Những giai nhân đất Tuyên Quang "đẹp không tả xiết"

,
Chia sẻ

Cho đến giờ, có lẽ áng nhan sắc mang sức công phá mạnh nhất xứ Tuyên thuộc về cô chủ tiệm tạp hóa Hạ Bảo Khuê. Nhan sắc kỳ lạ ấy đủ làm tê dại tất cả đấng mày râu.

Tôi từng đi qua những miền gái đẹp nức tiếng trên dải đất hình chữ S, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Đức Thọ (Hà Tĩnh); từ đất cố đô bên dòng Hương Giang đến Tây đô miệt vườn hoa trái, nhưng không nơi đâu có được những huyền thoại về nhan sắc thật đến độ thành... hư ảo, như ở Tuyên Quang. “Chè Thái, gái Tuyên” quả danh bất hư truyền.
 
Tuyệt thế giai nhân Hạ Bảo Khuê

Cho đến bây giờ, có lẽ áng nhan sắc mang sức công phá mạnh nhất xứ Tuyên thuộc về cô chủ tiệm tạp hóa Hạ Bảo Khuê thời chiến khu Việt Bắc những năm kháng Pháp.

Hạ Bảo Khuê có một nhan sắc kỳ lạ, đủ làm tê dại tất cả đấng mày râu ngay lần đầu gặp mặt. Mọi thứ trên người nàng đều căng tròn, uốn lượn, thon thả. Những đường nét ấy hội tụ hoàn hảo ở khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to đen mênh mang và làn da trắng như nước sông Lô mùa thu. Nhưng cái vóc dáng trời cho ấy, lại chỉ “đóng góp” một phần nhỏ trong tổng thể lực hút mê hồn của mỹ nhân.

Những năm 1945-1950, khi 99,9% đàn bà con gái nước Nam diện quần nâu áo vải, răng đen hạt na, chân lội bùn cày cấy, thì tiểu thư con nhà tư sản Hạ Bảo Khuê đã dung dăng đầm Tây, răng trắng lóa, cưỡi ngựa thăm thú đó đây, biết đánh ping-pông (bóng bàn), biết khiêu vũ, nói tiếng Pháp như người gốc Phú Lang Sa và đặc biệt, nàng lái được cả xe bốn bánh.

Nhưng rồi, người đẹp lạ lùng ấy, cũng đã bỏ lại 15 gian nhà gạch đường bệ của gia đình ở phố Tam Cờ, Cầu Gỗ, bỏ lại nhiều thú chơi đài các, để tản cư kháng chiến.

Người mẫu Thủy Hương - một người con của đất Tuyên Quang

Sự xuất hiện của một thiếu nữ cùng tiệm tạp hóa vô danh, ngay lập tức đã khiến cái địa danh khá buồn cười Cây Đa Nước Chảy (gần chỗ rẽ từ Tuyên Quang sang Yên Bái) trở nên cực kỳ nổi tiếng.

Giữa rừng xanh, áo lính xanh, cô chủ quán mặc đồ trắng rờ rỡ, lượn ra lượn vào, khiến không khí thời chiến vội vã muốn ngưng đọng lại. Có nhiều thời điểm, khách mua đông như trẩy hội. Thực mua thì ít, mượn cớ xem hàng để có cơ hội được tận thấy vẻ kiều diễm của người bán thì nhiều.

Khách mới đến cửa, Hạ Bảo Khuê đã nhẹ nhàng cầm tay, dắt vào chọn áo, rồi tự tay mặc áo mới cho. Bàn tay búp măng mềm mại của nàng vuốt dọc lưng khách để xoa đi những nếp nhăn trên áo. Rồi lại cầm tay kéo khách đến trước gương cho nhìn, cho ngắm.

Ai cũng thích rợn người! Đổi lại, khách phải cộng cả sắc đẹp và công phục vụ của cô chủ quan vào tiền mua hàng. “Đắt khủng khiếp, giá bán đúng là “nhà máy chém” thật. Thế mà khách cứ lao vào nườm nượp” - lão nhiếp ảnh gia có tiếng ở Tuyên Quang - ông Hải Hà - người đã từng là khách một thời của tiệm tạp hóa Cây Đa Nước Chảy kể lại - “Các anh cứ hình dung rằng các cô hoa hậu bây giờ so về sắc thì thua xa người ấy”.

