"Ông nào trả lời Anh yêu em ngay là không đáng tin nhất"

Thu Hương,
Chia sẻ

Tác giả cuốn sách “Xóa hết dấu vết trước khi về nhà” cho rằng phép thử trong tình yêu giống như một con dao hai lưỡi, nhưng riêng tin nhắn Em yêu anh thì lại là một phép thử vô cùng thú vị.

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng đang xôn xao vì trò chơi nhắn tin “Anh yêu em” của các bà vợ - một phép thử vô cùng dễ thương mà bất cứ bà vợ nào cũng háo hức được áp dụng vào tình yêu của mình.

Thực tế, câu chuyện về những tin nhắn kiểu như: Em yêu anh, Anh yêu em, Anh có yêu em không, Anh yêu em như thế nào…. không phải là chuyện mới. Trước đây, những thắc mắc đáng yêu này của các chị em đã không ít lần được đem ra mổ xẻ, phân tích bởi các chuyên gia tâm lý lẫn các cây bút nổi tiếng. Trong đó, chắc hẳn mọi người sẽ nhận ra ngay sự tương đồng giữa trò chơi tin nhắn Em yêu anh và mẩu chuyện phiếm về câu hỏi “Anh có yêu em không?” của tác giả Nguyễn Đức Long nằm trong tuyển tập “Xóa hết dấu vết trước khi về nhà” từng ra mắt độc giả từ 2 năm trước.

tin nhắn em yêu anh
Cuốn sách và trò chơi tin nhắn em yêu anh có những nét tương đồng.

“Xóa hết dấu vết trước khi về nhà” là tuyển tập bài viết tâm lí giới tính nhìn dưới góc độ đàn ông đã đăng trên 2! ĐẸP và một số tạp chí khác của Đức Long – còn được bạn đọc 2! ĐẸP biết đến với bút danh BTS. Anh cũng là người giữ chuyên mục “Cabin Hiệp sỹ Gió”, nơi giải đáp những tò mò khó nói của phụ nữ trên 2! ĐẸP trước đây. 

PV đã có cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Đức Long để hiểu hơn về tâm lý của các đấng mày râu mỗi khi trở thành “nạn nhân” trong phép thử tình yêu của vợ.

Anh có cảm nghĩ thế nào khi 3 tiếng "Em yêu anh/ Anh yêu em" tưởng chừng như là một câu nói hết sức thiêng liêng trong tình yêu lại được đem ra phân tích, mổ xẻ, trở thành một phép thử hay trò đùa cho các chị em cười cợt?

- Người ta cứ nói trong tình yêu không nên dùng phép thử vì nó như con dao hai lưỡi. Nhưng riêng "phép thử" này, tôi thấy nó vô cùng thú vị. Bạn cho rằng 3 tiếng này là thiêng liêng, tức là vô hình trung làm mất đi ý nghĩa rất đời thường của nó. Chính vì chúng ta cứ thần thánh hóa nó lên nên bây giờ mỗi khi nói 3 tiếng đơn giản ấy lại tự thấy mình như bị thần kinh không bình thường vậy.

Chi tiết anh nhận được đến 18 câu hỏi "Anh có yêu em không?" trong 1 tuần từ vợ có phải là chuyện có thật đã xảy ra với anh không? Và cảm giác bực bội của anh về việc ấy cũng là thật?

- Bất cứ người phụ nữ nào đang yêu cũng có nhu cầu xác nhận đi xác nhận lại tình cảm của "đối tác" dành cho mình. 18 lần là có khi tôi còn nhớ thiếu đấy! Đàn ông nhiều khi suy nghĩ đơn giản và hay mất kiên nhẫn, kiểu như cái gì của mình đã là của mình rồi, hỏi hay không cũng thế. Phụ nữ  lại cả tin, đặc biệt về câu cửa miệng "Đàn ông thằng nào chả giống nhau" thì tin sái cổ luôn, nên nếu được "confirm" tình yêu thì sướng vô cùng. 

