Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện

TT,
Chia sẻ

Không những phải chịu đựng những cơn đau đớn, ôn ói, tiêu chảy sau mỗi lần xạ trị, những em bé bị ung thư còn phải nằm vạ vật ở phòng bệnh chật chội, ngột ngạt từ tháng này qua tháng khác...

"Con đã chết trước khi về nhà..."

Có hai đứa con sinh đôi (sinh năm 2011) đều bị ung thư, một bé đã mất, một bé đang điều trị, đó là câu chuyện đau lòng của chị Vũ Thị Kiều (số điện thoại 01682446136) quê ở Định Quán, Đồng Nai mà chúng tôi được tiếp xúc tại tại Khoa nhi, lầu 2, Khu B, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Hai bé Nguyễn Vũ Kiều Nguyên (đã mất) và Nguyễn Vũ Kiều Anh đều mắc bệnh ung thư máu, được chuyển sang bệnh viện ung bướu để điều trị lâu dài. 

Chị Kiều cho biết, khi cặp song sinh trên được 5 tháng tuổi thì có triệu chứng bất thường về sức khỏe. Bệnh viện Huyết học cho biết cả hai đều mắc bệnh về bạch cầu. Từ đó đến nay, hai bé phải ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà với sự chăm sóc của cả ba lẫn mẹ. Cứ 2 - 3 tháng, hai bé chỉ được về nhà khoảng vài ngày rồi lại trở lên nằm viện. 

Nỗi đau tột cùng đã ập đến khi bé Kiều Nguyên mất vào ngày 17/3 vừa qua. Chị Kiều kể trong nghẹn ngào: “Do bệnh đã di căn, nên sức khỏe bé cứ yếu dần. Bác sĩ thông báo nên về để bé được nhắm mắt tại nhà. Nhưng buồn lắm, xe cấp cứu vừa đi đến Suối Tiên là con đã ra đi mãi mãi, không kịp về nhà mình lần cuối”.  Kể đến đây thì chị im bặt, cắn môi để ngăn lại tiếng khóc nơi đông người.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 1

Chị Kiều nghẹn ngào kể về cái chết dọc đường của con gái mình.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 2

Gầm giường giờ là nhà của chị và con gái Kiều Anh. Trước đây còn có cả Kiều Nguyên.

Bé Jơ Ngó Duy Phan (16 tháng tuổi) là con trai của chị Ma Mú (người dân tộc K'Ho, trú tại Lâm Đồng, số điện thoại 01636395355). Jơ Ngó bị u não và đã trải qua 1 lần phẫu thuật. Đợt trở xuống TP.HCM lần này, chị và con trai dự định tái khám và vô hóa chất. Tuy nhiên thăm khám bác sĩ cho biết não của bé chưa ổn định hoàn toàn, có thể phải thêm 1 lần mổ nữa. Vốn là người dân tộc, tiếng Kinh lơ lớ, nên mỗi lần xuống TP.HCM với chị Ma Mú như một cuộc hành trình sang thế giới khác, đầy bỡ ngỡ, lo lắng. Thêm gia cảnh túng thiếu, nhà ít người, khó khăn của chị so với những bà mẹ khác thành ra nhân đôi, nhân ba.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 3

Chị Ma Mú và con trai Jơ Ngó Duy Phan. Trên đầu bé hiện rõ vết sẹo sau lần phẫu thuật trước. 

Hóa - xạ trị: con đau, cha mẹ xót

Mỗi đợt xạ trị, hóa trị của bệnh nhân ung thư diễn ra trong 10 - 20 ngày với 3 - 4 toa hóa chất, hoặc nhiều “tia” xạ mới xong. Sau mỗi đợt xạ hoặc vô hóa chất như thế bệnh nhi đều lâm vào cảnh vật vờ, sốt cao, chán ăn, quấy khóc, nôn ói và tiêu chảy...

Một người cha có con vừa hóa trị  xong, thở dài nói: “Thấy con khóc lóc, nôn ói mà mình chỉ biết rớt nước mắt dỗ dành, có nhiều lúc xót đến điếng người rồi ngồi trơ ra đó nhìn con thôi. Xót ruột lắm!”.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 4

Một cháu bé sau khi hóa trị phải chịu cảnh vừa nôn ói vào thau vừa tiêu chảy vào bô.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 5

Sau khi xạ trị bé trai bị ung thư mắt trở nên mệt mỏi, chán ăn và khóc quấy.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 6

Ánh mắt đầy nước nhìn ra từ khe cửa.

