Phà Thủ Thiêm: Những chuyến qua sông cuối cùng

Đăng Minh - Nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Đường hầm qua sông đã chính thức thông xe từ ngày 20/11 nối quận 1 và quận 2 của TP.HCM. Nhưng nhiều người dân vẫn muốn tranh thủ đi lại giữa hai bờ sông trên những chuyến phà cuối cùng.

Sau hàng chục năm làm nhiệm vụ đưa đón người dân hai bờ Đông - Tây Sài Gòn, đến cuối năm nay, bến phà Thủ Thiêm sẽ chính thức ngừng hoạt động. Với nhiều người, việc cầu và hầm Thủ Thiêm đã thông xe thì việc đóng cửa bến phà là điều tất yếu. Nhưng với không ít người dân coi những chuyến phà là một điều thân thuộc thì việc dừng hoạt động của phà Thủ Thiêm vẫn để lại trong họ một chút gì lưu luyến.

Những chuyến phà cuối cùng vắng khách hơn thường lệ rất nhiều.

Con đường dẫn vào lối lên phà cũng vắng vẻ hơn.

Vắng khách, người soát vé tranh thủ đọc báo chờ khách qua phà.

Đến bến phà Thủ Thiêm những ngày này, không khí trở nên trầm lắng hơn nhiều khi chỉ còn một ít người dân đi lại bằng đường thủy bởi phần lớn mọi người đã chuyển sang đi bằng đường hầm mới thông xe. Mỗi người đi qua lối vào phà dường như chậm hơn mọi ngày. Một vài người tranh thủ dừng lại hỏi thăm những người bán vé hay người cột dây neo phà. Một vài người lại nhìn lại những chiếc phà cũ kỹ, dõi theo những chuyến phà qua sông vắng khách hay quay lại ngóng bến phà,... tất cả đều biết chỉ hơn một tháng nữa thôi bến phà sẽ đóng cửa.

Những người khách còn lưu luyến những chuyến phà vẫn qua sông bằng con đường này mỗi ngày.

Hình ảnh quen thuộc về những người neo phà sẽ không còn khi bến phà Thủ Thiêm đóng cửa vào cuối năm nay.

Gương mặt đầy lưu luyến của một người phụ nữ khi lên phà. Cô đã nói với người bán vé: "Nếu bến phà đóng cửa thì buồn quá chị ha!?" Câu hỏi đầy tình cảm đó của cô cũng là câu hỏi chung của nhiều người khi biết tin phà Thủ Thiêm sắp đóng cửa.

Chị Nhạn (một nhân viên soát vé ở bến quận 2) chia sẻ: “Nhiều người biết tin phà đóng cửa nên trước lúc qua phà dừng lại hỏi thăm. Nào là phà đóng cửa rồi mọi người làm ở bến phà sẽ làm gì? Phà đóng cửa thành phố có giữ lại bến phà hay làm đò ngang qua sông không? Ai cũng thấy buồn khi bến phà đóng cửa. Nhất là những người đã gắn bó với bến phà nhiều năm.”

Một người khách quen tranh thủ dừng xe nói chuyện với người bán vé trước khi qua phà.

Rồi lặng lẽ một mình đạp xe ra bến phà.

Trò chuyện với một nhân viên cột neo phà giữa lúc chuyến phà đang qua sông, chú trầm tư nói: “Bến phà đóng cửa thì những người làm việc tại bến phà như chú cũng buồn vì đã gắn bó với nó như một phần cuộc sống. Nhưng thấy đất nước phát triển tiến bộ có hầm qua sông để bà con đi lại dễ dàng hơn chú cũng thấy mừng. Mọi người làm việc ở đây cũng được bố trí công việc mới cả nên cũng yên tâm.”

Người nhân viên neo phà dõi mắt nhìn về phía bến.

Đứng trên những chuyến phà cuối cùng qua sông, mỗi người lại mang một tâm trạng khác nhau. Phần lớn trong câu chuyện của mọi người đều nói về đường hầm mới và bến phà cũ sắp đóng cửa. Nhiều người sau khi thử qua hầm lại muốn đi phà vì đường hầm ồn quá, mà đi cầu thì lại phải vòng quá xa. Những người đi xe đạp, đi bộ và nhất là những người khuyết tật đi xe lăn lại lo lắng bến phà đóng cửa rồi qua cầu sẽ vất vả hơn nhiều. Anh Hải (một người dân sống ở quận 3) chia sẻ: “Bến phà sắp đóng cửa rồi nên tôi tranh thủ dẫn vợ và con qua phà cho biết. Hồi trước nhà tôi ở quận 2 nên ngày nào cũng đi phà qua quận 2 đi học rồi sau này đi làm. Bến phà Thủ Thiêm đã gắn bó với tôi trong một thời gian dài.” 

Gắn bó bao năm với bến phà, người đàn ông chạy xe ôm này lại trầm tư ngắm nhìn lại tất cả để lưu giữ hình ảnh bến phà quen thuộc.

Tranh thủ đưa con qua phà một lần và kể cho con nghe về bến phà một thời mình từng gắn bó.

Những chiếc vé qua phà sẽ chỉ còn là kỷ niệm trong trí nhớ của nhiều người.



Chia sẻ