Những màn cầu hôn nổi đình nổi đám: Tình yêu có nhất thiết phải ầm ĩ?

Hoàng Nguyên Vũ,
Chia sẻ

Tình yêu cần lắm những phút lãng mạn để thăng hoa, nhưng nếu làm quá, hoặc sẽ trở thành viển vông, hoặc sẽ lộ liễu sự bày trò.

Cứ khoảng một thời gian, các mặt báo hay mạng xã hội lại “phơi” ra một màn cầu hôn hay một cuộc tỏ tình nào đó “độc độc lạ lạ”. Nhẹ đô thì mướn loa về réo gọi ầm ĩ cả khu ký túc xá của một cậu sinh viên muốn gửi thông điệp yêu đương đến một cô gái trong trường khiến bộ phận trật tự phải vào cuộc, “nặng” hơn chút nữa thì mua hoa hồng về xếp tên hai đứa trong một quả tim to…vật vã như cậu sinh viên Bách khoa Hà Nội năm trước. Và, “nặng lắm rồi” là anh chàng bầu sô hoa hậu gì đó với cô tiếp viên hàng không ầm ĩ trên mặt báo trong những ngày vừa rồi.

Trước khi đi vào vấn đề là “có cần thiết phải thế không”, tôi cũng muốn thông tin đến cho bạn đọc về 2 trong 3 “ca lạ” nói trên. Ca đầu tiên, cô gái cũng đáp tấm chân tình khá…phiền toái của chàng trai, đã trở thành người yêu của anh ta. Nhưng một thời gian ngắn, tầm 3 tháng hoặc hơn, thì đường ai nấy đi. Và dĩ nhiên, cuộc chia tay không ầm ĩ như cuộc tỏ tình. Còn cặp đôi “tin ở hoa hồng” tại sân trường Bách Khoa cũng có cái kết tương tự cặp đôi đầu.

Thực tế, tình yêu cần lắm những phút lãng mạn để thăng hoa, nhưng nếu làm quá, hoặc sẽ trở thành viển vông, hoặc sẽ lộ liễu sự bày trò.

Nổi tiếng vì tình yêu: Viển vông hay làm trò?
Một màn cầu hôn chi tiền tỷ, thuê cả trực thăng bay qua khách sạn mang theo dòng chữ đầy lãng mạn của chàng trai người Trung Quốc dành cho bạn gái

Hẳn bạn còn nhớ chàng họa sĩ nghèo người Gruzia, Niko Pirosmani (1862-1918) và nàng ca sĩ người Pháp Magragita, những nhân vật có thật trong ca khúc “Một triệu đóa hồng” kinh điển? Để bày tỏ tình yêu với cô gái, Niko đã làm tất cả, vẽ tất cả các bức tranh về nàng, rồi bán tất cả tranh, cả ngôi nhà của mình để mua một triệu đóa hoa hồng để trước quảng trường nơi cô ca sĩ đang ở trong một chuyến lưu diễn.

Rồi một sáng tỉnh giấc, cô ca sĩ cứ ngỡ người triệu phú nào đã làm việc này. Khi biết đó là chàng họa sĩ, cô đã đến tặng chàng một nụ hôn cho kẻ yêu đơn phương, rồi lên tàu về phương xa cùng với một người đàn ông giàu có. Đến cuối đời, Niko Pirosmani vẫn là họa sĩ nghèo. Ông mất vào giữa năm 1918 vì thiếu dinh dưỡng và bệnh gan.

Chàng họa sĩ hay hai cậu sinh viên trên, tôi vẫn nhìn nhận đó là những tình cảm đầy trong trẻo nhưng không ít sự viển vông trong đó.

Còn cặp đôi ầm ĩ vừa qua, thực lòng tôi rất cầu mong cho họ bền lâu (vì chẳng ai có thể hẹp hòi đến mức quay lưng với niềm vui của người khác), nhưng cái cách cầu hôn vì sự nghiệp… quay phim ghi hình và lên báo như thế, rõ là một chiêu thức PR, một hình thức đánh bóng tên tuổi của nhân vật trong cuộc.

