Những số phận bi thương ở ngôi nhà có tên Tạm Lánh

TT,
Chia sẻ

Có một nơi mang tên là Nhà Tạm Lánh. Đúng với cái tên ấy, đây là nơi cho những người gặp khó khăn như: Người đồng tính, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị lạm dụng… đến để lánh tạm.

Ngôi nhà có tên Tạm Lánh

Nhóm trưởng kiêm quản lý dự án Nhà Tạm Lánh Open là anh Phan Thanh Nhàn. Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 2008, Nhàn tham gia công tác xã hội cùng nhiều dự án phi lợi nhuận. OPEN chính là một trong số những việc mà Nhàn đã làm và gắn bó với cương vị người sáng lập và điều phối mọi hoạt động. 

Nhóm OPEN hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người dễ bị tổn thương tại Việt Nam. Các hoạt động chính của OPEN bao gồm: Vận động chính sách, Hỗ trợ nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo hành, Tư vấn sức khỏe - giới tính - tình dục.

Riêng về Nhà Tạm Lánh, đây là nơi hỗ trợ những người bị bạo hành có một nơi an toàn trong một thời gian ngắn để ổn định tâm lý và giải quyết các vấn đề của mình gặp phải. Đối tượng mà Nhà Tạm Lánh giúp đỡ bao gồm: Người đồng tính bị bạo hành, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị lạm dụng và những trường hợp khác...

Nhà Tạm Lánh sẽ có những hỗ trợ tức thời như: Ăn, uống, chỗ ở, nhu yếu phẩm, đăng ký tạm trú tạm vắng… Đồng thời là những hỗ trợ lâu dài như: Tư vấn giúp ổn định tâm lý, tạo việc làm thêm trong thời gian tạm lánh, giúp hồi gia, giới thiệu việc làm lâu dài.

Những số phận bi thương ở ngôi nhà có tên Tạm Lánh 1

Anh Nhàn tại Nhà Lạm Lánh

Anh Nhàn chia sẻ: “Một bệnh nhân nhiễm HIV có thể sống được hơn 20 năm nữa, một bệnh nhân ung thư cũng có thể sống thêm gần 10 năm. nhưng nếu một người bị bạo hành mà trong đầu có thêm những dòng suy nghĩ tiêu cực thì có thể họ sẽ tự kết liễu cuộc đời mình ngay lập tức... Đến nay nhóm Open đã giúp đỡ được hơn 70 trường hợp trong hoàn cảnh này”.

Người mẹ bồng con trốn chạy bạo hành

Tại Nhà Tạm Lánh, chúng tôi được tiếp xúc với chị H.T.H sinh năm 1978, quê Cao Bằng. Chị có một con trai tên T.P (19 tháng tuổi) và chị hiện đang mang thai ở tháng thứ 6. Ba mẹ con chị đã tham gia vào Nhà Tạm Lánh hơn một tháng nay.

Những số phận bi thương ở ngôi nhà có tên Tạm Lánh 2

Chị H. ôm con khóc ngất lên khi kể chuyện đời mình

Chị H. quê Cao Bằng, lấy chồng ở Hà Nội vào năm 2011. Duyên nợ đưa đẩy nhưng gia đình bên chồng không chấp thuận nên anh chị dọn ra riêng. Lúc mới cưới nhau, anh làm ở hãng dược, bộ phận kiểm nghiệm.

Sống với nhau một thời gian chị mới hay chồng mình từng dính vào ma túy và hiện đang nghiện chơi đề, xóc đĩa. Thói vũ phu của anh cũng bộc lộ sau khi cưới. “Đã bao lần anh ấy hứa sẽ không chơi bời nữa, nhưng hứa cũng như không. Về sau anh không còn e dè gì hết, hễ tôi góp ý là anh quát mắng, đánh đập”.

Chị đang mang thai bé T.P thì anh phải đi tù vì tội cờ bạc. Chị phải một mình cắn răng vượt cạn, nuôi con. Đến khi T.P được 9 tháng tuổi thì anh mãn hạn tù.

Nghĩ anh biết hối hận, làm lại cuộc sống ai ngờ anh vẫn chứng nào tật nấy, không hề biết chăm lo cho gia đình. Thậm chí khi tôi mang thai đến tháng thứ ba mà vẫn bị anh đánh đập thẳng tay” - chị H. lau nước mắt buồn bã kể.

Chịu đựng tiếp thì không thể, mà về quê thì sợ ba mẹ xấu hổ với xóm làng nên chị quyết bồng con từ Hà Nội vào Sài Gòn. “Tôi muốn làm lại cuộc đời. Tôi không thể để con mình trưởng thành trong hoàn cảnh như vậy” - chị giải thích thêm về việc bắt tàu vào Nam.

