Những người không có dấu vân tay

,
Chia sẻ

Lăn tay lên tờ giấy kết hôn trước mặt, chị Lành mím môi, từ từ giơ ngón tay lên, miệng lẩm nhẩm: "Lần này phải được, nhất định được... Cầu trời phù hộ". Thế nhưng, dấu mực dưới ngón tay trên giấy cứ phẳng lì, không gợn chút vân.

Mặt chị chuyển từ hồi hộp sang ngỡ ngàng rồi thẫn thờ. Thở dài đánh sượt, chị quay sang hỏi người người cán bộ: "Không được phải không chị? Nghỉ đan giỏ cả tháng rồi mà không được ư? Nghỉ thêm nữa lấy gì mà bỏ bụng cho cả nhà?".

Bên cạnh chị, anh Trần Văn On, chồng chị, cũng thẫn thờ không kém. Dấu vân tay của anh chỉ là những đường sẹo hằn sau các lần đứt tay do đan giỏ.

"Không được hả anh?", chị Lành hỏi chồng. Anh On, lắc mạnh đôi vai người vợ, an ủi: "Thôi kệ em ạ, sống với nhau cũng mấy năm rồi. Chẳng ai mà không biết mình là vợ chồng. Về làm việc thôi, cả tháng trời thay nhau giữ giấu vân tay rồi có được gì đâu. Bỏ nghề lần này nữa là đói chắc!".

Hai vợ chồng khoác tay nhau đi về, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mãi vẫn chỉ là mong ước. Lại một lần họ hụt làm vợ chồng theo đúng pháp luật. Đã bốn năm rồi vợ chồng chị Lành vẫn chưa thể đăng ký kết hôn được, dù họ đã về sống với nhau từ lâu. Tất cả cũng chỉ vì cái dấu vân tay hay nói đúng hơn là vì cái nghề đan cần xé của họ.

Đan giỏ mưu sinh đến tay nát bét

Đôi tay đan lát quá lâu ngày của người phụ nữ này khiến chị không còn dấu vân tay nữa. Ảnh: Tiếp thị và Gia đình.

Không chỉ là chuyện tờ giấy đăng ký kết hôn, tình trạng không dấu vân tay đã và đang trở thành nỗi trăn trở của bất cứ ai làm nghề đan cần xé mà mù chữ như vợ chồng chị Nguyễn Thị Lành, ở xóm 7, phường 2, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Nơi hai vợ chồng chị sống là một cái khóm bé nhỏ, nằm nép mình bên bờ sông Cái Cá. Phía ngoài kia thị xã Vĩnh Long sầm uất và náo nhiệt bao nhiêu thì bên bờ sông Cái Cá này hiu quạnh bấy nhiêu. Vài ngôi nhà bé tin hin, lụp xụp mái tôn nằm e ấp một bên, nhường chỗ cho hàng núi tre trúc, cần xé chất cao.

Tiếng dao chẻ lạt, gõ nẹp, mắc quai loạt xoạt khắp khóm. Những gương mặt cúi gằm, chăm chú bên những chiếc giỏ. Họ phải gồng sức, mím môi để bện giỏ thật chặt, đều.

"Chậc, lại chảy máu rồi!", một người phụ nữ đan giỏ trên bậc thềm thốt lên, chị nắm lấy ngón tay cái của mình, xuýt xoa rồi chùi vào quần áo. Vết xước tạo thành vệt dài, sâu hoắm trên ngón tay chị.

Nghe người khác bảo chị đi băng bó vết thương, không thì nhiễm trùng chị cười rồi xòe bàn tay ra: "Không sao đâu, tôi quen mấy chuyện này rồi, đứt tay chút đỉnh có ăn thua chi đâu. Bàn tay tôi ngón nào chả nát bét".

Những ngón tay nhỏ bé, nhẵn thín đến lạ kỳ. Tuyệt nhiên không trông thấy một dấu vân tay. Riêng ngón trỏ và ngón cái lại chằng chịt vết sẹo. Có vết sâu hoắm như khắc vào da thịt chị.

"Vân tay của tôi đấy. Nhìn là biết tôi làm nghề gì", chị đùa và cười buồn. Chị tên là Nguyễn Mai Thảo, 36 tuổi. Gia đình chị vốn dân miền Trung, cuộc sống cơ cực lại lũ lụt, tài sản bị nước cuốn hết. Cả nhà chị đành dắt díu nhau vào Vĩnh Long sinh sống.

Quanh năm chỉ biết đến con trâu, mảnh ruộng, một chữ bẻ đôi cũng không biết, chị loay hoay tìm kế sinh nhai nơi đất lạ. Chỉ có nghề đan cần xé giúp chị nuôi sống gia đình.

"Ban đầu khi mới làm, tay tôi cứ bật máu và sưng phồng. Tôi mất gần nửa buổi chiều để đan một cái giỏ, kiếm được vài nghìn. Tôi nản lòng lắm, nhưng cứ nghĩ đến chồng con, mẹ già lại nhắc mình cố gắng. Vậy mà tôi gắn bó với nghề cũng hơn mười năm rồi...", chị nói. Mỗi ngày, chị phải mắc hơn 40 chiếc quai giỏ mới tạm đủ ăn.

