Phụ nữ vẫn khó thăng tiến hơn nam giới?

Theo Infonet/CafeF,
Chia sẻ

Thông qua việc công khai yêu cầu về giới khi đăng tuyển việc làm, cơ hội của nữ giới đã bị tước bỏ đáng kể trong thị trường lao động. Việc thăng tiến, vì vậy, cũng không dễ dàng như nam giới.

Nội dung nổi bật:

- Hiện tượng bất bình đẳng vẫn tồn tại ở các doanh nghiệp Việt.

- Phụ nữ ít đảm nhiệm những vị trí quản lý hơn nam giới do những phân biệt từ khâu tuyển dụng đến khâu thăng tiến.

- Bình đẳng không chỉ mang lợi ích cho phụ nữ, còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp về mặt kinh doanh.

Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) và Navigos Search, hiện tượng bất bình đẳng giới hiện nay vẫn đang xảy ra ở các doanh nghiệp Việt.

Mặc dù tỷ lệ phụ nữ Việt Nam có mặt trong lực lượng lao động thuộc mức cao so với thế giới (đạt 73% - thấp hơn 9% so với nam giới), việc tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ vẫn là một thách thức trên thực tế. Theo báo cáo của ILO năm 2015, Việt Nam xếp thứ 76 trên tổng số 108 quốc gia về tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý. Vậy, mấu chốt vấn đề là do đâu? Phải chăng phụ nữ "kém" hơn nam giới trong công việc, nên tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý vẫn ở mức thấp?

Phân biệt giới từ khâu tuyển dụng

Rà soát những thông tin tuyển dụng trên các trang web tuyển dụng uy tín trong thời gian từ tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015, có tới 1/5 số quảng cáo đăng tuyển có đề cập đến yêu cầu về giới tính. Trong số các việc làm đăng tuyển có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam giới, trong khi chỉ có 30% mong muốn ứng viên nữ giới nộp hồ sơ.

Về lĩnh vực tuyển dụng, các ngành nghề về kỹ thuật, chuyên môn sâu, hoặc các công việc di chuyển nhiều, đa phần đều yêu cầu ứng viên nam giới. Ví dụ Kỹ sư, CNTT, kiến trúc sư, đầu bếp, lái xe. Trong khi đó phụ nữ được khuyến khích ứng tuyển cho các vị trí như lễ tân, thư ký, trợ lý... Đây cũng là những công việc thông thường có mức lương thấp hơn.

Phụ nữ vẫn khó thăng tiến hơn nam giới? 1

Nếu như việc tuyển dụng theo lĩnh vực có sự khác biệt, có thể được giải thích do những "thiên hướng", những khác biệt cơ bản về giới, thì hiện tượng phân biệt giới thể hiện ở các mẩu quảng cáo tuyển dụng theo vị trí lại cho kết quả đáng lo ngại.

Cụ thể, theo các cấp độ quản lý từ thấp lên cao: Giám sát - Trợ lý trưởng phòng - Trưởng phòng - Giám đốc, xu hướng tuyển dụng phân biệt giới tính càng trở nên rõ rệt. 100% quảng cáo tuyển dụng cho vị trí Giám đốc yêu cầu ứng viên nam giới.

Phụ nữ vẫn khó thăng tiến hơn nam giới? 2

Thông qua việc công khai yêu cầu về giới khi đăng tuyển việc làm, cơ hội của nữ giới đã bị tước bỏ đáng kể trong thị trường lao động. Việc thăng tiến, vì vậy, cũng không dễ dàng như nam giới.

Đến khâu thăng tiến

Khi đưa ra quyết định thăng tiến, 2 nhân tố quan trọng nhất mà người sử dụng lao động quan tâm là hiệu quả công việc và thâm niên công tác. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những nhân tố rõ ràng bất lợi cho phụ nữ, đó là Khả năng làm việc ngoài giờ, khả năng đi công tác qua đêm và khả năng tham dự các sự kiện ngoài giờ.

Phụ nữ vẫn khó thăng tiến hơn nam giới? 3

Trong cuộc sống, rõ ràng phụ nữ đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình hơn, cơ hội để được đánh giá ở 3 tiêu chí nói trên là khá thấp, vì vậy, cơ hội thăng tiến cũng chưa thực sự rộng mở với nữ giới.

Ngoài trách nhiệm gia đình nói chung, việc nghỉ thai sản (từ 4 tháng trước đây lên 6 tháng hiện nay) cũng là một cản trở đáng kể. Báo cáo cho rằng, 40% chủ sử dụng lao động không tính thời gian nghỉ sinh vào thâm niên công tác.

Ngoài ra, một khía cạnh nữa, khi tuyển dụng nữ giới, không ít nhà tuyển dụng e ngại vì thời gian nghỉ phép kéo dài nếu lao động đó sinh con và chăm sóc con nhỏ. Đó là một phần lý do nhà tuyển dụng ưa thích nam giới hơn cho các công việc đăng tuyển.

Bình đẳng có lợi cho doanh nghiệp?

"Mặc kệ" những ý kiến cho rằng nam giới có khả năng làm việc tốt hơn, thích hợp với những công việc đòi hỏi cao về tay nghề, kỹ thuật, ILO vẫn cho rằng môi trường làm việc không phân biệt đối xử có lợi cho bình đẳng giới, và cho thành quả kinh doanh.

Số liệu Unesco cho thấy số lượng nữ giới học từ Đại học trở lên luôn cao hơn nam giới trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2011.

Nếu như các nhà tuyển dụng nhìn nhiều vào những bất lợi của nữ giới khi tham gia lao động như phải dành thời gian chăm sóc gia đình, "chân yếu tay mềm"..., báo cáo của ILO cho rằng, nữ giới do thường xuyên kiểm soát ngân sách hộ gia đình, thị trường tiêu dùng ngày càng ảnh hưởng nhiều bởi nữ giới. Việc đưa ra quyết định vì vậy cần cân nhắc đến các ý kiến của nữ giới. Trao cho nữ giới quyền lao động, cống hiến một cách bình đẳng cũng chính là tăng cơ hội thăng tiến cho phụ nữ.

Với học vấn cao, nữ giới không hề thua kém nam giới trong các vị trí quản lý - là những vị trí những người "chân yếu tay mềm" đều có thể đảm nhận.

Chia sẻ