Còn chuyện có bực mình vì bị hỏi nhiều không thật ra là một bí mật. Đàn ông trưởng thành tốt nhất nên học cách giữ bí mật những thứ có thể khiến phụ nữ chưa chắc đã vui.

Chốt lại bài viết, anh có lý giải việc phụ nữ thích hỏi câu: Anh có yêu em không? đơn giản bởi vì họ tò mò. Theo anh thì sự tò mò của câu hỏi và chờ đợi phản ứng của chồng trong trò tin nhắn Em yêu anh, có giống nhau không?

- Chính là nó đấy! Chắc chắn trong thâm tâm phụ nữ các bạn đã rất hồi hộp với câu trả lời.

Với tư cách là một người đàn ông đã ít nhiều trải qua việc này, anh có lời khuyên nào dành cho các đấng mày râu khác trong việc: nếu nhỡ có trở thành "nạn nhân" của vợ thì biết cách cư xử cho vợ đẹp lòng mà mình cũng thấy không phiền phức?

Không ai biết được phụ nữ nghĩ gì vì thực ra họ có nghĩ gì đâu. Nghĩ gì còn cố phân tích được chứ không nghĩ gì là đỉnh cao của khó hiểu rồi. Vì thế cho phép tôi không khuyên anh nào hết. Quá hên xui.

tin nhắn em yêu anh

tin nhắn em yêu anh
Trò chơi tin nhắn Em yêu anh đang gây sốt trên mạng

Anh có viết: với phụ nữ thì yêu là tò mò. Vậy còn đàn ông, yêu là gì?

- Phải đến khi biết yêu, đàn ông mới dần hiểu ra rằng phụ nữ là loài sinh vật không tài nào hiểu nổi. Yêu với đàn ông là sự tỉnh ngộ với những điều tưởng như quá đơn giản như thế.

Trong trò chơi thử nhắn Em yêu anh tới chồng, phản ứng của các anh cũng khá đa dạng: người bực bội, kẻ bất ngờ, anh khác lại nghi hoặc tưởng vợ nhắn tin nhầm cho bồ... Được biết, anh cũng từng nghiên cứu sâu về tâm lý giới tính, anh có thể giải thích xem thông thường đàn ông sẽ có suy nghĩ gì khi bỗng nhiên nhận được tin nhắn trên của vợ?

- Tôi nghĩ trong chuyện này phụ nữ cũng có cái chưa đúng lắm đâu. Là bởi chị em cũng giống anh em chúng tôi, lâu nay đều quên nói với nhau những lời như thưở đang yêu, nên giờ tự nhiên nói ra mới gây sốc vậy. Giả dụ người chơi trò này là các ông chồng, tôi đảm bảo phản ứng của các bà vợ còn buồn cười hơn. Nhưng lần này các bà "tiên hạ thủ vi cường", đương nhiên giành quyền chủ động.

Mọi thứ trong cuộc đời này đều dựa nhiều vào thói quen. Đùng một cái nhận được cái tin nhắn khác hẳn lệ thường lâu nay thì bất cứ ai cũng ngơ ngác cả. Câu trả lời của đàn ông trong chuyện này thật ra chẳng nói lên bản chất gì ngoài việc nó là thước đo sự hài hước của họ. Ông nào trả lời lại "Anh yêu em" ngay tắp lự chính là ông không đáng tin nhất.

Kết thúc trò chơi này, nhiều chị em ca thán: hình như sau khi kết hôn, việc nói câu yêu nhau sẽ khiến hai vợ chồng cảm thấy… ngượng mồm. Anh cảm thấy điều này có đúng không?

- Vậy thì chị em hãy làm chủ cuộc chơi đi. Chủ động trong việc thể hiện tình cảm cũng là một cách để yêu bản thân mình hơn đấy. Đàn ông lúc yêu như được bôi mỡ vào mép, nói yêu đương trơn tru lắm. Lấy vợ xong coi như đã khóa miệng lại cho an toàn rồi. Nếu được vợ chủ động mở cái khóa này thì thật hạnh phúc biết mấy!

