Những phận người sống và thở bên... rác

Moon.Q, ảnh: C.T,
Chia sẻ

Ăn trong rác, ngủ cạnh rác, hít thở cũng toàn mùi hôi hám, ô nhiễm nồng nặc của rác rưởi nhưng bãi ve chai Hoàng Cầu vẫn đang là nơi mưu sinh của gần 200 con người "bám" rác để sống.

Toàn cảnh bãi rác Hoàng Cầu từ trên cao nhìn xuống

Bãi rác có diện tích chưa đầy 1.000 m2 nằm trên đường Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), là nơi sinh sống của gần 10 đại gia đình làm thuê cho các chủ vựa ve chai. Trung bình mỗi “đại gia đình” có 20 người cùng ăn ở, cùng làm việc, và chị em phụ nữ chiếm hơn nửa số đó. Chị em đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…, xa hơn thì Thanh Hóa, Nghệ An. Như thường lệ một ngày làm việc của các chị bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng và kết thúc khi đồng hồ đã điểm 2 giờ đêm. Đồ nghề của họ đơn giản chỉ có 1 chiếc xe đạp thồ, một cây khều rác và một lốc bao để đựng rác. Với từng đó trang bị trong tay họ rong ruổi khắp khác các ngóc ngách, ngõ hẻm ở Hà Nội kiếm ve chai, sắt nhựa. Vật lộn với đống rác ngổn ngang nhưng mỗi ngày họ chỉ kiếm được vỏn vẹn chưa đến 100 nghìn đồng. Trong khi đó tiền trọ hàng tháng đã “ngốn” mất 500 nghìn, cuối tháng ăn tiêu dè sẻn lắm mỗi người cũng chỉ chắt góp được không quá 1 triệu đồng.


Đeo khẩu trang để phân loại rác

Ngôi nhà lụp xụp, ẩm ướt, tối tăm, cao chưa đầy 4 mét, được chia thành 2 tầng trên, dưới riêng biệt. Nhìn xa chẳng khác gì những túp lều tạm bợ, ẩm mốc. Bao bọc xung quanh nhà chỉ toàn rác và rác. Rác chất cao ngoài cửa vào, rác tràn ngập lối đi. Mùa mưa cũng như mùa nắng, sàn nhà luôn lép bép nước rớt vãi. Ngày cũng như đêm, lúc nào cũng nhờ nhờ thứ ánh sáng leo lét của bóng đèn bị bụi phủ đen, rồi mùi từ hàng trăm loại rác thải đua nhau bốc lên. Đối với bất cứ ai có việc phải đi qua bãi ve chai này đều là "ác mộng", cố gắng bịt mũi đi thật nhanh. Thế mà trong cái “xóm rác” ấy là cuộc sống của hơn 200 con người. Ngày đi thu mua rác, tối họ lại cặm cụi thắp đèn nhăt rác, phân loại. Cuộc sống 24 tiếng mỗi ngày gần như chỉ gắn liền với rác thải. Ăn trong rác, ngủ trong rác, hít thở cũng trong môi trường được bao bọc xung quanh toàn rác rưởi, bao bì ni lông, vỏ chai lọ.


Xóm rác xập xệ nhìn từ bên ngoài


Tường nhà chỉ là những thanh gỗ được ghép tạm bợ



Cư dân bãi ve chai sống trong những túp lều được dựng bằng sắt thép, tôn, kim loại...,
tường lắp ghép tạm bợ bằng gỗ, chỉ cần một chút nắng nhẹ là đủ xuyên thấu tường,
hoặc mưa gió lớn thì trong nhà cũng không khác ngoài trời là mấy

Cư dân xóm rác rất chịu khó tận dụng những vật phẩm người ta bỏ đi để làm đồ dùng sinh hoạt


Góc "nhà" của một gia đình

Hai mẹ con sinh sống ở xóm rác Hoàng Cầu


Giờ nghỉ trưa hiếm hoi của chị em sau buổi sáng phân loại rác vất vả


Nụ cười trẻ thơ ở "xóm bãi rác"


Căn phòng ọp ẹp không có bất cứ vật dụng gì đáng giá

Nhìn một lượt quanh “khu kí túc xá” xập xệ này, ngoài mấy chiếc thùng phuy làm bằng sắt đã hoen gỉ dùng để đựng nước, còn lại không có gì đáng giá. Trên mặt sàn la liệt vỏ sữa chua, thau, chậu nhựa hỏng,…được “tậu” về từ khắp nơi. Quần áo, xe đạp, nồi niêu và rác lẫn lộn với nhau. Hầu hết những người lao động ở đây đều không có dụng cụ bảo hộ lao động, chỉ một số ít cẩn thận mới dùng khẩu trang và găng tay để lựa ve chai. Lưng trần mồ hôi nhễ nhại, bác Minh (Hải Phòng) đang gò mình sắp lại đống ve chai vừa mới mua được. Còn kế bên, chị Thanh (Nam Định) đang dùng búa đập bẹp đống vỏ bia để mang ra cân bán cho chủ mối. Với những cư dân ở xóm ve chai, khái niệm an toàn trong lao động vẫn còn khá mơ hồ, mà quan trọng hơn là số tiền kiếm được mỗi ngày từ việc phân loại rác có đủ để nuôi con ở quê, nuôi gia đình khó khăn ở nhà hay không.

