Tài xế taxi kể chuyện đón Tết ngoài đường

Trân Trang,
Chia sẻ

Trong khi các vị khách du xuân, gặp gỡ bạn bè, họ hàng, những tài xế taxi lại rong ruổi trên những cung đường, cùng những rộn ràng năm mới.

Chỉ hoạt động trong phạm vi nhỏ là chiếc ô tô của đơn vị mình, nhưng hằng ngày, người lái xe tiếp xúc với rất nhiều người, gặp rất nhiều chuyện bi, hài trong quá trình làm việc. Đi lái ngày thường đã nhiều chuyện để kể, cánh lái xe taxi làm việc trong những ngày Tết đến xuân về lại càng nhiều kỷ niệm. Có những người rất mê “cày” dịp Tết vì kiếm được khá hơn dù ít khi họ được vui bữa cơm đầu năm mới cùng gia đình một cách trọn vẹn; cũng có những người không muốn rong ruổi trên xe trong những ngày đầu xuân, nhưng vì công việc nên phải đành lòng

Cứ khoảng 26 tháng Chạp âm lịch trở đi, ở Hà Nội lại xảy ra tình trạng “cháy” xe taxi. Nhu cầu đi lại dịp tết của người dân Thủ đô rất lớn, các xe phục vụ lại bị giảm mạnh, nhiều xe lại có hợp đồng chở khách đi xa cả ngày nên chuyện khách nội thành phải toát mồ hôi hột mới tìm được xe đi không còn là chuyện lạ. Hầu hết các hãng taxi đều đã cổ phần hóa, giao hẳn xe cho tài xế quản lý hoặc nếu có tài xế chạy thuê thì cũng khoán định mức tiền thu trong ngày, nên những ngày Tết, nhiều lái xe đưa xe về nhà nghỉ ngơi hoặc chỉ căn chạy đủ định mức tiền là dừng phục vụ.

Tài xế taxi kể chuyện đón Tết ngoài đường 1
Nhiều tài xế taxi đã trải qua những ngày Tết ở ngoài đường cùng các vị khác xa lạ. (Ảnh minh họa)


Tài xế thuộc các hãng cổ phần hóa còn ở lại Hà Nội trực Tết đa phần là những người có nhà ở Hà Nội hoặc các khu vực lân cận, không phải về quê ăn Tết nên tranh thủ ở lại “cày”. Anh Ngọc Anh, một tài xế đã công tác 7 năm tại một hãng taxi năm nào anh cũng vừa tranh thủ vừa nghỉ Tết vừa phục vụ khách. Do có lợi thế là hai bên nội ngoại đều có nhà ở Hà Nội, anh Ngọc Anh chia sẻ, đi làm những ngày Tết còn là một niềm vui của anh, vì “ngày nào cũng lượn ngoài đường, gặp gỡ khách hàng, Tết mà ở nhà chơi không thì cũng buồn. Ăn cơm, gặp họ hàng cũng tranh thủ, vì còn đi làm nữa chứ! Bắt đầu từ 27 Tết trở đi, nhiều khi mình vừa trả khách xuống đã có khách lên ngay, ghế xe không kịp nguội nữa chứ đừng nói đến chuyện phải chờ đàm (tổng đài) điều xe”.

Anh Ngọc Anh bảo, sau khi về xông đất ở nhà đêm giao thừa, anh thường “khai xe” mở hàng luôn vào sáng mồng 1 Tết âm lịch. Anh đã duy trì thói quen này nhiều năm và thấy đó như một điềm may cho năm mới, vì sáng mùng 1 Tết, anh thường được khách lì xì, và việc bận rộn vào ngày đầu tiên trong năm mới cũng báo hiệu một năm mới đắt hàng.

Cũng có những năm, anh Ngọc Anh bị phải đón giao thừa ngoài đường với khách hàng. “Đó là một lần overnight không chủ đích. Ban đầu, khi xuất phát ở Hà Nội lúc 8 giờ đêm 30 Tết, khách nói với tôi chở đi Nam Định. Tính toán giờ đi, nghĩ là về nhà kịp trước giao thừa, tôi đồng ý. Đi được nửa đường, khách lại đổi ý, nói rằng phải đi Thanh Hóa trước rồi mới về Nam Định. Đến được điểm khách yêu cầu đã là 11 giờ 30 đêm, thế là tôi đã đón giao thừa ở một nơi xa lạ với khách hàng. Sau đó, tôi chở khách đi chùa rồi 2 giờ đêm lại đưa khách về Nam Định. 5 giờ sáng mùng 1 năm đó, tôi mới về đến Hà Nội
”. Hỏi anh năm ấy có bị vợ mắng vì bỏ giao thừa không, anh cười xòa: “Sao lại mắng? Tôi đi làm chứ có đi chơi đâu! Với lại cô ấy chưa kịp mắng, tôi đã đưa luôn phong bao lì xì rồi!

