Sửa Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000:

Nữ 16 tuổi được phép kết hôn?

Theo Đại Đoàn Kết,
Chia sẻ

Vấn đề sửa độ tuổi kết hôn đang thu hút sự quan tâm của dư luận nhất là trong bối cảnh hiện nay, tâm sinh lý của giới trẻ có nhiều thay đổi.

Sau 12 năm đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập. Một trong những nội dung được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến trong việc sửa đổi Luật HNGĐ năm 2000 tại Phiên họp lần thứ nhất Tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNGĐ là vấn đề kết hôn cùng giới tính. Ngoài ra, việc hạ độ tuổi kết hôn cũng được đặt ra. Tuổi được kết hôn có thể nữ là 16 hoặc 17, nam 18 tuổi.
 
Sau 12 năm đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong các quy định về áp dụng phong tục, tập quán, về chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hôn nhân thực tế), về giới tính trong kết hôn, về độ tuổi kết hôn…, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
 

Do phong tục, tập quán và tâm lý, độ tuổi kết hôn của nhiều dân tộc 
ít người thường ít hơn độ tuổi quy định của Luật HNGĐ
                                                                      
 Quy định "mềm” đối với kết hôn đồng giới

Một trong những nội dung được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến trong việc sửa đổi Luật HNGĐ năm 2000 tại Phiên họp lần thứ nhất Tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNGĐ (ngày 21-6 vừa qua) là kết hôn cùng giới tính. Theo lý giải của Bộ Tư pháp, xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn giữa những người cùng giới cần được công nhận. 

Nhưng xét về văn hóa, tập quán gia đình của người Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết thì thời điểm này, việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là quá sớm. Do đó, quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính tại khoản 5 Điều 10 của Luật HNGĐ cần tiếp tục được quy định. 

Tuy nhiên, việc chung sống giữa những người cùng giới tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các mối quan hệ nhân thân, tài sản hoặc về con (ví dụ nhận con nuôi), pháp luật không thừa nhận hôn nhân của họ nhưng cũng phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả về thân nhân, tài sản và con từ việc chung sống giữa những người cùng giới tính.
 
Về vấn đề này, bà Ngô Thị Hường (trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết: hiện trên thế giới đã có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận kết hôn đồng giới, một số quốc gia chưa công nhận kết hôn đồng giới nhưng có quy định cho phép cùng chung sống. 

Do vậy, ở Việt Nam nên chăng cũng cho phép họ cùng chung sống, không nhất thiết phải có luật riêng, để giải quyết tranh chấp tài sản khi không còn chung sống. Ông Nguyễn Văn Cừ (Đại học Luật Hà Nội) cũng đồng tình và cho rằng: việc chấp nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào phong tục, tập quán của Việt Nam. Nên chăng chỉ là không công nhận, chứ không quy định là cấm. 

Một số nước trên thế giới đã công nhận và đưa vào luật, tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa phù hợp. Còn hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính thì pháp luật đã quy định rồi, đương sự phải có căn cứ chứng minh công sức của mình để chia tài sản. Về con cái, chỉ nhận con nuôi một bên vì theo Luật Con nuôi thì 2 người cùng giới tính không được nhận con nuôi. Do đó, cần có những quy định "mềm” để những người đồng tình không cảm thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm.
 
Sẽ hạ độ tuổi kết hôn?

Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội nhất là trong bối cảnh hiện nay, tâm sinh lý của giới trẻ có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó do phong tục, tập quán ở nhiều địa phương không coi trọng đăng ký kết hôn bằng đám cưới. Luật HNGĐ hiện hành quy định nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi được kết hôn nhưng bất cập rõ nhất của quy định về độ tuổi này trong thực tiễn là sự thiệt thòi cho nữ giới. 

Theo ông Nguyễn Văn Cừ, sửa Luật phải kết hợp đạo lý với kinh nghiệm các nước thì mới phát huy hiệu quả. Trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình có những nét rất riêng, không thể nhập vào Bộ luật Dân sự. Luật có nhiều vấn đề cần xem xét. Trong chương II, về độ tuổi kết hôn tối thiểu, Luật của ta chỉ quy định tối thiểu, không có tuổi tối đa.
 
Ở góc độ khác, bà Ngô Thị Hường thẳng thắn cho rằng: độ tuổi kết hôn không nên quá quan trọng tròn hay đủ mà cần dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn cũng như phong tục, tập quán. Nhiều trường hợp không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống, sinh con đẻ cái, chính vì vậy cần hạ tuổi kết hôn, nữ là 16 hoặc 17, nam 18 tuổi. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Dung Huyền (Viện Khoa học Xét xử, TANDTC) cho rằng: hiện đa số các ý kiến đều cho rằng tuổi kết hôn như hiện nay là phù hợp.

"Không thể dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của người kết hôn để cho phép kết hôn mà pháp luật phải có quy định chung, đó là nữ phải đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn. Việc sửa đổi lần này chúng ta cần nghiên cứu kỹ, chọn lựa những vấn đề để sửa đổi, những quy định nào vẫn còn phù hợp nên giữ, tránh lãng phí về thời gian và tài chính” - bà Huyền kiến nghị.
 
Chia sẻ