Những "siêu lừa" bán hàng qua mạng gây xôn xao dư luận

NN (TH),
Chia sẻ

Thủ đoạn thường thấy của những "siêu lừa" trên mạng là tạo lớp vỏ bọc hào nhoáng để dễ bề lấy lòng tin từ mọi người. Nhiều nạn nhân cũng từ đó nên mất cảnh giác mà mắc bẫy.

Nhà văn mạng đình đám lừa đảo hàng trăm người

Mới đây, công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã tạm giữ hình sự Đoàn Mạnh Quang (SN 1989, ngụ huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quang chính là nhà văn có bút hiệu Cusiu, từng nổi tiếng với 2 tác phẩm nổi tiếng trên mạng là “Chị ơi…anh yêu em!” và “Em gái của trời”.

Những
Chân dung nhà văn Cusiu, tức Đoàn Mạnh Quang

Theo cơ quan điều tra, Quang đã lập nhiều tài khoản trên facebook và diễn đàn mua bán 5 giây, để rao bán các sản phẩm như: ĐTDĐ Iphone 5, laptop, máy ảnh…. được giới thiệu là nhập từ Mỹ về, bảo hành 12 tháng. Khi giao dịch, Quang dùng tên, CMND giả mang tên Nguyễn Ngọc Cảnh, có dán hình của Quang và số điện thoại 0932… để thực hiện hành vi lừa đảo.

Ai có nhu cầu mua sản phẩm, nếu ở các tỉnh xa, Quang đề nghị chuyển 30% tiền cọc vào tài khoản ngân hàng mà Quang thông báo. Những người ở TP.HCM, Quang hẹn đến 1 số điểm ở Q.Bình Thạnh, trực tiếp lấy 30% tiền cọc. Lấy tiền rồi, Quang lặn mất tăm. Chính vì Quang được nhiều người biết đến với danh nghĩa “nhà văn trẻ” nổi tiếng, nên không ít người do tin tưởng đã “sập bẫy”.

Nạn nhân N kể, biết Quang là nhà văn Cusiu nổi tiếng nên khi Quang rao bán hàng, N đã đặt cọc 3 triệu đồng để mua ống kính máy ảnh. Sau đó anh N còn giới thiệu 4 người bạn gặp Quang đưa gần 50 triệu đồng để đặt cọc mua máy ảnh, ĐTDĐ… nhưng Quang ôm tiền rồi lặn mất tăm.

Những
Cusiu ngày bị các chủ nợ vây bắt

Trường hợp H.T.T (SN 1989, quê Lâm Đồng) là bạn bè thân của Quang từ nhỏ đến lớn. Giữa tháng 8/2013, Quang gạ anh T gửi vào tài khoản 55 triệu đồng để mua 6 chiếc ĐTDĐ iPhone 5 mà Quang nói sắp nhập từ Mỹ về.

Sau đó Quang dụ anh T chuyển 36 triệu đồng mua máy ảnh, rồi lại dụ chuyển tiếp 30 triệu đồng mua lô laptop sắp về. Tổng cộng anh T giao cho Quang 121 triệu đồng nhưng Quang không giao hàng mà im bặt.

Chiều 5/1, hơn 10 nạn nhân của Quang đã phục kích tại quán cà phê ở đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, bắt giữ “nhà văn trẻ” giao cho cơ quan công an xử lý.

Cô gái Việt đối mặt mức án 10 năm tù giam vì bán túi Hermes giả tại Singapore

Ngày 3/1, trang Straitstimes đưa tin một cô gái người Việt Nam đã bị buộc tội lừa đảo khi bán túi Hermes giả với giá 20.000 đô la Singapore (hơn 300 triệu đồng). Theo đó, cô gái có tên Nguyễn Phương Bảo Ngọc, 24 tuổi, được cho là đã lừa bán chiếc túi Hermes giả cho cô Arlene Darusman tại của hàng Starbucks tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore vào ngày 4/11/2013.

Ngày 17/1 sắp tới, Bảo Ngọc sẽ phải hầu tòa tại Singapore. Hiện, cô đang phải đối mặt với hình phạt tối đa là 10 năm tù giam và nộp phạt 30.000 đô la Singapore (khoảng 500 triệu đồng) tiền mặt.

Trước đó, vào khoảng giữa năm 2013, cộng đồng Facebook Việt cũng được phen xôn xao trước thông tin một cô gái có nick name Ngọc Ella đã lập rất nhiều nick giả để lừa bán những chiếc túi Prada, Hermès, Dior rởm.

Những
Hình ảnh Bảo Ngọc bị bắt tại đồn công an từng được chia sẻ rộng rãi trên khắp Facebook.

Mãi tới ngày 21/7/2013, danh tính của siêu lừa từng tung hoành ngang dọc trên khắp các diễn đàn, với nhiều nickname khác nhau mới chính thức bị phanh phui. Ngọc Ella tên thật là Nguyễn Phương Bảo Ngọc, nhà ở Hàng Trống, Hà Nội. Với màn kịch tự giới thiệu mình có mối lấy túi hiệu giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá hãng, Ngọc đã lừa bán được rất nhiều túi giả với giá hàng trăm triệu đồng. Sau khi vụ việc vỡ lở, Ngọc đã bị công an phường Tràng Tiền tạm giữ và điều tra về hành vi lừa đảo.