Cũng có thâm niên “trực Tết” trên xe taxi, anh Văn Quyết, tài xế của một hãng xe khác chia sẻ, anh sẽ chỉ nghỉ Tết vào chiều ngày 30 và trưa mùng 1 Tết sẽ đi làm trở lại. Quê ở Nam Định nhưng đã mua được một mảnh đất và xây nhà cấp 4 ở Nhổn, anh Quyết nói đùa, vợ chồng anh “giơ tay lên với là sắm đủ đồ Tết”. Hóa ra, vợ anh kinh doanh tạp hóa tại nhà. “Cửa hàng tạp hóa cũng bận mà taxi cũng bận nên chúng tôi chỉ nghỉ Tết như thế thôi. Mình làm dịch vụ mà, khách đến tìm mà mình không phục vụ họ thì họ bỏ mình đi. Càng dịp lễ Tết thì càng phải chu đáo, người ta mới nhớ”. Anh cũng tâm sự, ông bà nội ngoại thông cảm, tạo điều kiện cho các con kiếm tiền, chứ các cụ mà xét nét ra thì cũng khó. Những ngày Tết, không được ăn bữa cơm trọn vẹn với vợ con, nhưng bù lại, tiền kiếm được khá hơn và cũng hay được lì xì thêm, ngồi trên xe khách cũng nói chuyện thân tình, rôm rả nên cũng không thấy buồn".
 
Tài xế taxi kể chuyện đón Tết ngoài đường 2
Thu nhập cao hơn ngày thường, nhưng làm việc trong những ngày Tết, các anh chị mang nhiều tâm tư.

Với chị Tô Thị Thía, Tết Ất Mùi sắp tới là cái Tết đầu tiên chị có cơ hội trực Tết. Chị tâm sự, hai vợ chồng chị cùng là tài xế của một hãng, chia ca nhau chạy cùng một xe. Chị đảm nhiệm lái ban ngày còn ông xã lái ban đêm. Hai vợ chồng cứ như mặt trời, mặt trăng, chỉ gặp nhau vào lúc giao ca và bữa tối, rất ít khi có dịp cùng ở nhà. Chị háo hức: “Tết này mình cũng định về quê ăn Tết, nhưng nghe các anh chị đi trước mách, đến Tết hiếm người lái nên rất dễ kiếm khách, khách lại phóng khoáng, hay mừng tuổi nên có thể kiếm gấp đôi, gấp ba ngày thường nên có lẽ mình sẽ làm Tết và đến khoảng mùng ba, mùng bốn thì đưa con về quê ăn Tết muộn”.

Với nhiều tài xế khác, việc phải đi làm trong những ngày Tết, dầu có nhiều tiền hơn những ngày thường nhưng cũng nhiều nỗi thiệt thòi. Chị Hương, một nữ tài xế chạy xe thuê cho một hãng taxi được vài năm tâm sự, những ngày làm Tết là những ngày thiệt thòi, vì một bữa cơm ăn cùng gia đình cũng không tròn vẹn. Ngày thường, chị đã làm việc vất vả, đến Tết cũng muốn nghỉ một vài hôm nhưng cũng khó. “Với cánh lái nam có lẽ đỡ hơn, vì những việc sắm sửa, nội trợ đã có vợ chu toàn, còn chúng tôi là nữ, cũng phần nào hơi tủi thân”. Chị bảo, công việc căng nhất là những ngày cận Tết, vì đường xá chỗ nào cũng tắc, kẹt cứng, người lái phải giữ chân phanh liên tục, di chuyển ì ạch trên đường nên cũng toàn thân mệt mỏi, chân tay mỏi nhừ.

Cũng giống chị Hương, nhiều nam tài xế phải làm việc dịp Tết chia sẻ, họ cố gắng đi làm để có thêm thu nhập, chứ thực lòng cũng không hoàn toàn vui vẻ. Tuy nhiên, bù lại, với những tay lái ở lại Hà Nội phục vụ dịp nghỉ lễ đặc biệt này, họ thường được hưởng ưu đãi đặc biệt của công ty về chế độ nghỉ phép sau Tết, nên dù không được hưởng một cái Tết trọn vẹn như nhiều đồng nghiệp, họ lại có một khoảng thời gian thong dong đầu xuân mới để có thể cùng gia đình đi du lịch hoặc nghỉ ngơi.


Chia sẻ