Tầng dưới chẳng khác gì một “khu chợ thu nhỏ”. Đây là nơi các chị thực hiện công việc của mình như mua bán, phân loại, hàng hóa đồng nát, sắt vụn. Đồng thời, mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày như giặt giũ, nấu nướng, thu mua, phân loại sắt vụn… cũng diễn ra trong “căn phòng đa năng” này. Tầng trên được phân định với tầng dưới chỉ nhờ lớp gỗ ngăn cách mỏng tang, ọp ẹp. Phòng ngủ ở đây được chia thành hai, nam nữ riêng biệt. Với những cặp vợ chồng thì thi thoảng được mọi người ưu ái dành cho một góc nhỏ làm “không gian riêng” trong cái “chuồng rác” chật hẹp.

Cô Hồng (Xuân Trường – Nam Định) là phụ nữ lớn tuổi nhất (gần 60 tuổi) của “xóm ngụ cư bãi rác”. Chồng mất sớm, một mình gánh trọng trách nuôi và dạy dỗ 2 cô con gái nên người, sống ở đây dễ đến một phần ba đời người, “mùi rác” như đã ngấm vào máu thịt người phụ nữ nghèo này. Cô tâm sự: “Biết là cơ cực, là vất vả độc hại, nhưng nhờ rác mà tôi một tay lo toan được cho tổ ấm bé nhỏ vốn thiếu bàn tay đàn ông. Tôi đến xóm này từ rất sớm, những ngày đầu không nhiều người như bây giờ đâu, chỉ lác đác vài người, cỏ dại mọc um tùm xung quanh. Giờ thì đông vui lên hẳn rồi. Tôi cố gắng làm ở đây nốt năm nay rồi năm sau sẽ về quê trông cháu cho con gái đầu lên làm thế.”

Cầu thang là những thanh gỗ được ghép tạm bợ

Cô Hồng là người lớn tuổi nhất ở đây


Tuy sống vất vả, ô nhiễm và rất có nguy cơ nhiễm bệnh về tim mạch, hô hấp nhưng
những cư dân xóm ve chai vẫn nở nụ cười thật lạc quan



Những sinh hoạt hàng ngày diễn ra ở bãi ve chai

Giờ phân loại rác đã đến, công việc diễn ra ngay dưới tầng 1 ướt nhẹp nước

Chút ánh sáng hiếm hoi lọt vào được giữa "căn nhà" này


Người đàn ông này đang khẩn trương lựa chọn đống đồ nhựa từ những túi phế thải thu được từ sáng


Vào những ngày trời nắng, không khí trở nên ngột ngạt, những đống rác bốc mùi dưới nắng




Không có dụng cụ bảo hộ lao động, không cả khẩu trang, họ cần mẫn ngồi phân loại rác


Bất kể ngày hay đêm, ở đây đều phải bật điện mới nhìn thấy đường đi

Xong mùa màng, chị Thanh (Nam Định) lại khăn gói quả mướp lên ngụ cư ở xóm rác Hoàng Cầu. Vừa thoăn thoắt phân loại rác giữa một núi đồ phế liệu ngổn ngang, chị vừa kể :“Để các cháu ở nhà không yên tâm đâu, nhưng không đi lấy gì mà nuôi con ăn học, đời mình thất học đã khổ rồi, quyết không để cho chúng nó phải thất học nữa. Thằng lớn nhà tôi năm nay thi Đại học nên hè này tôi phải làm cật lực để lo cho cháu”. Gương mặt chai sạm nắng mưa của chị ánh lên niềm vui tột bậc khi nói về tương lai của con. Đó chính là động lực để các chị "chôn" sức khỏe của mình nơi bãi ve chai đầy ô nhiễm, bốc mùi kinh khủng này.

Hôm chúng tôi đến xóm rác Hoàng Cầu, may mắn có sự hiện diện của cậu bé con trai chị Thảo, đồng hương của chị Thanh. Chị Thảo rưng rưng nói: “Nhớ cháu quá, mình về đón cháu ra chơi mấy hôm. Nhưng mai mình cho cháu về thôi chứ để cháu ở đây ẩm thấp, hôi hám, mình chịu được chứ con nhỏ chịu sao được”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh chia sẻ: “Cách chỗ chúng tôi ở không xa là khu bãi rác Thành Công bên kia, nhiều người cũng như chúng tôi từ quê lên làm ăn nhưng lại bị sa vào con đường đi đâm thuê, chém mướn, bảo kê, mại dâm, cờ bạc…, kiếm mấy trăm nghìn, thậm chí tiền triệu một ngày. Nhưng lương tâm không cho phép chúng tôi làm việc đó. Những người như tôi thà nghèo khổ, túng thiếu như thế này chứ không chịu làm những điều trái với luật pháp, trái với tâm can của mình. Sống ở đời phải biết câu nghèo cho sạch, rách cho thơm.”

Với nhiều người, đống ve chai cũ kỹ chỉ là những thứ bẩn thỉu, bỏ đi. Tuy nhiên, với cư dân xóm rác thì đó lại là công cụ kiếm cơm mỗi ngày. Bới rác là nguồn thu chủ yếu để họ có thể trang trải cho cuộc sống túng bấn và chăm lo cho cả gia đình ở quê, mặc cho môi trường sống này có ô nhiễm và bụi bặm, hôi hám đến mức nào...

Chia sẻ