Chủ shop online lừa đảo 40 triệu đồng

Quảng cáo "giảm giá cực mạnh" chăn ga và quần áo Hàn Quốc trên mạng, Facebooker Ruby Tran bị cáo buộc nhận tiền của nhiều người mua rồi đột ngột ngắt liên lạc.

Là tín đồ mua sắm và hay xem hàng qua mạng song chị Giang (26 tuổi, nhân viên một công ty xuất bản tại Hà Nội) vẫn thấy “ngợp” khi trang quảng cáo chuyên bán đồ thời trang Hàn Quốc này đăng nhiều album ảnh về chăn ga gối, váy áo rất đẹp. Chủ Facebook thông báo “ngày cuối cùng sale” nên chị tranh thủ đặt mua. Tổng hàng có 6 món gồm 2 ruột gối, 2 vỏ, ruột chăn vỏ và ga phủ song chỉ 1,1 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều nếu chị mua hàng tương tự trong shop. Trên trang, chị thấy có rất nhiều lời đặt hàng được chuyển tới nên càng yên tâm.

Những
Những người cùng cảnh như chị Giang chia sẻ với nhau trên Facebook.

Qua số điện thoại đăng trên trang, chị liên hệ và được một phụ nữ giọng miền Nam hướng dẫn chuyển khoản tiền mua hàng vào tài khoản của chi nhánh ngân hàng Đông Á tại Khánh Hoà. Chị được người bán cam đoan: “Nếu không phải là hàng Hàn Quốc mình đền gấp 5 lần”, “tất cả cửa hàng bán lẻ hàng Hàn Quốc trên toàn quốc đều lấy hàng từ mối của mình”…

Tiếp đó, sau đoạn chat khá dài, chị Giang mua thêm một chiếc váy, một áo khoác và được bớt 120.000 đồng. Cùng ngày, chị Giang chuyển khoản hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó khi chị Giang định mua thêm hàng thì thấy trang đã khóa. Chị gọi theo số điện thoại từng liên hệ nhưng máy tắt. Lúc này chị mới biết mình đã bị lừa. Liên lạc với một loạt bạn bè, kể cả người đã giới thiệu mình, chị thấy tất cả đều không nhận được hàng và không liên lạc được với “Ruby Tran” dù tiền mua hàng đều chuyển trước chị.

Chị Giang sau đó đã liên hệ được với gần 20 người cùng cảnh, ước tính tổng tiền các chị đã chuyển gần 40 triệu đồng. Ngày 15/10/2013, một số đã tới Công an Hà Nội tìm hiểu thủ tục gửi đơn tố cáo.

12 phụ nữ mê hàng hiệu sập bẫy siêu lừa trên mạng

Thấy những chiếc túi hàng hiệu LV, Chanel... trên mạng Internet ghi giá rẻ, 12 phụ nữ đã nộp tiền vào tài khoản của Đoàn Anh Đức (27 tuổi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) mà không biết mình đang bị lừa.

Đức dùng máy tính truy cập, tìm kiếm hình ảnh các mặt hàng thời trang gồm túi xách, giày dép, kính… của các hãng như LV, Chanel… Sau đó, anh ta vào trang bán hàng qua mạng lập các shop với nick name ingjkroberto79; kelly-usa, angle-shop; memoryland-hn; desiger8888.

Những
Đoàn Anh Đức khi nghe tòa tuyên án.

Đức đưa các hình ảnh mặt hàng thời trang tìm kiếm được lên các shop, ghi giá tiền rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại, dưới mỗi mặt hàng. Anh ta dùng nhiều số điện thoại để khi có người mua sẽ liên lạc. Sau vài lần lừa được tiền, Đức đã sử dụng sim khuyến mại để liên lạc và vứt đi để người bị chiếm đoạt không gọi lại được.

Ngoài ra, Đức còn lập nick chat để tư vấn trực tiếp cho người mua. Khi khách đặt hàng, Đức cung cấp các tài khoản ngân hàng của vợ, bạn bè, để chuyển tiền vào đó.

Trong số nạn nhân, chị Trần Thu Hoài (29 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thông qua shop memorylan_hn đã đặt mua hai chiếc túi xách hiệu LV và Chanel giá 35 triệu đồng. Đức liên lạc với chị Thu, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản anh ta mượn của người bạn. Khi nộp đủ tiền, chị Thu gọi điện yêu cầu xác nhận chuyển hàng thì Đức tự xưng tên Long làm dịch vụ chuyển phát nhanh, và cho biết đang vận chuyển đến.

Không chỉ có khách hàng ở Hà Nội bị Đức lừa, một nạn nhân khác sống tại TP HCM cũng đặt mua một chiếc túi LV giá 24 triệu đồng. Người bị mất nhiều tiền nhất là chị Phạm Ngọc Thanh Phương (TP HCM) đã chuyển khoản cho Đức 85 triệu đồng.

Từ tháng 8/2009 đến năm 2011, tổng cộng Đức đã lừa được 12 người, với số tiền hơn 205 triệu đồng. Đức bị khép vào tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiến đoạt tài sản. Trước khi bị đưa ra xét xử, bị cáo đã nộp 51 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Sau khi xem xét, TAND Hà Nội tuyên phạt Đức 7 năm tù.

Chia sẻ