất theo quy trình hữu cơ tuyệt đối, không sử dụng hóa chất, không phân bón, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, gạo hữu cơ còn không sử dụng loại giống biến đổi gen, cỏ nhổ bằng tay, dụ côn trùng phải bẫy đèn, dinh dưỡng cho cây trồng phải được cung cấp bằng chế phẩm sinh học do một tổ chức quốc tế xác nhận…

Ở Việt Nam chưa có quy chuẩn nào về gạo hữu cơ mà chỉ có tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ở các thang quy chuẩn này thì gạo sản xuất ra chỉ được gọi là gạo sạch vì chúng vẫn được sử dụng thuốc hóa học, phân bón trong một giai đoạn nhất định.

Ông cho biết tại Việt Nam mới chỉ có gạo hữu cơ H.S – là loại gạo duy nhất được công nhận và sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh quốc tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và các tổ chức Châu Âu chứng nhận còn các loại gạo hữu cơ khác bán trên thị trường thì chưa được công nhận. “Hiện gạo H.S đang được xuất khẩu rộng rãi sang các nước Châu Âu và Mỹ với giá xấp xỉ 260.000 nghìn đồng/kg, tại Việt Nam 70.000 đồng/kg nên chỉ phục vụ một số ít người tiêu dùng có điều kiện”, GS. Xuân cho hay.

Gạo chống HIV, chữa đồng tính?

Gạo thảo dược, gạo chức năng đang được quảng cáo nhan nhản trên thị trường với các tác dụng chữa bệnh thần kì: chữa bệnh ung thư, đái tháo đường, hiếm muộn, thanh lọc gan, chữa bệnh gout, giảm cân… Trên nhiều diễn đàn, người bán còn quảng cáo ăn gạo lứt chống lại virus HIV, chữa đồng tính...

Theo lời quảng cáo hấp dẫn chúng tôi tìm đến đại lí gạo lứt khu Mễ Trì, Từ Liêm để mua hàng. Tại đây chúng tôi được chủ hàng quảng cáo các sản phẩm: cơm gạo lứt muối mè, nước gạo rang, trà, dấm gạo lứt…có thể chữa khỏi các bệnh về xương khớp, đái tháo đường và ung thư nếu ăn lâu dài. Thấy chúng tôi nghi hoặc, chủ cửa hàng bồi thêm những công dụng thần kì của gạo lứt trong việc chữa đồng tính, giảm âm bổ dương khí, tăng cường sức khỏe ngoài ra còn chống đi ngoài mất nước cho người nhiễm HIV.

Tương tự, một loại gạo mầm gần đây cũng gây sốt vì được người bán hàng “lăng xê” chữa bệnh gout, thanh lọc gan, tiểu đường, giảm cân, giảm choresterol, đẹp da,… “Ăn gạo mầm này được hơn 6 tháng nay, bệnh tiểu đường có thuyên giảm nhưng chưa khỏi hẳn, đường huyết ổn định hơn, tôi sẽ vẫn ăn tiếp vì có bệnh phải vái tứ phương thôi”, ông Nguyễn Văn Trung (60 tuổi, ngõ 2 phố Đại Từ, Q. Hoàng Mai) chia sẻ.

Chính vì những quảng cáo tác dụng “thần kì” này đã đẩy giá các loại gạo chức năng, gạo thảo dược lên mức cao ngất! Theo ghi nhận, giá gạo lứt từ 35.000 đồng – 50.000 đồng/kg tùy loại, gạo mầm 70.000 – 75.000 đồng/kg, gạo huyết rồng 25.000 – 30.000 đồng/kg, gạo nếp cẩm 40.000 – 50.000 đồng/kg…

Trao đổi với PV, chuyên gia nông nghiệp GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ: “Thời gian qua tôi cũng nghe nhiều về việc ăn gạo chữa bệnh tiểu đường, ung thư…nhiều người thân xung quanh cũng tin sử dụng”. Về việc nhiều loại gạo được quảng cáo chữa ung thư, chống HIV, chữa đồng tính, ông Xuân không tin và cho rằng người tiêu dùng nên cẩn trọng với các thông tin này.

Theo ông, gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho quá trình chữa bệnh. Hiện tại, Việt Nam chưa có một quy chuẩn nào về các loại gạo hữu cơ, gạo thảo dược này nên để kiểm chứng không còn cách nào ngoài việc chính người tiêu dùng mua về dùng thử rồi tự mình đánh giá công dụng là chính xác nhất./.

Chia sẻ