Cũng vì sắc đẹp ấy mà có người suýt phải bỏ mạng. Muốn chiếm ưu thế với người đẹp, ba người đàn ông nổi tiếng trên Tuyên Quang lúc bấy giờ, một là hiệu trưởng giỏi ở trường cấp III, một là bác sĩ, người thứ ba là chỉ huy oai nghiêm của một đơn vị to đã suýt đổ máu thật sự. Súng đã rút, đạn đã lao ra khỏi nòng ngay sân nhà nàng, nhưng may sao người còn nguyên vẹn.
 

Giai nhân Hạ Bảo Khuê ở tuổi 40

Nhờ sắc đẹp ấy mà sau này Hạ có một chuyện tình như trong phim với chàng công tử giàu có chốn Hà Thành. Từ đó, bà sống khá thu mình cho đến lúc qua đời - năm 2004 - và không ai biết rằng người phụ nữ lặng lẽ ấy đã từng làm xao động cả một vùng chiến khu Việt Bắc.
 
Hai mỹ nhân “đối mặt” và chuyện ly kỳ trong nhà xác

Khi những câu chuyện về Hạ Bảo Khuê đã lùi dần vào góc khuất đời sống sau chiến tranh, có một áng nhan sắc khác làm người Tuyên phải trầm trồ trong một thời gian dài, đó là một nhân viên đánh máy chữ ở ủy ban kế hoạch tỉnh, bà Bình.

Nhan sắc ấy, theo nhiều người cùng thời nói lại là “đẹp không tả xiết”, chỉ có thể nói ngắn gọn: Bình có gương mặt và đôi mắt giống hệt Đức mẹ Maria. Nói về dung nhan ấy, những người cùng thời ở Tuyên thường kể lại những câu chuyện thật mà ly kỳ như giai thoại.

Chuyện thứ nhất xảy ra khi người đàn bà đẹp ấy đã có chồng. Thuở ấy, khi Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập làm một tỉnh, “tài sản” mà người hai tỉnh đem ra khoe với nhau là hai mỹ nhân tuyệt sắc. Ở Tuyên đương nhiên là Bình, còn át chủ bài của Hà Giang là cô Cúc.

Từ khi được so sánh với nhau tất nhiên cả hai người đẹp đều thấy vui, nhưng trong sâu thẳm thì họ lại bồn chồn, bứt rứt. Ai mới là người đẹp nhất? Cái bứt rứt ấy cứ lớn dần lên và đến một ngày, không chịu được nữa, Bình đành âm thầm bắt xe khách một mình ngược Hà Giang để một lần được “đối diện” đối thủ.


Á hậu Tô Hương Lan và diễn viên Lệ Hằng

Cuộc gặp diễn ra như thế nào thì không ai biết và hai người đẹp tế nhị cũng tế nhị đào sâu chôn chặt. Nhưng sau cuộc gặp ấy, Bình đã rất đẹp lòng khi có người trên ấy nói với nàng rằng, về sắc, thì kẻ tám lạng, người nửa cân, nhưng trông vẻ đằm thắm thì gái Tuyên vẫn có cái gì đó không thể tả hết.

Chuyện thứ hai kỳ dị hơn nhiều, Bình từ giã cõi đời ở tuổi 40, khi chưa kịp hồi xuân. Con gái bà Bình, họa sĩ Ngọc Anh - cũng là một người đàn bà khác thường về nhan sắc - kể: “Mẹ đẹp đến nỗi khi chết vẫn còn có người muốn nhờ vả nhan sắc của bà. Bà mất, thi thể quàn tại nhà xác bệnh viện.

Có một Việt kiều giàu có về nước, vì mê tín, nên tin rằng ai được cầm tay người đàn bà thật đẹp vừa chết thì sẽ gặp rất nhiều may mắn, nên đã lăn lộn trong nhà xác xin được mở nắp quan tài để thực hiện mong muốn đó. Và ông ta được toại nguyện”.