Thực tế thì ai cũng đều ý thức được tầm quan trọng của việc hâm nóng tình yêu sau kết hôn, nhưng để điều này diễn ra tự nhiên nhất thì không phải chuyện dễ dàng. Có cách nào để sau khi cưới 10 năm, 20 năm, chúng ta vẫn có thể tự tin nói lời yêu thương với vợ/chồng mà không cảm thấy ngại hay sợ bị gọi là điên/dở hơi không thưa anh?

- Tình yêu thật ra là cảm giác. Nuôi dưỡng cảm giác ổn định là một việc cực kì khó. Thói quen là chất xúc tác cho cảm giác phát triển, và thật may mắn là chúng ta có thể cùng nhau tạo ra thói quen một cách dễ dàng hơn nhiều. Tôi biết có cặp vợ chồng tự ra "nội quy" sáng nào cũng phải đi ăn sáng với nhau, có đôi tạo thói quen hôn nhau mỗi sáng ngủ dậy... Những thói quen tốt đẹp ấy giúp cảm giác yêu thương không bị phai nhạt. Khi đó lời nói yêu không phải là điều bất thường nữa, bởi nó vẫn hằng ngày hiện diện trong mỗi chúng ta.

tin nhắn em yêu anh
Chân dung tác giả Nguyễn Đức Long

Anh có yêu em không?

Kể từ khi biết yêu, bạn đã hỏi chàng trai của bạn bao nhiêu lần câu hỏi này? 

Bạn không nhớ xuể. Xin hãy chuyển sang câu tiếp theo: 

Anh ấy trả lời: Có/ Anh mãi mãi yêu em/ Em là người anh yêu nhất trên đời/ Em là tình yêu duy nhất của anh/ Sao em lại hỏi thế?/ Anh yêu em mà, lần sau đừng hỏi anh như vậy nữa/ ...

Nếu câu trả lời nào ở trên cũng khiến bạn thỏa mãn, bạn sẽ hỏi tiếp câu này: Anh yêu em như thế nào?

Ngược lại, bạn dỗi: Anh chẳng nghĩ ra câu trả lời nào đỡ nhạt hơn thế ư? Hay anh hết yêu em rồi?

Thôi, tôi sẽ dừng hoạt cảnh này ở đây. Vì chúng ta sẽ chẳng thể nào đủ thời gian đi tiếp chuỗi câu hỏi dạng follow-up dài dòng mà phụ nữ các bạn là bậc thầy, và báo thì không đủ giấy mực. 

Hơn nữa, nói thêm có thể sẽ khiến nhóm bạn đọc nam (đọc ké vợ/bồ/người yêu) phát bực. Họ đã nghĩ rằng sẽ thoát thân khỏi cuộc tra tấn khủng khiếp này ngoài đời bằng cách giải trí với một cuốn tạp chí về đời sống nữ giới, hi vọng sẽ chỉ thấy toàn hoa hồng thơm ngát ở đây. Ai dè lại phải hồi tưởng lại những cuộc hỏi cung liên tu bất tận thế này, quá là bi kịch, quá là “no country for...any men”.

Nhưng, “Anh có yêu em không?”, vì sao bạn thích hỏi anh ấy câu này thế?

Theo tôi thấy, phần nhiều là do phụ nữ tò mò.

Tò mò đương nhiên không phải là chuyện tốt. Nhưng phụ nữ thường tự bao biện cho việc này bằng những lí do hết sức...phụ nữ. Đàn ông nghe xong mà vẫn còn tức giận thì xứng đáng mặc váy, còn phụ nữ hơn cả phụ nữ.

Anh có yêu em không? 

Tôi đã nghe câu đấy 18 lần trong tuần này. Đến lần thứ 18, tôi bắt đầu bực thật sự. 

Tôi bắn tin lên tường facebook của cô ấy: “Chiều xong việc anh qua đón. Anh có chuyện muốn nói”.