Không những nát tay mà đôi chân trần của chị cũng bị tre trúc băm nát. Con gái cùng xóm với chị ai cũng có những vết trầy xước như vậy. Chị còn thì thầm tiếp: "Tui lấy chồng rồi còn đỡ. Mấy đứa bạn tui mới nứt mắt đã ngồi đan lát, đến lúc lấy chồng đứa nào cũng không biết chữ nên khi làm giấy kết hôn, họ chỉ lăn tay thôi. Tuy nhiên, dấu vân tay mờ căm nên đành chịu cưới chui".

Gặp khó khăn khi chứng nhận nhân thân

Những vết dằm ghim vào tay, những lớp da bị bong tróc đều được chữa trị một cách đơn giản. "Chỉ cần ngâm bàn tay vào nước cho chúng mềm lại, phình to, những lớp da bong được gỡ sạch. Ngay hôm sau vết thương khô lại, công việc cứ thế tiếp tục mà không hề hấn gì", chị Thảo nói.

Theo thời gian, họ không để ý dấu vân tay của mình bị bào mòn lúc nào không biết. "Chỉ đến khi làm giấy khai sinh cho con, tôi mới biết sự rắc rối. Đến bây giờ tôi cũng chưa làm được khai sinh cho nó", một phụ nữ ở đây cho biết.

Dường như với những ai là thợ làm cần xé lâu năm cũng có những nỗi niềm riêng. Anh Mai Hoàng Út vừa nói vừa giơ cao đôi bàn tay xây xước, nhẵn thín những mảng da: "Chỉ tội mấy đứa thanh niên mới lớn lên ở cái khóm này. Làm cái nghề này hoài cũng chán, tụi nó muốn lên Sài Gòn làm việc. Nhưng mỗi lần chạy đi chứng giấy tạm trú là một lần khổ, bởi chúng không biết chữ mà đầu ngón tay trỏ lại không có dấu tay. Thế là mấy đứa phải đợi đến năm, sáu tháng mới có thể đi làm lại giấy tờ. Hầu hết chúng tôi là dân nhập cư nên khó mua nhà được ở đây lắm. Đủ tiền mua được cái nhà nhưng nghĩ đến chuyện giấy tờ, thủ tục, nhìn bàn tay là nản ngày".

Không chỉ phụ nữ, trai tráng, lão làng ở khóm 7 này mới theo nghề đan để nuôi gia đình, những đứa trẻ mới năm tuổi cũng đã gỡ nẹp, đan lạt như thường như bé Đạt, 5 tuổi là thợ đan nhỏ nhất xóm, gương mặt lầm lỳ, vẻ ít nói.

Hai chân nhỏ như hai câu đũa cả, Đạt cố giữ chặt lấy chiếc cần xé. Trên đôi tay chưa biết cầm viết chỉ thấy mảng trầy xước dọc ngang, chằng chịt trên từng đầu ngón tay, trong lòng bàn tay. Có chỗ rướm máu đã khô để lại một vệ xước đỏ thẫm trên da. Khi được hỏi tại sao không đeo găng để đan, cậu nói: "Mang găng vào thì không đan nhanh được. Ở đây ai cũng vậy hết mà".

Với bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra bên dòng sông Cái Cá, việc đan giỏ để mưu sinh là điều trước tiên, sau đó mới đến con chữ.

Tiếng còi tàu liên tục hú ngoài sông. Một đám trẻ nhỏ chạy ùa ra sông vát tre, chẻ lạt, chuyên cần xé lên thuyền giúp ba mẹ. Nhanh nhảu nhất trong đám là cậu bé Thuyên. Mặc dù thân hình gầy còm, nhưng cậu lại đội đến 10 giỏ cần xé trên đầu. Mặc dù đã 17 tuổi, nhưng cậu không biết nổi mặt chữ, và cũng chưa có giấy chứng minh thư.

"Nhiều lần đi làm nhưng mấy đầu ngón tay mấy dấu vân, đợi hoài không liền lại được nên thôi luôn. Còn giấy tờ tạm trú để đi xa em nhờ mấy đứa bạn làm giúp. Cũng không biết đến bao giờ mới thôi vô danh như vậy", cậu nói.

Nhưng dù thế, họ vẫn cố gắng vươn lên, bám lấy cái nghề. "Không làm cần xé thì lấy gì mà sống. Mỗi ngày tôi kiếm được vài bai chục nghìn từ việc đan giỏ, như thế cũng đủ tiền mua ký gạo nấu cho cả nhà. Thiếu thốn nhưng không dám bỏ nghề mà kiếm việc khác được", ông Nguyễn Văn Hòa, 53 tuổi, một thợ đan lâu năm tại khu vực nói.

Mỗi ngày kiếm được 80.000 nghìn đồng họ phải vắt sức để làm từ sáng đến tối. Với số tiền ấy, người thợ đan cần xé phải chi cho tiền nhà trọ, ăn uống, cả chuyện sách vở cho những đứa con.

Trời đã tối, xóm đan cần xé đã lên đèn. Vẫn còn ngồi một góc cạnh bờ sông, bóng người phụ nữ cố đan xong chiếc giỏ. Chị khát khao: "Con trai tôi đang ôn thi cho kỳ thi đại học. Thằng bé thích học trường luật. Tôi đang cố hết sức cho nó miếng ăn, cái chữ với mọi người".

Theo Tiếp thị và Gia đình

Chia sẻ