Tẩy trắng trứng: Độc hại cho người làm nhiều hơn người ăn

,
Chia sẻ

Điều rõ ràng phải khẳng định trước tiên là các hành vi tẩy trắng trứng và bán như trứng gà ta như vậy là không thể chấp nhận được.

Trứng bị tẩy dễ hư thối

Axít thường được sử dụng để tẩy trắng trứng gà là axít clohydric (ký hiệu hóa học là HCl), bản thân axít HCl là một chất ít độc hại. Nó tồn tại ngay trong dạ dày của người và nhiều động vật để giúp tiêu hóa thức ăn. Thậm chí trong công nghệ thực phẩm, axít HCl tinh khiết (HCl thực phẩm) còn là hóa chất được phép sử dụng làm chất thủy phân đậu nành, đậu phộng...

Axít HCl chỉ thật sự độc hại khi ở nồng độ cao, lúc đó nó có thể tác động lên cơ thể gây phỏng. Hơn nữa, khi ở nồng độ cao, axít HCl thường bốc khói, khói đó là khí HCl không màu, độc hại, nếu tiếp xúc, hít vào khí này thường xuyên có thể gây nhức đầu, nghẹt thở, viêm mũi, viêm họng, ho, tổn thương niêm mạc phổi... Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể bị phù phổi và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, người tẩy trứng có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp rất cao và cũng có nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến da như bị mẩn đỏ, ngứa hay phỏng.

Ngoài ra, axít HCl được sử dụng để tẩy trứng là hóa chất công nghiệp (không tinh khiết, rẻ tiền) nên dễ bị nhiễm các chất độc hại khác như các kim loại nặng có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao (mua vào khoảng 1.000 đồng/quả, tẩy xong bán ra 2.000 đồng/quả) và quá dễ thực hiện (chỉ cần một ít HCl, một vài thau, chậu là xong) người ta vẫn tiếp tục việc tẩy trắng trứng bằng loại axít này.
 

Người tẩy trứng lợi dụng tính ăn mòn vỏ trứng (có cấu tạo chủ yếu là cacbonat canxi) của axít HCl, để khi ngâm vào axít vỏ trứng màu nâu sẽ bị ăn mòn và biến thành màu trắng. Tuy nhiên, với người tiêu dùng thì không nên quá lo lắng, không nên quá sợ hãi nghĩ rằng cứ cái gì dính đến axít là độc hại. Bởi lẽ khi tẩy trứng, người ta sẽ phải pha loãng axít HCl với nước để quá trình ăn mòn xảy ra với tốc độ vừa phải, vỏ trứng sẽ được ăn mòn và tẩy trắng đều hơn. Trong trường hợp này, axít HCl chỉ có tác dụng tẩy trắng trứng chứ không làm ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng bên trong trứng.

Axít khó xâm nhập lòng trứng (nên các chất độc hại khác như kim loại nặng cũng không có cơ hội để “ăn theo”) vì thời gian ngâm axít rất ngắn, vỏ trứng chỉ bị ăn mòn một phần, nó vẫn bảo vệ được lòng trứng. Vả lại, bên trong vỏ trứng còn có một lớp vỏ lụa, không dễ gì axít đi qua được. Trong trường hợp xấu nhất (hiếm gặp), nếu axít đi qua được lớp vỏ lụa, chắc chắn rằng lòng trắng trứng dưới tác động của axít sẽ bị đông rắn lại một phần, bị đục, khi đập quả trứng ra sẽ phát hiện ngay.

Tuy nhiên, điều tác hại rõ ràng nhất có thể khẳng định chắc chắn là trứng sau khi bị tẩy trắng bằng axít thì vỏ trứng sẽ mỏng đi (nên dễ vỡ hơn), thậm chí có trường hợp cầm lên soi ngược sáng, có thể thấy cả lòng đỏ phía trong. Và quan trọng hơn là trứng sẽ dễ bị hư thối hơn, khó để được lâu. Lý do là khi ngâm tẩy, lớp “màng sinh học” tự nhiên bên ngoài trứng đã bị mất đi nên trứng dễ bị nhiễm các vi khuẩn trong không khí. Kinh nghiệm dân gian cũng cho ta thấy muốn bảo quản trứng lâu, không nên rửa sạch trứng vì làm như vậy sẽ vô tình phá hủy lớp “màng sinh học” bảo vệ bên ngoài trứng.

Cách phân biệt

Trứng gà được tẩy, rồi lau rửa nên thường là quá sạch so với trứng tự nhiên. Đây là điều giúp việc “nhận diện” dễ dàng và nhanh nhất. Ngoài ra, do tác dụng ăn mòn của axít lên bề mặt trứng không đều và axít phá hủy lớp “màng sinh học” nên khi sờ vào trứng có thể có cảm giác nhám chứ không trơn láng như trứng gà thường. Trứng gà ta có kích cỡ thường nhỏ hơn trứng gà tẩy trắng.

Nếu lỡ mua nhầm loại trứng tẩy trắng này thì vẫn có thể sử dụng được như bình thường, đừng quá lo ngại. Khi đập quả trứng ra, nếu bên trong quả trứng (lòng trắng và lòng đỏ) không đông rắn một phần, không bị đục... là dùng được. Trong trường hợp xấu nhất (rất hiếm gặp), lòng trứng bị đông đặc một phần (dễ nhận biết bằng mắt thường) thì tuyệt đối không nên sử dụng vì có thể axít HCl đã ngấm vào bên trong trứng.

Tóm lại, việc tẩy trứng gây độc hại đối với người tẩy trứng và người thân của họ hơn là gây độc hại đối với người tiêu dùng loại trứng đó. Với người tiêu dùng, không nên lo lắng và hãy tự trang bị thêm cho mình những kiến thức an toàn thực phẩm cần thiết để làm “người tiêu dùng thông thái”, bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.

Theo Nguyễn Văn Trung
Người lao động
Chia sẻ