Trong vòng 3 phút, có 112 người vào thích điều này, 8 người vào comment kiểu: “Sao vậy?”, “Take care nha”, “Bình tĩnh bình tĩnh”, riêng cô ấy nhấn phím gõ vào hai chữ nặng như chì: “OK”. 

OK cái khỉ mốc! Có bao giờ phụ nữ chịu được cả một chiều thê thảm chờ đến hết giờ để nghe cái “chuyện muốn nói” (có vẻ rất rất nghiêm trọng) không? 

Nếu bạn gặp được nàng nào như vậy, làm ơn giới thiệu cho tôi gấp!

Cùng lắm là 10 phút, tôi nhận được tin nhắn đầu tiên của cô ấy: “Anh có chuyện gì đấy? Nói luôn cho em!”. 

Không đời nào! Tôi nhắn lại: “Cứ để chiều đi, giờ anh đang bận lắm, nói không tiện”.

Cô ấy: “OK” 

Lại cô ấy: “Thật ra là có chuyện gì vậy anh?”

Tôi: “Không có gì nghiêm trọng đâu”. 

Cô ấy: “OK” 

Lại cô ấy: “Anh à, nói em nghe luôn đi”

 Tôi: “Cứ để chiều đi!”

 Cô ấy: “OK”

 Lại cô ấy: “Em cần biết anh định nói với em chuyện gì?”
..... 

Tôi nhân nhượng. Dẫu sao tôi cũng là đàn ông, và tôi chẳng hứng thú gì với việc mặc váy như mấy ông Scotland, nhìn đã thấy cong veo. 

Vì thế tôi đón cô ấy đi ăn trưa. Tôi không nói gì. Cô ấy cũng im lặng suốt quãng đường, đương nhiên là hồi hộp.

Vừa ngồi xuống bàn ăn, cô ấy đã hoàn toàn mất kiên nhẫn. “Anh muốn nói gì với em?”. 

“Anh chỉ muốn biết tại sao em cứ phải hỏi anh: Anh có yêu em không?”.

“Trời! Làm em cứ tưởng...Em thích hỏi thế. Mỗi lần em hỏi, anh trả lời em. Yêu thì bảo là yêu, không thì bảo là không, hết rồi thì không phải nhắn nữa...”.

“Em đã hỏi anh đến 18 lần, anh cũng đã trả lời đến 17 lần là có. Thế mà vẫn có câu hỏi thứ 18”.

“Anh không trả lời. Ý anh là gì?”. 

“Không có ý gì. Chỉ là anh chán chẳng muốn trả lời nữa. Em biết thừa câu trả lời là có rồi thì anh nhắn làm gì” 

“Em chẳng biết gì sất. 17 lần có, 1 lần không vẫn là không. Lần sau anh đừng tiếc cái tin nhắn. Em không thích một đống người vào like cái anh post lên facebook của em như vậy. Cộng hết các thứ vào, lúc đấy em hơi hoảng”. 

“Chung quy anh vẫn không hiểu. Em truy vấn anh như thể anh không yêu em, không đáng tin, đang dối trá vậy”

“Anh cứ trả lời em không được sao? Anh cần gì phải hiểu”

“Anh cũng không có ý đồ muốn tìm hiểu đâu. Anh chỉ là cảm thấy tò mò” 

“Em cũng là tò mò, muốn biết anh nghĩ gì lúc ấy. Tò mò là đặc quyền của phụ nữ. Anh thì không nên thế, trừ khi...”

Trừ khi anh cũng có ít nhiều nữ tính. Trừ khi anh đang bị đàn bà hóa. Trừ khi anh đang trên đường đi vào cái thế giới bảy sắc cầu vồng lung la lung linh. 
Tôi biết mình dại rồi, nên không nói gì thêm. Không nên dại thêm. 

