Nụ cười lạc quan của cô "lính chì dũng cảm" mắc ung thư xương

Bài và ảnh: Tiểu Lâm,
Chia sẻ

Dù bị căn bệnh ung thư xương quái ác hành hạ, Khánh Hoài vẫn lạc quan, hi vọng một ngày mình sẽ khỏi bệnh để báo đáp người mẹ già yếu.

Đào Thị Khánh Hoài (1998), trú tại xóm 5, xã Thương Kiêm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình mang trong mình nỗi đau thể xác do căn bệnh ung thư xương di căn hành hạ nhưng cô bé vẫn chứng minh nghị lực phi thường. Hoài muốn được sống, được cắp sách tới trường như các bạn cùng trang lứa và trên hết em muốn được đi lại bằng đôi chân của mình, được chạy, được chơi karate - môn thể thao mà em yêu thích nhất.

Gặp Khánh Hoài ở khoa Nhi, bệnh viên K Tân Triều trong một chiều cuối thu nắng đã phai dần, không một ai tin được một cô gái 17 tuổi có cái dáng dong dỏng cao, nước da bánh mật, một gương mặt sáng với khuôn miệng luôn tươi cười lại vướng phải “căn bệnh nhà giàu” - ung thư xương di căn. Mọi người trong khoa ai cũng ái ngại cho hoàn cảnh của gia đình em, họ ví cô như  bông hoa hướng dương vì Hoài mạnh mẽ, giống hướng dương luôn hướng về mặt trời với khao khát cháy bỏng và mơ ước tuổi trẻ.

em bé ung thư xương
Trong viện K Tân Triều, ai cũng gọi em với cái tên trìu mến "Cô bé lính chì dũng cảm"

Cha mất, mẹ bệnh, đàn con ngơ ngác

Khánh Hoài sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng Kim Sơn, Ninh Bình. Nhà có 7 chị em gái, Hoài là áp út, dưới em còn một em gái 9 tuổi đang học lớp 3. Hoàn cảnh gia đình khó khăn tạo cho Hoài tính tự lập, ngày chưa phát bệnh Hoài học giỏi lắm, năm nào cũng mang giấy khen học sinh giỏi về tặng bố mẹ, không những vậy em rất giỏi thể thao. Hoài tâm sự rằng: “Ngày trước đi học, ai cũng nghĩ em lớn trước tuổi, 16 tuổi em đã cao 1m7 rồi. Em rất thích chơi thể thao, đặc biệt là điền kinh và Karate”, Hoài còn khoe rằng em sắp được lên đai đen Karate rồi, "nhưng..."

Sau tiếng nhưng, em bỗng thở dài, Hoài kể lại chuỗi ngày đau đớn của mình. "Năm lớp 10, tự nhiên chân em đau quá. Em đi khám nhiều nơi bác sĩ cũng chỉ bảo là do xương đang phát triển ở tuổi dậy thì và kê đơn thuốc cho em. Nhưng rồi nó cứ đau mãi, đau triền miên, đau đến mức em không thể đứng vững được. Rồi mẹ lại đưa em lên bệnh viện Việt Đức khám thì được bác sĩ chẩn đoán là có khối u ở chân trái, phải cắt đi để nó không phát triển, di căn lên những bộ phận khác”, giọng của Hoài chùng xuống, nụ cười của em bỗng dưng tắt dần thay vào đó là những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má, em khóc như một đứa trẻ vùi vào lòng mẹ, “Lúc đó em chỉ nghĩ, cắt chân rồi thì em thà chết cho xong. Đỡ gánh nặng cho cha mẹ và giải thoát cho chính em”.

em bé ung thư xương
Cứ nhắc về con gái, cô Bằng lại chực trào 
nước mắt

Mới trước đó thôi, Hoài là niềm tự hào của gia đình, của nhà trường vì các thành tích nổi bật trong thể thao, vậy mà giờ đây em phải cắt 2/3 chân trái đồng nghĩa với việc đam mê duy nhất của em đã bị dập tắt. Hoài khóc nấc lên từng tiếng,“em sẽ chẳng bao giờ được đi trên đôi chân của mình nữa”, câu nói ấy như bóp nghẹt trái tim của mẹ em, cô Vũ Thị Bằng (SN 1961), nghe con nói cô cứ khóc theo con lúc nào không hay.

Tiếp lời, cô Bằng kể lại những ngày tháng đau khổ của chính mình: “Từ lúc Hoài nó bị bệnh thì chồng tôi cũng phát bệnh ung thư gan theo. Bao nhiêu của cải tôi dồn hết cho chồng, cho con chữa bệnh. Bây giờ chỉ còn căn nhà cấp 4 xiêu vẹo để bán thì tôi cũng bán nốt để có tiền chữa bệnh cho con...”. Nhưng căn nhà xập xệ với 6 sào ruộng của bà nào có bán được, vì trước đó xã cấp cho gia đình bà một con bò để gây giống làm ăn. Khi Hoài đi viện bà cũng “trót” bán nó để lấy tiền đóng viện phí. Vì vậy, muốn bán nhà bà phải trả cho xã 15 triệu thì xã mới kí giấy cho bà. Nhà chưa bán được, bố Hoài mất do ung thư gan giai đoạn cuối, bỏ mẹ con em ở lại với muôn vàn gánh nặng trên vai. 

