Sợ kim tiêm, cô gái trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới

Lê Minh (TH) ,
Chia sẻ

Câu chuyện của Elizabeth Holmes, nữ tỷ phú khi chỉ mới 30 tuổi, là một minh chứng sống động rằng sự vĩ đại được tạo ra bằng cách kết hợp niềm đam mê, sáng tạo và mong muốn tốt hơn cuộc sống của những người xung quanh bạn.

Cô gái ấy trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn. Con đường đến với thành công của cô cũng xuất phát từ một điều tưởng chừng như chẳng liên quan: sợ kim tiêm. Chính từ nỗi sợ đó của bản thân, Holmes đã luôn nghĩ rằng cần giúp những người có nỗi sợ như mình được tiếp cận các xét nghiệm cần thiết. Mong muốn đó đã khiến cô quyết định táo bạo: từ bỏ đại học để bắt đầu con đường đam mê của mình.

Elizabeth Holmes và cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe

Năm 2003, khi Elizabeth Holmes, sinh năm 1984, chỉ mới 19 tuổi, là sinh viên ngành hóa học ở ĐH Stanford, cô quyết định bỏ học và bắt đầu công ty của riêng mình, Theranos. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng tiền học phí của mình có thể được sử dụng cho một mục tiêu to lớn và nhân từ hơn: cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe.

Khi lần đầu tiên cô nói với Channing Robertson, giáo sư kỹ thuật hóa học của cô, về những gì cô sẽ làm, ông đã lo ngại về tương lai của Holmes khi cô rời khỏi trường đại học mà vẫn chưa kiếm được tấm bằng. Khi ông hỏi tại sao cô muốn mạo hiểm tất cả để theo đuổi kế hoạch này, Holmes đã trả lời “Tôi muốn tạo ra một công nghệ hoàn toàn mới với mục đích giúp cho con người ở tất cả các cấp độ bất kể địa lý, quốc tịch, tuổi tác hay giới tính”. Ngọn lửa đầy nhiệt huyết trong mắt Holmes đã thuyết phục vị giáo sư của mình rằng cô sẽ thành công.

Sợ kim tiêm, cô gái trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới 1
Giám đốc điều hành trung tâm chẩn đoán Theranos, Elizabeth Holmes, 30 tuổi, đã làm một cuộc cách mạnh y tế khi phát triển một phương pháp mới để xét nghiệm máu 

Sợ kim tiêm, cô gái trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới 2
Holmes cho rằng phương pháp lấy máu truyền thống từ năm 1960, cần nhiều chai lọ và máu, đã lỗi thời và cần phải thay đổi

Holmes ghét kim tiêm và muốn tạo ra một công nghệ giúp xét nghiệm máu đơn giản hơn, rẻ tiền và dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người. Suốt 11 năm sau đó, cô lặng lẽ làm việc trong phòng thí nghiệm để có thể sáng tạo một cách xét nghiệm máu mà không làm đau ngón tay.

Một số người rất sợ kim tiêm và máu. Đáng ngạc nhiên, khoảng một nửa dân số Mỹ không thực hiện yêu cầu của bác sĩ khi muốn lấy máu xét nghiệm vì họ sợ kim tiêm. Các xét nghiệm máu truyền thống thường bao gồm việc gửi nhiều lọ máu đến các phòng thí nghiệm riêng biệt để đánh giá. Điều này mất nhiều tuần để có kết quả và cũng để lại rất nhiều chỗ sai sót.

Công nghệ của Holmes loại bỏ nỗi sợ hãi và giúp việc xét nghiệm máu trở nên dễ dàng hơn. Bằng cách chỉ châm duy nhất một ngón tay để lấy một giọt máu từ người cần xét nghiệm, công nghệ Holmes có thể cung cấp nhiều thông tin hiệu quả đặc biệt. Xét nghiệm máu mới này có thể được thực hiện tại một hiệu thuốc mà không cần đến một phòng khám hay bệnh viện và kết quả chỉ mất khoảng 4 giờ. Với chi phí trung bình khoảng 30USD, cách lấy máu này không đau, chính xác hơn, rẻ hơn và nhanh hơn, đó luôn là mục tiêu của Holmes khi cô bắt đầu Theranos.

Công ty Theranos và nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới

Công ty của Holmes, Theranos, hiện nay trị giá 9 tỷ USD. Cô sở hữu 50 phần trăm giá trị công ty, nghĩa là 4.5 tỷ USD, điều này khiến cô trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn.

Công ty của cô cũng đã hợp tác với Walgreens và có vẻ công ty sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu Holmes đã không tạo ra công ty của mình với mục đích làm giàu, cô chân thành muốn tạo ra một sự thay đổi trên thế giới.

Sợ kim tiêm, cô gái trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới 3
Với cuộc cách mạng trong y tế, Holmes đã trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới khi sở hữu khối tài sản trị giá 4.5 tỷ USD ở tuổi 30. 

Trong cuộc phỏng vấn với USA Today, Holmes kể rằng có một phụ nữ mắc bệnh tiểu đường đã viết thư cho cô bảo rằng cô ấy đã làm các xét nghiệm máu chỉ với 3 giọt máu và trả 34USD. Người phụ nữ cho biết trước đó cô đã trải qua các xét nghiệm tương tự vào hồi đầu năm và tổng chi phí cô phải trả là 876 USD.

“Công việc của chúng tôi là tạo điều kiện cho tất cả mọi người, dù giàu có hay nghèo khó, bất kể họ sinh sống ở đâu hoặc những loại bảo hiểm mà họ có, đều có thể truy cập vào các loại thông tin y tế giúp thay đổi cuộc sống của họ”. Holmes tin rằng việc chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng mà hiệu quả là quyền cơ bản của con người. 

Chia sẻ