Trong cái thời buổi mà mặt báo trở thành đất diễn cho những ai muốn ghi danh, người ta không ngại lôi tất tần tật chuyện riêng của mình với đủ vị đắng cay chua chát và thậm chí cả “ngọt ngào” không mấy hiếm với những kiểu tỏ tình, cầu hôn hay những đám cưới với những điều “lạ lạ” chẳng hạn, để nổi tiếng. Họ nói về tan vỡ, đau đớn hay bị phản bội, hay là vượt qua tuổi thơ khổ cực ra sao, có thể là chuyện có thật, nhưng cứ nói nhan nhản, thế là tên tuổi sẽ được hâm nóng. Họ nói về hạnh phúc, cũng có thể là thật, nhưng mở báo nào ra cũng thấy, họ gây được chú ý.

Tuy nhiên, những “câu chuyện hạnh phúc” mà họ nói, nhiều khi…thấy vậy mà không phải vậy. Tôi đã từng làm một talk show với một nam diễn viên nổi tiếng. Trong show này, anh nói rất hay về người bạn đời của anh, và nói rằng họ rất hạnh phúc, họ cùng chăm lo cho con, họ sẽ vì nhau để đi một con đường dài… Khi show chưa kịp phát, tức là chưa đến một tuần, các mặt báo nhan nhản câu chuyện chia tay chẳng mấy êm đẹp của họ với những lời lẽ tố cáo, sỉ vả cay nghiệt của họ dành cho nhau trong những tin nhắn. Đúng là may chưa phát show đó, nếu không, tôi không biết phải nói sao với khán giả của mình.

Quay lại với câu chuyện cầu hôn ầm ĩ vừa qua, có khi nào bạn đặt câu hỏi: Nếu tình yêu thực sự có cần thiết phải ầm ĩ? Tôi không phủ nhận mỗi người một cách thể hiện, có người yêu thầm lặng, có người vui sướng nhảy cẫng lên. Nhưng nhảy lên giữa đường là đã quá lắm rồi. Nhảy lên hết báo này sang báo khác, thì câu chuyện đã không còn cái vẻ giản dị đến dễ chấp nhận của những người hồn nhiên. Mà có gì đó như tính toán cân đong, sắp đặt và…diễn cho tới.

Mỗi người một lựa chọn thể hiện chuyện riêng của mình. Người chọn cách giữ cho mình biết, người thì thích chia sẻ vì không muốn giữ niềm vui một mình. Nhưng đa số, chuyện riêng tư nên xếp nó vào một góc riêng trong ngôi nhà của bạn, nơi bạn về đó nương náu mỗi ngày, hoặc nơi trái tim bạn, nơi bạn có thể cảm nhận được sự cần thiết về điều đó đến từng giây. Chuyện riêng sẽ không còn là riêng nữa, và tình cảm sẽ không còn thiêng liêng nữa, và chắc chắn không bao giờ bền lâu, nếu như bạn đem nó ra để thực hiện cho một phi vụ đầy tính toán, cho một mưu cầu cá nhân nào đó bên ngoài nó.

Nên trả chuyện riêng về đúng chất riêng tư của nó. Người ta có thể thấy diễn viên Lê Khánh khóc cười mỗi ngày với các vai diễn nhưng ít ai có thể biết được cuộc sống thật của cô. Cho đến một ngày, bạn bè được tin cô lấy chồng, với một người đã cùng vui buồn với cô trong một cuộc tình 6 năm. Cưới xong, ai lại công việc người đó, Lê Khánh lại tiếp tục khóc cười với những vai diễn mỗi ngày và trở về với tổ ấm của mình sau tấm màn nhung mỗi đêm khép lại.

Tình yêu cũng như cuộc sống, cần chút lãng mạn vừa đủ, còn nữa, hãy sống thật với nó. Tuy nhiên, tình yêu khác cuộc sống ở chỗ, cuộc sống bạn có thể dành cho nhiều người. Nhưng tình yêu thì bạn chỉ dành duy nhất cho người bạn yêu, trong không gian của hai người. Đừng để người khác làm phiền không gian của bạn và cũng đừng làm phiền người khác bằng những điều trong không gian của bạn.


Chia sẻ