Buồn hơn, mẹ con em đã phải dồn dập đón những tin dữ khi phần chân bị cắt bắt đầu có dấu hiệu lạ... Hoài nhớ từng từ những gì bác sĩ thông báo với mình: “Căn bệnh của em phát triển lên xương chậu, và đã di căn lên phổi”. Hoài lại khóc khi việc học dang dở, ước mơ tân sinh viên trường ĐH Thể dục TT Bắc Ninh tạm gác lại, và cuộc sống của em sau này gắn liền với bệnh viện, với ống thuốc, kim tiêm, hóa chất.

em bé ung thư xương
Rảnh rỗi, Hoài lại cùng với các bạn trong viện học bài

Ngày đưa Hoài vào viện cô Bằng cũng đột ngột phát bệnh tai biến mạch máu não,“Mẹ uất ức vì số phận, rồi bị tai biến ngất đi. Họ hàng đưa mẹ vào viện huyện, vừa mở mắt mẹ đã vội lao xuống giường bệnh chạy về nhà vì làm gì có tiền mà nằm viện. Tiền phải để dồn cho em chiến đấu với ung thư xương di căn... có nỗi đau nào hơn nữa thì dội xuống nốt thân mẹ”. Hoài khóc kể, "từ ngày mẹ bị tai biến, trí nhớ sụt giảm, lúc nhớ lúc quên”. Quay sang mẹ mình, Hoài nói: “Cả cuộc đời này, em nợ mẹ, em thương mẹ lắm”.

Ở nhà bây giờ, chỉ còn cô em út 9 tuổi phải tự lo cho thân mình, phải tự đi chợ, nấu cơm, tự tắm rửa, tự đạp xe đi học, còn phải trông nhà đợi mẹ đưa chị Hoài về. Cô Bằng lại khóc: “Nhà có 7 cô con gái, 3 đứa thì đi lấy chồng xa, 2 đứa thì đi học trên Hà Nội, Hoài thì bị bệnh tật hành hạ, tôi không thể bỏ rơi được, ở nhà chỉ còn đứa út học lớp 3 tự chăm sóc mình. Tôi thương nó nhưng không biết làm cách nào được”.

em bé ung thư xương
Dù bệnh tật, Khánh Hoài vẫn luôn nở nụ cười trên môi

Ước mơ của hoa hướng dương

Nói về ước mơ của mình, Hoài lại nghẹn ngào: “Em muốn được về nhà, được đi học lại, được chơi Karate, được trở thành sinh viên ĐH Thể Thao, vì em rất thích làm cô giáo dạy thể dục...”. Hoài kể lại, ở cửa sổ bệnh viện thi thoảng nhìn thấy những bạn học sinh vào thăm người nhà, Hoài lại khóc vì nhớ bộ đồng phục của mình và mùi sách vở đã quá lâu không dùng tới. Vì bệnh tật em phải gác lại tất cả, vừa mới vào lớp 12, em phải nghỉ học để nằm viện, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của em bây giờ là những quyển sách để gối đầu, những tập truyện tranh mang ước mơ của em vào giấc ngủ để quên đi nỗi đau thể xác.

em bé ung thư xương
Phải truyền thuốc khiến da em bị xám lại

Mỗi ngày, Hoài phải truyền 9 chai hóa chất. Rồi ngày này qua ngày khác, mỗi lần bạch cầu hạ là Hoài phải tiêm hàng chục mũi thuốc để tăng bạch cầu, Hoài vạch tay áo lên "khoe" những vết tiêm chưa lành, chúng cứ nối chi chít dài hết cánh tay. Mỗi lần truyền hóa chất Hoài mệt lắm, người cứ lả dần đi, “nhiều lúc em nghĩ tới cái chết, nhưng quay sang mẹ em lại tự động viên mình là phải sống, sống không chỉ bản thân em mà còn phải sống cho mẹ em nữa”. 

Ai cũng bảo Khánh Hoài là người giống mẹ nhất, vì điểm chung của hai mẹ con em đó là đều có một nghị lực lớn, một ý chí phi thường với nụ cười luôn thường trực ở trên môi, bỏ rơi tất cả bất hạnh của cuộc đời và luôn hướng tới phía trước. Cô bé 17 tuổi lạc quan, yêu đời như đóa hoa hướng dương rực rỡ trước mặt trời, em không khóc trước số phận nghiệt ngã đã đưa gia đình em tới bần cùng. Dù chuyện gì xảy ra em vẫn cười, em cười dù không bao giờ em có thể đi trên đôi chân của mình nữa, em cười dù căn bệnh của em di căn lên phổi phải tiêm hóa chất hàng ngày. Vì Hoài biết, mỗi bước chân em đi đều có mẹ em bên cạnh. Vì em chỉ còn cách là sống thật lạc quan để còn có thể báo đáp những gì mà mẹ em đã phải hi sinh cho mình. 

em bé ung thư xương

Mọi sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm xin được gửi về:
Chị gái Hoài: Đào Thị Diệp Anh
Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 1507205592437
Chia sẻ