Những "nghệ sỹ" khiếm thị và câu chuyện nghệ thuật vượt thị giác

Liên Lê ,
Chia sẻ

Tôi nghĩ về sự lặng lẽ của những người thầy, về ánh sáng trong những bức tranh của các em học trò khiếm thị. Ai đã thắp lên ánh sáng ấy trong tâm hồn bọn trẻ? Người thầy hay một thứ khả năng thiên phú nào đó nằm sẵn trong các em?

Đã không biết bao lần tôi gặp những người khiếm thị đi trên phố. Và lúc ấy, trong tôi chỉ dấy lên một niềm thương cảm. Tôi nghĩ, sẽ có nhiều người giống như tôi.

Nhưng khi đứng trước những bức tranh và sản phẩm gốm trong một triển lãm nọ, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và sự ngạc nhiên đã biến thành khâm phục từ lúc nào không hay khi tôi biết rằng đó là những sản phẩm do chính các em học sinh khiếm thị tạo ra.

Một thế giới tràn đầy màu sắc với cây cỏ, hoa lá, với biển trời quê hương, những cánh đồng lúa chín… hay những tác phẩm gốm là những con vật ngộ nghĩnh như con voi, con trâu, con rùa… đã được các “nghệ sỹ” sáng tạo với một tầm nhìn vượt ra khỏi sự cản trở của thị giác.

Với trẻ khiếm thị, có thể cuộc đời không may đã lấy đi của các em đôi mắt nhưng bù lại, sẽ cho các em sự nhạy cảm và một tâm hồn sáng lên niềm lạc quan yêu đời. Đó là điều mà không ít người đang thiếu.

Các em, với nghị lực và sự tự tin của mình, đã một lần nữa chứng tỏ với cộng đồng xã hội rằng người khiếm thị hoàn toàn có thể tham gia vào nhiều hoạt động, thậm chí là cả nghệ thuật - một lĩnh vực mà không phải người sáng mắt nào cũng làm được. Nếu không được biết trước, tôi hoàn toàn sẽ nghĩ đây là của các tác giả khỏe mạnh bình thường.

Để có hơn 100 bức tranh và 200 sản phẩm gốm tham dự triển lãm “Nghệ thuật kết nối tình bạn” này, đã có rất nhiều sự nỗ lực và kiên trì trong 8 năm qua. Được biết, đây chỉ là hoạt động mở màn cho chuỗi hoạt động nằm trong dự án “Nghệ thuật vượt thị giác” do bà Elisabeth Persson, một nghệ sỹ, đồng thời là một nhà hoạt động xã hội người Thụy Điển, khởi xướng.

Những

Những

Những

Những
Tác phẩm màu sắc và tinh tế của những đứa trẻ khiếm thị hoàn toàn được tạo ra bằng trí tưởng tượng.

Trong nhiều năm qua, người phụ nữ Bắc Âu gần 70 tuổi này đã đồng hành cùng với những người bạn Việt Nam tâm huyết khác, lặng lẽ triển khai dự án này bằng việc mở các lớp học nghệ thuật cho trẻ khiếm thị. Miệt mài đi lại giữa Việt Nam và Thụy Điển, xúc tiến các hoạt động giao lưu cho trẻ khiếm thị và nghệ sỹ 2 nước, bà Elisabeth rất khiêm nhường khi nói về mình. Nhưng trái lại, khi kể về các học trò, bà cũng như nhà điêu khắc Đào Ngọc Huỳnh và họa sỹ Dương Ái Nhi – những người trực tiếp dạy các em khiếm thị - lại trở nên vui vẻ lạ thường.

Nhà điêu khắc Đào Ngọc Huỳnh chia sẻ: “Với tôi, mỗi chiều thứ 7 bao giờ cũng là khoảng thời gian vui nhất. Mình đi làm cả tuần, bực dọc mệt mỏi cỡ nào, nhưng đến trường, gặp các em là thấy như “sống” lại. Điều đặc biệt là các em không tự tin, mặc cảm mà rất lạc quan. Tôi vẫn còn nhớ câu đùa tếu của một cậu học trò khi chẳng may cứ va phải bàn trong giờ học “Dạo này mắt mình kém thế nhỉ”

Những

Những
Những tác giả nhỏ lạc quan và khéo tay

Còn cô Dương Ái Nhi thì xúc động kể dù nắng hay mưa, trời đông hay hè, lúc nào đến trường cũng bắt gặp hình ảnh các em đứng ngồi trước cửa lớp chờ cô giáo. Dạy học trò khiếm thị khó vạn lần dạy học trò khỏe mạnh, ví như thầy Huỳnh phải mất 2 năm chỉ để học trò học môn… sờ đồ vật và cắt giấy, cắt xốp. Vậy mà bao nhiêu năm qua, những con người như bà Elisabeth, thầy Huỳnh, cô Nhi vẫn đi về với các học trò. Họ tin rằng nghệ thuật sẽ là phương tiện giúp các em bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của chính mình.

Tôi nghĩ về sự lặng lẽ của những người thầy, về ánh sáng trong những bức tranh của các em học trò khiếm thị. Ai đã thắp lên ánh sáng ấy trong tâm hồn bọn trẻ? Người thầy hay một thứ khả năng thiên phú nào đó nằm sẵn trong các em? Có lẽ đó là nhờ niềm tin và sự lạc quan trong cả hai phía. Nhờ có nó, bóng tối đã không còn là thứ đáng sợ bên cạnh mặt trời.

 Triển lãm hội họa và điêu khắc “Nghệ thuật kết nối tình bạn”
Diễn ra đến hết ngày 17.1
Địa điểm: tầng 1, Heritage Space, tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội


Chia sẻ