Nỗi buồn cơm trưa của dân công sở

,
Chia sẻ

Mỗi trưa, anh Huy cùng đồng nghiệp phải đi bộ hơn 10 phút để đến quán cơm gần công ty, trước chiếc tủ đựng thức ăn là cống bốc mùi nặng, xung quanh chén đĩa vẫn còn vết dầu ăn…

Công ty của anh Huy ở quận 1, được xem là khu vực trung tâm TP HCM với các tòa nhà sang trọng, các công ty, tập đoàn kinh doanh cao cấp, nhà hàng cao cấp… Vì vậy, để tìm được chốn ăn cơm bình dân là điều rất khó khăn. Dân công sở như anh phải đi rất xa để ăn trưa tại những quán vỉa hè, các hàng gánh tự phát bởi chúng vừa túi tiền, trong khi gần công ty vẫn có những cửa hàng ăn nhưng giá đến 40.000-100.000 đồng một suất, khá cao so với lương của nhân viên.

Mỗi ngày bà xã Huy (làm cùng cơ quan) đều chuẩn bị bữa sáng cho hai vợ chồng. Nhưng buổi trưa công ty không cho ăn tại văn phòng nên mọi người phải rủ nhau ra ngoài ăn. Giờ nghỉ trưa chỉ khoảng một tiếng, riêng việc "đội trời" đi ăn đã hết cả thời gian nghỉ ngơi.

Dù biết cơm giá rẻ thì vệ sinh càng kém, sức khỏe sẽ không đảm bảo, nhưng "lương nhân viên mỗi tháng có giới hạn, không thể ăn uống xa xỉ được. Khâu làm sạch, nấu thực phẩm đều khuất mắt nên dù có chưa sạch mình cũng không biết", anh Huy bộc bạch.

Để tránh việc phải đội nắng đi xa ăn trưa, một số chị em cùng công ty anh thường xuyên trữ sẵn bánh ngọt, sữa tươi, yaourt ăn qua loa cho xong bữa. Nhưng chế độ ăn thiếu chất trường kỳ kiểu này ảnh hưởng đến sức khỏe không ít. Có bữa, Thanh Lan, cùng phòng anh Huy, đang làm việc thì lăn đùng ra xỉu, phải đưa đi cấp cứu. Thì ra cả mấy tháng rồi cô ăn trưa kiểu tạm bợ như thế. Còn các chị khác thì tầm giữa chiều đói bụng, thường xuống công viên đối diện để ăn gỏi cuốn, bánh canh, bánh tráng trộn… từ các hàng rong. Có người đã bị ngộ độc thực phẩm phải đưa vào viện.

Nhiều nhân viên văn phòng ra quán cơm bình dân ăn trưa tự phục vụ như người nhà. Ảnh: N.M.

Chị Ngọc Khanh, nhân viên một công ty ở quận 1, phân bua: “Chị em cơ quan mình cũng biết thức ăn hàng rong không hợp vệ sinh, dễ bị dịch bệnh nhưng bệnh dịch thì lúc nào chẳng có, quan trọng là mình có đủ sức đề kháng hay không. Thỉnh thoảng công an hay các anh bảo vệ đến đuổi đi thì dép guốc, ghế, bao bì, các bà đều quẳng hết lên gánh đựng thức ăn mà chạy. Nhưng mọi người ăn vẫn cứ ăn”.

Trường hợp tương tự là chị Kim Khánh, nhân viên một công ty nằm trên đường Nguyễn Huệ, ngay trung tâm quận 1. Chị than thở, mọi người trong công ty thường ăn trưa tại quán cơm bà Năm. Quán nằm trong con hẻm nhỏ, ngay trước tủ đựng thức ăn là một cái cống bốc mùi nặng. Chén, đĩa bằng nhựa không rửa sạch nên vẫn còn bẩn dầu ăn. "Biết là không đảm bảo vệ sinh, nhưng tìm được quán gần công ty không có nên mọi người phải chấp nhận, mặc dù đi bộ từ văn phòng đến cũng hơn 10 phút", chị Khánh nói. Trời Sài Gòn hôm thì nắng gắt, lúc mưa to nên đi ăn trưa bên ngoài với chị luôn như một cuộc “hành xác”.

Đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành, nổi tiếng với các gánh hàng rong dọc vỉa hè. Mỗi giờ nghỉ trưa, nhân viên văn phòng từ các công ty đổ ra ngồi vây quanh hàng cơm, bất kể trên cống bốc mùi hay gần thùng rác công cộng.

Thường ăn trưa tại gánh hàng của bà chủ vừa bán cơm, kết hợp bán bún bò, mì Quảng, chị Bích Ngọc, nhân viên Công ty PNJ ban đầu rất bất ngờ và “ghê ghê” không dám ăn vì bà chủ luôn tay hết bốc thức ăn, lại bún, thái thịt rồi cầm chiếc giẻ đen kịt lau bàn, có lúc lau cả đĩa thức ăn bị dính mắm, thức ăn vãi ra ngoài…

Nhiều hôm khách đông, cô con gái phụ bà bán hàng rửa bát bằng cách nhúng vào chậu xà bông, vớt ra nhúng vào chậu nước bên cạnh đã đổi màu vàng khè, bọt lẫn váng dầu nổi lềnh bềnh. Sau đó, cô chỉ dùng khăn lau lại một lần rồi đưa cho mẹ múc thức ăn cho khách mới. “Các hàng gánh xung quanh đều như vậy, tôi không còn lựa chọn nào khác”, chị Ngọc tâm sự.

Thiếu nơi ăn trưa hợp vệ sinh là tình trạng chung của nhiều khu vực công sở, không chỉ ở trung tâm quận 1 mà cả quận 3, 5, 10... Nếu muốn ăn ngon thì phải đi rất xa, còn chấp nhận ăn gần công ty mà giá rẻ thì "nhiều khi nuốt không nổi, bỏ cả đĩa cơm".

Làm việc tại một văn phòng tọa lạc trên đường một chiều Điện Biên Phủ, quận 10, xung quanh là các tòa nhà được xây dựng để cho thuê làm công ty, văn phòng, quán cà phê cao cấp; thế nhưng chị Thơm luôn phàn nàn nơi chị làm việc chỉ có vài quán cơm nhỏ và đối diện công ty là quán cà phê AQ phục vụ cơm trưa.

“Cơm bên AQ giá 50.000 đồng một phần, mắc tiền như vậy làm sao nhân viên bọn tôi thường xuyên ăn nổi. Còn quán cơm gần bên bữa nấu khô, hôm nấu nhão, có ngày thức ăn mặn chát… chán không thể nuốt nổi. Nhưng mọi người vẫn phải chấp nhận vì không có lựa chọn nào khác”, chị Thơm bức xúc nói.

Bác sĩ Lê Thanh Phúc, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bình Dân TP HCM, khẳng định, thức ăn hàng rong, vỉa hè không đảm bảo vệ sinh do thiếu nước rửa, thường xuyên hứng nắng, bụi ngoài đường hay người bán không đun chín nấu sôi, dùng nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng. Đây là loại thức ăn được cho là thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân sẽ bị các bệnh về dịch tả, đau bụng, ngộ độc, các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng tới cảnh quan và văn minh đô thị.

“Sức khỏe luôn là điều đáng quý nhất đối với mỗi người. Vì vậy, các bạn hãy thận trọng trong việc lựa chọn hàng quán sạch, hợp vệ sinh ăn trưa để bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu được, các công ty nên tạo điều kiện giúp nhân viên có được bữa cơm trưa ngon, đảm bảo vệ sinh và đủ dinh dưỡng”, bác sĩ khuyên.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