Có nhiều bệnh nhi nhà ở miền Trung hoặc Cà Mau, Bạc Liêu, do sức khỏe kém và thời gian giữa các đợt hóa - xạ trị cận nhau nên đã cùng ba mẹ chọn bệnh viện là nhà. Dọc lối đi luôn là cảnh nằm ngồi vật vờ của cha mẹ và các bệnh nhi. Giường bệnh thì ít, bệnh nhi thì nhiều, thêm nữa việc chăm con đôi khi phải cần đến hai người thân nên phòng bệnh trở nên chật chội. Thậm chí gầm giường cũng được tận dụng làm chỗ nằm.

Gia đình có con mắc bệnh thì hầu như phải bỏ việc, bỏ quê vô viện để chăm con. Như trường hợp của chị Thu Hồng (Đắk Lắk) phải gửi con nhỏ mới 11 tháng tuổi ở quê cho bà nội chăm để túc trực ở bệnh viện cùng bé Diệu Hiền (SN 2011) bị ung thư máu. Gia đình anh Đuy ở Khánh Hòa cũng đã bán nhà vào TP.HCM nuôi con bị ung thư mắt.

Chị Kiều và chồng (mẹ và ba của cặp song sinh kể trên) phải bỏ việc theo con nằm viện khi hai bé mới 5 tháng tuổi. Tháng 3 vừa rồi bé Nguyên mất, chồng chị mới về nhà làm tiếp việc chở hàng thuê. Chị cho biết thêm: “Hai anh nó (bé 12, bé 14 tuổi - PV) ở nhà cũng phải một buổi đi học một buổi đi bán vé số để phụ giúp thêm cho mẹ nuôi em và trả tiền góp hàng tháng số nợ hơn 36 triệu đồng”.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 7

Bé gái nằm vật vờ vì mệt.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 8

Phòng và giường bệnh thiếu thốn, chật chội nhưng đó là nhà của nhiều bệnh nhi và ba mẹ.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 9

Một bé trai chỉ mới biết đi nhưng phải chịu cảnh vướng víu bởi ống truyền, kim tiêm.

Những em bé sống dưới gầm giường bệnh viện 10

Bệnh cạnh đó, những bệnh nhân và thân nhân lớn tuổi cũng phải chịu cảnh lấy hành lang bệnh viện làm nhà, bất kể mưa nắng.

Khát khao được giúp đỡ

Đa phần gia đình bệnh nhân nhi đều nghèo khó, lại trải qua những đợt điều trị tốn kém kéo dài hàng tháng, hàng năm trời, nên khó khăn, nợ nần chồng chất. Thứ 7, chủ nhật nào cũng có người đến phát quà từ thiện, nhưng so với nhu cầu thực tế, cũng như muối bỏ bể.

Chị Hồng Minh cho biết: “Ở đây chúng tôi được nhận cơm từ thiện hai phần/ngày, vào buổi trưa và chiều, từ thứ 2 đến thứ 7, còn chủ nhật tự lo”. Chồng chị giải thích thêm: “Mỗi phòng chỉ được 14 phần thôi mà số bé thực tế và người thân nhiều hơn như vậy, nên có một số người phải tự lo”.

Không ít lần, trong những đợt phát quà từ thiện, nhiều cha mẹ mất kiên nhẫn đã chen lấn, xô đẩy để được nhận quà và bày tỏ việc muốn được giúp đỡ. Khi những nhà hảo tâm rời khỏi bệnh viện, đôi khi các thân nhân và bệnh nhân ung thư chạy theo ra đến tận sân, nhìn theo đầy khắc khoải. Tất cả đều vì họ quá thương xót con mình, muốn giành cho con một cơ hội.

Các bậc cha mẹ đều có chung tâm trạng: mình sao cũng được, ăn tạm bợ sống qua ngày cũng không sao, nhưng con không đủ đầy thì thấy day dứt trong lòng.: “Con mình còn nhỏ, nó đâu biết gì là kiềm chế. Đôi khi thấy người ta ăn món này món nọ, nó đứng nhìn có vẻ rất thèm thuồng. Thấy cảnh đó, cha mẹ nào mà không xót ... Nên ba mẹ phải nhịn nhiều thứ, dành hết tiền lo cho con..." - Chị Kiều rớt nước mắt nói.

Khoa Nhi bệnh viện Ung bướu là một trong những địa điểm đáng để các cá nhân, đơn vị hảo tâm ghé thăm. Các cá nhân đơn vị có thể liên hệ trước với ban quản lí khoa để dễ dàng tìm đến các trường hợp khó khăn nhất cần giúp đỡ.

Chia sẻ