Thời gian trước chị từng quen biết với một chị bạn ở Gia Lai hiện đang sống ở TP.HCM. Người bạn này hứa sẽ đón tiếp chị khi vào đây. Khi mới vào mẹ con chị cùng người bạn này sống ở quận 8. Được ít tuần người bạn này cùng chị chuyển sang quận 9. Chị H. kể: “Cô ấy nói làm ở siêu thị, và đồ đạc đang gửi ở nhà người quen nên hành lí nhẹ nhàng không có gì ngoài xe máy và quần áo. Khi cô ấy hư xe tôi cũng đưa tiền cho cô đi sửa”. Và khi ở quận 9 được ít hôm, người bạn này nói sẽ về quê lấy tiền do người bà con mượn. Nào ngờ mấy hôm sau người bạn không quay về, điện thoại lại không liên lạc được. Chủ nhà trọ sang thông báo tiền phòng chưa đóng khi chị chỉ còn mấy chục ngàn trong túi.

Bị ném ra đường bơ vơ, chị vác bụng bầu, con thơ, ba lô quần áo lê lết từ chùa này đến nhà thờ nọ theo lời chỉ của người dân. Tiền hết sạch, chỗ nương thân không có, T.P bắt đầu đổ bệnh.

Những số phận bi thương ở ngôi nhà có tên Tạm Lánh 3

Bé T.P tạm có cuộc sống ổn định.

Một sáng nọ chị đi liêu xiêu trên đường ở Gò Vấp thì một bác xe ôm chủ động gọi chị lại hỏi thăm. Sau đó người xe ôm đã gọi lên tổng đài, nhờ tìm một địa chỉ có thể cho mẹ con chị nương thân. Người xe ôm tiếp tục chở chị sang Trung tâm bảo trợ xã hội Q.Bình Thạnh, rồi sang Viện dưỡng lão, đến Phòng trẻ em thuộc Sở LĐ - TB - XH. Sau đó chị được giới thiệu đến Nhà Tạm Lánh.

Chàng trai từng bị xua đuổi vì gia đình không chấp nhận có con cháu đồng tính

Ba mẹ li hôn nên Ngô Tuấn Anh (SN 1992, quê Trảng Bàng, Tây Ninh) được ông bà nội nuôi dưỡng từ nhỏ. Năm 2013 chàng sinh viên đại học này dẫn bạn trai đã quen được 3 năm về nhà chơi. Đêm ấy khi hai người đang có những cử chỉ thân mật thì bị ông nội nhìn thấy. Vốn tính bảo thủ, ông đã đùng đùng nổi giận lao vào đánh chửi.

Lúc đó vì nóng giận nên ông không kiềm chế được đã làm ầm lên. Ông đánh mình và đuổi bạn trai mình về Sài Gòn” - Tuấn Anh kể. Đến sáng hôm sau, tất cả họ hàng bên nội đã tụ về. Chuyện tình cảm của Tuấn Anh bị coi là “bệnh hoạn”, “bị lây nhiễm từ kẻ xấu”. Tuấn Anh nhớ lại cảm giác lúc đó: “Một mình mình đối mặt với rất nhiều người, không ai chấp nhận chuyện đó. Mình cảm thấy rất xấu hổ, cô lập và tủi thân. Thậm chí hàng xóm cũng bàn tán xôn xao do đêm qua ông nội đã quá lớn tiếng”.

Không thể đối mặt với mọi người, Tuấn Anh xin phép trở lại Sài Gòn. Trớ trêu thay, chuyện đó cũng tới tai gia đình người yêu của Tuấn Anh. Anh bạn kia cũng là con một, gia đình lại rất phong kiến. Không chịu được áp lực này, chàng trai kia đành sang Đài Loan định cư theo ý ba mẹ.

Có cảm giác như cùng lúc lại mất hết những thứ quan trọng: gia đình, người yêu, danh dự, Tuấn Anh đau buồn đã uống thuốc ngủ tự sát. May sao một người bạn phát hiện và kịp đưa Tuấn Anh đi cấp cứu. Tuấn Anh giải thích: “Gia đình rất quan trọng với mình. Mình xem như không có ba mẹ, chỉ có ông bà thôi mà ông bà lại xa lánh. Ngay lúc mình hoang mang nhất lại không có điểm tựa nào, chỉ muốn chọn cái chết”.

Sau lần nông nổi đó, Tuấn Anh được giới thiệu đến Nhà Tạm Lánh. “Điều đầu tiên là anh Nhàn làm công tác tham vấn tâm lí cho mình thông suốt, suy nghĩ tích cực hơn. Sau đó anh cũng giúp mình chinh phục gia đình. Anh và bạn bè cùng mình nhiều lần về nhà, giải thích cho ông bà nội hiểu”.

Công việc thuyết phục ông bà Tuấn Anh là cả một quá trình đầy có khó khăn với Tuấn Anh và đại diện Nhà Tạm Lánh trong gần 6 tháng. Đến nay, ông bà nội mới hiểu hơn và không còn căng thẳng với Tuấn Anh như trước.

Những số phận bi thương ở ngôi nhà có tên Tạm Lánh 4
Tuấn Anh giờ là thành viên thường xuyên của Nhà Tạm Lánh

Dù đã qua sóng gió nhưng Tuấn Anh vẫn xin ở lại Nhà Tạm Lánh để phụ việc cho anh Nhàn và tiếp tục hoàn thành chương trình học vào năm sau....

Hiện Nhà Tạm Lánh đặt tại số 12B đường số 1, KDC Bắc Rạch Chiếc, P. Phước Long A, Q. 9, TP.HCM. Số điện thoại văn phòng: 083 7312642.

Chia sẻ