Phát hiện sản phẩm chứa dầu ăn rác thải của Đài Loan tại Việt Nam

Lê Minh (TH),
Chia sẻ

Trong tuần qua, Đài Loan chấn động bởi vụ bê bối hàng nghìn cửa hàng, doanh nghiệp đang sử dụng, tiêu thụ dầu ăn bẩn chế biến từ rác thải. Ở Việt Nam, những sản phẩm chứa dầu bẩn Đài Loan cũng vừa mới được phát hiện.

Phát hiện sản phẩm chứa dầu ăn rác thải của Đài Loan tại Việt Nam 1
Nhiều sản phẩm được sản xuất từ dầu ăn cống rãnh đã được nhập khẩu vào nhiểu quốc gia trong đó có Việt Nam

Dầu ăn bẩn làm từ rác thải, nước cống... gây chấn động Đài Loan

Vụ bê bối thực phẩm dầu ăn bẩn bùng nổ sau khi cảnh sát Đài Loan đột nhập một nhà máy tái chế dầu ăn bất hợp pháp. Theo điều tra, công ty Chang Guann tại Cao Hùng, miền Nam Đài Loan, bị cáo buộc đã bán 782 tấn sản phẩm mỡ lợn tái chế pha trộn với dầu bẩn cho các công ty thực phẩm trên khắp Đài Loan. 

Theo đại diện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan, kết quả kiểm tra cho thấy có hàng trăm nhà sản xuất đã mua dầu bẩn từ công ty Chang Guann và hơn 1.000 nhà hàng, tiệm bánh, doanh nghiệp bán lẻ bị ảnh hưởng. Hàng trăm mặt hàng thực phẩm đã được phát hiện có chứa loại dầu bẩn này.

Dầu ăn bẩn này được thu gom từ cống của các tiệm ăn, lò mổ, điểm thuộc da, rồi đưa vào chưng cất, sau đó trộn thêm bột đất sét tinh khiết để loại bỏ tạp chất. Hỗn hợp sau đó được tẩy màu và khử mùi, pha trộn với mỡ heo mới theo tỷ lệ 1 cũ : 2 mới. Các chuyên gia ước tính, ít nhất một nửa trong số 23 triệu người Đài Loan đã tiêu thụ sản phẩm có chứa dầu ăn rác thải này.

Giới chức y tế Đài Loan xác nhận 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu sản phẩm làm từ dầu ăn rác thải, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.

Việt Nam: Thu hồi khẩn hai loại thịt hộp Đài Loan chứa dầu ăn bẩn

Ngày 15/9/2014, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) cho biết, hai sản phẩm dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sốt thịt cay đóng hộp xuất xứ Đài Loan bán tại Việt Nam có chứa dầu ăn bẩn nhập khẩu từ Đài Loan.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm vừa nhận được thông tin từ Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội thông báo: công ty TNHH dịch vụ thương mại Cửu Hương đã nhập khẩu từ Đài Loan hai loại sản phẩm này của Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Wei Chuan, Đài Loan có chứa dầu ăn bẩn (dùng dầu ăn của tập đoàn Chang Guann).

Đó là các sản phẩm dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp (canned picked cucumber with pork): loại 170g, số lượng 240 thùng, ngày sản xuất 1/5/2014, hạn sử dụng: 1/5/2017; Sốt thịt cay đóng hộp (canned minced meat with chilli): loại 150g, số luợng 240 thùng, ngày sản xuất 31/5/2014, hạn sử dụng: 31/5/2017.

Cũng theo ông Trung, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Công ty TNHH dịch vụ thương mại Cửu Hương dừng ngay việc lưu thông, khẩn trương thu hồi các sản phẩm nêu trên và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 20/9/2014.

Đồng thời, các sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát trên thị trường về hai sản phẩm nói trên, khẩn trương thu hồi và báo cáo về cục trước 16g hàng ngày.

Sau khi nhân được thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan khẩu vào Việt Nam. Hiện tập đoàn Chang Guann không có sản phẩm nào đã công bố đã nhập khẩu vào Việt Nam.

Hai thương hiệu thực phẩm quốc tế tại Việt Nam chứa dầu ăn bẩn

Cũng trong ngày 15/9/2014, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong vừa công khai danh sách 338 công ty tại đây nhập dầu bẩn của công ty Chang Guann để kinh doanh. Điều đáng chú ý là trong danh sách này, có 2 nhà hàng thuộc sở hữu của những công ty quốc tế có mặt tại Việt Nam.

Đứng thứ 21 trong danh sách sử dụng dầu bẩn là "BAKERY CAFÉ LTD", một nhà hàng thuộc sở hữu của tập đoàn Maxim's. Tập đoàn Maxim's đang quản lý 840 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hong Kong, Trung Quốc và Việt Nam. Maxim's chính là đơn vị đã đưa chuỗi cà phê Starbucks nổi tiếng của Mỹ vào thị trường Việt Nam. Trước đó, Maxim's Group cũng đã thừa nhận rằng họ có sử dụng dầu bẩn của Chang Guann.

Trong danh sách "đen" này cũng xuất hiện một cái tên quen thuộc với thực khách TP.HCM. Đó là thương hiệu bánh Bread Talk Concept HK.

Bread Talk là tập đoàn sở hữu một chuỗi 4.000 cửa hàng bánh trên khắp thế giới, có gốc gác ở Hong Kong. Hiện đang có tới 9 cửa hàng của Bread Talk có mặt tại TP.HCM, một cửa hàng tại Bình Dương và một cửa hàng tại Khánh Hòa.

Tuy nhiên, theo thông tin trên tờ Chất lượng Việt Nam, chiều ngày 15/9, bà Trần Uyên Vy – Giám đốc điều hành Công ty CP Bình Minh Toàn Cầu, đơn vị quản lý thương hiệu BreadTalk tại Việt Nam khẳng định rằng: “BreadTalk Việt Nam hoàn toàn không sử dụng dầu ăn hiệu Chang Guann để chế biến, mà chỉ sử dụng dầu ăn Cái Lân, Hướng Dương của Việt Nam”. Đây là những dầu ăn được sản xuất bởi Công ty dầu thực vật Cái Lân, mua từ nhà phân phối Tuấn Lộc (Q.4, TP.HCM). BreadTalk hoàn toàn không sử dụng dầu ăn của nước ngoài để chế biến cho các sản phẩm của mình, nhất là dầu ăn của Đài Loan.

Toàn bộ những dầu ăn mà BreadTalk Việt Nam đang sử dụng đều có giấy chứng nhận đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn đã công bố, do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế và Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế TP.HCM cấp.

Đại diện lãnh đạo StarBucks Việt Nam cũng đã chính thức bác bỏ thông tin có liên quan đến dầu ăn bẩn Chang Guann đến từ Đài Loan.

Chia sẻ