Giai nhân Nà Hang và những nẻo đường nhan sắc

Sau thị xã Tuyên Quang là đến Nà Hang - quê hương của 99 ngọn núi, với những lớp “người cũ”, những người nhiều tuổi ít ai không biết câu nói cửa miệng mỗi khi bàn đến cái đẹp: lên Nà Hang mà chưa gặp được Pác Cú thì coi như chưa đến.

Pác Cú là một mỹ nhân diễm lệ ở mảnh đất xa xôi nhất xứ Tuyên này. Trai thời ấy, dù là người rụt rè, nhưng chỉ cần nghe đến tên cô gái Tày này cũng đã thấy rung rinh. Những chàng bạo dạn hơn thì rủ nhau lũ lượt đi dọc suối, mong được một lần thấy Pác Cú hong tóc, gội đầu hoặc vùng vẫy tòa thiên nhiên giữa làn nước xanh ngăn ngắt.

Tất nhiên, chẳng chàng nào được toại nguyện, vì người đẹp rất cẩn trọng trong việc phơi bày nhan sắc của mình. Về sau một quan chức trong ngành văn hóa tỉnh nhà đã có được giai nhân này và Pác Cú sống cuộc đời hạnh phúc cho đến khi đột ngột qua đời ở tuổi 60.

Nà Hang còn có nhiều áng nhan sắc khác, cũng từng làm điên đảo trai tráng một thời như nàng Lệ, nàng Nhót. Nhưng tất cả không gây được sự chú ý đặc biệt bằng một cô gái Tày khác (tên K.). Đó là người đẹp được biết đến với khá nhiều thán phục và... ác cảm.

Người ấy, theo sự kể lại của dân cùng thời, là một cô gái Tày có mái tóc dài như suối, mỗi khi hong tóc hoặc gội đầu, phải đứng trên một chiếc ghế để tóc khỏi chạm đất. Nước da, thường thấy ở những người xứ lạnh còn mê hồn hơn mái tóc.

Một khuôn mặt pha trộn giữa nét ngơ ngác sơn nữ với đôi chút lanh lợi, đa tình của người xuôi, thập đẹp nhưng thoạt thấy đã gợi lên về cám dỗ giới tính. Chỉ có điều nhan sắc ấy thường đi kèm với tai họa. Người chồng, trong một lần quá sốc bởi tính trăng hoa của vợ, đã chết vì đột quỵ.

Không đi bước nữa nhưng người đàn bà ấy được rất nhiều người coi là vợ. Mấy năm trước, mỹ nhân tai họa này còn có dịp nổi tiếng hơn nữa khi đứng ra lập... nhà chứa kinh doanh hương phấn và đã bị công an sờ gáy.

Chẳng thể kể hết tên và chuyện thực của những giai nhân xưa đã đi vào huyền thoại ở xứ sở bên triền con sông đẹp vào hạng nhất miền Bắc này - sông Lô.

Còn thì hiện tại, chỉ đếm đầu ngón tay thôi, cũng đã đủ thấy “vựa mỹ nhân” này miên man hương sắc; chị em người mẫu Thủy Hương - Mỹ Hạnh; diễn viên Vũ Mai Huê, Thu Nga, Lệ Hằng, á hậu Báo Tiền Phong 1992 Nguyễn Minh Phương, á hậu 1994 Tô Hương Lan, người mẫu Dương Thanh Chấn, phát thanh viên truyền hình Thu Hiền, Tùng Lâm, người đẹp Lưu Thị Minh Xuân, Ngô Huyền Trang, Nguyễn Lan Hương, Lý Trung Kiên...

Có người nói rằng mấy năm trở lại đây, Tuyên Quang mất mùa nhan sắc. Dường như “vựa mỹ nhân” đã “di cư” xuống Hải Phòng, Hà Nội... Tôi, mỗi lần ngược xứ ấy, đứng tư lự bên cổ thành nhà Mạc, vẫn thấy nhiều lắm những áng sắc nước hương trời rất Á Đông “trốn e ấp” trong bộ dạng tuềnh toàng của một cô bé bán rau bán cá, rồi trỗi dậy rạo rực dưới đường cong áo dài nữ sinh và đọng lại thật lâu trong đáy mắt của khách lãng du.

TheoBùi Thanh Hải
Phụ Nữ TPHCM
Chia sẻ