Nếu bạn nói rằng sở dĩ bạn thích nhai đi nhai lại câu hỏi ấy vì ông  Shakespeare đã rút tỉa từ chính cuộc đời mình “Với phụ nữ, yêu là sở hữu”, thì tôi lại xin đảm bảo là ông văn hào này chưa chắc đã đúng. Con người yêu là muốn sở hữu rồi, cắc cớ gì phân biệt nam hay nữ. Anh nào gặp người yêu đang sửa cà vạt cho thằng cha khác mà lại không ao ước mình có cái bắp tay của ca sĩ Mách để quai cho gã kia một phát, lại đon đả chạy ra chào hỏi như đúng rồi ấy mà, hẳn sẽ được vinh danh như người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã có công thay đổi hoàn toàn định nghĩa tình yêu. 

Dù cuộc nói chuyện không thực sự khả quan, cô ấy đã giúp tôi khai sáng ra một ý hết sức mới mẻ trong tình yêu. Có lẽ phụ nữ tò mò thật! 

Phụ nữ tò mò muốn biết anh người yêu của mình có yêu mình thật không, yêu mình như thế nào, yêu sâu đậm hay hời hợt, có yêu mọi lúc mọi nơi không, có yêu đủ để vượt qua cả lúc bận bịu không, có yêu đủ để vẫn ngọt ngào với mình ngay cả khi anh ta vừa bị sếp đì không. Hơn nữa, có đủ yêu để vượt qua tình huống rất dễ mất kiên nhẫn vì bị hỏi đi hỏi lại một câu cũ mèm không. Vì là có thế này mà đã cáu, không biết chừng lấy nhau rồi thì ăn đá. Bởi một khi đã kết hôn, phụ nữ còn tò mò hơn nữa, hỏi nhiều hơn nữa.
 
Mở ngoặc, tò mò vốn không chỉ là đặc tính của phụ nữ đang yêu. Nó là một trong những đặc điểm nhận dạng của nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ đang yêu thì tò mò cực kì, tò mò không cưỡng lại được. 

Trang điện tử VnMedia dẫn một khảo sát từ nước Anh, trong đó nói rõ “Phụ nữ tò mò gấp đôi nam giới”. Còn nếu bạn không muốn bay quá xa chỉ để biết thêm một thứ rõ hơn ban ngày, trên webtretho có hẳn một topic với tựa đề “Làm thế nào để em bỏ được cái tính tò mò hả các mẹ?”, trong đó bạn gái lập topic thừa nhận mình tò mò khó đỡ, chuyên thọc vào khu vực riêng tư của người yêu, chỉ muốn tự chặt tay mình đi cho đỡ tò mò...Topic “3 tầng” mà có đến 9/10 comment là “Bỏ vào mắt!”, thế mới biết tính này của phụ nữ đang yêu nó mới phổ thông làm sao!    

Thế nên chốt lại, với phụ nữ, yêu là tò mò. 

Tôi mà nhận ra điều này từ đầu, tôi đã chẳng ngại trả lời câu “Anh có yêu em không?” thứ 18. Nhấn send một từ “Có” cũng không mất bao nhiêu thời gian, cũng chẳng mất công suy nghĩ một tẹo nào.

Nhắn cho các anh bạn đang đọc ké: Khi người phụ nữ của đời bạn nhắn tin/gọi điện/gửi mail/gửi offline/hỏi thẳng vào mặt rằng: “Anh có yêu em không?” và follow-up những vĩ thanh sau đó, bạn nên biết rằng cô ấy thật sự rất yêu bạn. Cô ấy rất thích thú khi bạn trả lời là Có/Luôn luôn/Mãi mãi/ cho dù sự thật là bạn đang cảm thấy bị làm phiền. Cô ấy liên tục hỏi thế là vì cô ấy muốn khẳng định vị trí của mình trong lòng bạn. Cô ấy hi vọng sự tò mò của mình sẽ giúp cô ấy tìm ra được câu trả lời đích thực của bạn, nhất là trong lúc bạn đã điên ruột lên rồi.

Đến một ngày, bạn chờ nửa tháng không thấy được hỏi “Anh có yêu em không?”, không chừng chính là vì cô ấy đang nhắn tin cho người khác. 

Sao lúc đó bạn không chủ động hỏi cô ấy: “Em có yêu anh không?”?

“Em rất tiếc...”

Chia sẻ